(Vanchuongphuongnam.vn) – Hôm Mười Bốn tháng Giêng, Quỹ tình thơ cũng đã làm việc với Ban biên tập Trang Web của Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và cùng tổ chức một cuộc bình chọn “Những bài thơ hay” từ những bài thơ của nhiều tác giả được chọn in trên trang Văn chương phương Nam trong giới hạn 3 ngày ( 14, 15 và 16 tháng Giêng) và mỗi bài thơ hay được chọn sẽ nhận được một phần quà từ Qũy tình thơ.
Bìa tập thơ Lời chào ngọn gió của cố nhà thơ Chim Trắng do Qũy tình thơ tổ chức bản thảo, in và tặng người viết, người đọc.
4 giờ sáng, mở mắt, tôi thấy màn hình điện thoại có tin nhắn của anh Hồ Thi Ca. Nhà thơ thông tin: nhân ngày thơ Nguyên tiêu, theo thông lệ, Quỹ tình thơ (Quỹ đặc biệt này được thành lập vào ngày thơ năm Kỷ Sửu, – 2009. Quỹ Tình thơ do chủ thương hiệu xe đạp Martin 107, ông Lâm Xuân Thi sáng lập với sự cố vấn của nhà thơ Chim Trắng và sự cộng tác của nhà thơ Hồ Thi Ca và nhà thơ Phan Hoàng) có nhã ý gởi tặng một món quà cho nhà thơ Cao Xuân Sơn, tác giả vừa đoạt giải thưởng ( ở thể loại Thơ ) của Hội Nhà văn Tp.HCM. Dịp này, Quỹ tình thơ còn gởi quà tặng mỗi thành viên của Hội đồng Thơ và quà cho mỗi thành viên Ban chấp hành Hội.
Hôm Mười Bốn tháng Giêng, Quỹ tình thơ cũng đã làm việc với Ban biên tập Trang Web của Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và cùng tổ chức một cuộc bình chọn “Những bài thơ hay” từ những bài thơ của nhiều tác giả được chọn in trên trang Văn chương phương Nam trong giới hạn 3 ngày ( 14, 15 và 16 tháng Giêng) và mỗi bài thơ hay được chọn sẽ nhận được một phần quà từ Qũy tình thơ.
13 năm qua Quỹ tình thơ hoạt động nhằm góp phần hỗ trợ các nhà thơ tại TPHCM và các địa phương khác gặp khó khăn trong cuộc sống, lúc hoạn nạn, già yếu, neo đơn hoặc gặp khó khăn khi cần in ấn, phát hành tác phẩm; đặc biệt Quỹ tình thơ còn trân quý tri ân những nhà thơ đã có những đóng góp xứng đáng cho Thơ.
13 năm qua, Quỹ tình thơ đã bền bỉ làm nên nhiều việc mang lại nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với những người làm thơ gặp hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp về tinh thần lẫn vật chất mà bằng cách làm của mình, với phong thái, tâm hồn và cả thơ của mình, Lâm Xuân Thi đã làm cho Quỹ tình thơ thật sự đúng với tên gọi của nó: kết nối và lan tỏa tình thơ, tình người.
13 năm qua, ngoài việc hỗ trợ nhiều người làm thơ gặp hoàn cảnh khó khăn, góp phần khích lệ tinh thần của nhiều nhà thơ, nhà văn, còn một việc làm hết sức đặc biệt mà có lẽ chưa có ông chủ doanh nghiệp nào làm được như ông chủ thương hiệu xe đạp Martin 107, là âm thầm bỏ tiền ra mua hàng ngàn tập thơ của nhiều tác giả để làm quà tặng cho những khách hàng thực sự yêu thơ.
Một cộng sự cho Quỹ tình thơ luôn đồng hành dường như mọi lúc mọi nơi với Lâm Xuân Thi suốt 13 năm qua là nhà thơ Hồ Thi Ca.
Dù đã gần mười năm trôi qua, tôi vẫn còn giữ ấn tượng đẹp về Hồ Thi Ca khi anh ôm tập bản thảo Lời chào ngọn gió ( giới thiệu 29 bài thơ trong Di cảo và hình ảnh, tư liệu, bài viết của nhiều tác giả về nhà thơ Chim Trắng) đến NXB Văn hóa -Văn nghệ tp.HCM để liên kết thực hiện các quy trình xuất bản tập thơ. Hồ Thi Ca chăm chút từng chữ từng dòng. Tác giả của “Dấu chân phía trước” không chỉ làm vì trách nhiệm được giao mà còn vì sự trân quý chữ nghĩa và lòng tri ân. Tập thơ “Lời chào ngọn gió” của cố nhà thơ Chim Trắng được Quỹ tình thơ thực hiện đã được sự chào đón nồng nhiệt của người viết và người đọc.
Không phải đợi đến khi lập Quỹ tình thơ, người làm thơ viết văn và những người yêu văn chương mới biết đến một Lâm Xuân Thi nhà thơ, dù anh không nhận mình là nhà thơ. Trước khi làm ra chiếc xe đạp “made in Việt Nam” và lấy tên Martin (1579-1639), vị thánh của người nghèo, đặt cho thương hiệu của mình, Lâm Xuân Thi đã làm thơ và từng đoạt giải thơ hay của Tuần báo Văn nghệ TP.HCM cùng với những nhà thơ mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc.
Chưa coi mình là nhà thơ, có lẽ người thơ Lâm Xuân Thi vốn dĩ khiêm nhường, lại luôn “răn” mình:“Thà để anh làm một kẻ vô danh / Nếu em vẫn thích bày ra những trò đùa nổi tiếng / Khi múa vội một đường gươm nguy hiểm / Anh chỉ sợ mình thành kẻ sát nhân” ( Thơ Lâm Xuân Thi)
Với sự khiêm cung và với không ít câu thơ, bài thơ đã được nhắc và nhớ nơi đồng nghiệp, nơi bạn đọc, Lâm Xuân Thi từ lâu đã đích thực là một nhà thơ.
Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu
Bích Ngân