‘Ơi con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa’

1126

Trương Nguyên Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – ”Ơi con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa“. Vâng, con sông hiền hòa ấy chính là anh, Phó Đức Phương, nhạc sỹ tài hoa và ân tình, rất tiêu biểu cho dòng nhạc hiện đại và dân tộc của chúng ta hôm nay!

Nhạc sỹ Phó Đức Phương

Nhạc sỹ Phó Đức Phương có người anh cả – nghệ sỹ Phó Đức Vạn là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam. Anh kéo violon. Một buổi kia, anh bỗng thấy trong đống giấy vụn có một bản nhạc viết bằng bút chì để vương vãi. Cầm lên lẩm nhẩm đọc. Giật mình. Không nhẽ thằng Phương nhà mình mà viết được thế này. Tối, chờ ông em đi học về, mới cầm bản nhạc đến hỏi ”Cậu viết đấy à?”, Phương gật đầu ”Vâng em viết!”, “Lúc nào?”, ”À, mấy hôm trước về quê Thuận Thành, buổi trưa trèo lên cây ổi ngồi chơi, nhìn xa xa ra cánh đồng, thế là tức hứng lên ngồi viết anh ạ”. Anh Vạn gật gù: “Viết hay đấy. Để anh giới thiệu cho mấy ông biên tập ở đài xem sao”. Đánh vèo một cái, chưa đầy một tháng sau, ”Những cô gái quan họ” vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, và cũng đánh vèo một cái, tên tuổi Phó Đức Phương nổi lên như cồn. Nhất là anh mới 22 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất Trường âm nhạc Việt Nam. Tài năng quá, hứa hẹn quá, tương lai quá. Ông Tố Hữu nức nở khen và ví bài hát của anh Phương ngang với “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sỹ tên tuổi bậc nhất lúc ấy là Hoàng Vân. “Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng đẹp màu dân ca”. Từ ngày ấy đi tới đâu cũng nghe hát, từ làng quê cho chí thành phố, đâu đâu cũng ”A quê hương ta, biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đảm đang…”. Thành ra tên tuổi của anh Phí Đức Phương bay xa ngoài sức tưởng tượng…

Có một mùa hè lớp 9, tôi được theo anh cùng các anh Nghiêm Đa Văn, Nghiêm Bá Hồng đi chơi miền Đông Bắc, Hải phòng, Quảng Bình. Cả ba anh đều thuộc diện tên tuổi, vì có bài hát, có nhạc cảnh thiếu nhi như “Cơn mưa đằng đông”… phát trên làn sóng Đài TNVN, nhất là anh Phó Đức Phương với bài hát ”Những cô gái quan họ” cả nước đều được nghe, người lớn trẻ con sướng miên man. Chuyến đi theo các anh về miền Đông Bắc cũng là lần đầu tiên tôi được mở mắt, được tiếp xúc với các văn nghệ sỹ trẻ Hải Phòng, Quảng Ninh (Trần Tự, Lê Điệp, Nguyễn Khắc Phục, Vũ Ngọc Quang, Văn Sửu, Vũ Ân Khoa, Trịnh Hoài Giang, Thanh Tùng… rồi Lê Hường, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến…). Họ đều là những nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ trẻ tràn trề tình yêu thơ ca, quý mến bạn bè, dù cuộc sống thời chiến tranh thiếu thốn mọi bề, nhưng vẫn tổ chức tiếp đón các anh Phó Đức Phương, Nghiêm đa Văn, Nghiêm Bá Hồng rất thịnh tình, đàn hát thâu đêm.

Cũng vì bởi âm vang “Cô gái quan họ“ như thế, nên sau khi tốt nghiệp trường Nhạc, anh Phương được nhiều đoàn nghệ thuât xin. Có lẽ Thái Bình nhiệt tình hơn cả, nên Bộ đưa anh về đoàn ca múa Thái Bình. Phải nói quê hương 5 tấn nghe tên tuổi anh đón anh tưng bừng lắm, nhất là các nghệ sỹ của đoàn ca múa. Khi này đang chiến tranh, đoàn sơ tán về Vũ Thư. (Sau này có con gái đầu lòng, anh Phương đặt tên con là Vũ Thư. Tên rất đẹp và nhiều kỷ niệm.

Rồi từ đây người nhạc sỹ trẻ này được về công tác ở Cục Biểu diễn Nghệ thuật, rồi nhiều thời gian làm chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Thăng Long, và rồi là sáng lập viên thành lập nên trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc. Anh sống đắm đuối, hết mình với nghệ thuật, có nhiều hoạt động sôi nổi, hưu ích, sáng tạo… và đặc biệt là tác giả của nhiều bài hát công chúng vô cùng mến mộ: Những cô gái quan họ, Trên đỉnh phù vân, Chảy đi sông ơi, Về quê, Huyền thoại hồ núi cốc, Hồ trên núi… Sáng tác Ngọc Đại có một lần nói với tôi: Nếu người nước ngoài nào sang Việt Nam hỏi ai là tác giả âm nhạc hiện đại tiêu biểu nhất, tôi sẽ nói ngay đó là nhạc sỹ Phó Đức Phương. Âm nhạc của ông là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa dân gian dân tộc và hiện đại, rất lấp lánh và tiêu biểu cho âm nhạc Việt Nam.

Lại nhớ một lần tôi được theo anh về huyện miền núi Lục Ngạn, Bắc giang. Tưởng đến nơi chỉ có vài cán bộ văn hóa thông tin tiếp, ai dè vừa bước vào phòng chưa kịp yên vị, đã thấy đồng chí bí thư huyện ủy cũng người dân tộc đứng bất dậy, xin hát tặng nhạc sỹ bài hát Hồ trên núi nhạc sỹ viết về quê hương ông. Ông hát đầy say mê đắm đuối, tiếng Kinh lại không sai một lời, nói thật cả nhạc sỹ Phó Đức Phương, cả tất thẩy người chứng kiến đều sởn gai ốc vì xúc động.

Lại nhớ có một đêm mùa đông, tôi cùng nhà báo Khắc Văn từ TPHCM ra Hà Nội đến thăm anh tại nhà riêng của anh ở một ngõ nhỏ xây trên đất chùa. Trong khói hương từ chùa bay sang, anh hát chúng tôi nghe (Bài hát của Phó Đức Phương mà chính anh hát là nhất, không thể ai sánh bằng) những Về quê, Trên đỉnh phú vân. Giọng hát anh ma mỵ, đôi mắt giàu biểu cảm, gương mặt thâm u huyền ảo… cùng mùi khói nhang bay sang làm chúng tôi thấy anh vừa hiện đại lại vừa cổ điển, rất mực tài hoa mà lại như một đạo sỹ, rất cao sang mà cũng gần gũi thân tình xiết bao. Đó chính là cốt cách con người anh, là nét tính cách của anh vừa là thần tượng để nhiều người ngưỡng một, mà cũng dễ mến gần gũi xiết bao…

Có một lần gầy đây, tôi được thằng em út của anh Phương là Phó Đức Quang, dạy sáng tác chỉ huy ở trường Đại học VHNT Quân đội cho hay cả ba người con của anh Phó Đức Phương đều đi theo con đường âm nhạc, trong đó cậu con trai Phó Đức Hoàng, mới đi tu nghiệp âm nhạc ở Mỹ về, tài năng lắm, chắc chắn bác Phương là người có phúc vì có “thằng con hơn cha”…

Lại cũng hôm gặp mặt Hội nhà văn VN ở TPHCM, nhà thơ Lê Điệp chỉ tôi nói oang oang với anh em cùng bàn: ”Tôi nhớ cái ngày thằng này còn là nhóc con theo các ông Phó Đức Phương, Nghiêm Đa Văn, Nghiêm Bá Hồng xuống Hải Phòng chơi. Tôi còn xếp cho theo một con tàu lênh đênh trên biển về chơi Hạ Long Quảng Ninh nữa. Thế mà cũng 50 năm rồi. Nghiêm Đa Văn thì đã mất sớm. Hôm rồi tôi gặp Nghiêm Bá Hồng thấy thương nó quá, hình như bị tai biến, tay chân như liệt rồi. Chỉ còn Phó Đức Phương hôm rồi lên ti vi hát Tiên Tửu gì đó với hai cô Thanh Thanh Hiền và Thúy Ngoan, thấy vẫn còn sung lắm. 75 tuổi rồi mà vẫn còn hát múa tưng bừng như thế, cũng chẳng được mấy người!

Thế mà rồi hôm nay tuổi 77, anh đã ra đi… ”Ơi con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa“. Vâng, con sông hiền hòa ấy chính là anh, Phó Đức Phương, nhạc sỹ tài hoa và ân tình, rất tiêu biểu cho dòng nhạc hiện đại và dân tộc của chúng ta hôm nay!

“Chảy đi sông ơi”. Hát lời hát của anh mà nước mắt cứ dâng trào…

T.N.V