Nhà thơ Phạm Trích Tiên và giấc mộng thơ ca

594

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một ngày cuối tuần, tôi có dịp gặp lại nhà thơ Phạm Trích Tiên tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Hai lần gặp ông tôi đều nhận ra sự ngơ ngác biểu hiện qua ánh mắt thái độ của ông trước người đối diện và mọi người chung quanh. Hình như Phạm Trích Tiên sống quá lâu trong giấc mộng thi ca và thế giới mộng tưởng của đời mình nên ông rất khó hòa nhập khi giao tiếp với mọi người. Dáng hom hem, mái tóc bồng bềnh, đôi mắt thẳm sâu chất chứa nỗi buồn Phạm Tích Tiên mang bóng dáng của thế hệ thi sĩ sống cách nay hơn nửa thế kỷ. Một ngày lang thang cùng nhà thơ Phạm Trích Tiên tôi cùng ông gặp gỡ các bạn thơ như: Phạm Huy Ngữ, Trần Đỗ Liêm, Vương Huy, Nguyễn Mạnh Bình, Minh Đức…

Nhà thơ Phạm Trích Tiên.

Ba thế hệ thi ca cùng gặp nhau và cùng hướng tâm hồn về thế giới của cái đẹp và tình thương. Phạm Trích Tiên rất ít nói ông chỉ lắng nghe và dù trò chuyện với người khác gương mặt ông vẫn trầm tư như đang chìm đắm vào thế giới của giấc mộng và sự mộng tưởng. Tôi đã chứng kiến Phạm Trích Tiên khóc khi ông nhắc về người vợ đáng thương của mình. Tôi thầm nghĩ, có lẽ nỗi đau đớn nhất của người thi sĩ chính là không thể biến giọt nước mắt và nỗi đau thành những câu thơ giống như con chim ẩn mình chờ chết mà vẫn không thể hót lên giọng hót bi thương của đời mình…

Phạm Trích Tiên từng nổi tiếng với những bài thơ mang vẻ đẹp của chất Đường thi và thể hiện chất phóng khoáng ngang tàng của một thế hệ đầy ước mơ và hoài bão nhưng bất lực trước biến động của thời cuộc:

“Đời ta nào khác thân thương nữ
Nghiêng ngả cười quên năm tháng đen
Mộng con mộng lớn đành mai một
Gươm cùn rỉ sét biết bao phen

Ta vẫn đợi thời thời không tới
Ta chờ hoài chờ mãi mười năm
Ha ha uống rượu cho đầu bạc
Cho bạc đầu ta ngươi biết chăng ?”

(Phẫn chí ca)

Phạm Trích Tiên ngang tàng và khí phách trong thơ như thế nhưng ngoài đời ông lại là người sống chỉn chu thủy chung với người vợ bị bệnh tâm thần – cuộc hôn nhân duy nhất của đời ông. Phạm Trích Tiên chấp nhận “gác” lại thiên chức của nhà thơ để thực hiện thiên chức của người đàn ông chân chính đó là kiếm tiền lo cho gia đình và chăm sóc lo toan cho người phụ nữ mà ông từng yêu và lấy làm vợ. Hơn ba mươi năm qua ông sống quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn hẻo lánh ở xã Qưới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Vợ ông sống trong những cơn mê triền miên của bệnh tật. Phạm Trích Tiên thì luôn sống trong giấc mộng thi ca thời tuổi trẻ. Hai người sống cùng một căn nhà mà mỗi người đành sống trong thế giới của cơn mê và sự mộng tưởng của đời mình.

Thời trước năm 1975 Phạm Trích Tiên từng làm nghề kế toán dạy học và sống lang bạt ở ba vùng đất Tân An, Mỹ Tho và Bến Tre. Hơn bốn mươi năm qua ông không hề đọc sách báo nghe và xem đài. Ông biết thời của mình đã qua và ông không thể hòa nhập với thời hiện đại. Ông sống với hoài niệm thời tuổi trẻ và giấc mộng thi ca thời qúa khứ. Phạm Trích Tiên sống trong bóng tối của sự lãng quên. Sự im lặng của ông chính là sự im lặng của chim họa mi biết mình không thể hót đúng giọng của mình. Tôi thầm nghĩ sự im lặng của chim họa mi vẫn đáng quí hơn con chim khướu tự lãng quên giọng hót của mình để tập bập bẹ nói tiếng người.

Hơn bốn mươi năm qua Phạm Trích Tiên không còn làm thơ nhưng giấc mộng thi ca vẫn quanh quẩn giữa cuộc đời ông như sự trêu ngươi của cái đẹp trước số phận của đời người. Phạm Trích Tiên chỉ còn giữ lại duy nhất một tập thơ của mình. Đó là tài sản tinh thần qúi giá nhất của đời ông. Tập thơ: “Rượu người và cảnh vật” của Phạm Trích Tiên do Nhà xuất Bản Khai Phá xuất bản tháng 01-1975 mang cảm hứng hào sảng khí khái của người tráng sĩ xưa chất chứa chất men say của sự sống và phảng phất nỗi buồn sâu thẳm của thế hệ thanh niên giữa thời loạn lạc. Trong bài thơ: “Qúa giang ca” Phạm Trích Tiên viết:

”Ta như tráng sĩ Kinh Kha trước
Uống rượu qua sông chẳng biết buồn
Khẳng khái ta cười rung tiếng sóng
Trời đất nào rỏ lệ bi thương?”

Thỉnh thoảng Phạm Trích Tiên lại bước ra khỏi giấc mộng của đời mình để tìm sự khuây khỏa qua những cuộc rượu với bạn bè văn chương ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Thế nhưng, dù đang ở trong cuộc vui thì cảm giác cô đơn và lạc lõng vẫn bủa vây xâm chiếm tâm hồn ông. Bạn bè văn chương thế hệ Phạm Trích Tiên nhiều người đã lần lượt ra đi. Phạm Trích Tiên vẫn ở lại với giấc mộng thi ca và hệ lụy của đời mình.

V.T.C