Tìm nước – Truyện ngắn của Hồng Chiến

1161

(Vanchuongphuongnam.vn) – Con suối khô không một giọt nước, chạy quanh co trong khu rừng già giống một con rắn lớn đang uốn mình qua các gốc cây đại thụ, nhằm hướng tây lao tới. Dưới lòng suối, thỉnh thoảng có những đám cát trắng, sỏi cơm và những tảng đá bất chợt hiện lên sau những khúc cua, làm tăng thêm vẻ huyền bí như đang ẩn giấu những điều thầm kín của đại ngàn. Trên bờ suối, các cây cổ thụ cao vút, tỏa bóng mát che cho lòng suối khỏi cái nắng rát của buổi chiều mùa khô. Thỉnh thoảng một cơn gió ào đến ném vào không gian hơi thở nóng bỏng của đất trời. Tây Nguyên đang vào mùa khô, mùa con chim làm tổ, trái cây chín ngọt trên cành.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Y Nhớ vác trên vai cây lao mải miết bước, mắt không ngớt hết nhìn bên phải, bên trái, rồi ngọn cây, lòng suối như đang cố gắng tìm kiếm vật quý giá gì đó đánh rơi quanh đây. Vân đi giữa, mắt chăm chăm nhìn phía trước. H’Uyên vai đeo gùi, trên gùi có thêm cây xà gạc(1) và cây đinh ba, mắt quan sát hai bên bờ suối như một người dạo chơi, ngắm cảnh, nhưng trong bụng nóng như lửa đốt. Lần đầu tiên rủ Vân – người bạn Doan(2) cùng tuổi, cùng học lớp 8 vào rừng Yang(3) chơi, bị lạc; hết cả thức ăn, nước uống. Gần trọn ngày chỉ cố gắng tìm nước, lá và quả rừng để ăn tạm mà không thấy. Cái khát như muốn hạ gục tất cả, nhưng rồi phải cố động viên nhau ráng chịu đựng. Mình và Y Nhớ đi rừng quen không sao, nhưng còn Vân… H’Uyên thầm nghĩ rồi bất giác thở dài.

Trời đã xế chiều, cả ba gương mặt trẻ măng ở tuổi mười ba, khuôn mặt nào cũng đỏ lừ, cùng chăm chú theo đuổi suy nghĩ của riêng mình, không ai nói với ai. Cơn khát lại trở về hành hạ Vân, bước chân có lẽ không còn vững nữa.

-H… ó… c, h… o… c, h… ó… c.

Có tiếng khỉ kêu phía trước mặt. Lần này chỉ có tiếng kêu của một con, tiếng không lớn lắm, nhưng vọng xuống lòng suối nghe ồm ồm. Y Nhớ quay đầu lại nói với hai bạn đi phía sau:

– Tiếng kêu của con khỉ đầu đàn, không biết phía trước có chuyện gì đây?

– Ừ, sao lại chỉ còn một con thôi, bầy của nó đi đâu rồi?

H’Uyên góp chuyện. Vân không nói gì vẫn nặng nhọc bước từng bước một xuối theo dòng suối, cặp mắt vô hồn nhìn về phía trước. Có lẽ trong đầu lúc này Vân đang cố nghĩ: phải đi tiếp để tìm nước uống, dừng lại là gục luôn không dậy được nữa. Mẹ về Bắc đã hơn chục ngày rồi, bố đi tập huấn trên thành phố mai mới về; Vân không về nhà nữa chắc bố mẹ buồn lắm…

Con khỉ ngồi trên cành cây cách mặt đất chừng hơn hai sải tay, khi thấy mấy người bước tới gần đến nơi, bỗng buông tay rơi bộp xuống lòng suối, nơi có đám lá mục đen sì, làm lũ côn trùng hốt hoảng bay lên như ong bị phá tổ.

– Có nước rồi!

Y Nhớ đứng sững lại, reo lên. Vân đang cắm cúi bước, nghe tiếng reo vội lao nhanh đến bên cạnh bạn ngơ ngác hỏi:

– Nước đâu?

– Nước đấy!

Y Nhớ chỉ đám lá cây mục nằm chất đống giữa lòng suối, nơi con khỉ vừa rơi xuống. Trên đám lá xỉn đen, lúc nhúc những con loăng quăng tíu tít chạy qua chạy lại như bận rộn lắm.

– Sao lại lừa mình thế, đi cả ngày không uống một giọt nước, mình khát lắm rồi, không bước nỗi nữa đâu.

Nói dứt lời, Vân ngồi bịch xuống lòng suối, nằm vật ra, giang tay, giang chân như đứa trẻ lên ba hờn dỗi. H’Uyên đặt gùi xuống đất, ngồi xổm bên cạnh Vân, nói nhỏ như dỗ giành:

– Y Nhớ không lừa Vân đâu, ngồi dậy xem lấy nước đi.

– Một đám lá mục hôi rình mà bảo có nước hả, nước ở đâu ra?

– Vân ngồi dậy, đừng nằm vậy sẽ mệt nhiều, không về được đâu.

– Vân xem mình làm phép lấy nước cho uống nè.

Nói xong, Y Nhớ lại bên đống lá mục ẩm ướt, quỳ xuống, dùng tay vẹt lá, đào một cái hố giữa đống lá mục. Hố sâu đến mức, lúc Y Nhớ cúi xuống bốc lá ném ra ngoài, nhìn không thấy đầu đâu. Thấy lạ, Vân ngồi dậy bước lại xem. Vây quanh người Y Nhớ thôi thì đủ các loại muỗi to, nhỏ không ngớt bay lượn, kêu gào: o, o, o…; có con còn bám cả vào mặt, vào cổ. Hình như quá say mê với việc đào đám lá mục, Y Nhớ không để ý gì đến lũ côn trùng nhỏ bé đó nữa. Một lúc sau Y Nhớ ngửng đầu lên, nhe hàm răng vàng khè ra bảo:

– Đưa mình cái chén ăn cơm, nhanh lên, có nước rồi đấy.

Đón cái chén từ tay H’Uyên đặt vào giữa hố, Y Nhớ ngồi thẳng người lên vui vẻ bảo:

– Chờ chút sẽ có nước uống thôi. Thế là giải quyết xong cái vụ khát.

– Thật không?

– Vân nhìn đi.

Vân bước lại nhìn xuống hố thấy xung quanh đen sì làm nổi bật cái chén ăn cơm trắng đặt phía dưới, mặt tái lại, giọng oán trách:

– Sao cậu đùa ác thế, làm gì có nước, chỉ có một lũ loăng quăng bu đầy chén rồi. Chẳng lẽ lại bắt con bọ đen nhỏ xíu, chân cẳng dài ngoằng như con nhện ăn thay uống nước à?

– Có nước thật mà, vì có nước chảy vào chén nên bọn bọ mới xúm lại tranh nhau uống thôi, để mình đuổi nó đi. H’Uyên còn muối không, cho xin một hạt.

H’Uyên từ nãy đến giờ không nói gì, nhưng trong mắt ánh lên niềm vui không thể dấu; thấy bạn xin muối liền lục gùi đưa ra. Y Nhớ nhón tay lấy một hạt muối to bằng hạt gạo rồi từ từ thả xuống giữa cái chén. Bọn nhặng thấy hạt muối rơi xuống, hốt hoảng kéo nhau bỏ chạy, chui luôn vào đám lá mục để lộ ra chiếc chén đựng đầy nước có màu riêu cua. Rất nhẹ nhàng, Y Nhớ cúi xuống từ từ nâng chén nước lên khỏi hố đưa cho Vân. Nhìn chén nước, mắt Vân sáng rực lên, vội đưa hai tay như giật lấy, ngửa cổ định dốc luôn vào mồm. Thấy vậy, Y Nhớ kêu toáng lên:

– Uống từ từ không sặc bây giờ.

Y Nhớ nói chưa hết câu, Vân đã đặt chén nước xuống lòng suối, trả lời:

– Ôi, nước, nước gì mà kinh khủng quá, mùi thì thum thủm, như thế làm sao uống…

Y Nhớ nghe Vân nói vậy, phì cười bảo:

– Cả ngày không có hạt nước nào vào miệng, tìm được chút nước thế này là may rồi, phải ráng uống không chết khát đấy.

– Phải lọc cho sạch rồi uống không đau bụng đấy.

– Lọc như thế nào?

H’Uyên cũng ngạc nhiên hỏi lại. Vân trả lời:

– Cho mình mượn cái xoong.

Nói xong, Vân đón xoong từ tay bạn đặt xuống cát, cởi áo trùm qua miệng xoong rồi đổ chén nước vào, cầm vạt áo lắc lắc cho nước chảy nhanh. Nước đọng lại dưới xoong hình như có đỡ đặc hơn, nhưng khi đưa lên mũi thì vẫn… khó chịu lắm. Vân đưa chén cho Y Nhớ, nói:

– Y Nhớ chịu khó gạn thêm ít nữa đổ vào đây, ta đun sôi chắc nước sẽ hết mùi hôi đó.

Nhìn thấy cả người bạn đỏ hồng lên như tôm luộc chín, H’Uyên không nhịn được cười, bảo:

– Vân có nước da đẹp quá, cắt ra chấm muối ớt ăn chắc ngon lắm.

– Chết khát đến nơi rồi mà có nước không chịu uống còn sợ dơ, thật là kỳ cục.

Y Nhớ nói xong lại cúi xuống hố lấy chén múc nước lên đưa cho Vân đổ vào áo lọc qua trước khi chảy xuống xoong. H’Uyên bê ba hòn đá đặt làm bếp rồi vơ một ôm cành khô mang lại, bật quẹt nhóm lửa. Củi khô, trời nóng nên chỉ một chốc nước trong xoong đã sôi lên ùng ục. Vân bê cả xoong nước vừa đun sôi đặt vào hố khi nãy lấy nước, thấy vậy Y Nhớ kêu lên:

– Vân làm gì mà lạ thế?

– Để vào đây cho nhanh nguội vì lá mục có nước mà.

H’Uyên, khen:

– Vân thông minh đấy!

Cả ba bật cười. Vân múc ra nửa chén nước rồi phùng mang, trợn mắt ngồi thổi; Y Nhớ thấy lạ, trêu:

– Vân đang làm phép xin Yang uống nước à?

– Thổi cho chóng nguội mà, uống được rồi đây, H’Uyên uống đi.

Thấy Vân đặt chén nước vào tay, H’Uyên kêu lên:

– Không, Vân uống trước đi.

– H’Uyên chê thì Y Nhớ uống đi cho đỡ khát.

– Bọn mình đi rừng nhiều, chịu khát thành quen nên không sao, chỉ lo cho Vân chưa gặp cảnh này bao giờ, ốm thì khổ. Thôi, đừng nhường nhau nữa, Vân uống trước đi.

Vân nhấp một ngụm rồi đưa lại chén cho H’Uyên, Uyên cũng chỉ nhấp một ngụm nhỏ rồi trao cho Y Nhớ. Vân tò mò hỏi:

– Làm sao Y Nhớ biết có nước dưới đám lá mục này?

– Có gì đâu mà không biết. Giữa dòng suối khô có một cái vũng chất đầy lá mục, nhiều con loăng quăng, côn trùng bu lại vì hơi ẩm bốc lên; chứng tỏ dưới lớp lá ấy có nước. Kinh nghiệm của người đi rừng mà. Chịu khó đào sâu xuống chạm bùn đất là nước rỉ ra thôi.

– Không phải vì thấy con khỉ giả chết ngã xuống chỗ này à?

Vân tỏ vẻ không tin hỏi lại, Y Nhớ trả lời:

– Nó té xuống gây sự chú ý cho chúng ta thôi, mình biết nới đây có nước mà.

– Tại sao lại phải bỏ muối xuống hố?

Vân tò mò hỏi thêm, Y Nhớ tươi cười trả lời:

– À, muối mặn, bọn loăng quăng không uống được nên phải chạy trốn.

– Ơ, hay nhỉ!

Vân ngạc nhiên khi nghe Y Nhớ giảng giải kinh nghiệm tìm nước trong rừng sâu, lòng đầy khâm phục, mắt cứ tròn xoe ra. Cơn khát được đẩy lui, nụ cười lại hiện lên trên cả ba khuôn mặt, H’Uyên vui vẻ nói:

– Rót nước còn lại vào bầu rồi ta đi tiếp thôi.

H’Uyên làm xong, bỏ xoong và quả bầu khô đựng nước vào gùi rồi cả ba tiếp tục xuôi theo dòng suối cạn, tìm đường ra sông. Vân đi giữa nói với hai bạn:

– Nói thật nhé, mình tưởng hôm nay sẽ chết vì khát rồi.

– Một ngày không uống nước chưa chết được đâu. Ba đứa chúng mình còn sống lâu lắm vì Yang thương mà, đúng vậy không H’Uyên?

– Thử thách một chút xíu vậy mà đã lo bị chết thì kém lắm, phải đi rừng nhiều nhiều cho nó khỏe, biết cách vượt qua khó khăn mà sống.

– H’Uyên nói như bà cụ già ấy nhỉ.

– Vào mùa khô, Tây Nguyên nắng tới sáu tháng liền, nhiều năm kéo dài hơn thế nữa. Người ta vào rừng thu hái sản vật của rừng có khi đi cả ngày không tìm thấy giọt nước trên suối phải nghĩ cách tìm nước uống chứ.

H’Uyên vừa đi vừa giải thích thêm. Vân ngạc nhiên hỏi lại:

– Còn có cách tìm nước khác nữa à?

– Có đấy, nếu vào rừng có nhiều loại dây, người ta tìm một loại dây Doan gọi tên chạc chìu, chọn sợi dây to bằng ngón tay cái trở lên, chặt chéo một đầu, nước trong dây chảy ra có thể uống được.

– Hay nhỉ!

Vân thích thú kêu lên, H’Uyên kể tiếp:

– Trên các sườn núi cao gặp chuối rừng cũng có thể lấy được nước uống.

– A, điều ấy thì mình biết, chặt cây chuối non xuống, lột hết lớp vỏ ngoài lấy nõn trong thân cây nhai, nhã bả, nuốt nước.

Y Nhớ nghe Vân nói vậy bật cười trả lời:

– Không ai lấy nước kiểu ấy đâu, nước trong thân cây chuối chát lắm. Năm ngoái, Y Nhớ tròn mười hai mùa rẫy, lần đầu được theo ami ama(4) vào rừng lấy mật ong, đi từ sáng tới chiều, nước hết mà không gặp con suối nào có nước cả. Khi xuống đến lưng chừng núi, bên vách đá dựng đứng thấy mấy cây chuối rừng mọc xanh um. Ama vui vẻ bảo: Có nước rồi. Để gùi xuống đất, ama dùng xà gạc chặt cây chuối sát gốc cho nó đổ qua bên rồi khoét vào giữa củ chuối một cái lỗ bằng cái chén ăn cơm. Đợi một chút, nước trong củ chuối chảy ra đầy lỗ, chỉ việc lấy tay vốc nước uống no luôn.

– Tuyệt quá, thế mà mình không biết đó nghe. Từ nay có đi rừng cũng không sợ chết khát nữa rồi!

Nghe Vân nói thế cả ba cùng bật cười làm bầy chim chơ rao kiếm ăn phía trước mặt thấy động cũng vội vã bay lên, cất tiếng kêu vui vẻ. Tiếng chim làm vỡ òa không gian của buổi chiều trong rừng vắng.

 Nha Trang, tháng 6 năm 2018

H.C 

 

Ghi chú:

  1. Xà gạc – một loại dao dùng phát rẫy và đi rừng của người Êđê.
  2. Doan – tiếng Êđê gọi người Kinh.
  3. Yang – tiếng Êđê gọi thần linh.
  4. Ama ami – tiếng Êđê gọi ba má.