Viết Cho Hoa Níp – Mầm ly biệt đã được báo trước

723

Đặng Huy Giang

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong đó hai câu đầu mang hơi hướm “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” của Nguyễn Du, nhưng được diễn đạt theo một cách khác, còn hai câu sau là một cặp lục bát vừa sâu sắc vừa có tầm hái quát và là một cặp lục bát để đời của Xuân Trường.

Nhà thơ Xuân Trường

Viết Cho Hoa Níp – Thơ Xuân Trường

Trần gian thiếu một nụ cười
Mà sao vắng đến rợn người Níp ơi
Hôm em giông gió về trời
Vũng Tàu gom sóng cuộn lời đau thương

Nước mây ướt mặt phố phường
Ba mươi mốt tuổi hưởng dương, thôi mà
Em sao băng chợt vượt qua
Trời mênh mông thế biết là về đâu?

Đời là khoảnh khắc bể dâu
Trời đem tài mệnh đố nhau làm gì?
Ra ngoài tử biệt sinh ly
Văn chương góp một chuyến đi vô cùng

Thấy gì sau phía khói sương
Chỉ nghe hun hút vô thường em ơi
Bao tài hoa trẻ trên đời
Vì sao bạc mệnh hay trời bất công

Em như tia nắng hừng đông
Bâng khuâng với biển rồi không nói gì
Âm thầm đột ngột ra đi
Chân mây xê động tiếng gì mà đau

Nắng bãi trước chiều bãi sau
Đều nghe hai phía úa nhàu thời gian
Đêm đêm biển động trăng vàng
Có con chim nhạn lạc đàn về đâu?

Bây giờ ai viết nông sâu?
Để thăm dò cuộc bắt đầu người đi
Ngày xưa em nói câu gì?
Mà mầm ly biệt thầm thì bão giông

“Bao giờ cho đến cánh đồng?” (*)

Lời Bình Của Nhà Thơ Đặng Huy Giang:

“Viết Cho Hoa Níp” là bài thơ thương tiếc một tài năng văn chương đã ra đi đột ngột ở tuổi còn rất trẻ. Bài thơ thừa độ chân thành và đủ “thông điệp”cần thiết sau lời than vãn nói theo kiểu Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê thuở nào “Bác Dương thôi đã thôi rồi!” Đó là sự đau đớn bàng hoàng và hẩng hụt ngỡ không thể đau đớn bàng hoàng và hẩng hụt hơn: Trần gian thiếu một nụ cười/ Mà sao vắng đến rợn người Níp ơi! Đó là sự liên hệ giữa mất mát của một cá nhân và một vùng đất (vũng tàu) nơi Hoa Níp từng gắn bó một thời: Hôm em giông gió về trời/ Vũng Tàu gom sóng cuộn lời đau thươngNắng bãi trước chiều bãi sau/ Đều nghe hai phía úa nhàu thời gian. Xuân Trường thương Hoa Níp đến nỗi lo sợ người bạn thơ vong niên của ông sẽ cô đơn ở thế giới bên kia. Bởi thế mà trong khổ thơ thứ hai mới buột ra hai câu: Em sao băng chợt vượt qua/ Trời mênh mông thế biết là về đâu? Rồi ông cho rằng mầm ly biệt này đã được báo trước và dường như đã có điềm báo từ một câu thơ có từ trước của Hoa Níp: Bao giờ cho đến cánh đồng? Khổ thơ đáng chú ý nhất của “Viết Cho Hoa Níp” thuộc về: Đời là khoảnh khắc bể dâu/ Trời đem tài mệnh đó nhau làm gì?/ Ra ngoài tử biệt sinh ly/ Văn chương góp một chuyến đi vô cùng. Trong đó hai câu đầu mang hơi hướm “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” của Nguyễn Du, nhưng được diễn đạt theo một cách khác, còn hai câu sau là một cặp lục bát vừa sâu sắc vừa có tầm hái quát và là một cặp lục bát để đời của Xuân Trường

Ra ngoài tử biệt sinh ly
Văn chương góp một chuyến đi vô cùng


(*): Thơ Hoa Níp