Thầy đạp – Truyện ngắn Dương Đức Khánh

1197

Ảnh minh họa – nguồn internet

Từ hồi lọt lòng mẹ, Tư Nhánh đã có cái cục u ngay giữa trán, tròn như cục đạn cu li. Tới năm gần bốn chục tuổi, một lần Tư Nhánh đi chùa trên núi gặp ông thầy coi tay coi tướng nhìn cái “cục thuốc tễ” ngay thượng tinh, phán một câu chắc nụi: Có tay phục dược, có tướng sau này làm thầy thuốc cứu nhơn độ thế.

Câu phán của ông thầy tướng có vẻ đúng bởi từ nhỏ tới giờ Tư Nhánh chỉ biết có mỗi cái việc đồng bái, cái nghề mần ra hột lúa. Nhưng mấy năm gần đây cứ ruộng nương rỗi rảnh là Tư Nhánh xỏ bộ bà ba đen, đội mũ lác theo anh em thiện nguyện lên tới núi Cấm núi Két kiếm thuốc nam thuốc núi. Có chuyến mươi ngày nửa tháng, chở về từng ghe đầy ngất. Rồi lo chặt phơi, vô bao chở bằng xuồng bằng xe cải tiến tới các nhà thuốc nam từ thiện. Tư Nhánh theo làm công quả ở Nhà thuốc Thầy Bảy Nhơn dưới đuôi cồn. Thầy Bảy nổi tiếng khắp Lục tỉnh, trị bá bịnh không lấy ai đồng xu nào. Người bệnh tuốt miệt Cà Mau Sóc Trăng cũng tàu bè ghe cộ tìm lên ăn chực nằm chờ. Cả khu đất vườn nhà thầy cất lều cất trại dài dằng dặc. Có phân khu phân khoa như cái bệnh viện. Mỗi “khoa” đều có thầy chuyên môn phụ trách. Một ông thầy Miên trên núi Tà-Lơn chuyên trị bệnh tà thường được thỉnh về theo định kỳ những ngày rằm, mùng một. Cũng có khi thầy hạ sơn đột xuất, thoắt hiện thoắt biến theo ngày giờ linh như người cõi trên. Con bệnh bị tà nhập được người nhà đưa tới chực chờ cầu may. Thầy bất thần xuất hiện, người đen mun đen bóng như bôi lọ nồi. Đeo bùa bát quái xanh đỏ, vận xà rông đầu chít khăn đỏ, đi xe cub cánh én bảy mươi, biển số Campuchia chữ ngoằn nghoèo như cọng mì Hảo Hảo. Nghe nói từ am cốc trên đỉnh Tà-Lơn thầy xuống núi bằng ngựa, buộc ngựa dưới chân núi rồi mới đi xe máy tới các nơi. Thầy trừng trừng cặp mắt sáng rực láo liêng, cung tay khệnh khạng bước vô cái “khoa tâm thần” dành riêng cho thầy trị tà được xây gạch kín mít. Bên trong âm âm u u, treo bùa treo ngải đầy vẻ thần bí. Một dãy lu hũ lớn nhỏ lủ khũ có dán giấy đỏ vẽ chữ bùa. Nghe nói để thầy bắt “con ma con tà” nhốt vô đó. Mỗi ca bệnh đưa vô thầy đóng cửa cái rầm, người nhà đứng ngoài nghe tiếng thầy vung roi quất vun vút, hù hét gầm gừ bằng tiếng Miên tiếng Lèo, dậm chân bịch bịch như đang oánh võ. Ma tà yêu quỷ khiếp vía xuất ra khỏi xác phàm con bệnh, thầy nắm đầu bắt nhốt vô lu đưa về núi cho tu hiền, khỏi đi phá khuấy thiên hạ. Xong. Bệnh nhân đi ra chắp tay vái vái thầy, tỉnh táo bình thường!

Tư Nhánh cùng với ba bốn anh em trong tổ thuốc nam tình nguyện làm phụ tá, “kỹ thuật viên” ở “Khoa” đau nhức xương cốt. Phương pháp điều trị ở đây đặc biệt nổi tiếng. Bệnh nhân loại này đông vô số kể, nhứt là các cô các chị ở tuổi băm trở lên. Bên tây y gọi thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm chi chi đó. Ở đây thầy trị bằng cách xoa và đạp thuốc núi, hiệu quả cấp kỳ. Tiếng lành đồn xa, nhiều chị em ở  tuốt Rạch Giá, Hà Tiên đi ghe máy, rồi hùn nhau bao Toyota mười hai mười lăm chỗ đi lên chữa bệnh. “Khoa Đạp” bố trí trên bộ ván dài cả chục thước, được ngăn từng buồng cá nhân bằng tấm màn cao tới ngang ngực. Các thầy “kỹ thuật viên” xoa thuốc rượu lên lưng người bệnh xong, hai tay đu trên cây sào, dùng chân hơ trên mẻ than thuốc xông đang lên khói rồi đạp, dẫm, day lên chổ đau nhức trên lưng bệnh nhân. Tấm màn được che từ ngang ngực các “thầy” trở xuống, nên người đứng ngoài có thể thấy mặt các thầy đều ngẩng lên vô tư, lim dim niệm chú. Thỉnh thoảng mấy thầy mới cúi xuống xoa thuốc, thêm thuốc vô mẻ. Xong ca này tới tốp khác.

Cô Ba cô Tư vừa bước ra lưng áo ướt đẫm mồ hôi, Cô Sáu cô Bảy xúm hỏi: “Sao, có đau dữ không chị, tui nhát lắm, sợ đau không chịu nổi!”. Bệnh nhân đứng lau mồ hôi cười tủm tỉm: “Ui dào, thầy đạp hay lắm, giờ tui thấy trong người nhẹ re hà!…”. Cắp nón ra tới đường, mấy chị xúm nhau cười ha hả: “Công nhận thuốc núi của thầy hay thiệt, đạp tới đâu nó nóng rần rần, chạy tê tê tới đó. Mắc ghiền luôn! Mơi đi tiếp nghe mấy mẹ! Bệnh nhẹ nhẹ cũng phải đạp liên tục một tuần mới hết!… Hôm hổm tui đi ông thầy Cùi Chỏ dưới Rạch Cám, thầy cũng thoa thuốc nhưng không phải đạp mà day day, xoáy xoáy bằng cùi chỏ khắp cổ khắp lưng, nhột nhạt muốn chết! Thầy còn cho chai thuốc rượu kêu về nhà nói chồng con cứ làm y dzậy!… Thằng chồng tui nhậu xỉn về có nước mà nó giựt chỏ vô mặt sưng như cái bánh cam chớ ở đó mà day! Nè, ở dưới kinh Cái Răng nghe nói cũng có ông thầy đạp, chữa mẹo hay trời thần luôn! Người bị cụp lưng đôn xương sống nhăn mặt đi cà khum cà khum tới. Thầy hỏi đau đâu đau đâu, quay lưng coi. Thầy nắm hai tay người bệnh như chéo cánh gà rồi bất thần tống một đạp vô lưng kêu cái rốp, người bệnh nhảy dựng lên kêu trời kêu đất, mắt nổi đom đóm! Thầy xoa thuốc vỗ vỗ mấy cái hỏi hết đau chưa, đứng thẳng lên coi. Người bệnh đứng thẳng lên bình thường như lúc chưa đau. Tỉnh bơ đi về!”.

Đúng là ông thầy coi tay coi tướng phán như đinh đóng cột. Chẳng mấy hồi mà Tư Nhánh được thiên hạ kêu bằng thầy đàng hoàng. Nhứt là mấy chị mấy cô xứ miệt dưới. Vườn tược bao la mà mang cái cái bệnh đau lưng nhức khớp chẳng phụ giúp chi được chồng con. Mỗi lần đi đạp về thấy trong người khỏe mạnh cứ như uống thuốc tiên. Lần sau quay lên thế nào mấy cô cũng xách ít cây trái của vườn gọi là chút quà đền ơn thầy. Nhưng như đã nói, các thầy làm phước “công đức vô lượng”, đại kỵ nhận bất kỳ thứ gì của người bệnh. Mấy cô nài nỉ ỉ ôi cách mấy thầy cũng dứt khoát không là không! Thầy kêu đem ra mời bà con đang chầu chực đứng khát nước ngoài sân kìa! Lần sau làm “dzậy” là thầy không tiếp tục trị nữa nha!

Biết mình có căn duyên làm thầy nên Tư Nhánh có cuốn sổ tay bỏ túi áo bà ba đen như cái “sổ theo dõi bệnh nhân”. Lúc đạp thầy thường tranh thủ hỏi thăm rồi cẩn thận ghi lại bằng viết chì tên tuổi, làm gì ở đâu như kiểu nhân viên trong bệnh viện đa khoa. Có cô vui vẻ đọc số điện thoại di động cho thầy ghi rồi xin số của thầy, lúc nào có dịp xuống miệt dưới đó mời thầy ghé uống nước dừa xiêm xứ em!

Làm thầy chẳng bao lâu mà cuốn sổ tay của thầy Tư Nhánh kín mít. Thỉnh thoảng cái Nokia trong túi áo bà ba thầy reng reng. – A lô! Dạ em chào thầy! Thầy nhớ em hông? Em là Út Đẹt ở dưới Rạch Cát hôm hổm lên trị bệnh đó thầy!… Cái lưng em hết đau rồi, nhưng giờ nó đau dài xuống một bên chân, nhức lắm! Nhắm trị được không thầy?… Chà, cái này là đau thần kinh tọa rồi, hôm nào lên thầy coi mạch, hốt thuốc về sắc uống mới được! Rồi có cô xưng Việt kiều tuốt bên Mỹ gọi về – A lô, em then-kiu thầy! Từ hôm em về nước, nhờ thầy trị cái lưng em giờ bớt đau nhiều lắm! Bên đây em dùng đủ thứ thuốc Tây thuốc Mỹ, vậy mà phải công nhận thuốc nam bên mình tuyệt vời!… Em mang ơn thầy! Then-kiu thầy!…

Người bệnh ngày càng nhiều nên các thầy đạp phải làm việc cật lực, bất kể giờ giấc. Làm phước, công đức vô lượng mà. Tư Nhánh sáng bửng mắt là lật đật xỏ bà ba đen đội mũ lác, dắt xe đạp tranh thủ xuống nhà thuốc, còn sớm hơn dân ra đồng. Mấy công ruộng mùa rồi sạ xong giao thí cho vợ con. Tới cữ phun thuốc sâu mới mang bình ra xịt. Lúc rày từ nhà ra đồng Tư Nhánh không đi giò không mà mang dép Lào, tới bờ ruộng mới bỏ dép. Ngón chân ngón cẳng hồi này phải giữ cho bớt nổi chai nổi sần. Chân cẳng lúc này là để day nhấn các huyệt đạo, đả thông kinh mạch cho người bệnh, quan trọng lắm. Tư Nhánh năm nay mới gần bốn mươi. Bốn đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Anh ta đi làm việc phước để đức cho con, con gái nhờ đức cha. Lại cũng cầu trời kiếm thằng con trai sau này chống gậy. Vợ Tư Nhánh giỏi giang tần tảo. Hết việc đồng chị ta quay qua đổ bánh bò, bánh da lợn. Hai đứa gái lớn buổi đi học buổi đội bánh đi bán. Tới mùa cá linh ra rộ, chị ta cân cá của mấy ghe lưới đội đi bán. Người bán cá linh tươi phải lanh lẹ, vừa đi vừa chạy vừa rao, miệng bằng tay tay bằng miệng, chậm chân cá ươn là lỗ vốn. Có hôm gặp chị đội thúng cá te te, bà Ba Gạo vỗ vai: “Chà cha, Tư Nhánh lúc rày mần được cá cho vợ đi bán, giỏi dữ ha!” Chị trả lời kiểu đang nổi quạu trong bụng: “Chả lo đi đạp người ta không kịp, thời giờ đâu mần cá thím Ba ơi!”.

Hôm chị với đứa gái lớn mười hai tuổi đi canh nước đang bơm vô ruộng, bể bờ, hai mẹ con hì hà hì hục ôm từng tảng đất be lại mệt muốn đứt hơi. Con gái hỏi: “Sao ba ổng đi đâu đi hoài dzậy má?”. Chị vừa giậm vừa đạp tảng đất cho chặt:  “Đi đạp! Ổng đi mần thầy đạp dzầy nè!”. Con gái hỏi gặng: “Đạp chi dzậy má?”. Lúc đó nhìn xuống mương thấy hai con vịt đang rượt nhau tung tóe, con này dìm đầu con kia xuống nước, đạp đạp lên lưng: “Đó, thằng cha mày đi đạp giống dzậy đó!”. Con gái chẳng hiểu mô tê ất giáp chi nhưng thấy mặt má nó quạu đeo, không dám hỏi thêm. Kể ra vợ Tư Nhánh đôi lúc đổ quạu cũng phải. Người ta có của ăn của để rồi mới tính chuyện đi làm phước. Như Tư Lung, Sáu Láng… đất ruộng bề bề, nhà ngang nhà dọc, vợ con đeo vòng vàng đỏ tay. Nhà Tư Nhánh như cái tum cái trại. Thiếu trước hụt sau…

Ở xứ này làm thầy phải như ông thầy Hai Bệnh Trĩ, bà thầy Năm Thuốc Tễ mới gọi là thầy là bà. Nhà ông Thầy Hai giờ chẳng thiếu thứ gì. Nghe nói ổng đang dọ sắm xe hơi cho thằng con út chở đi các nơi trị bệnh. Hồi mới về xứ này sự sản thầy Hai Trĩ có chiếc ghe nát trôi nổi gần bến đò, bên hông ghe treo tấm biển nguệch ngoạc “Thầy Hai mằn bịnh trĩ”. Vài chục năm nay người ta quen gọi ông thầy Hai Bệnh Trĩ, cũng chưa ai biết tên tuổi thật, quê quán thầy Hai xứ mô. Vậy mà giờ thầy Hai thuộc hàng tai to mặt lớn trong làng. Dịp làng cúng lễ kỳ yên, thầy Hai mặc bộ bà ba trắng đeo mắt kiếng đen, đầu chải láng mướt ngồi cùng chiếu với mấy lão làng trong ban quí tế. Cái tên “Thầy Hai Bệnh Trĩ” đứng đầu danh sách công đức cúng dường mỗi kỳ trùng tu đình làng. Cơ ngơi của thầy cũng tòa ngang dãy dọc gần bằng cái đình, nằm ngay đầu vàm sông. Trụ cổng mái vòm cũng chữ nho sơn son thếp vàng, rồng bay phượng múa nổi rực, dưới sông trên bờ cách cả cây số đã nhìn thấy.

Thầy ở với bà nhỏ kém thầy đúng ba chục tuổi. Bà lớn ở với người con trai lớn cũng làm thầy chữa bệnh trĩ nhà ngay góc chợ. Anh nầy cũng đi làm bệnh khắp xứ, áo bỏ vô thùng xách va li sam-sô-nai như cán bộ tỉnh. Bầy con của thầy trai  gái lớn lên đều được thầy truyền nghề chữa trĩ gia truyền. Chị thứ tư lấy chồng tuốt trong kinh cũng làm thầy nhưng chị này tánh tình tào lao ruột ngựa. Không cần biết gia truyền bí truyền là chi chi hết. Con nít gặp người bệnh xứ xa tới hỏi thăm dẫn vô tới nhà chị đều cho tiền. Mỗi con bệnh chị chỉ nhận vài trăm trong khi thầy Hai cha chị tính bạc triệu. Người bệnh ra về chị ra đường xóm bô bô tỉnh bơ: “Có tốn kém bi nhiêu mà khứa cổ người ta cho mất đức. Cắt trĩ xong ra sau hè quơ một nắm thuốc nam vô đắp cầm máu. Thuốc uống thì ra tiệm thuốc tây mua thuốc viên ăm-bi, tê-tra về nghiền ra, trộn ít thuốc tán cho có mùi thuốc bắc, cho người ta về nhà uống lành cấp kỳ, có gì đâu!…

Cậu Út con bà nhỏ mới vô cấp ba cũng võ vẻ nối nghiệp. Bởi bà nhỏ nay gần bốn mươi thì thầy cũng xém bảy chục rồi. Số là hồi tới xứ này chân ướt chân ráo, người ta thấy hai vợ chồng thầy chui ra chui vô chiếc ghe cùng với đứa con gái chừng hai mươi hăm mốt, tròn nựng, trắng tươi trắng nõn như cục bột. Rồi có lúc bà vợ lên bờ đi đâu đó người thọc mạch nhìn thấy thầy với cô gái nằm ôm nhau xà nẹo trong ghe. Một hồi thấy tấm cà rèm sập xuống, chiếc ghe nhỏ xíu lắc lư nhồi lên nhồi xuống như có sóng ca-nô chạy ngang. Hóa ra cô gái không phải con mà là vợ thầy luôn. Chính miệng bà vợ thiệt tình kể: – Nó là cháu kêu tui bằng dì ruột, hồi tui sanh thằng con thứ tư còn trong tháng, nó qua lăng xăng phụ tui cơm nước, rồi tò tí sao đó dượng cháu dính luôn, gỡ không ra. Phải bỏ xứ mà trôi sông lạc chợ như dzầy cũng vì chuyện đó. Tui buộc phải chấp nhận vì biết tánh ổng, không con này cũng con khác nhảy vô. Ổng mần nghề này tiền bạc như bá hộ. Thôi thà để cháu mình vô hưởng cho nó sung sướng cái đời. Tui phải cố theo ổng là để lấy tiền về nuôi bầy con. Buông ra ổng dong ghe biệt xứ với nó biết đường nào mà lần.

Chuyện một ông hai bà ở chung một ghe rồi cũng nhỏ như con thỏ ở xứ này. Thiên hạ ở đây còn chứng kiến cảnh một bà hai ông chung một ghe nữa kìa. Đó là cô Năm Thầy Thuốc Tễ, dân ở đâu miệt Ô Môn Cần Thơ gì đó, tướng tá cao như cây tre miễu, xấp xỉ năm mươi còn sắc sảo ngời ngời. Nhan sắc Cô Năm mà cách nay vài chục năm là không thua gì cái cô người mẫu Ngọc Chinh Ngọc Cheo chi đó quê dưới Trà Vinh. Cứ vài tháng Cô Năm ghé ghe một lần. Đàn bà con gái xứ này hết thảy đều là khách hàng mua thuốc tễ Cô Năm. Chính cái dáng áo bà ba cổ trái tim khiến đám đàn ông nín thở của Cô Năm là hình mẫu quảng cáo cho loại thuốc tễ ăn ngon ngủ được, da dẻ hồng hào, điều kinh bổ huyết… hiệu quả như thần dược. Hai ông chồng một ông to cao, một ông thấp đậm, đều mặc bà ba đen. Tối ngày cả hai ông lui cui trong ghe lo bào chế, vo viên thuốc tễ hệt cục phân dê rồi vô bao đóng gói. Chiều Cô Năm đi bán về xổ ra một giỏ tiền, hai ông cùng ngồi vừa đếm vừa cười hú hí. Chiều nào trong ghe cũng bay mùi thuốc bắc thơm dậy làng, đó là Cô Năm làm món ngầu pín tiềm dâm dương hoắc, nhục thung dung cho hai ông chồng nhậu lai rai. Nhìn xuống cảnh này, đám đàn ông xóm thợ mộc trên bờ cứ đòi bỏ nghề bào đục đi mần thuốc tễ.

Chiếc ghe đậu chình ình trước mắt thiên hạ, nên chuyện mùng chiếu dưới “cái nhà bập bênh” này luôn là đề tài hấp dẫn cho cả đàn ông đàn bà trên bờ. Nghe nói tối nào trước khi đi ngủ hai ông đều rút thăm oẳn tù tì. Rồi nghe nói ông Thấp nằm đàng mũi, ông Cao nằm đàng lái, Cô Năm nằm khoang giữa. Tối nào bà quay chân phía ông nào là tới phiên ông đó phục vụ. Rồi chiều nào cũng thấy hai ông ngồi nhậu lắc lư trên mui ghe, có người nói ông Thấp uống ăn gian cho ông Cao xỉn quắc cần câu rồi chiếm một mình cả đêm. Sáng ông Cao giận bỏ lên chợ ngồi uống cà phê đen không đường một mình! Ôi thôi, cả trăm chuyện cười chảy nước mắt… Mấy mẹ đàn bà thường ao ước đẹp người cao ráo hấp dẫn như Cô Năm thì: “Ối dào, hai ông đã ăn thua gì! Người phây phây như bả vài ba ông là chuyện đương nhiên đã đành, người như dzầy trời không sinh ra để lấy một ông chồng, uổng phí của trời!”. Mấy năm nay không thấy cô Năm ghé nữa, người ta đồn thuốc tễ của bả bào chế bằng cơm nguội nghiền trộn với đường mía, lọ nồi, rồi nhào với thuốc đề-xa, thuốc kích thích nuôi heo mau lớn. Nghe nói bả về quê sang mấy mẫu đất làm vuông nuôi tôm. Xây cái nhà lầu ba tầng, mỗi ông một tầng, mỗi cái điện thoại, lúc nào cần bả a-lô thôi.

***

 Hồi này thấy thiên hạ xứ mình đổ xuống miệt dưới mua bán mần ăn, làm giàu thấy mắc ham. Người vốn nhiều đi ghe bán tủ thờ, tranh thờ… Ít vốn thì làm mấy nghề lặt vặt như nổ bắp, xay bánh ống, gắn bơm nước gạt tay… cũng khá lên ngó thấy. Đọc được ý vợ, Tư Nhánh thủ thỉ bàn tính: – Hay là mình bán bớt hai công ruộng, sắm cái ghe cái máy nho nhỏ, tui xuống miệt dưới đi gắn bơm nước… Nghề này cũng đơn giản, mình ên Tư Nhánh có thể làm được. Cứ bỏ ít vốn ra mua ống nước nhựa, trụ bơm gạt tay bằng sắt đúc sẵn, vài thứ đồ nghề là có thể xuống ghe hành nghề. Cứ chạy xuống những vùng chưa có lưới điện. Nhà cách sông năm bảy chục thước cứ việc đặt đường ống xuống, gắn trụ bơm trên nhà, lấy tay gạt nhẹ nước lên cái ào. Không tốn kém là mấy. Thời buổi này mà bà con chị em mình dưới xứ đó còn hao hơi tổn sức, cực nhọc gánh nước dưới sông lên hàng ngày. Nhiều người bệnh đau lưng cũng tại đó.

Loay hoay mà Tư Nhánh đi mần ăn miệt dưới được hơn một năm rồi. Cái nghề đặt bơm nước coi bộ cũng thạnh. Chuyến nào về cũng thấy vợ Tư Nhánh ra tiệm Phát Đạt sắm mấy chỉ vàng cười tít mắt. Thật sự là Tư Nhánh làm ăn kết hợp một công đôi việc. Do yêu cầu của số người bệnh quen biết miệt dưới, chuyến nào Tư Nhánh cũng ghé xuống chỗ Nhà thuốc thầy Bảy Nhơn hốt bao tải thuốc đạp với thuốc nam đủ loại quăng sẵn xuống ghe. Thì đó, ông thầy Hai Trĩ, cô Năm Thuốc Tễ lúc đầu cũng làm bệnh làm thuốc dưới ghe. Xứ nước nôi sông rạch làm cái giống gì mà chẳng di chuyển bằng ghe. Vậy mà ai ngờ, hôm ghé cù lao Rạch Cát, chỗ cái cô Út Đẹt có lần gọi điện thoại ấy, hóa ra, tên tuổi ông thầy Tư Đạp đã được chị em rỉ tai đồn đãi khắp xứ rồi. Đúng là có số làm thầy! Người bệnh lại được cái phước lớn, khỏi đi ghe đi cộ, bao xe bao đò mất công vất vả… Lúc đầu Thầy Tư cũng nhứt quyết một mực làm phước không nhận tiền, nhưng đâu có được. Thầy về tới tận nơi là quý hóa quá rồi. Ghe thầy cũng đâu có đổ nước lạnh dưới sông vô mà chạy được. Thầy phải nhận chút đỉnh tiền xăng tiền dầu chớ!

Khổ một nỗi, thầy phải làm bệnh dưới ghe, cũng ngài ngại. Lúc trước ở nhà thuốc, cả ba bốn thầy cùng làm việc cách nhau tấm màn che, tự nhiên ngẩng mặt vô tư trước trăm con mắt thiên hạ. Giờ thì khác, một mình thầy với người bệnh. Xứ này dừa nước mọc thành rừng. Đậu ghe bến nào cũng phải chui vô đám dừa nước um tùm, kín rợp, bóng nắng cũng không lọt. Xung quanh chỉ còn nghe tiếng chim kêu cá lội. Mấy chị em toàn mối quen từng lên thầy lúc trước nên cứ dạn dĩ vô tư. Có cô gọi thẳng bằng anh Tư xưng em ngọt xớt chớ không thầy bà chi nữa. Nhứt là cái cô Út Đẹt, mỗi lần bơi xuồng gần tới là líu lo ơi ới: “Anh Tư ơi, điện thoại hết pin chưa, đưa em đem lên sạc cho! He hé… Rồi anh “sạc điện” vô cái lưng liền giúp em với! Hôm rày nó đau ê ẩm lại rồi!”. Vừa nói cổ vừa thoải mái kéo áo nằm sấp xuống manh chiếu trải sẵn trong khoang ghe. (Nghe đâu xứ này đàn bà con gái toàn tắm bằng nước dừa nên da dẻ mới trắng tươi trắng nõn “dzầy”!). Thầy Tư khéo léo hỏi thăm chuyện gia đình chồng con trước khi bắt tay thoa thuốc, làm bệnh. Cô Út thở ra dài thượt: “Ôi dào, em chia tay gần hai năm rồi anh ơi! Sống không nỗi! Chồng con gì tối ngày uống rượu như hũ chìm. Tới chiều tối nằm sải tay luôn giữa đất ngáy khò, leo lên giuờng còn không nổi, làm ăn cái giống gì!… Ui da… anh Tư thoa giùm em bên hông, dài xuống cái chân trái với, hôm rày nó nhức nó tê chịu không nổi!…”. Mui ghe thấp nên thầy buộc từng cái khoen bằng dây chão rồi nắm, khum lưng như kiểu đu xe buýt.

Thầy đạp ở dưới ghe cũng có cái hay, người bệnh có cảm giác lắc lư, nhún nhẩy, êm ái dễ chịu còn hơn nằm nệm lò xo. Tiếng nước vỗ bì bọp vô lườn ghe từng nhịp theo bàn chân thầy nhấn nhá, theo tiếng thở gấp dồn dập, người bệnh cảm giác bồng bềnh như đang trôi. Ở đây mỗi ngày thầy nhận tối đa chừng bốn năm bệnh. Hôm nào có mối kêu đặt bơm nước thầy phải hẹn hôm sau. Nhiều hôm sớm bửng, mới mở mắt đã có cô Sáu bơi xuồng tới kêu ơi ới: “Thầy Tư ơi! Làm phước giúp em với, đêm qua cái lưng nó hành đau cả đêm, không ngủ nghê gì được! Ui da!”. Nhìn cô cứ như vừa chui từ trong mùng ra. Bộ váy ngủ còn nhăn đùm, củn cỡn mỏng dờn, dây nhợ lòng thòng như muốn tuột ra. Tóc tai còn rối bù. Leo lên ghe đan tay vặn mình cười toe toét: “Anh Tư ngủ một mình dưới ghe có sợ ma không anh Tư? Ở đây dừa nước um tùm, ma dữ lắm à nghe… Hé he!!…”. Thầy Tư lại dở cái bài hỏi thăm gia cảnh chồng con. Lại “Ôi dào, ổng bị điện giựt, chết queo hồi năm ngoái gồi! Hồi mới có điện về, ổng làm tài khôn, kéo điện sống ra ngoài mương xiệt cá, nó giựt cái một chết ngắt! Hồi giờ đi xiệt bằng bình ắc-quy đâu có sao!… Lúc trước thầy coi số em tới hai đời chồng! Em mới có đứa con gái sáu tuổi, chắc phải kiếm thêm cái thằng nữa, có chị có em cho nó dzui, hé he!!…”

Trên ghe thầy đủ loại thuốc nam dạng bào chế thành cao đơn hoàn tán, trị bá chứng. Đôi lúc nửa đêm nửa hôm cũng có người bệnh bơi xuồng lộp cộp tới “thỉnh” thuốc miễn phí. Có cô Tám tới xin thuốc cảm sốt cho con khuya lơ khuya lắt còn cà kê: “Nghe thầy trị đau lưng hay lắm, em thì chưa bị đau lưng nhưng hôm rày nó đau từ cần cổ dài xuống bên vai, có thuốc gì hay không thầy?”. Thầy lắc đầu ngài ngại: “Cái này phải xoa thuốc rượu… nhưng mà thôi, giờ cô đem thuốc về cho cháu uống đỡ sốt cái đã, có gì sớm mai cô ghé!…”. Sáng bửng mắt, thấp thoáng trong đám dừa nước dáng một cô áo bà ba màu hường xõa tóc, đang ẻo lả bơi xuồng tới. Đúng là cô Tám hồi hôm. Trên xuồng có cái giỏ, hình như cổ đang đi chợ. Anh Tư lên tiếng: “Sao, cháu nhỏ uống thuốc đỡ chưa?… Đêm qua về tối ông xã có rầy rà gì không?!…”. Lại “Ôi dào, xã huyện gì đâu anh ơi, “gãy gánh giữa đường” hơn năm nay gồi!… Giờ thầy khám cái cần cổ giùm em với, đặng lát em còn đi chợ!”. Cổ vén mái tóc xõa thơm phức mùi dầu dừa ra đàng trước, ngồi quay lưng bày cái cổ trắng nõn cho thầy xoa thuốc, bấm huyệt. “Chổ cái xương vai nó nhức nhiều lắm thầy ơi! Áo chật quá, để em…”. Cổ vừa nói vừa bật luôn hai nút áo bà ba xuống… Xong bài điều trị “vật lý phối hợp” cũng gần cả tiếng. Cô Tám chui ra khỏi ghe đứng vuốt lại mái tóc. Cổ vai hết đau. Mặt mày tươi rói khoác tay cười toe toét tạm biệt thầy đi chợ. Thầy đứng mũi ghe nhìn theo lưng áo bà ba tròn lẳn, đúng là “trông mòn con mắt”.

***

Thời gian sau, nghề đặt bơm nước tay từ từ thất thu do nhà nào cũng có điện, cũng xài máy bơm mô-tơ. Tư Nhánh chuyển qua nghề xay bánh ống. Cái nghề nầy cũng vui, kéo dàn máy tới đâu là đàn bà con nít bu rần rần tới đó. Xứ quê mùa nên hàng bánh còn thiếu thốn đủ thứ. Cái máy làm bánh của anh Tư như có phép biến hóa cấp kỳ. Cứ đem tới vài ba lon gạo, mấy muỗng đường, dừa nhà nào cũng sẵn, với mươi ngàn là có mấy thúng mấy bao bánh ôm về không hết. Chú Tư lúc nào cũng làm sẵn một bao bánh màu xanh đỏ dài dài đặng cho tụi nhỏ làm cây gậy Tôn Ngộ Không, dụ tụi nó tản ra bớt mới nổ máy xay bánh được. Cứ nghe tiếng máy nổ ở đâu là con nít cả xóm đó ùa ra sạch, không sót một đứa.

Có hôm mấy thằng “Ngộ Không” láu táu chen nhau dành bánh, có đứa con gái chừng bảy tám tuổi ẵm thằng em trai mũm mỉm trắng tươi như cục bột. Tư Nhánh bỗng giựt mình chới với, thằng nhỏ có cái cục u ngay giữa trán (!!). Tư Nhánh kéo sụp cái mũ lác đang đội xuống, cố hết sức bình tĩnh cầm cái bánh huơ huơ trước mặt thằng nhỏ, bàn tay nhỏ xíu nắm lấy toét miệng cười! Tư Nhánh như người đang đi trên mây. Một cảm giác sung sướng tột cùng, như đang nằm mơ suýt kêu lên một tiếng “Cái thằng chống gậy đây rồi!!… Sao mà mặt mũi nó giống mình từng nét dzậy!…” (Ông trời sắp đặt rồi, con rơi con rớt lúc nào cũng phải giống như đổ một khuôn!)

– Má con có nhà không? Má con… tên gì?

– Dạ má tên Út Đẹt! Đi bán dừa sáng giờ gồi! Mình ên con ở nhà giữ em!

– Đây, cho chú ẵm xíu nào, chú cho con bánh nữa nha!… À á a…

Thằng nhỏ đưa tay qua liền. Tư Nhánh mắt mũi cay xè, sung sướng nâng “cục vàng cục ngọc” lên. Sung sướng thơm lên cái trán có “cục cu li” mụ bà đã đóng dấu đúng trăm phần trăm của mình!…

– Em con được mấy tháng rồi, nó… tên gì?

– Dạ… năm sáu tháng gì đó! Nó tên thằng Cu Li! Má con đẻ nó ra là có cái “cục đạn” chơi bắn cu li ngay trán đó chú! Hé he!!… Trong xóm con có hai thằng Cu Li lận nha! Dì Sáu nhà tuốt bên mương đi qua cầu khỉ cũng có một thằng bằng em con, trán nó cũng có “cục đạn” giống dzầy nữa đó!

Gương mặt Tư Nhánh nở giãn ra, rạng rỡ.

                                                                             D.Đ.K