Cỏ Ba Lá
(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều nay, giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Tôi lang thang một mình trên phố, dường như năm nay Sài thành cũng mang hơi hướng của tiết trời miền Trung lẫn cả miền Bắc, một chút lành lạnh hanh hao, có chút mưa có chút khắc khoải bồng bềnh. Có lẽ thành phố vừa trải qua một trận ốm nên gió chướng cũng ùa về theo. Một cánh chim nhỏ khẽ bay ngang giữa bầu trời rộng, chợt thấy mình lạc lõng, chơi vơi giữa dòng đời xuôi ngược trong dòng xe hối hả, ồn ào của một mảnh đất như lạ nhưng lại từng quen. Xa xa những cánh hoa màu tim tím lờn vờn buông nghiêng trong gió rồi khẽ chạm xuống mặt đất một niềm riêng mang.
Đưa tầm mắt về phía chân trời, nhìn về hướng quê nhà sao mà xa xăm quá đỗi. Đâu đó một điệu nhạc buồn vang lên:
“… Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về
Mà nay đã bao xuân rồi trôi qua
Giờ đây chắc Mẹ già tóc bạc nhiều
Sớm chiều vườn rau vườn cà
Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai…”
(Trích Mùa xuân của mẹ – Trịnh Lâm Ngân)
Khóe mắt bỗng cay cay, ứa nhoè những giọt ngắn giọt dài. Tôi chưa bao giờ để mình dễ khóc đến thế. Những giọt mằn mặn, chan chát những tủi hờn, đau đáu chất chứa trong lòng của một kẻ xa quê những ngày cuối năm. Tháng mười hai, ở thành phố mưa nắng hai mùa, những vạt nắng vàng cũng nhoè theo từng nỗi nhớ, khung trời khéo bẻ làm đôi miền nghĩ suy chất chứa. Mảnh nơi này, mảnh ở trời quê…
Ước gì ngay bây giờ có thể bỏ qua mọi thứ, gom góp tất cả để trở về với miền thương miền nhớ hôm nào. Về với con đường quanh co, lũy tre làng từng in dấu bàn chân đi học, về với trò chơi thuở bé, về với ruộng lúa nương khoai, về với mùi khói bếp của mẹ bay lên trên mái nhà xưa mỗi chiều hoàng hôn ngã bóng, về ngắm những đàn trâu lững thững đi về sau những ngọn đồi nắng chiều quên tắt… Về để cùng mẹ cùng ba chuẩn bị cho một cái Tết trong niềm hân hoan, hồ hỡi. Tháng mười hai rồi, chắc lòng ba mẹ cũng đang mong ngóng những đứa con xa: “Năm này, liệu rằng con bé có về ăn Tết sớm được không hay cũng như bao năm, mồng một mồng hai mới về nhà…?”
Mùa đông! Chiều không còn nắng, mơ cái Tết của nồng ấm gia đình, thèm lắm một bầu không khí quây quần buổi tối quanh bếp than hồng mùa đông, bên ba bên mẹ dấu yêu, bên các em tôi khờ dại và cùng chờ ngày rét buốt, mưa rả rích qua đi là ngày xuân ấm. Có ai xuôi về nơi ấy cho ta gửi gắm lòng mình đôi chút. Ai đó đi về xin nhặt giùm những chuỗi Tết thuở ngày thơ…
Tháng mười hai của những năm về trước, khi tôi còn chưa xa nhà, chưa rời vòng tay bao bọc chở che của ba mẹ. Mỗi độ cơn gió mùa về là mẹ lại nhóm lên một bếp củi đỏ rực ở gian nhà bếp, bếp than hồng nổ lách tách, loé sáng chiếu rọi những gương mặt ngây ngô với nụ cười thích thú của chị em tôi, những củ khoai lang nướng nóng hổi được mẹ trao tay cho từng đứa, ấm nồng như tình thương ấm áp của lòng mẹ giữa đêm đông. Nhớ nồi canh me đất mẹ nấu với ruốc thôi nhưng nức lòng đàn con nhỏ, thơm lừng cả không gian. Con nhà nghèo nên cây nhà lá vườn là những thứ mẹ dùng để nuôi chúng tôi khôn lớn và cũng chính sự nghèo nàn, đơn sơ, mộc mạc ấy nuôi dưỡng tâm hồn thuần khiết của bọn trẻ chúng tôi ngày ấy.
Mẹ bảo: “Canh chua này ăn nhanh lớn lắm! Ăn vào sẽ thông minh học giỏi nên các con ăn nhiều vào…”
Còn ba tôi thì mỗi sáng trước khi tôi đi học thì đều nhắc nhở: “Nhớ mặc áo kĩ vào nghe con, trời hôm nay lạnh lắm…”.
Thời gian trôi, qua rồi không biết bao nhiêu tháng mười hai như thế nữa… Tôi xa nhà để đi làm ở nhiều nơi khi thì ở Đà Nẵng, lúc ở Sài thành náo nhiệt, có khi lưu lạc ở tận đất nước hoa anh đào Nhật Bản xa xôi. Mỗi sáng thức dậy ở một thành phố không phải lạ cũng chẳng phải quen. Tất cả mọi thứ phải tự mình lo lấy. Công việc với bao bộn bề áp lực đã có lúc tôi chỉ ước được như mùa đông thơ bé thuở nào.
Tháng mười hai rồi, ở Huế bây giờ có lẽ miền buốt giá len lỏi khắp nơi. Những cơn mưa theo về giăng mắc bao niềm hoang hoải, vắt ngang lưng chừng trời một màu xám tím. Làn gió buốt khẽ ngang qua mang màu băng giá. Từng cơn mưa xua đuổi những vệt nắng còn sót lại đi về cuối trời, những cơn gió lành lạnh trở mình cho những cái rét kéo dài về đồng hành trong từng ngóc ngách nhỏ của làng quê, con phố… Mùa đông rũ rượi, hao gầy! Từng bước chân vội vã trên con phố mưa: buồn, lạnh, vắng tênh …! Cơn mưa lâm thâm, tỉ tê bao điều, mưa quyện vào gió bất phả vào lòng người, càng làm cho cái lạnh đậm hơn, dày lên theo nỗi cô đơn của những tâm hồn đơn lẻ: Chếch choáng, chênh vênh…!
Huế mùa này, từng tán cây bàng chuyển sang màu đỏ ối cả một góc trời. Quanh Thành Nội, những cành hoa sứ trơ mình, trụi lá, khẳng khiu. Bầu trời đặc quánh, bao phủ một làn sương xám, nhuộm tím cả dòng Hương, tê tái cả mấy nhịp Trường Tiền, từng cánh chim chiều chao nghiêng khắc khoải những nỗi niềm riêng sâu hoắm giữa trời đông. Nhớ biết bao hình ảnh của một miền đất Cố Đô. Nơi đã từng lưu dấu tuổi thơ tôi một trời kỉ niệm đầy vơi. Nơi của miền quê nắng cháy mưa dầm, rét mướt, lũ lụt bao ngày. Nó như một mặc định của mảnh đất miền Trung vốn nhiều khắc nghiệt nhưng con người chịu thương chịu khó.
Hết hạ rồi thu sang, đông qua rồi xuân đến. Nhớ ngày nào khi gió mùa trở rét, cái rét của gió mùa đông bắc ùa về trên mọi nẻo. Những luồng gió theo về làm tả tơi tàu lá chuối hãy còn xanh mơn, gào xé những chiếc lá của những cành cây quanh vườn đang cố bám trụ, chẳng chịu rời cành tiễn biệt. Gió len vào khe cửa, xuyên qua những tấm tre mành mẹ ba đan vội để che chắn luồng gió đông… Miền Trung nói chung, vùng đất Huế nói riêng, mỗi độ đông sang kèm với gió bất là kéo theo những đợt mưa dài thê thê càng làm cho cái rét tăng lên gấp bội. Rét lạnh thấu xương, lạnh đến cắt không ra máu, rét tái vành môi lũ trẻ, lạnh cóng cả ao bèo tím biếc, lạnh bao trùm khắp các luống khoai lang mẹ trồng, lạnh lên cả mấy dãy sườn non, sau làn sương xám tím, đàn trâu đang chậm bước về chuồng…
Ngày ấy, cơ cảnh nhà tôi nghèo lắm, nghèo như kiểu “nghèo rớt mồng tơi”. Đêm đông, chiếc chăn mỏng cũ mèm, rách tươm không đủ ấm. Nhà nghèo nên sự túng thiếu cứ bủa vây suốt tháng năm dài. Có lẽ ai chưa đi qua cái khổ thì sẽ không biết cái khổ nó đeo mang như thế nào. Những bữa ăn, khoai sắn độn nhiều hơn cơm. Để có được cái no là mừng lắm rồi nào dám mơ chi đến sự đủ đầy. Ngày rét buốt da, chúng tôi cũng không có nhiều áo ấm để mặc, ở trong nhà nhưng cái rét vẫn như căm hờn, nhuộm làn da thành một màu nâu tái, bờ môi cứ run lên cầm cập khi cơn gió khéo lạc đường hất thẳng vào nhà, xuyên từ đằng trước ra tới đằng sau, đi qua chái bếp rồi phả thẳng vào mặt những làn khói cay xè từ bếp lửa ẩm iu vừa nhen nhóm. Lạnh căm là thế, nhưng vì thương con, ba tôi cứ mỗi đêm là chuẩn bị đèn pin, mặc áo mưa, mang theo một cái chơm và một cái oai(cái giỏ được đan bằng tre) đi ra các đìa ao nhỏ để chơm cá… Mỗi sớm mai thức dậy là chị em tôi lại được một bữa cơm muối kho cá ngon ơi là ngon. Nói như thế là vì đêm hôm rồi ba chỉ được vài con mại hỏn bé tẻo teo như ngón tay trỏ của tôi. Thương lắm ngày thơ ơi…
Năm tháng qua nhanh, thời gian bỏ mặc tuổi thơ đưa chúng tôi về miền khôn lớn, trưởng thành… Gia đình cũng không còn thiếu trước hụt sau, không phải chạy vạy khắp nơi lo cái ăn cái mặc, cũng không còn cảnh những ngày rong ruổi mò cua bắt cá trên đồng, cũng qua rồi những ngày nhặt mót khoai lang, ăn sắn thay cơm, trừ bữa như những mùa đông thuở ấy. Nhưng trong tôi, hình ảnh ba mẹ sớm khuya lam lũ ngoài đồng, gieo sạ dưới cái rét lạnh căm căm, miệt mài là thế mà vẫn không đủ ăn, “lúa vô nhà khó như gió vào nhà trống” thì không thể xoá mờ. Bàn tay chai sần, gân guốc của mẹ nhão ra vì ngâm nước đồng sâu, đôi chân nức nẻ những vết ngang dọc nông sâu như đồng ruộng lúc sâu lúc cạn. Tất cả những điều đó đã đóng khung thành một kí ức vừa thương vừa buồn của tuổi thơ tôi về những mùa đông xa vãng…
Tháng mười hai, gió vẫn mơn trớn đu đưa những tàn cây tán lá trong vườn. Những chú gà con chíu chíu nấp vào lòng mẹ để tránh những làn gió chẳng gọi mời. Tháng cuối năm, lòng cứ mãi miên man nhớ về những kỉ niệm cũ của mùa đông năm nào. Mơ cái tết sum vầy cũng đang trên đường về để sưởi ấm những tâm hồn giá lạnh sau những tháng đông dài… Tháng cuối năm, nhắc nhở, hối thúc những người con xa quê quay về bên vòng tay yêu thương của mẹ, tìm về bên tiếng nói đầm ấm của ba với bao ý niệm cảm thông, động viên chia sẻ.
Bâng khuâng nhớ, bâng khuâng tủi, sống mũi cay xè. Tháng mười hai lại đến, như một quy luật của đất trời. Tháng mùa đông cuối năm tất bật, bận rộn tháng khép lại năm cũ, tổng kết những thiếu sót của một năm vừa qua, khép lại những gì đã qua trong năm cũ để chuẩn bị cho một năm mới, với niềm mong mỏi có một cái Tết đầm ấm sung túc hơn. Đã đi qua bao chặng đường đây đó, nếm đủ vị đắng cay ngọt bùi của đoạn trường dâu bể. Tôi chợt nhận ra rằng không đâu có cái Tết mang vị ngọt thanh lòng, ấm nồng như vùng đất mẹ thân thương.
Tháng cuối của năm. Tàn một mùa đông là năm mới ghé thềm, vươn từng sợi nắng ấm mùa xuân len qua từng khe lá, sưởi ấm muôn loài. Ngâm trong những ngày tháng ngủ đông tê tái, giờ là lúc ai ai cũng thèm chút ấm mùa xuân, mơ về ngày tết sum họp bên gia đình, cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng xanh. Không khí tết ngập tràn khắp nẻo đường quê, rộn ràng trên từng khu phố. Tết tuy mỗi năm mỗi khác, Tết này ắt là khác hẳn so với tết xưa về hình thức nhưng cái cốt hồn quê vẫn đậm nét trong lòng những người con đất Việt. Vẫn nồng, vẫn ấm tình cảm gia đình yêu thương, mong mỏi trở về với gia đình của những người con xa xứ thì mãi mãi muôn đời không thay đổi. Ai đi xa mà không từng đau đáu nỗi nhớ ba mẹ, anh chị em, gia đình, làng quê, xứ sở…! Cuối năm rồi có biết bao người mẹ đang mong ngóng con mình về quây quần bên cái Tết quê…!?
Sâu thẳm trong tim, ai ai cũng có một cái Tết của riêng mình để mà thương mà nhớ…. Tháng mười hai rồi, mọi người đã chuẩn bị, đã dự định để về nhà chưa? Về để nghe lại những nồng đượm ấp iu trong vòng tay của mẹ, để nghe được những âm trầm trong tiếng nói của ba… Về để thăm lại cây xoan trước ngõ, về để ngắm chú chim nhỏ chuyền cành báo hiệu một mùa xuân sang trong vạt nắng mai vàng… Về nhà cuối năm để cùng nhau nhâm nhi tách trà xanh nghi ngút khói thơm thảo, nghe trong lòng ngọt vị bánh đậu xanh quê thuở nằm nôi, về để thưởng thức vị mức gừng cay cay ngày nào trong lời ru “gừng cay muối mặn” của bà, về để cảm nhận mùi vị bánh chưng, bánh tét quê hương, của “thịt mỡ dưa hành”, của hồn dân tộc trong màu xanh lá chuối với hạt nếp dẻo thơm có mồ hôi của mẹ, về bên “câu đối đỏ” trong nét bút của ông Đồ già xưa, tìm lại “cây nêu, tràng pháo” trong miền kí ức…
Về nhà thôi! Về ai ơi! Về đi anh! Về đi em! Về để ngồi ôn lại chuyện cũ, được mất… Sẽ biết là có những điều không như ý nhưng đó cũng là động lực để ta chào một năm mới với nhiều khởi sắc hơn, tốt đẹp hơn… Chúc cho gia đình, những người thân quanh tôi, bạn bè gần xa trên mọi miền đất nước, nguyện cầu cho nhân loại và cho bản thân đón một năm mới luôn nhiều sức khoẻ và may mắn… Và không quên nguyện cầu trong điều ước cuối năm, rằng đại dịch Covid sẽ qua đi trong niềm hân hoan năm mới.
Tháng mười hai rồi, quay về nguồn thả lòng mình trong cái Tết của cốt hồn quê…!
C.B.L