Sân khấu tìm cách “sống chung” với dịch

440

Sân khấu TP HCM cần có chiến lược đặt hàng sáng tác những tác phẩm nghệ thuật mà “bà đỡ” chính là nhà nước.

Dịch bệnh bùng phát và diễn biến khó lường đã gây tổn thất rất lớn cho các sàn diễn nghệ thuật ở TP HCM trong mùa Tết Tân Sửu. Hoạt động sân khấu gặp nhiều khó khăn do những quy định hạn chế tụ tập đông người.

NSND Hồng Vân cho hay sau những tín hiệu vui hồi tháng 6, tháng 7 năm ngoái khi dịch bệnh được kiểm soát, sân khấu tưởng chừng đã trở về tình trạng bình thường nhưng Tết vừa rồi, các kế hoạch biểu diễn ở rạp một lần nữa phải hủy bỏ vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. “Bên cạnh việc không có nguồn thu, sân khấu xã hội hóa còn chịu thiệt hại kép vì đã đầu tư kinh phí để dàn dựng nhiều chương trình, vở diễn mới và in ấn tờ rơi, quảng cáo cho các suất diễn Tết. Đợt này, nếu tái hoạt động trong điều kiện phòng chống dịch cao độ, khán giả khó mà đến rạp đông như trước” – bà chủ Sân khấu Kịch Hồng Vân e ngại.

Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thay vì tập trung đầu tư cho các vở diễn, mời gọi khán giả đến rạp, các sân khấu đã lên kế hoạch tổ chức đầu tư nguồn nhân lực mới, bổ sung kiến thức cho đội ngũ tác giả trẻ và đạo diễn trẻ. NSND Hồng Vân cho biết tháng 3 tới là thời điểm để khóa diễn viên Nâng cao 2 báo cáo tốt nghiệp, bà dàn dựng vở “Làm đĩ” dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1937) và NSND Việt Anh đạo diễn vở kịch kinh điển nước ngoài “Romeo và Juliet”. Trong khi đó, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (5B) sẽ tổ chức tuyển sinh diễn viên trẻ, đào tạo mở rộng không chỉ diễn tại sân khấu nhỏ mà còn tham gia phim truyền hình, sitcom, game show… với sự giảng dạy của nhiều nghệ sĩ giàu kinh nghiệm. Đạo diễn Hoa Hạ cũng mở lớp đào tạo diễn viên cải lương, có sự tham gia trợ giảng của NSƯT Ngọc Huyền.


Cảnh trong vở “Tin thì linh, không tin cũng linh” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM

Với những vở diễn ra mắt khi sân khấu hoạt động trong điều kiện “bình thường mới”, các nghệ sĩ, diễn viên sẽ bám sát chủ đề tuyên truyền, vừa sáng tạo, khéo léo đưa hơi thở thời đại vào trong tác phẩm. Theo đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt, ông bầu của Sân khấu Sen Việt, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với tính giải trí, ứng dụng công nghệ hiện đại bằng một tư duy mới mẻ sẽ tạo cho khán giả niềm tin rằng các nghệ sĩ vẫn luôn chăm chút cho nghề trong điều kiện muôn vàn khó khăn. “Các vở mới của Sân khấu Sen Việt gồm: “Võ Tắc Thiên – Ngôi hoàng hậu”, “Nhật thực”, “Đại hỷ lâm môn” sẽ mang phong cách riêng, hứa hẹn chinh phục khán giả” – đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết.

Các đơn vị xã hội hóa cải lương như: Chí Linh – Vân Hà, Huỳnh Long, nhóm NSND Thanh Ngân, nhóm NSƯT Vũ Luân cũng có đề án mới trong việc đặt hàng kịch bản nhằm thu hút nhiều đối tượng khán giả đến rạp. NSƯT Vũ Luân cuối năm 2020 đã đầu tư một phim trường theo xu hướng thực hiện các MV, trích đoạn, vở diễn nhằm phục vụ khán giả theo dõi YouTube. “Đây là xu hướng phục vụ khán giả tốt nhất trong thời gian phòng chống dịch bệnh. Dù không thể đến rạp, người xem vẫn có thể xem và tương tác với nghệ sĩ” – NSƯT Vũ Luân chia sẻ. Theo đó, năm 2021, NSƯT Vũ Luân sẽ cùng nhiều đồng nghiệp tham gia tích cực phát triển kênh YouTube đúng tầm thương hiệu và mang phong cách riêng của từng nghệ sĩ.

Soạn giả Hoàng Song Việt, ông bầu của Sân khấu cải lương mới Đại Việt, cho rằng thay vì kêu cứu thì trước hết phải tự cứu mình, sàn diễn cần có một đội ngũ diễn viên giỏi nghề, các đạo diễn trẻ, tác giả trẻ đủ sức kế thừa. “Vở “Nàng Xê Đa” tôi đầu tư hơn 700 triệu đồng chỉ mới diễn được một suất thì gặp dịch bệnh nhưng cái được lớn nhất là đã bồi dưỡng cho đội ngũ trẻ giàu kinh nghiệm diễn xuất qua sự dẫn dắt của đạo diễn Hoa Hạ” – soạn giả Hoàng Song Việt bày tỏ.

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng bên cạnh sự chủ động đổi mới hướng đi để tìm khán giả trong điều kiện “bình thường mới”, các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn TP rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để ổn định hoạt động trong thời gian đại dịch còn diễn biến phức tạp. Nhà nước có thể chủ động đặt hàng, xem xét hỗ trợ vốn đầu tư vở diễn và lắng nghe những hiến kế từ phía nghệ sĩ trong đợt phòng chống dịch bệnh. Để những vở diễn tuyên truyền tạo được hiệu ứng tích cực cho các chủ trương, chính sách đi vào đời sống trong giai đoạn cả nước tích cực chống dịch bệnh.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, chia sẻ: “Các đơn vị cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để bảo đảm sân khấu luôn được “sáng đèn”. Cần đổi mới mạnh mẽ, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học – công nghệ mới. Trong nỗ lực tự thân đó rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Hội Sân khấu TP HCM sẽ tham gia tích cực việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo trẻ…, góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật. Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cần có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện để các nghệ sĩ yên tâm sáng tạo, cống hiến trong điều kiện hiện nay. Tăng cường hỗ trợ giúp những giá trị của nghệ thuật sân khấu thâm nhập, lan tỏa vào đời sống, từ đó tạo nên sức sống lâu bền cho sân khấu”.

Theo Thanh Hiệp/Người lao động