Truyện ngắn nữ trong văn xuôi Việt Nam đương đại

1123

20.10.2017-10:20

 

Truyện ngắn nữ

trong văn xuôi Việt Nam đương đại

 

PHẠM THỊ THANH PHƯỢNG

 

NVTPHCM- Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, dân tộc được giải phóng, phụ nữ được bình quyền, Phương Lựu cho rằng “dần dần đã có thể nói đến một dòng văn học của những cây bút nữ” [3, tr.93]. Bên cạnh thơ nữ vốn có truyền thống lâu đời, các nhà văn nữ xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đặc biệt từ thời kì đổi mới văn học năm 1986.

 

“Đây là một hiện tượng tốt đẹp, đánh dấu một phương diện phát triển của văn học thế kỉ này trên đất nước ta” [3, tr.94]. Tìm hiểu truyện ngắn nữ thời kì đổi mới chính là một cách tiếp cận với sự vận động của thể loại truyện ngắn nói riêng, của nền văn xuôi đương đại nói chung trong đời sống văn học hôm nay.

 

1.  Hiện thực đời sống trong tính toàn vẹn của nó là đối tượng phản ánh của văn học

 

1.1. Ngày nay, nói đến vấn đề này chúng ta thấy rất bình thường, thậm chí là lẽ đương nhiên. Nhưng phải đặt ở thời kì những năm sau 1975, đặc biệt sau 1986, đây thực sự là một chuyển biến lớn của văn học trong quan niệm về hiện thực phản ánh.

 

Nhưng sang thời bình (sau 1975), các nhà văn không thể tiếp tục viết như trước. Sự thay đổi của cuộc sống và thị hiếu thẩm mĩ của độc giả buộc người cầm bút phải tự đổi mới. Và như đã nói ở phần trên, văn xuôi đã có bước đi tiên phong. Từ cảm hứng lịch sử- dân tộc, văn xuôi đã chuyển sang cảm hứng thế sự- đời tư. Không còn bị ràng buộc vào cái gọi là “chủ nghĩa đề tài” như trước đây nữa, các nhà văn có quyền đi vào phản ánh mọi mặt, mọi chiều kích đa dạng, phức tạp của đời sống hàng ngày, của đời sống cá nhân mỗi con người. Từ bỏ lối phản ánh đơn giản, một chiều về cuộc sống, các nhà văn đã phơi bày lên trang viết một hiện thực “như nó vốn có”, đa chiều, đa diện. “Văn học cần một cái nhìn thật hơn, sâu hơn, toàn diện hơn đối với cuộc sống…” [1, tr.4]. Bước ra khỏi chiến tranh, các nhà văn lại tiếp tục bước vào một cuộc chiến đấu mới, “tinh vi”, phức tạp hơn- cuộc chiến với cái xấu, cái ác đang ẩn nấp, lẩn khuất trong cuộc sống, trong mỗi con người.

 

Khi cuộc sống đời tư, số phận cá nhân trở thành những đề tài khám phá bình đẳng của văn học thì cái nhìn về con người trong văn học cũng có sự biến chuyển. Không còn là con người sử thi, con người cộng đồng, đơn trị mà là con người đời thường, lưỡng diện- những cá nhân phức tạp và bí ẩn. Chính điều này khiến thế giới tâm hồn, tâm linh con người cũng trở thành một mảng hiện thực lớn cần phải khai phá của văn học. Vốn đã rất thành công trong lĩnh vực này ở giai đoạn 1930-1945, nay văn xuôi lại tiếp tục những thử thách mới trong việc khắc họa chân dung tinh thần con người thế kỉ mới.

 

Ngày nay văn học đã trở lại trạng thái cân bằng. Hướng khai thác hiện thực từ những năm đầu thời kì đổi mới vẫn tiếp diễn. Có nhiều đề tài mới được đề cập đã thể hiện một cảm quan hiện thực rất mới mẻ, táo bạo của một thế hệ cầm bút mới (những tiểu thuyết lịch sử đương đại, những truyện ngắn và tiểu thuyết viết theo bút pháp huyền ảo của Võ Thị Hảo, Nguyễn Bình Phương…). Hiện thực phản ánh trong văn học có khi chỉ là những chuyện tưởng “vặt vãnh” chẳng có gì, chỉ là những tình huống, trạng huống ta có thể gặp trong cuộc sống, nhưng nó cho ta hiểu nhiều về cách cảm, cách nghĩ của con người mới hôm nay (Mẹ– Nguyễn Quý Đức, Tách cà phê số 8– Dạ Ngân, Có con– Phan Thị Vàng Anh, Mười sáu mét vuông– Vũ Đình Giang…). Hiện thực chỉ còn là phương tiện để nhà văn thể hiện cái nhìn, sự chiêm nghiệm của mình về cuộc đời.

 

1.2. Dấn thân vào mọi đề tài của văn xuôi đương đại, với những ưu thế riêng của giới mình, các nhà văn nữ đã góp một cách nhìn rất sâu sắc, rất “phụ nữ” về một hiện thực trong tính toàn vẹn của nó.

 

“Nhìn lại” chiến tranh không phải là “độc quyền” của nam giới trong sáng tác. Tuy không chiếm một tỉ lệ lớn, nhưng những tác phẩm viết về chiến tranh của các cây bút nữ đã phản ánh thật thấm thía, xúc động “thực trạng tinh thần” của con người và xã hội những năm sau chiến tranh. Đặc biệt, họ nghiêng hẳn sự đồng cảm, xót thương về “nỗi đau thời hậu chiến” ở những người cùng giới với mình. Một nỗi đau rất âm ỉ, rất “đàn bà”: nỗi đau của tình yêu đầu đời với những người liệt sĩ cứ để lại “di chứng” mãi trong tâm hồn những người đàn bà sâu sắc (Người đàn bà với những bông bần ly -Dương Thu Hương, Chuyện thời con gái-Nguyễn Thị Như Trang), nỗi đau đầy bi kịch trong cuộc sống hôn nhân- gia đình bởi chiến tranh đã xóa đi tuổi thanh xuân và tàn nhẫn cướp đi cả khả năng làm mẹ của người phụ nữ, đẩy họ phải sống trong cảnh người “vợ hờ” trước cuộc sống vợ chồng thật của người chồng với cô vợ bé (Phận đàn bà- Thùy Dương). Không chỉ dừng lại ở những bi kịch góa bụa, lỡ làng, sâu sắc hơn, các nhà văn nữ còn cho ta thấy một bi kịch đầy chua xót, đầy những giằng xé nội tâm: bi kịch của những con người “vỡ mộng”, lạc lõng giữa cuộc đời. Tiếng nấc nghẹn ngào vọng về quá khứ của Thảo: “Em là người sót lại của Rừng Cười nhưng hạnh phúc chẳng còn sót lại nơi em” (Người sót lại của rừng cười) có lẽ là tiếng kêu than của rất nhiều người phụ nữ bất hạnh vì chiến tranh.

 

Nói đến văn chương nữ giới, nhiều người hoài nghi về “tính xã hội”, giá trị nhận thức hiện thực của nó bởi diện sống của người phụ nữ không thật rộng, họ không viết được cái gì khác mình, trong khi đó “văn là đời, đời với những chiều kích bao la về không thời gian, với những xung đột xã hội phức tạp của nó” [3, tr.95]. Có thể ta không tìm thấy một hiện thực “vĩ mô” với những mối quan hệ xã hội phức tạp chằng chịt trong sáng tác của các nhà văn nữ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không tìm thấy những vang hưởng của thời đại trong truyện ngắn của các chị. Hiện thực cuộc sống không hiện lên ở chiều rộng, bề nổi mà là ở chiều sâu- ở những hiện tượng, những số phận, thân phận,…nhưng qua đó người viết nói lên được rất nhiều điều về một xã hội mới hôm nay. Không thua kém các nhà văn nam, những cây bút nữ đã có một cái nhìn trực diện, thẳng thắn khi phơi bày mặt trái của xã hội đương thời. Nhà văn Vương Trí Nhàn còn cho rằng: “phụ nữ bắt mạch thời đại nhanh hơn nam giới” [4]. Chỉ có điều, trên những trang văn nữ, “tiếng vọng của thời thế, có khi chỉ là những va chạm nhỏ, những xao động khẽ” của cuộc đời…

 

Trong xu hướng đi vào cảm hứng đời tư, thế sự của văn xuôi hôm nay, truyện ngắn nữ đã có một “đất diễn” rất rộng trong mảng đề tài tình yêu, hôn nhân và gia đình. Dường như được trở về “đúng nghĩa trái tim em” (thơ Xuân Quỳnh), các cây bút nữ đã “tung hoành” khai phá muôn mặt phức tạp của cái “tầng vỉa” hiện thực rất đa đoan, đa sự, đầy cái “lỉnh kỉnh dở dang” của đời sống thường nhật này. Trong những trang đời đó dư âm niềm vui ít hơn nỗi buồn, bi kịch nhiều hơn là hạnh phúc. Nhưng người đọc chúng ta thì không mất niềm tin bởi có lẽ chính “thiên tính nữ” đã lưu giữ rất bền chặt tinh thần nhân văn trong mỗi một trang viết: tình yêu dù nhiều cung sắc như thế nào vẫn tồn tại vĩnh cửu trong sự bao dung vị tha (Cuối mùa nhan sắc– Nguyễn Ngọc Tư, Con sóng Đồng Tháp Mười– Nguyễn Thị Phước…); người phụ nữ dù có những phút giây xao lòng, có những cách hành xử đi theo tiếng gọi của bản năng, khát khao trần thế nhưng thường cuối cùng họ vẫn tìm lại, đứng vững trong cái thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình (Mùa đông ấm áp– Nguyễn Thị Thu Huê,Sau chớp là dông bão– Y Ban, Hiu hiu gió bấc- Nguyên Ngọc Tư…). Phải chăng, chính “thiên tính” ấy đã giúp phái nữ tự cân bằng, trong văn chương và trong cuộc đời- một cuộc đời vốn nhiều cái thô nhám, xô lệch, cằn khô…

 

Cầm bút viết như một sự giải tỏa những cảm xúc, ẩn ức, các nhà văn nữ đã mang đến một “bức chân dung tinh thần tự họa” rất ấn tượng về giới mình. Có thể nói, chưa bao giờ, mảng hiện thực của những “cái tôi đàn bà phong phú, phức tạp và sâu sắc” lại được khám phá một cách “tận cùng” như vậy. Cuộc sống hiện đại với sự đề cao tự do, dân chủ, người phụ nữ đã biết sống cho mình, vì mình nhiều hơn. Họ cũng nghĩ về mình nhiều hơn. Về những khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc, thậm chí là những khát khao mang tính chất nhu cầu bản năng rất chính đáng của con người: Hoa muộn– Phan Thị Vàng Anh, Sau những mùa trăng– Đỗ Bích Thúy, Cát đợi– Nguyễn Thị Thu Huệ… Họ không còn cam chịu, dè dặt mà cất tiếng đòi hỏi, quẫy đạp giành lấy: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ- Y Ban, Hành trang của người đàn bà Âu Lạc– Võ Thị Hảo…. Nhưng như một “hằng số” muôn đời, bao giờ đối diện với chính mình, một phút tách mình ra khỏi thiên chức hàng ngày để sống riêng với thế giới nội tâm của mình, người phụ nữ cũng thấy buồn, cô đơn: Cam ngọt– Phạm Sông Hồng, Cuối ngày– Trần Thị Trường, Trăng góa– Lê Minh Hà… Chỉ những người cùng giới mới có thể “tự ăn mình” để phơi bày ra một “hệ lụy” rất riêng của phái nữ như thế. Như là sự “rút ruột”, các nhà văn nữ đã kể, đã nói rất thật, rất sâu sắc những góc khuất đầy bí ẩn trong tâm hồn của giới mình.

 

Mặc dù còn tồn tại những hạn chế thuộc về giới tính trong sáng tạo nghệ thuật (hạn chế ở sự đa dạng của đề tài, ở tầm khái quát hiện thực xã hội rộng lớn…), nhưng với một thế mạnh khác (tư duy thiên về hướng nội), truyện ngắn nữ đương đại đã mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh cho văn học bằng cách riêng của mình: đi sâu vào những số phận, cuộc sống, tâm hồn của những con người rất bình dị, nhỏ bé (thậm chí là cá biệt) xung quanh ta, đặc biệt là những người phụ nữ. Truyện của các chị chỉ là những “lát cắt” cuộc đời, nhưng đó là một “lát cắt” rất “ngọt”, đằm sâu, nhiều trắc ẩn, dư ba…

 

2. Văn chương cần một hình thức nghệ thuật mới để phản ánh hiện thực mới

 

2.1. Quan sát sự vận động của nền văn xuôi đương đại, các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng những đổi mới về hình thức nghệ thuật được kết tinh rõ nhất ở hai thể loại: tiểu thuyết và truyện ngắn. Bắt đầu từ những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật (về hiện thực, con người, nhà văn, bạn đọc…), tư duy nghệ thuật (chuyển từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết), các nhà văn đã không ngừng tìm kiếm những khả năng mới mẻ cho văn chương, những sáng tạo hình thức. Cái mới lạ có khi đẩy lên thành sự “khước từ truyền thống”, thành “trò chơi” nghệ thuật (“chơi” kết cấu, “chơi” ngôn từ…). Tất nhiên hình thức phải đi liền với nội dung, và sự khác lạ chưa hẳn đã là “độc đáo nghệ thuật”, nhưng mọi sự thể nghiệm xuất phát từ trách nhiệm, trái tim của người nghệ sĩ đều đáng được đón nhận.

 

Văn xuôi đương đại đã mang đến nhiều biến đổi trong nghệ thuật trần thuật- ở loại hình tự sự, người kể chuyện là một thành tố rất được chú trọng hiện nay. Xuất phát từ quan niệm về sự bình đẳng trong mối quan hệ hiện thực- nhà văn- công chúng, điểm nhìn trần thuật đã được dịch chuyển cho nhiều vai kể để tạo sự khách quan, đồng thời tạo nên tính “đa thanh” trong cấu trúc hình tượng, kêu gọi một sự đối thoại, “đồng sáng tạo” ở người thưởng thức. Không còn tiếng nói “quyền uy”, “biết tuốt” như giai đoạn trước, người kể chuyện “đồng đẳng” với nhân vật trong thế giới truyện kể, và “đặc sản” của thời đại văn xuôi ngày nay là đã xây dựng nên những “người kể chuyện không đáng tin cậy”. Tính hoài nghi về những điều họ kể sẽ kêu gọi sự “định giám” lại một cách tỉnh táo, khách quan nhất ở người đọc.

 

Chủ trương đổi mới của văn xuôi hiện nay là “viết nội dung” chứ không phải “kể nội dung”, có lẽ vì thế mà xu hướng “giản lược”, “phân rã” cốt truyện đang rất được “ưa chuộng”. Người ta không còn đề cao kiểu cốt truyện chặt chẽ với các bước phát triển sự kiện như trong một màn kịch nữa, giờ đây cốt truyện như “lỏng lẻo” hơn bởi nó diễn biến theo dòng chảy tâm lí nhân vật, thậm chí nó là sự lồng ghép của các “mảnh vỡ tâm trạng” khiến người đọc rất khó tiếp nhận theo lối truyền thống (ví dụ tiểu thuyết Phố Tàu của Thuận). Các kiểu kết cấu mới lạ đều được thử nghiệm. Trong đó, sự “lên ngôi” của “ký ức” đã tạo ra nhiều biến đổi trong nghệ thuật trần thuật cũng như xây dựng tâm lí nhân vật (kĩ thuật đồng hiện, đảo trật tự tuyến tính, độc thoại nội tâm, dòng ý thức…).

 

Nhu cầu được phân tích, chiêm nghiệm hiện thực, được “đối thoại”, thể hiện cái bản ngã, cá tính sáng tạo đã kích thích người cầm bút tìm đến cả những thủ pháp huyền ảo, lấy cái phi thực để nói về cái thực. Một loạt truyện kiểu “giả cổ tích’, “giả thần thoại”… ra đời như một cuộc “đối thoại” với cái hiện thực giản đơn, một chiều, “đã biết” trong các câu chuyện cổ xưa kia (Những ngọn gió Huy Tát– Nguyễn Huy Thiệp, Giàn thiêu– Võ Thị Hảo, Rừng già– Trung Trung Đỉnh…).

 

Khi tư duy tiểu thuyết đã thay thế tư duy sử thi thì hệ lời của văn xuôi cũng biến đổi theo hướng đó: từ thứ ngôn ngữ trang trọng, chuẩn mực, chuyển sang thứ ngôn ngữ đời thường, đậm tính khẩu ngữ, thông tục; từ giọng điệu ngợi ca, khẳng định đã chuyển sang một thứ giọng đa điệu, biểu hiện những cách cảm thụ đời sống khác nhau: hoài nghi, chất vấn; triết lí, chiêm nghiệm; châm biếm, giễu nhại; cảm thương, xót xa;…

 

Có thể nói với những biến đổi hình thức nghệ thuật như đã nêu trên, “văn xuôi sau đổi mới đã đi những bước tiếp xa hơn trên con đường hiện đại hóa nền văn học dân tộc, để hòa nhập đầy đủ vào tiến trình văn học thế giới” [2, tr.25].

 

2.2. “Bắt mạch” rất nhanh vào sự vận động của văn xuôi đương đại, truyện ngắn nữ “vào hội” với một “dung nhan” sớm chín nở bởi sự “mẫn cảm bản năng” của người cầm bút. Dường như mọi sự biến đổi hình thức nghệ thuật của văn xuôi đương đại ta đều có thể quan sát thấy ở hiện tượng này. Điều quan trọng, truyện ngắn nữ “nhập cuộc” với một bản sắc riêng in đậm dấu ấn của giới tính trong sáng tạo nghệ thuật.

 

Dễ nhận thấy là dạng thức người kể chuyện ngôi thứ nhất chiếm một tỉ lệ lớn trong sáng tác của các cây bút nữ. Người kể chuyện xưng “tôi”, đa số là cái “tôi” trải nghiệm- tự kể về mình (khác với cái “tôi” chứng kiến- kể chuyện người khác), và đa số mang giới tính nữ. Điểm nhìn trần thuật này đã “nhuộm” “chất nữ” lên toàn bộ cấu trúc truyện kể, từ cấu trúc sự kiện đến cấu trúc lời văn. Tính chất “tâm tình”, “giãi bày” đậm nét. Cốt truyện nhiều khi là sự xâu chuỗi các cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, sự kiện, tình tiết rất mờ nhạt. “Ký ức” được khoan sâu, “chắp nhặt” từng mảnh vỡ để hoàn thiện dần bức tranh nội tâm của con người. Cái cảm giác giống như đang được nghe “buôn chuyện” mà người ta cảm nhận khi đọc truyện Y Ban là một nhận xét rất “trúng” với những truyện ngắn nữ viết từ điểm nhìn trần thuật này: Gà ấp bóng– Y Ban, Biển ấm– Nguyễn Thị Thu Huệ, Trăng góa– Lê Minh Hà…

 

Muốn khẳng định “thực tài” của mình, các nhà văn nữ rất hào hứng với chủ trương “viết nội dung” hơn là “kể nội dung”. Vì vậy trong sáng tác của mình, họ không đề cao việc xây dựng một cốt truyện chặt chẽ với sự triển khai logic các sự kiện, tình tiết, với những mâu thuẫn, xung đột lớn, đẩy lên cao trào, “thắt nút” rồi “mở nút”… Ngay cả yếu tố tình huống- vốn có vai trò rất quan trọng trong thể loại truyện ngắn, họ cũng lựa chọn là những sự việc rất bình thường xảy ra trong cuộc sống: một buổi lên thành phố đi chợ “phiên” của một cô gái ở vùng quê hẻo lánh (Lúa hát– Võ Thị Xuân Hà), sự tưởng nhầm mình có thai của một cô gái trẻ chưa có gia đình (Có con– Phan Thị Vàng Anh), một chuyến về thăm quê ở vùng cao của một người con đi học xa nhà (Sau những mùa trăng– Đỗ Bích Thúy)… Thay vào đó, các nhà văn nữ rất chú tâm miêu tả các chi tiết, đi sâu vào phân tích tâm lí nhân vật, và “lạ hóa” văn chương bằng những cách diễn đạt giàu cá tính của mình. Họ thuyết phục người đọc bằng sự tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc, am tường nội tâm con người- nhất là người phụ nữ, và bằng cả sự “quyến rũ” duyên dáng, hiện đại trong giọng điệu, ngôn ngữ. Nhiều người đã nhận xét ngôn từ trong truyện ngắn của phái đẹp mang đậm sắc thái nữ- nó gắn với cách cảm thụ thế giới mang tính chất “trực cảm”, “duy cảm”, gắn với công việc “tề gia nội trợ”, với thiên chức làm vợ, làm mẹ của họ. Rõ ràng, giới tính có ảnh hưởng không nhỏ tới cá tính sáng tạo của các nhà văn nữ.

 

Nghệ thuật muôn đời vẫn đề cao yếu tố “sáng tạo”. Bằng trí tưởng tượng phong phú, sự “đa đoan, đa cảm” sẵn có trong tâm hồn, phái nữ đã mang đến những cấu tứ, những thủ pháp viết truyện ngắn rất độc đáo, “ám ảnh”. Sự bất ngờ “ngoài sức tưởng” trong những tình tiết, những cách kết gây “dư chấn”: Ngọa sinh (Võ Thị Xuân Hà), Kẻ dự phần (Phong Điệp)…. Sự đa tầng ý nghĩa trong cách cảm thụ hình tượng: Gióng (Lê Minh Hà), Tự (Y Ban)…. Những thủ pháp huyền ảo tạo nên kiểu truyện “giả cổ tích”: Chợ Rằm dưới gốc dâu cổ thụ (Y Ban),Nàng tiên xanh xao, Hồn trinh nữ, Tim vỡ– Võ Thị Hảo…. Tất cả những thử nghiệm đó đã góp phần tạo nên sự “bung phá, biến ảo” của thể loại truyện ngắn hiện nay.

 

Đánh giá Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975, Bích Thu đã nhận xét: “Trong những năm gần đây, truyện ngắn có xu hướng tự nới mở đa dạng hơn trong cách diễn đạt” [6]. Với những cách “diễn đạt” mới mẻ, giàu cách tân nghệ thuật, truyện ngắn nữ đương đại đã góp phần “nới mở” nhiều hơn tiềm năng biểu đạt cuộc sống của thể loại tự sự cỡ “nhỏ” này.

 

“Văn chương không phải là nghề như mọi nghề mà đó là con đường khổ ải cho những người đàn bà cầm bút” (Dạ Ngân). Vượt qua bao giới hạn, khó khăn của một “phái yếu”, phái nữ đã “đăng đàn” một cách đầy tự tin, tự chủ, cống hiến những thành quả không nhỏ cho sự vận động, biến đổi của nền văn xuôi đương đại. Họ đã làm cân bằng (và thậm chí là lần lướt) tính âm- dương trong đời sống văn học. Phải chăng, sự “thăng hoa” của họ trong sáng tác, nói như Huỳnh Như Phương, là “một cách thế hiện diện ở đời” [5, tr.132]?

 

__________

 

1. Trần Thanh Đạm, “Nhìn lại văn học Việt Nam sau 1975: 3 giai đoạn, 3 xu hướng”, báo Văn nghệ số 34 -2003

2. Nguyễn Văn Long – Lã Nhâm Thìn (đồng Chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975- Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục, 2009.

3. Phương Lựu, “Suy nghĩ về đặc điểm của nữ văn sỹ”. Tạp chí Tác phẩm mới, số 3/1998.

4. Vương Trí Nhàn, “Phụ nữ và sáng tác văn chương”. Tạp chí Văn học, số 6/1996.

5. Hunh Như Phương, Những tín hiệu mới, NXB Hội nhà văn, 1994.

6. Bích Thu, “Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975”, Tạp chí Văn học, 9/1996.

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Chabbi – nỗi khắc khoải phận người – Cao Thị Hồng

>> Bí ẩn lời yêu trong Đêm thơm lựng mùi sen – Trúc Linh Lan

>> Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc – Huyền Minh

>> Chữ bầu lên nhà thơ – Lê Đạt

>> Những câu thơ viết trong miên cảm – Nguyễn Minh Khiêm

>> Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào? – Nguyễn Thanh Tâm

>> Trần Thế Tuyển & Phía sau mặt trời – Nguyễn Vũ Quỳnh

>> Đinh Hùng một hồn thơ kỳ ảo – Võ Tấn Cường

>> Về mái nhà xưa tìm thời đã mất – Phan Hoàng

>> Trải lòng với Bóng chữ của Lê Đạt – Lưu Khánh Linh

>> Khuynh hướng LLPBVH ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam- Trần Hoài Anh 

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…