Nhạc sĩ Thế Hiển: ‘Đến vùng đất nào tôi cũng tìm chủ đề để làm dày tư liệu sáng tác’

173

“Bài hát “Tiếng hát trên đảo Sơn Ca” tôi sáng tác năm 2012 phổ thơ Phan Hoàng, trong chuyến đi đầu tiên cùng các văn nghệ sĩ ra thăm quần đảo Trường Sa. Khi chúng tôi đến đảo Sơn Ca, trong lúc một ca sĩ trẻ đang hát cùng anh em bài “Vùng trời bình yên” thì có kẻng báo động, các chiến sĩ ngay lập tức trở về vị trí, sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi cũng chạy theo anh em xuống hầm trú ẩn, nghe thấy tiếng máy bay và 15 phút sau mới được thông báo là hết báo động. Mọi người lại quây quần bên nhau, cô ca sĩ hát lại bài “Vùng trời bình yên”…” – nhạc sĩ Thế Hiển cho biết.

Nói đến nhạc sĩ Thế Hiển, công chúng nhớ đến các ca khúc “Hát về anh”, “Nhánh lan rừng”... và sau này là “Tiếng hát trên đảo Sơn Ca”, “Nỗi nhớ từ đảo xa”, “Lính đảo Trường Sa”…

Năm 2012, Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận Thế Hiển là “Nhạc sĩ viết ca khúc về lực lượng vũ trang, lực lượng thanh niên xung phong và hát phục vụ quần chúng nhiều nhất”. Đối với “người viết nhật ký bằng âm nhạc” như ông, biển đảo Tổ quốc là mảng đề tài mà mỗi khi nhắc đến ông vẫn luôn hào hứng, đầy khí thế như thuở nào “một ba lô, cây súng trên vai” đến những vùng miền xa xôi để sáng tác.


Nhạc sĩ Thế Hiển

* Thưa nhạc sĩ Thế Hiển, một trong những mảng sáng tác để đời của ông là về người lính, về biển đảo. Ông từng chia sẻ: Những ca khúc về biển đảo, những câu chuyện về Trường Sa “luôn dậy sóng trong lòng”?

– Bài hát “Tiếng hát trên đảo Sơn Ca” tôi sáng tác năm 2012 phổ thơ Phan Hoàng, trong chuyến đi đầu tiên cùng các văn nghệ sĩ ra thăm quần đảo Trường Sa. Khi chúng tôi đến đảo Sơn Ca, trong lúc một ca sĩ trẻ đang hát cùng anh em bài “Vùng trời bình yên” thì có kẻng báo động, các chiến sĩ ngay lập tức trở về vị trí, sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi cũng chạy theo anh em xuống hầm trú ẩn, nghe thấy tiếng máy bay và 15 phút sau mới được thông báo là hết báo động. Mọi người lại quây quần bên nhau, cô ca sĩ hát lại bài “Vùng trời bình yên”.

Từ sự kiện đó, nhà thơ Phan Hoàng (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) đã sáng tác bài thơ “Tiếng hát trên đảo Sơn Ca”, trong đó có những câu thơ: “Em hát về trời bình yên/ Đảo bỗng nhiên báo động/ Tiếng sơn ca chới với giữa trùng khơi/ Dưới lớp sóng dịu êm/ Âm ỉ bao trận bão”…

Tại Vũng Tàu, sau chuyến đi, nhà thơ Phan Hoàng đưa cho tôi bài thơ ấy và bảo rằng “anh xem có thể phổ nhạc cho bài thơ này”. Tôi nhận ngay, và khi về đến Thành phố Hồ Chí Minh là tôi chắp bút, phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc “Tiếng hát trên đảo Sơn Ca”.


Nhà thơ Phan Hoàng và nhạc sĩ – ca sĩ Thế Hiển trong một chuyến về nguồn

* Từ lần đầu tiên ấy, ông đã trở lại thăm Trường Sa nhiều lần?

– Tôi đã ra Trường Sa 6 lần và đến nay đã có 10 ca khúc viết về Quân chủng Hải quân. Năm 2015, khi tôi quay trở lại đảo An Bang, các chiến sĩ trên đảo nói với tôi rằng họ mong muốn tôi sáng tác một bài hát về Trường Sa để có thể hát trong những dịp sinh hoạt tập thể. Khi trở về tàu HQ 561 – con tàu đã đưa chúng tôi ra Trường Sa năm 2015, tôi bắt đầu ôm đàn sáng tác. Chỉ sau 3 ngày tôi viết xong ca khúc “Lính đảo Trường Sa”. Cuối những câu hát tôi đều chọn vần “a”, tiết tấu gấp, dễ nhớ, dễ thuộc.

Khi về tới đất liền, ca khúc này đã được biểu diễn trong Festival biển Khánh Hòa. Từ đó, ca khúc được lan tỏa trong quân chủng Hải quân. Năm 2018, khi quay trở lại đảo An Bang, tôi rất xúc động khi các chiến sĩ hát bài đó. Tôi thầm cảm ơn các chiến sĩ đã gợi ý cho tôi sáng tác ca khúc vui tươi, nói về cuộc sống, ước mơ, nỗ lực vượt qua gian khó của các anh.

* Ông đến với Trường Sa là để mang giọng ca tiếng đàn giúp vui cho quân dân nơi đây, sau là tìm cảm xúc sáng tác mới về vùng biển đảo này?

– Trong đoàn chúng tôi có rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nên trong mỗi chuyến đi đều tổ chức những nhóm xung kích. Chúng tôi phải chuẩn bị các ca khúc để hát tặng anh em chiến sĩ ở đảo chìm, đảo nổi. Tôi nghĩ rằng, đó là trách nhiệm của người nhạc sĩ, ca sĩ trong thời bình. Các nhà báo ví tôi như con chim đi tìm hạt giống, đến vùng đất nào tôi cũng tìm chủ đề gắn bó với nơi đó để làm dày tư liệu sáng tác.

* Mọi người đặt cho ông một danh xưng rất tự hào “người viết nhật ký bằng âm nhạc”. Và ông cũng đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Hẳn lúc này trong ông đang có rất nhiều cảm xúc?

– Cho tôi được bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước và nhân dân khi đã đề cử tôi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tuổi trẻ của tôi (từ năm 1980) gắn liền với những chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, các nông trường, lâm trường. Chúng tôi được hòa mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 1983, tôi đã sáng tác ca khúc “Hát về anh”, nhận được nhiều lời khen ngợi và đến năm 1985, tôi lại được trao giải thưởng nhân kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước. Chính vì đi đến đâu sáng tác đến đó nên với mỗi ca khúc tôi đều ghi rõ hoàn cảnh ra đời, và mọi người cũng đã quen với việc mỗi lần đi công tác về là tôi lại có bài hát mới.

Bây giờ, khi đã gần 70 tuổi, tôi vẫn năng rèn luyện bản thân, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước. Trong 2 năm khó khăn vì đại dịch Covid-19, tôi thể hiện trách nhiệm của mình trong việc sáng tác ca khúc, động viên đồng bào vượt qua khó khăn. Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác về đề tài phòng, chống dịch Covid-19, tôi cũng được vinh danh với bài hát “Thành phố hôm nay”. Trên hết, tôi vẫn nghĩ đó là trách nhiệm của người nhạc sĩ.

Theo Mai Đình/Báo Hà Nội Mới