Trình Quang Phú & Người con gái Tuy Hoà

610

29.6.2018-20:30

 Nhà văn Trình Quang Phú

 

>> Trình Quang Phú và chữ tình với non sông

>> Người con gái Tuy Hoà đong đầy cảm xúc

 

Người con gái Tuy Hoà

 

TRUYỆN KÝ CỦA TRÌNH QUANG PHÚ

 

NVTPHCM- Tên chủ sự mật vụ Phú Yên đang cúi gầm mặt xuống chồng hồ sơ để lộn xộn trên bàn. Bỗng cửa mở, tên thư ký bước vào, dập chân đứng nghiêm theo kiểu nhà binh:

 

– Báo cáo thiếu tá, có hồ sơ di lý của quận Hiếu Xương bên kia sông gửi về.

 

– Tốt – Tên chủ sự vừa nở một nụ cười khoan khoái vừa đưa tay chộp lấy tập hồ sơ.

 

– Báo cáo có tang vật báo công gởi kèm.

 

– Được, về chỗ.

 

Tên thư ký lại dập hai bàn chân vào nhau, đưa tay lên vành mũ rồi quay đằng sau, bước ra khỏi phòng.

 

Theo thói quen, tên chủ sự mân mê gói tang vật và ngẫm nghĩ: hai cái tai của thằng Việt cộng? Không phải, hắn thở phào. Một đứa con gái? Hắn lẩm bẩm và đưa bàn tay gân guốc mở gói tang vật. Một làn tóc đen huyền dính chặt với da đầu đang lượn dài dưới tay hắn. Hắn gật gù:

 

– Con gái, một đứa con gái!

 

Rồi nhanh nhẹn, hắn lật tập hồ sơ và giương mục kỉnh. Một tập hồ sơ loại A từ bên kia sông Đà Rằng gửi sang.

 

Hắn nheo mắt đọc kỹ :

 

“Tôi, trưởng chi khu quận Hiếu Xương, xin báo cáo với thiếu tá một việc như sau: Vào hồi 6 giờ sáng ngày hôm nay, trong cuộc mai phục bất ngờ, chúng tôi đã tóm được một tên Việt cộng đầu sỏ với đầy đủ chứng cớ. Trong đó có các loại thuốc cần thiết cho bọn Việt cộng ở rừng như quinin, ganidan, aspirine, stovason… và mấy chục thước vải màu xanh, đỏ dùng để may cờ Việt cộng. Chúng tôi lấy cung phạm nhân ngay tại chỗ. Sau đây, xin phép thiếu tá cho tôi được tường trình cuộc khai thác đó:

 

– Mày đi đâu? Đem vải và thuốc cho ai? Nói mau?

 

Nó không trả lời, cho tới khi bị ăn roi gân bò, nó mới giở quẻ:

 

– Tôi đem đi đâu kệ tôi, việc gì đến các ông?

 

Thưa ngài thiếu tá, nghe hắn nói, tôi tức không chịu được, liền cho nó một trận mưa roi, nhưng nó vẫn nghiến răng không nói. Tôi cho lính đào một cái lỗ, bỏ nó xuống đó mà đe dọa:

 

– Mày nói mau, nếu không chúng tao chôn sống.

 

Đến lúc này nó mới mở miệng:

 

– Các ông muốn tôi nói cái gì?

 

– Được, mày hãy trả lời từng câu tao hỏi, có phải mày đem vải cho Việt cộng làm cờ không?

 

– Phải – Nó thú nhận.

– Vải này giao cho ai?

 

– Cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng! – Nó thú nhận.

 

– Đem đi đâu?

– Lên núi.

 

Đến đây tên chủ sự lộ vẻ cáu tiết: “Mẹ kiếp, lên núi, núi nào mới được chứ”. Nhưng nó cũng kiên nhẫn đọc tiếp:

 

“Tôi lại hỏi:

– Ai bảo mày làm? Tên họ gì?

 

Thưa thiếu tá, đến đây nó lại cứng đầu:

– Còn ai bảo nữa? Chính các ông chứ còn ai.

 

Thưa thiếu tá, tôi chưa kịp hiểu đầu đuôi, nó đã thao thao bất tuyệt: “Chúng tôi ai cũng muốn yên ổn làm ăn. Nhưng vì các ông hà hiếp, áp bức chúng tôi. Vì vậy, buộc chúng tôi phải làm cách mạng, phải tự cứu nước và cứu mình…”

 

– Im! – Tôi trấn áp.

 

– Ông sợ tôi nói à? Nó lại tỏ ra cứng đầu và ngoan cố, quay về phía tụi lính:

 

– … Phải, tôi đi theo Mặt trận, đi làm Cách mạng đó! Nhưng mà các anh nghĩ coi. Tôi làm đây là làm cho nước, cho dân, cho những người nghèo khổ. Đáng ra trai tráng các anh phải làm, các anh đã không thì chớ lại còn cản trở tôi”.

 

Đấy, thiếu tá coi nó có phải là con Cộng sản đầu sỏ hiếm thấy không? Rõ ràng nó coi cái chết không ra gì. Tôi đã nổ sát bên tai nó mấy phát súng lục, nhưng nó vẫn trơ trơ như đá. Nó lại còn xổ thuyết Cộng sản ra thách thức:

 

– Các anh muốn bắn tôi? Bắn để làm gì? Bắn để đàn áp phong trào cứu nước? – Nó lắc đầu – Vô ích, vì tôi chỉ là một hột cát, mà nhân dân kia mới là biển bờ.

 

Thưa thiếu tá, nghe nó nói đến đây, tôi không còn chịu được nữa nên quyết định thủ tiêu. Nhưng mới gớm làm sao! Đến lúc chết, nó vẫn còn giở ngón tình cảm. Nó cởi chiếc áo ngoài đưa cho mấy người lính và nói:

 

– Các anh cho tôi nói lời cuối cùng à? Điều đó không cần, nhân dân tôi sẽ nói thay tôi bằng việc làm của họ. Ở đây tôi chỉ yêu cầu các anh một điều…

 

Thiếu tá có biết hắn yêu cầu gì không? Hắn cởi chiếc áo cánh ngoài đưa cho lính của ta và nói:

 

Tôi muốn nhờ các anh đưa chiếc áo này về cho con tôi để nó bán lấy tiền đong gạo và nhờ các anh nói với con tôi rằng: “Mẹ bây đi làm cách mạng, đã hy sinh rồi!”.

 

Nó nói có bấy nhiêu, vậy mà tác động kinh khủng. Bọn lính hổng thằng nào bắn trúng. Đấy, thiếu tá nghĩ coi, nếu như nó đi tuyên truyền nhân dân, trong binh ngũ của chúng ta thì nguy hiểm đến chừng nào. Vì thế, tôi đã tự tay kết liễu đời nó. Tôi không quên thủ tục thiếu tá dặn, tôi lấy mảng tóc dính theo da đầu của nó để làm tang vật.

 

Thưa thiếu tá, đã lâu năm trong nghề nhưng chưa bao giờ tôi gặp một tên “Cộng sản cái” nào nguy hiểm như nó. Tôi thấy rằng xử được nó là một đóng góp không nhỏ vào việc bảo vệ quốc gia. Vậy xin trình lên thiếu tá công tích này. Mong sự ưu ái cho hạ cấp, xin đội ơn”.

 

Cuối bức thư tên chủ sự mật vụ còn đọc được dòng tái bút: Tang vật gởi kèm: Một mảng tóc, những thứ bắt được và một thẻ căn cước mang tên TRẦN THỊ CÓ.

 

Đọc xong bản báo công, tên chủ sự mật vụ gật gật đầu và đưa bút chì đỏ gạch chân dòng chữ: “Trần Thị Có – Loại A”, hắn vừa gạch vừa lẩm bẩm:

 

– Một con Cộng sản loại A.

 

Hắn lại đưa kính lúp xem những tuýp thuốc. Hắn xem kỹ hơn mớ tóc đen của người con gái đang nằm sõng sượt trên nền vải đỏ và xanh. Trong phút chốc, hắn như cũng nhận ra rằng: màu vải đỏ và xanh với mảng tóc ấy như có cái gì quyện vào nhau, như người con gái ấy đã vì màu đỏ và màu xanh của lá cờ Giải phóng mà hy sinh… nên hắn hốt hoảng gập lại và lẩm bẩm.

 

– Trần Thị Có – Loại A.

 

Hắn cố lục lại trong ký ức của hắn cái tên ấy. Hắn cố tưởng tượng xem hình dáng người con gái ấy như thế nào mà cứng đầu như thế. Nhưng vô ích, hắn rùng mình. Trước mắt hắn chỉ hình ảnh những người con gái bị bọn hắn treo ngược lên xà nhà đang nghiến răng chịu đòn vọt. Hắn lắc đầu, đưa tay bấm chuông. Tên thư ký lại bước vào và dập hai chân chào như một cái máy.

 

– Dạ, thưa thiếu tá, tôi có mặt.

– Cho tôi hồ sơ Trần Thị Có, Loại A. Loại A, vần C. Trần Thị Có. Rõ chưa? – Hắn nhắc lại.

– Rõ.

 

Lát sau, tên thư ký trở vào giao cho hắn một tập hồ sơ bìa đen có in chữ A màu trắng ở ngoài. Hắn lật ngay trang đầu tiên: Bên cạnh tấm ảnh người con gái trang nghiêm và không kém phần lịch sự có ghi đậm những hàng chữ:

 

– Trần Thị Có – 24 tuổi

– Quê quán: xã Hòa Thịnh, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

– Chồng là Cộng sản, đã bị tiêu diệt năm 1955.

 

– Bắt vì lý do: tham gia hoạt động chống lại chính quyền quốc gia, mua chuộc dân chúng, ủng hộ Cộng sản, gây mất trật tự an ninh quốc gia.

 

Đọc đến đây, câu chuyện về người phụ nữ mà chính hắn trực tiếp ra tay tra khảo cách đây bốn năm đã hiện rõ. Hắn nhớ người con gái vóc dáng mảnh khảnh, nhưng chắc khoẻ, có mái tóc dài và đen. Hắn nhớ ra rồi, chính hắn đã mất gần 15 buổi sáng để tra khảo, hòng khai thác người con gái ấy. Hết cho đi “tàu bay” đến đi “tàu ngầm” vẫn không ăn thua. Hắn mới giở kiểu tra tấn theo sáng kiến của ngài cố vấn Huê Kỳ. Hắn nhốt người con gái vào một cái cũi sắt to và thả vào đó một con khỉ độc.

 

Con khỉ độc đã được quan thầy của hắn huấn luyện, hùng hổ xông đến ôm chị… Nhưng không, chị không nhắm mắt khiếp sợ như một số người khác để mặc con khỉ độc xé áo, xé quần… Chị đã nhắm thẳng vào con khỉ độc tưởng như đó là một thằng giặc Mỹ – và dùng hết sức của mình bóp lấy cổ nó. Và cuối cùng, con khỉ độc – “ thằng Mỹ mới” ấy đã lè lưỡi chết dưới bàn tay rắn chắc của chị.

 

Tên chủ sự mật vụ còn nhớ rõ cặp mắt đanh thép và hàm răng cắn chặt của người con gái ấy. Hắn nhớ rất rõ chính hắn đã thở ra và ghi vào hồ sơ lời kết luận “Rất ngoan cố – Cộng sản loại A. Chuyển xà lim án chém”.

 

Về sau, hắn được biết Trần Thị Có đã từ xà lim án chém vượt ngục, trở về tiếp tục hoạt động Cách mạng. Hắn tức tối điên cuồng, mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền. Và cho mãi đến hôm nay…

 

Nghe chừng vừa ý với cách xử trí của Chi khu trưởng, hắn liền hấp ta hấp tấp mang hồ sơ sang trình với ngài cố vấn Mỹ để xin thưởng (trước tiên là thưởng cho hắn mà theo hắn thì công trạng này phải được khá lắm). Tên cố vấn Mỹ đã nghe rất chăm chú, cuối cùng hắn rụt đầu so vai… và tức tối đập bàn:

 

– Đây chính là thắng lợi của các ông à? Một con Việt cộng hai năm bỏ tù với đủ cách khai thác, bốn năm truy lùng mới bắt được, cuối cùng vẫn không khai thác được ở nó một tài liệu nào cả. Các ông nhầm. Nó chưa chết đâu. Cái giống Việt cộng nó như cái củ gì mà ông vẫn khoe với tôi là có bằm trăm khúc nó vẫn nảy mầm ấy? À, tôi nhớ ra rồi, cái củ gấu. Giết nó hay bằm trăm khúc thì nó vẫn giống củ gấu. Hiểu chưa ngài thiếu tá.

 

Tên Mỹ nhăn nhở cười chế giễu, mỉa mai tên mật vụ tay sai của hắn.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Thiên sứ về trời – Nguyễn Thị Việt Nga

>> Ngải đắng ở trên núi – Đỗ Bích Thuý

>> Tình cha – Châu Hoài Thanh

>> Anh em song sinh – Võ Chí Nhất

>> Gửi ông Đại tá chờ thư – Nguyễn Văn Thọ

>> Người tình – Cấn Vân Khánh 

>> Hoa nở muộn – Hoàng Thanh Hương

>> Mùa thanh long – Nguyễn Trường

>> Gió thu – Nguyễn Trương Quý

>> Nhật ký IVF – Chu Thị Minh Huệ

>> Không thể cất lời – Phong Điệp

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…