Tâm thức Văn hóa trong thơ Văn Lê *

782

    Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn Lê, một nhà thơ mặc áo lính nhưng trong thơ anh, không chỉ có ký ức chiến tranh mà còn có ký ức văn hóa khá đậm nét.

Nhà thơ Văn Lê

1.

Có thể nói, căn tính để xác quyết sự tồn sinh của một dân tộc là văn hóa chứ không phải là các loại chủ thuyết, cho dù chủ thuyết đó có hiện đại đến đâu, nếu không phù hợp với văn hóa dân tộc thì không thể nào tồn tại và sự diệt vong là tất yếu. Bảo tồn và phát huy “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc, vì thế, là một trong những căn tố để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Chính vì vậy, cách đây hơn nửa thế kỷ, trong bối cảnh xã hội miền Nam có nguy cơ mất dần những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trước họa xâm lăng của văn hóa Tây phương và văn hóa Mỹ, trên tập san Sử địa số 05/1967, do nhóm Giáo sư và Sinh viên, Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương, trong lá thư tòa soạn, người viết đã chia sẻ: “Trước thực trạng phá sản văn hóa và đời sống tinh thần của xứ sở, chúng ta phải cố bảo tồn lấy những gì có tánh cách Việt Nam, đến văn hóa dân tộc. Nhưng nếu có hỏi những gì có tính cách Việt Nam và văn hóa dân tộc là gì thì ít người không khỏi lúng túng”.[1]

Bảo vệ văn hóa dân tộc là ý thức thiêng liêng của mỗi công dân. Nhưng mỗi người chỉ có thể góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc khi hiểu về “tính cách dân tộc mình và những giá trị phong hóa làm nên tính cách đó”. Sự hiểu biết về văn hóa dân tộc, vì thế là một trong những phẩm tính không thể thiếu ở mỗi tư cách công dân, nếu chúng ta không muốn trở thành kẻ vong nô trên chính đất nước mình. Văn Lê, một nhà thơ mặc áo lính nhưng trong thơ anh, không chỉ có ký ức chiến tranh mà còn có ký ức văn hóa khá đậm nét. Bởi, nếu ký ức chiến tranh trong thơ Văn Lê gắn với những năm tháng chiến trường của người lính, thì ký ức văn hóa lại gắn với hành trình sống của Anh, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, làm người lính, rồi “giã từ vũ khí”, trở về với cuộc sống đời thường. Không những thế, ký ức văn hóa trong thơ Văn Lê còn là những hoài niệm mà khi xa quê Anh hằng mong nhớ: “Anh nhớ xóm làng nhớ đồng chiêm trũng/ Nhớ cội nguồn mà anh đã chia phôi…” (Đại hạn). Và đây là nền tảng tư tưởng hình thành phẩm tính của tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê.

Lớn lên từ vùng chiêm trũng ở đồng bằng Bắc Bộ, lại chiến đấu ở đồng bằng Nam Bộ, rồi sống, làm việc ở một đô thị trên 300 năm tuổi như Sài Gòn, tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê vì thế, là sự hợp lưu diệu kỳ giữa phù sa văn hóa sông Hồng và sông Cửu Long. Chính sự hợp lưu của hai vùng văn hóa này cùng sự nghiệm sinh trong những tháng năm chiến đấu ở khắp các chiến trường đã tạo cho tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê đa dạng về chiều kích, bao quát nhiều bình diện của tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc, gắn với tình cảm, ý thức của một công dân – thi sĩ – chiến sĩ mà biểu hiện trước tiên của tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê là niềm tự hào về cội nguồn Lạc Việt như là sự kết tinh sức mạnh của giống nòi: “Dân tộc Anh đi qua chiến tranh, đã từng hành quân từ thời tiền sử/ Cái thời chưa rành rọt núi sông/ Cái thời dân tộc anh còn gọi là Lạc Việt/ Nguồn cội sinh ra bởi giống Tiên Rồng”. (Những người làm chủ biển Đông) Trong tâm thức văn hóa của Văn Lê, lịch sử dân tộc không bao giờ tách rời văn hóa dân tộc. Anh nhìn lịch sử qua lăng kính văn hóa dân tộc và nhìn văn hóa qua lăng kính của lịch sử dân tộc. Sức mạnh của dân tộc trong cái nhìn của Văn Lê là sự cộng hưởng của sức mạnh văn hóa và lịch sử dân tộc. Sự hợp hôn nhiệm mầu giữa lịch sử và văn hóa được minh chứng qua những hình ảnh thơ giàu tính biểu tượng ở truyền thuyết: Lạc Long Quân – Âu Cơ: “Vào một ngày đẹp trời/ Người Lạc Việt liên tưởng tới Đức Âu Cơ qua hình tượng Cóc/ Cóc sinh ra cái bọc trăm con/ Sự lý giải về nguồn gốc tổ tiên dị biệt đến lạ thường!/ Nhưng là khởi đầu của văn chương và là đỉnh cao của nền văn hóa!” (Gởi một nhà thơ Nam Dương).

Không chỉ thể hiện qua những biểu tượng ở các truyền thuyết, sức mạnh của lịch sử và văn hóa dân tộc trong thơ Văn Lê còn gắn với những bước chân hào hùng của dân tộc, với khát vọng tồn sinh, với lòng quả cảm, sự quyết tâm, vượt lên gian khổ để khẳng định bản lĩnh dân tộc. Đó là bản lĩnh được sống, được chiến đấu để tạo lập đất nước mình: “Theo bầy chim Hồng lạc dẫn đường/ Cả dân tộc cứ đi về phía biển/ Cho tới khi tìm được quê hương/ Kể từ đây dân Lạc Việt chiếm cả vùng châu thổ/ Khai phá bình nguyên thuộc sông Lam, sông Mã, sông Hồng…/ Dân tộc Anh đã đóng thuyền vượt biển/ Và khai sinh ra tổ quốc non sông” (Những người làm chủ biển Đông). Là người lính đã chứng kiến những khổ đau, mất mát, bất hạnh của biết bao phận người trong chiến tranh, hơn ai hết, Văn Lê đã thấu hiểu được sự phi lý của chiến tranh, dù mang khuôn mặt gì, thì chiến tranh cũng là điều mà không dân tộc nào trên thế giới chọn lựa như một cách để tồn tại. Chiến tranh, vì thế là vấn đề mà các dân tộc đều lên án. Việt Nam là dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, một dân tộc như Huy Cận đã minh định “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Đi trên mảnh đất nầy), còn Văn Lê thì xác quyết: “Anh không biết tổ tiên anh thuở xưa, đã đem đi những gì khi xông ra biển?/ Nhưng có một điều anh tin – chắc chắn/ Là người Lạc không đem theo chiến tranh mà đem theo văn hóa của mình!/ Họ đem theo những hủ sáp thơm làm từ hoa quí/ mang theo trống đồng nhà sàn và những con lợn ỉ./ Đưa nhục quế, trầm hương, lụa sông Dâu đến những đảo xa xôi…/ Với những câu thần chú truyền đời/ Vừa bí hiểm vừa cao siêu và cũng đầy mấu nhiệm” (Những người làm chủ biển Đông). Và mầu nhiệm thật! Bởi, có dân tộc nào trên thế giới, đánh giặc bằng tiếng đàn như Thạch Sanh của dân tộc Việt Nam không!? Có dân tộc nào trên thế gian này lại chủ trương một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm với những giá trị đạo lý đầy tính nhân văn “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ lấy chí nhân mà thay cường bạo” (Bình Ngô Đại cáo – Nguyễn Trãi). Mặc dầu, trong những tháng năm bị kẻ thù xâm lược, dân tộc ta phải chịu bao nhiêu cảnh cơ cực lầm than: “Dưới gót giày ngoại xâm/ Trống lạc Việt bị nghiến làm gươm giáo!/ Lụa sông Dâu không còn may xiêm áo/ Người Lạc quanh năm phải đóng khố cởi trần/ Đất Âu Lạc hàng năm/ Phải đóng thuế hơn trăm vạn hộc/ Gạo đất Lạc nuôi sống dân phương Bắc/ Người Lạc Phương Nam chết đói đầy đường!” (Những người làm chủ biển Đông). Rõ ràng, để thực hiện âm mưu đồng hóa dân Lạc Việt, bọn xâm lược phương Bắc, không chỉ gieo đau thương mà còn tàn phá đến tận cùng những giá trị văn hóa của dân tộc Việt. Điều này cũng được nhà văn – nhà sử học Cao Văn Liên chỉ ra trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam diễn nghĩa: “Bên cạnh chính sách bóc lột, nhà Hán còn tiến hành chính sách đồng hóa văn hóa, tiêu diệt văn hóa Việt, buộc dân Việt phải theo văn hóa Hán (…) Chúng du nhập chữ Hán, du nhập phong tục tập quán Hán vào Âu Lạc và buộc cư dân Việt phải học và phải theo phong tục tập quan Hán. (…) Dã man hơn, chúng giết hại đàn ông Việt, buộc phụ nữ Việt phải lấy đàn ông Hán, con người Việt sinh ra phải khai họ Hán. (…) Chúng đập phá văn bia, đền miếu của người Việt”.[2] Sự tàn diệt văn hóa không từ một thủ đoạn nào của bọn xâm lược phương Bắc là căn nguyên, buộc chúng ta phải đứng lên chiến đấu đòi quyền sống và bảo vệ “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc, chống nguy cơ đồng hóa của kẻ thù. Sức mạnh văn hóa cùng với sức mạnh lịch sử kết tinh thành sức mạnh Việt Nam, nên dân tộc ta đã chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ yên bờ cõi như Văn Lê đã đúc kết: “Con giun xéo lắm cũng quằn”/ Dân Lạc Việt có câu ca ấy/ Người Lạc Việt cùng nhau nổi dậy/ Chống quân nô dịch cứu non sông”. (Những người làm chủ biển Đông). Nghĩ về sức mạnh lịch sử, trong sự gắn kết với văn hóa dân tộc là những ưu tư thường trực trong cảm hứng sáng tạo của thơ Văn Lê mà với dung lượng của một bài viết mang tính cảm nhận, khó có thể nói hết được.

Không chỉ nói đến sức mạnh của lịch sử và văn hóa dân tộc, trong hành trình dựng nước và giữ nước, Văn Lê còn nói đến một bình diện khác của văn hóa mà nếu không có nó, không thể hình thành bản sắc dân tộc, đó là phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, trò chơi dân gian… Đây cũng là một biểu hiện của tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê được thể hiện thật tinh tế và giàu mỹ cảm. Đọc thơ Văn Lê, ta không chỉ thấy ở anh tình yêu vô bờ mà còn thấy một sự hiểu biết khá sâu sắc về những vấn đề của văn hóa dân tộc, nhất là những giá trị văn hóa truyền thống, điều mà người nghệ sĩ cần có để tạo nên “phông” văn hóa cho riêng mình. Song, đây cũng là điều không dễ tìm thấy trong phẩm tính của nhà văn Việt Nam hôm nay. Bởi, nếu nhà văn không cắm rễ sâu trong nền văn hóa dân tộc, không tìm hiểu, khám phá về văn hóa dân tộc thì khó trở thành nhà văn lớn. Lâu nay, những nhà văn nhận giải Nobel văn chương trên thế giới là những nhà văn đã đi từ mảnh đất màu mỡ phù sa của văn hóa dân tộc mình để đến với văn hóa nhân loại. Hay nói như Văn Lê: “Họ gọi quê mình là làng Tôi/ Gọi Tổ quốc là nước Tôi/ Mọi cái chung đều gắn với cái Tôi trong đó./ Tôi trong Non sông,/ Tôi trong – xứ sở/ Xứ sở và Tôi hòa quyện muôn đời. (Những người làm chủ biển Đông). Tôi là Làng quê; là Tổ quốc; là Non sông… và ngược lại… Chính sự hóa thân này nên Con Người sẵn sàng hy sinh đời mình cho sự hưng vong của tổ quốc, của dân tộc, của xóm làng. Song, người ta chỉ có thể hóa thân thành tổ quốc, thành dân tộc, khi đã nhận thức được những giá trị văn hóa của dân tộc, để sống cùng, sống với, sống cho quê hương mình. Nghĩa là, trở về sống trong khí quyển văn hóa làng với những giá trị phong hóa đã làm nên hình hài tổ quốc như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã xác quyết: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể/ Đất nước bắt đầu bằng miếng trầu bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc/ cái kèo, cái cột thành tên/ Hạt gạo cũng một nắng hai sương, xay, giả, dần sàn/ Đất nước bắt đầu từ đó.” (Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm).

Tâm thức văn hóa nhìn từ bình diện văn hóa truyền thống của làng xã Việt Nam trong thơ Văn Lê là một hệ giá trị mà Anh luôn trân quí. Đó không chỉ là tình yêu văn hóa mà còn là ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc. Phong tục tập quán được Văn Lê nói đến trong thơ như: nhuộm răng, ăn trầu, xăm mình, không chỉ là biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là một yếu tính để khu biệt với “giống người phương Bắc”: “Anh hình dung ra những chàng trai ấy/ Có dáng hùm beo ngón chân cái giao nhau/ Họ nhuộm răng đen và thích ăn trầu!/ Cho khác biệt với giống người phương Bắc/ Họ xăm trên mình những hình thù kỳ quặc/ Đó là bức tranh người và thú hoan ca”. (Những người làm chủ biển Đông) Bên cạnh phong tục tập quán, nghĩ về cội nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc, trong tâm thức văn hóa của Văn Lê còn là sự hiện hữu của lễ hội, trò chơi dân gian gắn với sinh hoạt văn hóa làng trong những ngày lễ tết như: trò chơi đánh cờ người: “Cứ mỗi bận xuân về ta lại nhớ/ Làng quê xưa trống giục đánh cờ người/ Em lộng lẫy tay cầm con tượng gỗ/ Ta lu mờ vì một nét son môi” (Cờ người), hay trò chơi ô ăn quan “Những đạo quân sỏi đá đã sẵn sàng/ Con trẻ xếp đều nhau trên ô vẽ/ Dân đi trước trò chơi qui định thế/ Đá thành người con trẻ bốc trên tay/ Những hòn đá xếp lại thành đội ngũ/ Trò ăn quan lại tiếp tục luân hồi”. (Chơi ô ăn quan) mà trong suy niệm của Văn Lê, đây không chỉ đơn thuần là trò giải trí để vơi đi nhọc nhằn sau những tháng ngày lao động vất vả mà còn là vòng luân hồi của phận số con người. Sự liên tưởng độc đáo của thi nhân thể hiện qua các hình tượng thơ đầy tính ẩn dụ trong những câu thơ trên mở ra cho người đọc một cách nhìn mới, cách nghĩ mới mang ý nghĩa nhân sinh. Và từ những suy niệm mang tính triết luận về phận số con người qua các trò chơi dân gian, tưởng chừng chỉ có tính giải trí, thi nhân đã dẫn dụ người đọc đến với những giá trị văn hóa tâm linh trong đời sống của người Việt Nam. Đây cũng là biểu hiện của tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê mà khi nghĩ đến, lòng ta không thể không xa xót, trước sự chênh chao của phận người trong cõi phù sinh: “Ta về với chợ Âm Dương/ Đêm đông bạc phết gió sương trắng trời/ Ta về từ tít mù khơi/ Như người dương thế tìm người cõi âm” (Chợ Âm Dương). Quả thật, trên cõi nhân gian “u u minh minh” này, có biết bao người phải sống, chết trong oan nghiệt. Song, để nhận ra điều này là không dễ, nếu chúng ta không bước qua cánh cửa “đoạn trường” đầy cay đắng của cuộc đời. Là một thi nhân đã có quá nhiều sự trải nghiệm cuộc sống, hơn ai hết, Văn Lê hiểu rất rõ vấn đề này và Anh đã thể hiện điều đó trong thơ thật cảm động: “Tôi về bên suối Giải Oan/ Đêm đông rờn rợn gió hàn cắt da/ Bóng trăng lạc giữa rừng già/ Miếu cô hồn cứ ngó ra trừng trừng/ Bao năm tôi sống ở rừng/ Lội qua bao suối bao sông một thời/ Đến khi tóc trắng sương rơi/ Mới tìm con suối cuối trời – Giải Oan!” (Viết bên suối Giải Oan).

Có thể nói, văn hóa tâm linh là một phần tất yếu làm nên phẩm tính văn hóa dân tộc. Vậy mà, đã có một thời không xa, nó phải chịu biết bao “oan nghiệt”, bởi sự “thiếu hiểu biết” về văn hóa cùng với cái cảm quan “nhiệt tình cách mạng” một cách “ngây thơ” đến “cực đoan” của con người và chỉ được “giải oan” từ  khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Thế nên, những bài thơ viết về văn hóa tâm linh của Văn Lê cũng đã góp phần “giải oan” cho lĩnh vực văn hóa khá “nhạy cảm” này. Đọc thơ Văn Lê, ta thấy thi nhân bàn đến nhiều khía cạnh của văn hóa tâm linh như muốn xác quyết một hệ giá trị trong tâm thức văn hóa của thơ Anh. Những diễn ngôn văn hóa tâm linh trong thơ Văn Lê, không chỉ có niềm tin tâm linh mà còn ẩn chứa những thông điệp có tính hiện thực nhân văn sâu sắc. Đó là những oan nghiệt, những bất công đến phi lý không thể hóa giải được mà con người phải gánh chịu trong những chế độ xã hội đầy thế lực hắc ám. Vì vậy, họ phải đặt “niềm tin” vào thế giới siêu hình, dù “niềm tin” ấy cũng chỉ là những ảo vọng xa mờ, nhưng dẫu sao cũng là niềm an ủi, khi họ không tìm được cứu cánh trong cuộc đời. Đó là niềm tin vào lời nguyện cầu ở một con “suối giải oan”, là “nén tâm nhang đêm giao thừa” mà ông cha truyền lại: “Đêm giao thừa cả nhà tôi thức dậy/ Châm đèn lên, vợ tôi thắp nén nhang/ Cái hương liệu của tổ tiên truyền lại/ Cứ âm u tỏa khói ở trên bàn/  Xin về đây đừng lo lạc lối/ Đã có mùi hương làm người đưa đường/ Ta cùng uống với nhau ly rượu chợ/ Cùng xem mùa xuân giữa chốn phố phường” (Mùi nhang đêm giao thừa). Và đạo Mẫu, một tín ngưỡng dân gian trong đời sống tâm linh của dân tộc cũng được Văn Lê tôn vinh như một giá trị văn hóa rất đỗi tự hào: “Từ thuở sơ khai dân tộc của anh luôn sinh ra đàn bà là mạnh mẽ./ Họ mang biểu tượng thiên nhiên mà còn hơn thế/ Họ được tôn vinh như các vị thần/ Đạo thờ mẹ được hình thành như vậy/ Đây là văn hóa tâm linh của riêng Tổ tiên Anh!” (Những người làm chủ biển Đông). Thế mới biết, văn hóa tâm linh có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Việt Nam cũng như trong tâm thức văn hóa của Văn Lê như thế nào!? Và xét từ một điểm nhìn nào đó, văn hóa tâm linh cũng là một diệu pháp giúp người ta yên lòng, khi phải sống trong một thế giới còn quá nhiều những điều bất an.

Trong chuyên luận Cửa vào phong tục Việt Nam, tài liệu học tập về Văn minh Việt Nam dành cho sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ấn hành năm 1974 của Phạm Việt Tuyền, khi luận về vai trò của trí thức Việt Nam đối với việc giữ gìn nền văn hóa dân tộc, ông đã viết: “Trí thức Việt Nam cần phải ý thức nhu cầu duy trì phong tục thuần túy và phát triển văn hóa dân tộc (…). Muốn được như vậy cần phải học hỏi các phong tục thuần túy Việt Nam, cần phải xét lại các truyền thống dân tộc, để hãnh diện về những điểm có thể coi là dân tộc tính, là quốc hồn quốc túy…”[3]. Từ điểm nhìn này, ta thấy tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê không chỉ đóng khung trong những giá trị văn hóa phi vật thể khi luận về nguồn gốc giống nòi, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian… mà Anh còn khám phá nhiều giá trị văn hóa khác, trong đó có văn hóa vật thể của dân tộc. Đó là hình ảnh những Tháp Chăm sừng sững ngàn năm cùng tuế nguyệt như một kẻ lữ hành đơn độc để xác chứng và lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc, cho dù có trải qua bao tang thương của thời cuộc: “Ngút ngàn ở giữa rừng xanh/ Hiện lên ngọn tháp một mình – cô đơn!/ Người xưa đã chọn mặt tường/ Để lưu giữ lấy tâm hồn thiêng liêng” (Tháp Chăm). Hay hình ảnh những cư dân Lạc Việt vẫn miệt mài lam lũ cả một đời thương khó, chịu bao khổ nạn, bám đất, bám làng, cày sâu, cuốc bẫm làm nên giá trị văn hóa để khẳng định sự tồn sinh của dân tộc: “Người Lạc Việt cày trên đồng ruộng Lạc !/ Dân Lạc trồng dâu khắp bờ bãi sông Dâu…/ Lụa Lạc Việt làm nên trang phục Việt, gái trai búi tóc trên đầu!” Và “Cũng chính Tổ tiên Anh/ Đã dựng lên nhà sàn, đúc trống đồng thờ vật tổ là chim Hồng Lạc!/ Tổ tiên anh đã làm nỏ thần bí hiểm – liên châu!” (Những người làm chủ biển Đông)

Yêu quí, tự hào về văn hóa dân tộc, nên nhà thơ vô cùng xa xót đến đớn đau khi chứng kiến sự mai một của biết bao giá trị văn hóa truyền thống trước những biến đổi của làng quê thời hiện đại. Đây cũng là một biểu hiện của tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê được Anh thể hiện khá sâu sắc. Sự biến đổi văn hóa đó, trong cái nhìn của Văn Lê là biểu hiện của sự tha hóa, là sự bội phản lại những giá trị văn hóa tốt đẹp có từ ngàn năm của dân tộc mà khi nghĩ đến, lòng ta không khỏi day dứt: “Dân làng anh bây giờ xuôi ngược/ Thoắt ẩn/ thoắt hiện/ thoắt đến/ thoắt đi/ Làng quê u u mê mê/ Người ta như ăn cháo lú/ Họ lao ra bến sông bãi chợ/ Giành gật miếng ăn của nhau/ Chợ quê tràn ngập đồ Tàu/ Chẳng thiếu thứ gì ngoại trừ đồ thật/ …./ Được về lại làng quê yêu dấu/ Anh cảm thấy hoang mang…/ Có cái gì đó đang tan/ Đang bị xói mòn từ trong cội rễ”. (Quê hương người lính!) Không chỉ xa xót trước những biến động của đời sống văn hóa, nhà thơ còn ngỡ ngàng trước những biến đổi của cảnh quang môi trường ở làng quê, khi trên những cánh đồng đang mất dần những cánh cò, cánh vạc khiến làng quê trở nên vô cảm, vô hồn: “Năm trước cò nhiều lắm/ Trắng phau cả đồng nhà /Năm nay sao hiếm thế/ Muốn nhìn phải tìm xa…/ Cò vắng lòng cũng nhớ/ Biết giờ đồng bao la/ Thêm ngàn vùng ruộng mới/ Nên cò cũng chia ra” (Khi vắng bóng những cánh cò). Như một qui luật của tình cảm, ký ức, trong đó có ký ức văn hóa bao giờ cũng có sức sống dài lâu, nhất là những ký ức gắn liền với hoài niệm trong tâm thức mỗi người. Văn Lê cũng thế, khi nhận ra những điều tốt đẹp của văn hóa làng không còn nữa, nhà thơ không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối, khi nhớ về những ngày xa xưa, có thể cuộc sống còn nghèo nhưng ấm áp tình quê, hồn quê: “Những năm ấy quê em nghèo xơ xác/ Nhà lưa thưa bên kênh rạch xanh phèn/ Thân bì bõm như con cò cái vạc/ Em chống xuống vớt lúa giữa mưa đen” (Cây tràm mảnh dẻ). Tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê, vì thế là sự kết tinh giá trị của ký ức văn hóa dân tộc mà Anh luôn giữ gìn như giữ gìn chính cuộc sống của mình. Điều này đã được minh chứng trong nhiều bài thơ của Anh như: Tìm đồng hương, Chợ âm dương, Viết bên suối giải oan, Mùi nhang đêm giao thừa, Những cánh cò trong rừng, Khi vắng những cánh cò, Cây tràm mảnh dẻ, Kinh Bắc, Tháp Chăm, Cờ Người, Chơi ô ăn quan, Khúc Việt hành phương Nam…

Trong kho tàng thi ca dân gian Việt Nam, một di sản văn hóa phi vật thể quí giá của dân tộc, có những câu ca dao thể hiện nỗi nhớ quê thê thiết, mà khi đọc lên lòng ta không khỏi rưng rưng: “Đêm đêm đốt đỉnh hương trầm/ Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê” (ca dao). Như vậy, nỗi nhớ quê, không chỉ là tình cảm bình thường mà đó là tình cảm mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện bản sắc văn hóa Việt. Làng quê đối với người Việt có một sức sống thiêng liêng. Thế nên, người Việt Nam có thể “bị mất nước” chứ không bao giờ “để mất làng” và từ sức mạnh của Làng nhân dân ta đã giành lại đất nước. Điều này đã được xác tín trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây cũng là cảm hứng chủ đạo trong nhiều bài thơ của Văn Lê như: Lời người trong cuộc, Khúc hát đồng quê, Đại hạn, Khúc bi ca, Câu nói không lời, Khúc hát phong tình miền Tây… Đặc biệt là hai trường ca Vé trở về và Câu chuyện của người lính binh nhì, trong đó, có những câu thơ chất chứa tình quê sâu nặng của thi nhân mà khi đọc lên ta không khỏi thấy quặn lòng: “Đồng chiêm nghèo của tôi ơi/ Nhận cho một lạy của người ra đi” (Khúc hát đồng quê); hay “Nỗi cô quạnh một mình trên đồng trống/ Đã làm anh nhớ mẹ đến gai người/ Anh nhớ xóm làng nhớ đồng chiêm trũng/ nhớ cội nguồn mà anh đã chia phôi…” (Đại hạn). Ngoài những biểu hiện đã nói ở trên, có thể nói, kết tinh của tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê chính là cái tình đối với làng quê, nơi Anh sinh ra cũng như những làng Anh đã sống và chiến đấu trên nước Việt dấu yêu. Văn hóa làng chính là bầu sửa nuôi dưỡng hồn thơ Anh, chắp cánh cho Anh trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Tìm hiểu tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê chính là tìm hiểu cội nguồn văn hóa làng làm nên những dự phóng sáng tạo trong thơ mà nếu không có nó, Anh không thể bay cao, bay xa trên bầu trời thi ca dân tộc như Anh đã sẻ chia về bài học làm người qua diễn ngôn thơ chứa đựng những thông điệp đầy tính ẩn dụ: “Các anh học cách thắt lưng cho chặt/ Học lúa đồng đội nước mà lên/ Học loài yến không vấy bùn lên tổ/ Học ốc sên để biết cách im lìm/ Học con cò lặn lội bờ sông/ Học con vịt mò ăn trong nước/ Học cả con chim bị nhốt ở trong lồng…/ Thầy giáo dạy anh: – Làm “quan” không khó./ Được thành người mới danh dự cao sang!/ Dân lạc Việt phải sống hồn lạc Việt/ Không để quê hương cho ma quỉ nhập tràng…/ Anh yêu làng anh – Cái làng nghèo túng,/ Nhưng trót thương ai thì thương đến tận cùng/ Không vì lợi mà bán mình cho quỷ/ Đã là người phải có thủy chung” (Bài học đầu tiên).

Đọc những câu thơ này của Văn Lê, tôi nhớ đến Albert Camus, một triết gia hiện sinh, một nhà văn nổi tiếng của nhân loại thế kỷ XX, người được trao giải thưởng Nobel văn chương năm 1957 đã xác quyết: “Khi văn hóa xuống cấp, nó rút ngắn con đường dẫn đến nô lệ”. Viện dẫn điều này, tôi muốn chia sẻ với nhà thơ Văn Lê, tại sao tôi chọn viết về tâm thức văn hóa trong thơ Anh. Vì cũng như Anh, tôi không muốn những tháng năm cầm bút, cầm súng, gần cả đời người của Anh cho độc lập, tự do của dân tộc trở thành vô nghĩa. Bởi, nếu hôm nay, chúng ta không nâng cao ý thức bảo tồn “giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc”, để nó “xuống cấp” không phanh thì “con đường dẫn đến nô lệ” như Albert Camus đã dự báo sẽ là một tất yếu không xa. Vì vậy, tâm thức văn hóa trong thơ Văn Lê với những gì đã luận giải, thiết nghĩ cũng là một hệ giá trị, góp phần bảo vệ nền văn hóa dân tộc, cần được trân quí và chia sẻ…

  Xóm Đình An Nhơn – Gò Vấp, 15/5/2020

(Mùa đại dịch Corona – 2020)

            T.H.A

* Thơ trích dẫn trong bài lấy từ Văn Lê, Tuyển thơ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015

[1] Tập san Sử địa, tam cá nguyệt san – số – 5, tháng 1,2,3/1967, tr.2

[2] Cao Văn Liên, Việt Nam diễn nghĩa  tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.93

[3] Phạm Việt Truyền, Cửa vào phong tục Việt Nam, Sài gòn, Tác giả tự xuất bản, 1974, tr. 240