Tình piêu – Quàng Thị Diên

147

Lúc anh đi, piêu đen em còn vắt sào ngang

Lúc anh về áo con nhỏ đã giăng đầy sàn…

Piêu đội đầu là một sản phẩm thủ công đặc biệt gắn liền với cộng đồng người Thái. Nói đến khăn piêu người ta chỉ nghĩ đến người Thái và nói đến người Thái người ta chắc chắn nhắc đến khăn piêu. Cộng đồng người Thái yêu quý và coi trọng khăn piêu và coi nó như là biểu tượng của tình yêu. Để lý giải điều này, người Thái ở các vùng khác nhau kể những câu truyện cũng khác nhau về sự ra đời của chiếc khăn piêu. Có câu truyện mang đậm màu sắc tín ngưỡng sơ khai vui vẻ khi kể chuyện rằng: Ngày xưa, rất xưa khi đất trời mới hình thành thì Mường Bố và Mường Mẹ ở tách biệt với nhau và ghét nhau nên chẳng bao giờ có giao lưu, qua lại. Một năm kia, có chàng trai ở Mường Bố tự nhiên cứ nhớ nhung một cô gái bên Mường Mẹ nên bắt đầu tìm cách phá vỡ luật cấm không được gặp gỡ vốn được người hai bên tuân thủ từ xưa. Cuộc chiến của chàng trai cuối cùng lại biến thành cuộc giằng co giữa hai mường với nhau, cuối cùng Mường Bố thắng nên Mường Mẹ phải đồng ý cho gái trai tự do tìm hiểu và yêu đương. Cam kết của những người phụ nữ thuộc Mường Mẹ được ký kết trên chiếc khăn đội đầu bằng những đường thêu. Đó là lý do người con gái Thái sau này luôn luôn tự thêu lên chiếc khăn đội đầu những sợi dây tình, dây yêu (sài panh) giống như một lời cam kết yêu đương chung thủy rồi tặng nó cho chàng trai của lòng mình.

Ở một nơi khác, câu chuyện khăn piêu lại sử dụng yếu tố bi kịch theo mô tip kinh điển giống như nhiều câu chuyện mà người ta có thể bắt gặp trong chuyện kể của nhiều dân tộc khác. Đó là phiên bản chàng trai và cô gái sinh ra ở hai mường có thù truyền kiếp với nhau, tất nhiên là tình yêu của họ bị ngăn cấm và bi kịch lên đến đỉnh điểm khi người con gái bị trừng phạt bằng cách bắt nhốt chờ đến ngày hỏa thiêu trên giàn lửa. Trong thời gian bị cầm tù, người con gái ngày ngày thêu thương thêu nhớ lên chiếc khăn đội đầu của mình và thả bay theo gió. Theo một cách thần kì, chiếc khăn bay được đến với chàng trai và chàng đã vượt thác băng rừng, vượt qua mọi cuộc vây bắt để đến với người yêu. Và vẫn thần kì như thế, khi ngọn lửa hung tàn sắp thiêu cháy đôi uyên ương thì trời đổ trận mưa rào. Vì tình yêu của họ được trời cao thương xót đồng tình nên cuối cùng hận thù truyền đời đã được hóa giải. Chiếc khăn thêu bay đi trong gió – sứ giả tình yêu được cả đất trời phù hộ sau này được mọi cô gái Thái truyền đời học theo để mong mình cũng có một tình yêu viên mãn.

Dù là kể theo cách nào thì sự ra đời của chiếc “piêu” cũng vô cùng lãng mạn và thi vị. Chiếc piêu được sử dụng như một thứ đồ dùng giúp giữa ấm và che nắng cho người phụ nữ Thái khi họ lao động ngoài trời. Lúc sớm thì chắn sương, buổi trưa thì che nắng; ngày rét thì giữ ấm, ngày nóng thì giảm nhiệt. Chiếc khăn piêu được cuốn khéo léo trên đầu theo người phụ nữ Thái khi xuống ruộng, lên nương và khi đi hội hè, lễ lạt. Chiếc piêu có thể được khoác trên vai tung phất phới trong điệu xòe khăn nhưng cũng có lúc được buộc túm hai đầu để địu chéo con ở ngay ngực mẹ vào những ngày con còn rất nhỏ. Chiếc piêu giống người bạn tri kỉ, giống như một phần tâm hồn và máu thịt; chiếc piêu gắn bó với người phụ nữ Thái từ khi còn rất nhỏ cho đến khi họ buông tay về đất. Vì “piêu” vừa là một thứ trang phục thiết yếu đồng thời vừa là biểu tượng của tình yêu và ước mơ nên mọi người người phụ nữ Thái thời xưa đều được chỉ dạy để biết cách làm được những chiếc piêu mang đậm dấu ấn của riêng mình.

Để làm ra một chiếc khăn piêu ưng ý thường mất thời gian rất lâu. Nếu tính cả thời điểm cuốc đất trồng bông thì thời gian để có piêu được tính bằng năm. Nếu tính bắt đầu từ lúc cắt vải khỏi khung dệt thì thời gian hoàn thành một chiếc piêu cũng tính bằng tháng chứ không phải bằng giờ. Trong hai câu thơ Thái cổ ở đầu bài viết, chàng trai diễn tả thời gian xa cách lâu ngày giữa hai người yêu nhau là khi chiếc piêu đen của cô gái mới đang vắt sào ngang. Vậy là họ xa nhau vào lúc cô gái mới vừa nhuộm xong những miếng vải làm piêu thành màu đen với lá chàm rồi vắt lên sào phơi nắng. Cô gái còn chưa bắt đầu khâu ghép mép; cô còn chưa cuộn dây kết cút; cô còn chưa bắt đầu thêu…Khâu ghép mép vải piêu đâu có dễ, cô gái học rất lâu mới có thể thực hiện được kỹ thuật bọc mép vải bị cắt bằng đường khâu dấu mũi. Người ngoài nhìn vào lại cứ tưởng có miếng vải đen được dệt thêm viền đỏ. Cuộn dây để làm cút piêu cũng không làm vội vàng được, cô gái kiên nhẫn đặt những sợi chỉ vào giữa một dải vải đỏ có chiều rộng một xăng ti mét và bắt đầu khâu vắt để có những sợi vải tròn có đường kính cỡ hai milimet. Có sợi vải rồi cô lại cuốn cút piêu: cuốn sợi vải như hình trôn ốc, cuốn sợi vải như ngọn dớn non, cuốn sợi vải thành mặt trời tròn đỏ, cuộn sợi vải như râu bướm đậu…cô luồn chỉ để cút nở thành hoa, luồn chỉ màu để cút thành lá bợ, luồn chỉ màu để gửi giấc mơ… cô kết cút piêu thành chùm: chùm cút ba thì dành tặng bác, bá; chùm cút năm thì dành tặng thím tặng cô lúc lên nhà chồng. Khi những chùm cút piêu duyên dáng đã bám vào hai khoảng đầu khăn thì cô gái mới thêu. Cô gái luồn những sợi chỉ màu để tạo ra những hình hoa bầu, ngôi sao, nhà sàn, đồi núi…sợi vấn vít này là dây yêu bền chặt, hình cách điệu này là tổ ấm ước mơ. Thêu piêu kiểu Mường Muổi thì mảng thêu dày đặc, thêu piêu kiểu Mường Then thì hình thêu thưa thoáng. Kiểu của người con gái khéo léo khi yêu thì mềm mại, ngọt ngào. Cứ mỗi lúc ngơi việc ruộng nương đồng áng, người phụ nữ Thái lại ngồi bên giỏ chỉ thêu piêu. Mỗi chiếc piêu là vài ba tháng. Gần hai chục chiếc piêu là mất mấy năm ròng. Thường thì mỗi người con gái Thái thêu được hơn hai chục chiếc khăn piêu là đủ tuổi lấy chồng.

Mỗi chiếc piêu là một dấu ấn riêng về một người con gái, là một câu chuyện về tình yêu gái trai, tình cảm gia đình, dòng tộc hoặc tình yêu với thế giới xung quanh. Tính chất biểu tượng, tín vật tình yêu của khăn piêu trong văn hóa Thái còn đậm nét đến nỗi trong mỗi đám tang của gia đình người Thái người ta dùng đến bảy chiếc khăn piêu. Một chiếc phủ mặt, một chiếc đội đầu người sang mường mới; một chiếc trao cho “khười cốc” (con rể hoặc cháu rể cả); một cái buộc hoa chuối, một chiếc buộc ô che, một chiếc buộc cổ ngựa và một chiếc cắt đôi để lại cho chồng hoặc vợ một nửa, còn một nửa người mất mang đi. Người Thái tin chắc chắn rằng sẽ lại tìm được người bạn đời của mình ở thế giới bên kia nhờ vào chiếc khăn piêu- tín vật của tình yêu đôi lứa.

Trong câu chuyện thơ cổ ở trên, chiếc piêu làm tin của đôi trai gái yêu nhau dù phải trải qua nghìn trận nắng mưa mà nền vải chàm vẫn bền màu đen nhánh. Qua bao lần giằng xé, chà xát mà hình thêu trên piêu vẫn đằm đậm nhớ thương. Hình ảnh gần cuối của chiếc piêu trên đầu cô gái lại trở về dáng vẻ đẹp đẽ nhất khi tình yêu viên mãn.

Chiếc khăn piêu phất tỏa đuôi voi

Trên tà áo dài viền xanh viền đỏ

Trên mặt gối ghép hoa ghép cỏ

Theo em về, piêu ở cạnh anh yêu.

Theo Quàng Thị Diên/ Thế Giới Di Sản