Những ngày vui của Nhất Linh và Khái Hưng

290

Năm 1930, Nguyễn Tường Tam từ Pháp về nước sau quãng thời gian du học và bắt đầu hăm hở thực hiện hoài bão lớn lao của cuộc đời mình.

Nhà thơ Tú Mỡ cho biết: “Nguyện vọng tha thiết của anh Tam là viết văn, làm báo, sống bằng ngòi bút của mình”. Trên tờ báo trào phúng Phong Hóa (bộ mới) số đầu tiên ra ngày 22.9.1932, độc giả thấy những tên tuổi mới nhưng lập tức tạo được tiếng vang.

Nhà văn Nhất Linh qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Chính Nguyễn Tường Tam là người định hướng cho các cây bút trong tờ Phong Hóa (sau này là Ngày Nay). Chẳng hạn, Tú Mỡ chuyên làm thơ trào phúng, Hoàng Đạo chuyên về nghị luận, Khái Hưng chuyên viết truyện ngắn, truyện dài… Đây là cái tài của Nguyễn Tường Tam trong việc sử dụng, phát huy khả năng của từng cộng sự.

Ngày nọ, lúc đang thương lượng mua lại tờ Phong Hóa của ông Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Tường Tam tình cờ đọc một bài khảo luận đăng trên tờ Văn học tạp chí, ký tên Bán Than. Bút danh này có liên quan gì đến danh tướng Trần Khánh Dư đời nhà Trần? Lập tức, ông nghĩ ngay đến đồng nghiệp Trần Khánh Giư cùng dạy Trường tư thục Thăng Long. Quả nhiên ông đoán không sai. Ngay từ lúc gặp gỡ họ đã nhanh chóng kết bạn do tâm đầu ý hợp về quan niệm văn chương, về xã hội…

Cả hai hợp ý nhau đến độ ban đầu, bút danh Nhất Linh, Nhị Linh, Nhất Nhị Linh, Cốc Lốc Tử là Nguyễn Tường Tam và Trần Khánh Giư ký chung. Sau này, Nguyễn Tường Tam mới chính thức ký Nhất Linh; còn Trần Khánh Giư đảo mẫu tự từ tên thật thành Khái Hưng. Về tuổi tác, Khái Hưng hơn Nhất Linh 10 tuổi.

Không chỉ có thế, do yêu mến Nhất Linh, Khái Hưng còn viết tập truyện dài Những ngày vui bằng giọng văn hài hước, kể lại những ngày Nhất Linh cùng các cộng sự làm tờ Phong Hóa, nhưng tác giả đặt tên trại đi. Chẳng hạn, về nhóm Tự Lực là Tự Động và nhân vật trong đó giải thích: “Tự Động là tự mình động đậy, tự mình chuyển động, không phải theo ai, không nhờ sức ngoài, không chịu ảnh hưởng ở ngoài sai khiến. Hai chữ “Tự Động” của người ta hay lắm đấy chứ. Báo Tự Động của người ta là một tờ báo tự lập, không sống về phụ cấp của chính phủ hay của một nhà tư bản nào. Tự hoạt động để sống một cách vẻ vang”. Với thông tin này, rõ ràng ý định thành lập Tự Lực Văn Đoàn đã nhen nhúm ngay từ lúc bắt đầu làm tờ Phong Hóa.

Khái Hưng (1896 – 1947)

Hồn bướm mơ tiên in năm 1933 của Khái Hưng là quyển truyện thứ nhất của Tự Lực Văn Đoàn và cũng là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng. Người viết tựa chính là Nhất Linh: “Tác giả đặt câu chuyện vào trong một cảnh chùa ở miền trung du Bắc Việt và khéo phô diễn những vẻ đẹp thiên nhiên của miền ấy khiến ta đem lòng yêu những cảnh đồi núi, nó khác hẳn cái cảnh “bùn lầy nước đọng” miền hạ du phẳng lì và buồn tẻ. Lại thêm được lối văn giản dị, nhanh nhẹn, tuy vui vẻ mà làm cho người ta cảm động vô ngần. Cái cảm ấy là một cái cảm nhẹ nhàng, phảng phất vui buồn tựa như những ngày thu nắng nhạt điểm mưa thưa”.

Đọc kỹ bộ Phong Hóa và Ngày Nay, ta dễ dàng nhận ra hầu hết truyện ngắn, truyện dài in từng kỳ của Khái Hưng đều do Nhất Linh vẽ minh họa. Sau đó, Nhất Linh và Khái Hưng còn in chung tập truyện ngắn Anh phải sống, viết chung truyện dài Gánh hàng hoa, Đời mưa gió. Đây cũng là điều đặc biệt trong văn học VN vì ít có trường hợp tương tự.

Về chuyện sáng tác chung này, trong hồi ký văn học, nhà thơ Tú Mỡ cho biết: “Dạo Khái Hưng và Nhất Linh viết chung truyện dài Đời mưa gió, trong buổi họp tối thứ bảy, hai anh bàn nhau kỳ này nên cho hai nhân vật chính (Tuyết và Chương) đi đâu, làm việc gì đột nhiên trái chứng trái khoáy, rồi mỗi kỳ mỗi anh thay nhau chấp bút”.

Vợ chồng Khái Hưng không có con. Họ nhận con trai của Nhất Linh làm con nuôi và đặt tên Trần Khánh Triệu.

LÊ MINH QUỐC/ TN