Võ Đắc Danh và người Sài Gòn bất đắc dĩ

696

28.10.2017-10:00

Võ Đắc Danh “đi chỗ khác chơi” với niềm vui thu hoạch tổ yến

 

Bút ký của Võ Đắc Danh

và một Sài Gòn không có người Sài Gòn

 

LAM ĐIỀN

 

NVTPHCM- Sau một thời gian gác bút để chuyên chú làm người nông dân nuôi yến, tác giả Võ Đắc Danh bất ngờ ra mắt tuyển tập bút ký Người Sài Gòn bất đắc dĩ.

 

Gặp anh, mới biết tập sách ra đời từ ý tưởng xây một chiếc cầu giúp người dân ở huyện Đầm Dơi – Cà Mau, và cấp học bổng cho các em học sinh đang có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

 

* Bài ký Người Sài Gòn bất đắc dĩ kể chuyện anh và gia đình trở thành “người Sài Gòn” được nhiều người đồng cảm, không chỉ là ở cái hoàn cảnh bất đắc dĩ, mà qua đó còn gợi lên cho người ta thấy dường như những cư dân thuở đầu tiên của Sài Gòn cũng đều bất đắc dĩ mà đến đây cả.

 

Theo anh, liệu những hoàn cảnh bất đắc dĩ như vậy đã góp phần như thế nào trong việc làm nên tính cách người Sài Gòn?

 

– Nước Mỹ còn có một cách gọi khác nữa là “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, khi đặt chân lên đất Mỹ, tôi có một khái niệm Sài Gòn của mình cũng tương tự như vậy.

 

Nghĩ sâu hơn một chút về lịch sử thì Sài Gòn không có người Sài Gòn, cho dù họ được sinh ra tại Sài Gòn. Sài Gòn là nơi hội tụ của các cuộc di dân trên ba miền Tổ quốc, đó chính là những “Người Sài Gòn bất đắc dĩ”.

 

Bạn thử tìm cho tôi một món ăn nào chính gốc Sài Gòn xem? Không có.

 

Phở Hà Nội, bún bò Huế, hủ tiếu Mỹ Tho, Nam Vang, bánh canh Trảng Bàng, bún cá Nha Trang, mì Quảng…. và các món ăn của người Hoa. Từ ẩm thực đến ngôn ngữ, giọng nói, tất cả đã làm nên một tính cách của Sài Gòn.

 

Con người cũng thế, ví dụ như người Quảng Nam ở Sài Gòn, ta nghe giọng nói của họ thì nhận ra ngay, nhưng khi họ trở về quê Quảng Nam thì người bản xứ cho là họ mất gốc.

 

Tôi có một người bạn thân quê ở Quế Sơn, khi anh ta về quê, người cậu của anh nói: “Khi mô mi vô Sài Gòn cho ta gởi con chó cho mi đem vô nuôi dùm ta mấy tháng”.

 

Anh hỏi chi vậy cậu?

 

Người cậu nói: “Để đem về nó sủa giọng Sài Gòn nghe chơi”.

 

Tôi nghĩ, đó là một trong những yếu tố làm nên tính cách của Sài Gòn.

Tập bút ký Người Sài Gòn bất đắc dĩ của Võ Đắc Danh

 

* Từ chục năm trước, anh đã gặp những người Sài Gòn cùng khổ, anh đã đưa cảnh đời của họ đến với bạn đọc cả nước bằng những trang viết xúc động.

 

Đến nay, những trang viết của anh còn đó, anh vừa sửa soạn đưa đến cho một lớp độc giả mới, còn những người cùng khổ của Sài Gòn bây giờ có gì khác lúc trước không?

 

– Năm 2008, một buổi chiều đưa con vào nhà sách Lê Lợi, bất chợt thấy một bà lão ngồi quạt than nướng bánh chuối trên vỉa hè trước cửa nhà sách, bà có một mái tóc trắng rất đẹp và gương mặt phúc hậu, tôi lấy máy ảnh ra bấm mấy kiểu.

 

Nhìn thấy tôi chụp hình, bà vội đứng dậy bỏ đi.

 

Tôi đến xin lỗi vì mình vô phép, bà nói chụp chơi thì không sao, tôi sợ bị đưa lên báo cái tội buốn bán lấn chiếm vỉa hè.

 

Rồi bà kể, từng tuổi nầy mà phải vất vả nuôi hai đưa con trai, một bị tâm thần, một bị xơ gan.

 

Mấy hôm sau tôi theo chân bà về nhà và viết một bút ký.

 

Vài tháng sau tôi ghé thăm bà, bà khoe rằng nhờ bài viết ấy mà những người qua đường dừng lại mua bánh, một cái bánh chuối ba ngàn nhưng người ta đưa một trăm, hai trăm, năm trăm ngàn rồi bỏ đi, có người cho cả vài triệu đồng.

 

Nhờ thế, hơn bốn mươi triệu đồng vay nặng lãi bà đã trả hết, con dư được mấy chỉ vàng…

 

* Với một người nặng tình với đất quê như anh mà phải rời Cà Mau lên sống ở Sài Gòn hẳn anh nhớ quê lắm, nghe đâu anh tự “chữa bệnh nhớ quê” bằng cách làm một bảo tàng nông cụ tại nhà?

 

– Tôi là gốc nông dân, khi mở mắt chào đời đã thấy đồng ruộng bao la, thấy dòng sông bến nước.

 

Công cụ đầu tiên tôi cầm lên để bước vào cuộc mưu sinh là cây phảng, cây cày, cây cuốc, cái nọc cấy, vái vòng gặt…. nói chung là nông cụ.

 

Những năm đầu lên Sài Gòn, sống ở quận 1, nhớ quê đến chịu không nổi, tôi tìm hạt lúa về gieo trong chậu trên sân thượng cho đỡ nhớ.

 

Sau nầy về Nhà Bè, đất rộng, tôi cất một căn nhà lá nhỏ trong vườn rồi về quê sưu tầm lại những nông cụ khẩn hoang đem về giữ trong nhà như giữ gìn một hình ảnh của ký ức.

 

* Sau một thời gian dài sống ở Sài Gòn – nơi được xem là cả chính quyền và người dân đều có tư duy “thoáng”, anh có thấy ở Sài Gòn có những điểm tích cực nào trong quản trị xã hội và tổ chức hành chính có thể “nhân rộng” ra cho các vùng miền khác?

 

– Khi cầm bút, đặc biệt là đi viết ký văn học, đối tượng của tôi không phải là chính quyền mà là thân phận con người, trong ngòi bút của tôi chỉ có thiện và ác, chỉ có cái tử tế và cái không tử tế.

 

Đọc bút ký của tôi, người đọc sẽ thấy rõ điều đó, cái ác và cái không tử tế nó luôn luôn ẩn sau thân phận con người và những điều tử tế.

 

* Từ một nhà nông anh trở thành nhà báo, nhà văn, rồi duyên cớ gì anh lại gác bút để trở thành nhà nông?

 

– Nói có khi không ai tin, trong tận cùng thâm tâm tôi luôn nghĩ mình chỉ là người nông dân cầm bút, hơn 90 phần trăm trang viết của tôi là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người nông dân, nói thay họ những tiếng nói khổ đau và oan khuất.

 

Những năm gần đây tôi đột ngột về vườn, nuôi chim yến, thật ra đó cũng là việc bình thường khi tôi nhận ra ngòi bút của mình không còn hay nữa và nhớ đến lời dạy của nhà văn Trang Thế Hy là “phải biết đi chỗ khác chơi”.

 

TTO

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…