Tôi là người Việt – Tùy bút của Nguyễn Thanh

758

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi là người Việt Nam, sinh ra giữa đất nước thân yêu của tôi. Nước tôi không rộng nhưng được gác mình lên ven bờ đại dương, có núi lớn làm thành, sông sâu làm lũy và được tô điểm bằng những danh lam thắng cảnh trên khắp cả ba miền.  

Nhà văn Nguyễn Thanh 

Tôi tự hào với đất Bắc cội nguồn với thủ đô rồng bay Hà Nội nơi chiếc nôi khai sinh ra dân tộc với chiến khu Việt Bắc rừng thần: Rừng che bộ đội/ rừng vây quân thù trong đấu tranh  gần trăm năm chống thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Cả trong gần phần tư thế kỷ trong hòa bình xây dựng đất nước, nhân dân thủ đô cũng đã chiến đấu kiêu hùng 12 ngày đêm trên bầu trời trái tim tổ quốc với kẻ thù hùng mạnh đế quốc Mỹ.

Miền Trung đáng kính đáng yêu của tôi với dáng hình chiếc lưng gầy mẹ hiền quanh năm lam lũ cam chịu một nắng hai sương với liên miên những lũ lụt phong ba, vẫn ghi khắc mãi trong tâm khảm tôi hình ảnh thần kỳ của con đường huyền thoại Trường Sơn… Với hình ảnh Mẹ Suốt, mẹ Tơm, bà mẹ Gio Linh… qua trong thi ca, với sự hy sinh vô bờ  trong bao mùa đấu tranh dũng cảm, âm nhạc mãi mãi là những ấn tượng nồng ấm không phai  trong bao thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau.

Tôi tự hào với mảnh đất Cấn Thơ văn hiến và cả miền Nam thành đồng tổ quốc trong mấy mùa kháng chiến với nữ tướng rừng Dừa Nguyễn Thị Định, với bà Má Hậu Giang và chị Sứ Hòn Đất… những nữ anh hùng “bất khuất, trung hậu, đảm đang. Còn nữa, tôi cũng không quên chàng dũng sĩ đất Tây Đô Lê Bình, anh hùng Hòn Khoai Phan Ngọc Hiển… những tượng đài bất khuất của đất Nam bộ anh hùng trong suốt bao mùa đấu tranh để chiến thắng: Chói lọi sao vàng, mai vĩ đại/ Năm cánh xòe trên chín cửa sông (Ngũ Lang -1975) và bài ca vua vọng cổ “Đài hoa dâng Đảng” (Nguyễn Thanh – 1975) âm hưởng u hoài mà bất hủ, vang vọng trong tâm hồn mỗi người như giai điệu sông núi của quê hương và tài năng của lãnh tụ thần kỳ.

Khi giặc đến, dân tộc tôi không kể nam nữ, từ em nhi đồng thiếu niên đến người cao tuổi đều ý thức được sứ mệnh thiêng liêng, đứng lên miệng thề “Sát Thát”. Tất cả từ anh công nhân, cán bộ, trí thức cả văn nghệ sĩ đều minh thệ cùng nhau hăm hở ra trận, không ngại hy sinh, xung phong đuổi giặc cứu nước với tiếng hát, lời ca làm tuyên ngôn đuổi giặc như thành giai điệu núi sông: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Tuyên ngôn độc lâp (Hồ Chí Minh), Thưa mẹ trái tim (Trần Quang Long). (1)

Dân tộc tôi là một dân tộc anh hùng, bà con có duyên may được gọi nhau hai tiếng “đồng bào” – cụm từ mang ý nghĩa ấm áp yêu thương nhất trên thế giới mà không một dân tộc nào có được, để chỉ chung những anh em ruột thịt  được sinh ra cùng từ một bụng mẹ mang chung một giòng máu. Từ đó, đồng bào tôi đã biết cùng yêu thương đùm bọc với nhau “tay súng tay cày” trong đấu tranh đuổi giặc cũng như trong hòa bình xây dựng quê hương.

Tôi không đợi đến chùm khế ngọt ở vườn xanh hay con đò nhỏ trên sông quê mở mùa hạnh phúc. Chỉ chùm hoa điên điển hiền hòa giữa những ruộng vườn bát ngát xanh um hay một ngọn lúa ma mong manh bên bờ lạch vắng của quê hương cũng đủ khiến kẻ thù ngoại bang hoảng sợ. Đinh ninh gắn bó với quê hương nhau rún yêu thương, tôi đã phải cam chịu đau lòng từ chối bao em học trò thân thương, không vượt trùng dương để liều lĩnh vượt biên từ những ngày đầu giải phóng. Tôi cũng chịu ngậm ngùi sống trong cảnh cô độc một mình với những mối tình chân xa cách muôn dặm trùng dương!

Tôi không bao giờ mặc cảm là người da màu bé nhỏ từng chịu thống trị bởi thế lực ngoại bang hùng hổ bạo tàn. Dân tộc tôi là một dân tộc kiêu hùng bất khuất, luôn luôn biết chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập tự do cho đất nước. Tôi nhận ra mình đã biết yêu đồng bào như ruột thịt, tôi gắn bó với quê hương tôi như máu thịt. Tôi nguyện coi dân tộc và tổ quốc tôi như hơi thở cuộc sống đời mình. Một cành cây, một tấc đất do tổ tiên tôi để lại cũng không một ai được nhân danh một thế lực nào mưu toan xâm phạm đến non sông hoa gấm này.

03. 2021

N.T

(1)”Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ Xuyên và gan lũ giặc/ Con sẽ mài thơ thành kiếm sắt/ Chặt đầu văn nghệ tay sai” – Nhà thơ yêu nước (1941- 1968) hy sinh ở R, trong thời gian bị chính quyền đương thời truy lùng, từng xuống dạy học tại trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ (1967). Lúc đó, tác giả bài viết này cũng đang trốn đi học sĩ quan, phải bỏ trường công Long Mỹ (Cần Thơ) để đi dạy tư tại Tây Đô.