Nguyễn Tường Văn
(Thay nén hương lòng tưởng nhớ anh)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Trần Hữu Lục (1941-2021), là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam. Nhà văn gốc Huế đã xuất bản gần 10 đầu sách riêng cùng hơn 80 tuyển chung. Vì tuổi cao và mắc bệnh nền, nhà văn Trần Hữu Lục đã không vượt qua được tuổi 80 khi mắc Covid-19, ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc 8h30 ngày 30/8/2021.
Nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục qua đời vì mắc Covid-19.
Vào một sáng chủ nhật năm 1969, trong giờ giải lao nơi khuôn viên chùa Linh Sơn thành phố Đà Lạt, anh Ngô Thế Lý – Chủ tịch Đoàn sinh viên Phật tử đại học Đà Lạt giới thiệu tôi với chàng trai có phong thái tươi vui, trí thức, lịch lãm đang dẫn dắt chương trình buổi sinh hoạt thanh niên sinh viên. Đó là anh Trần Hữu Lục, giáo sư trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Tôi tiến lại bắt tay chào anh. Ngay phút đầu tiên gặp gỡ, anh vui vẻ tiếp chuyện cởi mở tạo không khí thân mật xóa tan trong tôi nỗi ái ngại ban đầu. Anh hỏi thăm tôi về đời sống sinh hoạt, học tập, về không khí văn nghệ trong anh em viết lách dưới quê hồi ấy. Từ mối giao hảo đó nhà văn Trần Hữu Lục dần trở thành người anh gần gũi thân thương vừa là bạn tâm giao trong tôi.
Ngôi nhà số 2 đường Nguyễn Du (nay thuộc Phường 9, Tp Đà Lạt), chỗ vợ chồng anh chị cư ngụ là nếp nhà cũ theo lối kiến trúc thời Pháp nơi xứ lạnh ẩn mình dưới bóng thông cao, đã trở thành chốn tôi thường lui tới vào những năm tháng trước giải phóng ở thành phố cao nguyên này. Biết bao lần tới đây gặp anh chuyện trò hỏi han việc sáng tác thơ văn, viết lách báo chí trước thực trạng đất nước lúc bấy giờ. Lần nào cũng vậy, nhà văn Trần Hữu Lục nhiệt tình nói với tôi về trách nhiệm người cầm bút đối với quê hương, dân tộc cũng như thái độ của văn nghệ sĩ chân chính trước trào lưu văn hóa văn nghệ lai căn, nô dịch ngoại bang xâm nhập vào xứ sở. Khát vọng cho ra đời những tác phẩm có xu hướng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, về nguồn, về với nhân dân, phản đối cuộc chiến lúc này là vô cùng cần thiết và cấp bách!
Nhiều khi đến nhà, anh đi dạy học hay công việc đâu đó chưa về, tôi tha hồ ngồi hàng giờ trước số sách báo của anh. Nhìn vào giá sách ngăn nắp, phong phú các thể loại làm tôi mê mẩn ước ao. Từ sách truyện ngắn đến tùy bút, tản văn, ký, tiểu thuyết, thơ ca, nghiên cứu lý luận phê bình văn học, triết học… đủ cả vùng miền Bắc Trung Nam. Tôi ấn tượng bộ sưu tập sách các nhà văn trong Tự lực văn đoàn, rồi các nhà văn “vang bóng” như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Hồ Biểu Chánh, Vũ Hạnh, Võ Hồng… các tập thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa… rồi sách sưu tầm nghiên cứu lý luận của Hoài Thanh – Hoài Chân, của Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Toan Ánh… và một số sách của các tác giả mới. Bên cạnh những tác phẩm trong nước, trên mấy giá sách nhà anh còn có cả những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài, như Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoy, Anh em nhà Karamazov của Fyodor Dostoevsky, Bác sĩ Jivago của Boris Pasternak, Túp lều của chú Tom của Harriet Beecher Stowe, Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, Buồn nôn của Jean Paul Sartre, Dịch hạch của Albert Camus và một vài tác phẩm văn học Trung Hoa, Ấn Độ…
Đặc biệt tôi chú ý vào góc để báo, tạp chí, tập san, đặc san của anh. Do thường theo dõi ủng hộ, tham gia viết bài cho báo chí đậm khuynh hướng đối lập chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ nên trong nhà anh thường có nhật báo Tin Sáng, Đuốc Nhà Nam; tập san Tư Tưởng, Tin Tưởng; các tạp chí Đất Nước, Tự Quyết, Trình Bầy, Đối Diện…; hóa ra nhà văn – nhà báo Trần Hữu Lục là một trong những cây bút chủ lực của nguyệt san Đối Diện suốt những năm tháng anh dạy học ở Đà Lạt. Ngoài tên thật anh còn ký các bút danh khi Trần Phước Nguyện, lúc Hồng Hữu và một vài bút hiệu khác nữa. Bên cạnh việc viết lách anh còn làm công việc tuyển chọn và biên tập phần văn hóa văn nghệ cho tạp chí Đối Diện được linh mục Chân Tín – Chủ nhiệm và linh mục Nguyễn Ngọc Lan – Thư ký tòa soạn báo tận Sài Gòn hoàn toàn tin cậy giao phó.
Do vậy nhà văn – nhà báo – nhà giáo Trần Hữu Lục tại Đà Lạt trở thành địa chỉ nối kết những cây bút nhóm Việt từ Huế ra đi khắp nẻo cùng bao văn hữu tiến bộ, yêu nước ở miền Nam. Thời gian này anh ra mắt đọc giả tập truyện ngắn đầu tay “Cách một giòng sông” do Đối Diện xuất bản (1971) được dư luận đánh giá cao và công chúng nhiệt liệt ủng hộ. Qua anh thuở ấy tôi được biết ít nhiều về chuyện văn chuyện đời của các tác giả Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đắc Xuân, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Trần Duy Phiên, Ngụy Ngữ, Trần Phá Nhạc, Bửu Chỉ, Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Ngọc Sơn, Tiêu Dao Bảo Cự, Phan Du, Võ Trường Chinh, Đam San, Lê Gành…
Trong việc tuyển chọn thơ văn cộng tác viên để đăng vào phần sáng tác của nguyệt san Đối Diện, nhà văn – nhà báo Trần Hữu Lục luôn lấy tiêu chí chất lượng tác phẩm và tôn chỉ chống chiến tranh, yêu quê hương dân tộc, yêu hòa bình là trên hết. Tuy thân tình nhưng mỗi khi tôi đưa tác phẩm anh đều tranh thủ đọc. Bài nào được hoặc chưa anh sẵn sàng góp ý chỗ này chỗ nọ cần sửa chữa cho phù hợp khi đăng tải trên một tạp chí đấu tranh hợp pháp nhằm giảm thiểu sự rắc rối xảy ra. Là người vừa viết bài vừa quảng bá những sách báo đối lập chế độ cũ, thường tham gia các hội họp của sinh viên và giới trí thức, tôn giáo yêu nước nên không ít lần anh bị mật vụ theo dõi bố ráp; trong đó có lần anh phải đưa mấy linh mục tiến bộ từ Sài Gòn lên Đà Lạt hội thảo bị lộ đến tạm lánh nơi ngôi chùa của Tỉnh hội Phật giáo địa phương. Riêng tôi cũng từng làm khổ anh bị vạ lây; đó là cuối năm 1971 anh Ngô Thế Lý làm Chủ nhiệm tôi làm Chủ bút tập san Tin Tưởng của sinh viên Phật tử Đà Lạt xuất bản báo tết Nhâm Tý với chủ đề “Đồng bào ta một lòng đuổi Mỹ”. Lần ấy tập san đăng ủng hộ Bản Tuyên bố của bà Nguyễn Thị Bình đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam tại hòa đàm Paris cùng sáng tác của các nhà thơ Giang Nam, Thu Bồn; nhà văn Trần Hữu Lục cũng gửi đăng truyện ngắn “Chứng từ”. Thế là sau khi báo phát hành, suốt mấy tháng liền anh bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu triệu tập tới lui thẩm vấn hạnh họe tra hỏi vặn vẹo đủ điều.
Sau 1975 tôi về Đà Lạt tìm thăm gia đình anh nơi gian phòng trọ của Trung tâm Thanh thiếu niên thành phố (nay thuộc Phường 2). Nhà văn Trần Hữu Lục nở nụ cười rất tươi, sau giây phút anh em mừng rỡ ngày gặp lại, chợt nơi vầng trán anh như thoáng nét ưu tư trăn trở trước cuộc sống còn đầy dẫy những khó khăn sau chiến tranh. Đúng vậy, giữa khí trời Đà Lạt 3, 4 giờ khuya lạnh căm, vậy mà người phụ nữ chịu thương chịu khó – chị Phước vợ anh đã gọi các cháu thức dậy, mỗi cháu một việc cùng mẹ băng màn sương cóng buốt chạy chợ. Những ngày lưu lại thăm anh, đến bữa chúng tôi dùng bo-bo đạm bạc thay cơm gạo độ nhật. Vậy mà gia đình nhà văn không một lời ta thán!
Năm 1968 nhà giáo Trần Hữu Lục đặt chân tới Đà Lạt dạy học, năm 1988 anh cùng gia đình rời Đà Lạt về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và anh tiếp tục viết văn làm báo. Vậy là sau 20 năm anh cùng thành phố cao nguyên này có biết bao kỷ niệm đắng cay, ngọt bùi vô cùng thân thiết không thể nói hết bằng lời. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm xúc: “Khi ta đến chỉ là nơi đất ở/ Lúc ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”!
Khi hay tin nhà văn – nhà báo – nhà giáo Trần Hữu Lục ra đi trong mùa bạo dịch Covid, biết bao đồng nghiệp, bạn đọc, học sinh cũ chốn ngàn hoa tiếc thương mỗi người một cách tiễn đưa riêng. Trong đó có học trò cũ Đỗ Thị Kim Huệ trường Bùi Thị Xuân năm xưa đã lập hương án tại tư gia rồi cùng một số bạn đồng môn tụng niệm nguyên bộ Kinh Địa Tạng(Phật giáo) suốt 7 đêm trong những ngày đầu tháng 9/2021, như thay nén tâm hương tiễn biệt mong thầy sớm siêu thoát. Cũng như những người học trò cũ kia, từ xa tôi xin cầu nguyện anh linh nhà văn – nhà báo Trần Hữu Lục luôn thanh thản an vui lãng du nơi cõi vĩnh hằng.
(Phú Yên, mùa đại dịch Covid-19 năm 2021)
N.T.V