Người trong cuộc lên tiếng về cuốn sách bị tố đạo văn tác phẩm Nobel

430

Nhiều cụm từ và phân cảnh gần giống hệt nhau trong cuốn “The Dogs” của nhà văn John Hughes và bản dịch tiếng Anh năm 2017 của tác phẩm “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”. 

Tờ The Guardian Australia đã tiến hành một cuộc điều tra và phát hiện ra nhiều điểm tương đồng, một số phần giống hệt nhau giữa cuốn tiểu thuyết The Dogs – tác phẩm được đề cử cho giải thưởng văn học danh giá nhất của Australia Miles Franklin – và bản dịch tiếng Anh năm 2017 The Unwomanly Face of War: An Oral History of Women in World War II (Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ) – từ tác phẩm của Svetlana Alexievich (nhà văn, nhà báo đoạt giải Nobel Văn học năm 2015).


John Hughes, cuốn tiểu thuyết The Dogs và The Unwomanly Face of War. Ảnh: Upswell Publishing/Penguin Books.

58 điểm tương đồng

Sau khi phát hiện ra một số điểm giống nhau của hai tác phẩm này, tờ The Guardian Australia đã sử dụng phần mềm so sánh tài liệu đối với hai văn bản và cho ra kết quả 58 điểm tương đồng và một số câu giống hệt nhau. Thêm vào đó, một số bối cảnh trong hai cuốn sách cũng có nhiều nét giống nhau, bao gồm cả khung cảnh trung tâm cuốn The Dogs lấy tiêu đề.

Trước đó, cuốn The Dogs được ra mắt là tác phẩm nguyên gốc của nhà văn John Hughes, không tham chiếu đến bất kỳ nguồn hoặc nghiên cứu nào khác.

Hughes, một công dân Australia là con cháu của người tị nạn Ukraine – đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình văn học khi ra mắt cuốn sách này, với nội dung tập trung vào nỗi đau thời chiến và dư âm của nó tới các các thế hệ.

Ngoài việc lọt vào danh sách ứng viên cho giải thưởng Miles Franklin hồi tháng 5, The Dogs còn được lọt vào danh sách tiềm năng cho hạng mục tác phẩm hư cấu của hai giải thưởng văn học Australia Victorian premier và NSW premier.

Nhân vật chính của Hughes là Michael, là con trai của những người nhập cư Nga và Italy đến Australia sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi sắp qua đời, mẹ của Michael là Anna đã chia sẻ kinh nghiệm của bà khi chiến đấu với quân đội Đức Quốc xã. Những ký ức của Anna chủ yếu được Hughes trình bày dưới dạng ghi chép do Michael thực hiện. Michael đã ghi lại các cuộc trò chuyện với mẹ mình từ ngôi thứ nhất và đôi khi từ ngôi thứ ba.

Còn nhà văn, nhà báo Alexievich sinh ra ở Ukraine, quốc tịch Belarus. Bà đã được trao giải Nobel văn học năm 2015 vì “lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta”.

Tác phẩm The Unwomanly Face of War (Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ) của Alexievich đã mô tả phụ nữ trong chiến tranh qua lời chia sẻ của nhiều người trong cuộc. Căn cứ vào các cuộc phỏng vấn mà bà đã có với hơn 200 phụ nữ chiến đấu cho Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bà đã dành hơn 4 năm để nghiên cứu và viết ra tác phẩm này.

Khi The Guardian Australia gửi một số đoạn trích trong cuốn The Dogs cho Alexievich và hỏi rằng liệu đã có sự tham khảo qua tác phẩm của bà, nữ nhà văn đã gửi một thông báo ngắn gọn: “Tôi chưa bao giờ nghe nói về The Dogs và Hughes cũng chưa từng liên hệ với tôi. Những đoạn trích nguyên văn từ cuốn sách của tôi là thái quá, tất nhiên tôi không đồng ý với điều này”.

Dịch giả sang tiếng Anh cho tác phẩm của Alexievich là Richard Pevear và Larissa Volokhonsky cũng cho rằng có những chi tiết giống nhau đến mức “phải kinh ngạc”.

Hai dịch giả cho hay: “Những điều như vậy không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Sẽ không giống đến từng từ, trình tự hay giọng điệu cụ thể như vậy. Vấn đề này cần được các giám khảo của giải thưởng văn học Miles Franklin và công chúng chú ý”.


Cuốn sách quan trọng trong sự nghiệp Alexievich, đưa bà đến giải Nobel danh giá. Ảnh: Tao Đàn.

Tác giả xin lỗi vì “vô ý đạo văn”

Phản hồi trước những thông tin này, John Hughes, tác giả cuốn The Dogs đã lên tiếng xin lỗi vì vô ý đạo một số phần của cuốn Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.

Trong một văn bản gửi đến tờ The Guardian, Hughes cho biết ông đã bắt đầu viết The Dogs cách đây 15 năm và đã sử dụng “rất nhiều bản ghi âm và ghi chép” với ông bà là người Ukraine của mình. Chính họ đã kể về nhiều nội dung tương tự như trong cuốn sách của Alexievich.

Ông đã đọc Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ lần đầu tiên khi nó ra mắt bằng tiếng Anh vào năm 2017 và đã sử dụng tác phẩm này để dạy học sinh cách viết sáng tạo. Theo đó, ông Hughes thừa nhận tác phẩm của Alexievich là một nguồn tư liệu của mình.

Ông Hughes chia sẻ: “Tôi đã gõ những đoạn tôi muốn sử dụng và kể từ đó không quay lại cuốn sách nữa”. Nhưng sau đó những câu chuyện mà ông bà Hughes kể đã trở nên hòa quyện với nội dung của Alexievich và “Tôi không thể từ bỏ những nội dung này, ngay cả khi tôi muốn bỏ nó”.

Tác giả Hughes cũng bày tỏ: “Tôi không cố gắng biện minh cho mình ở đây. Tôi đang cố gắng đưa ra lý do tôi sử dụng trực tiếp các phần trong tác phẩm của một nhà văn khác mà không nhận ra rằng tôi đang làm như vậy… Tôi không hề có ý định coi tác phẩm của Alexievich như của riêng mình và thực sự ngạc nhiên khi tôi đã xem các nội dung tương đồng được báo chí đưa ra. Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới bà Alexievich và các dịch giả của bà vì đã sử dụng những từ ngữ của họ mà không được phép”.

Trong khi đó, nguyên tắc của giải thưởng văn học Miles Franklin năm 2022 nêu rõ “tất cả bài dự thi phải hoàn toàn là tác phẩm gốc của tác giả”.

Theo Minh Hoa/Zing