Châu Đăng Khoa
(Vanchuongphuongnam.vn) – Về một góc đời nào đó, sự nhạy cảm của nhà thơ luôn như hình xoắn ốc, xoáy đến tận cõi vô cùng. Thảo nhìn đời, nhìn mình để mong hoàn thiện bản thân. Tất nhiên, sự tuyệt đối tuyệt mỹ là điều không thể, có thể là không có thật. Niềm vui qua nhanh, nỗi buồn lắc rắc. Âm ỉ với giấc mơ gãy khúc, âm ỉ ước vọng những vòng tay thân thiện, Thảo mê mê nghĩ về những nét cười hiền hòa, để nhẹ như từng cánh mỏng bông bồ công anh, tung tăng tung loé bên trời lộng gió mong người vui.
Nhà thơ Bùi Phan Thảo
“Ngoài vườn một cành hoa vừa mọc
ai nhớ đến đàn chim ngậm hạt mang về?”
Một bài thơ trong “Chùm thơ ngắn không đề” của nhà thơ Bùi Phan Thảo, câu thơ nhẹ như làn gió mỏng len khe lá, khe lá của ban mai đọng sương, mềm, nhưng thăm thẳm một tâm tình, tìm, nhớ về cội nguồn của vẻ đẹp. Vẻ đẹp thì vô cùng, có lẽ vì thế thơ của Thảo luôn ăm ắp nỗi niềm, ăm ắp hoài mong trăn trở… Tôi cảm nhận, Thảo luôn đặt một dấu hỏi nơi chân mình, và anh cứ nợ mãi câu trả lời.
Qua tia nhìn bóc vỏ, mỗi ngày, như một trầm tích, Thảo đã triển lãm ít nhiều tư duy thấp thỏm của mình trong tập thơ “Không chờ những giấc mơ”. Nỗi âu lo trong đời sống đương đại, anh bất lực khi muốn choàng tay ôm lấy nỗi đau người khác. Thảo thẩm thấu những phận đời khốn khổ, như anh từng đã và, phải chăng sự chất phác thật thà là một cơ hội cho người khác lợi dụng?
“Chị nông dân đen điu ngượng ngập
không biết diễn trước ống kính truyền hình
hèn chi rau chỉ vài nghìn một bó”
(Chùm thơ ngắn không đề)
Anh bức xúc với tuổi già trơ trọi:
“Bà lão nhặt ve chai…
thất thểu ngày đi giữa chợ đời”
(Đêm gạt tàn đầy)
Kia kìa lời tung hê bia bọt giữa ồn ào khói xe khói thuốc, hè phố rực rực tiếng cười đẩy đưa, đã đối nghịch hình ảnh đau lòng trong bài thơ “Dốc sương mù” khi:
“Đèn phố lơ mơ
lão ăn mày ú ớ”
Lão ăn mày ú ớ, hay chính Thảo ú ớ trong dòng đời nghiệt ngã, hay đó là sự tự nhiên sinh diệt thuở hồng hoang. Khi khó thể giải thích điều gì đó, để tâm an, con người hay đổ thừa định mệnh. Thảo lại nợ một câu trả lời. Nợ câu trả lời để con chữ dậy men khắc khoải, để tư duy có cớ sống còn. Một chừng mực nào đó, Thảo đã gói ghém tâm tư mình qua những đót thuốc:
“Đêm
han rỉ tế bào
mục ruỗng suy tưởng
gạt tàn đầy
trõm trơ lồng ngực
…..
vá víu nỗi buồn
đêm
buông tay cười khành khạch”
(Đêm gạt tàn đầy)
Cười khành khạch và buông tay ư? Tôi không nghĩ thế, Thảo đã thả buốt hồn thơ thổ máu, nhưng qua những bài thơ khác, tôi cảm thấy Thảo đã rất mở lòng với mọi điều đã trót cưu mang. Tiếng cười khành khạch không phải là điệu cười ngạo mạn, mà là tiếng rạo rạo đau đáu đau đời.
Khung đời lưu lạc, rất riêng, ai cũng có, Thảo cũng thế, dấn thân vói tay về sắc thắm cầu vồng phía trước. Mỗi bước phiêu du là một bài học, một bài ca, một trải nghiệm. Quảng Trị quê nhà, tha hương dừng chân cao nguyên mơ mộng, cầu vồng chỉ rực rỡ khoảnh khắc sau mưa, rồi tan biến, rồi hiển hiện về thực tại sỏi cát, không phải sỏi cát niên thiếu quê nhà, mà là sỏi cát niềm tin vụn vỡ.. Tôi được biết tâm tình ấy qua đôi lần san sẻ:
“Hình như tôi từng ước mơ về một ngày mai”
“bây giờ
không thể nhận ra hình hài một nụ cười của ngày tháng cũ”
(Điệu ru buồn của phố)
Thật rụng rời khi nụ cười ngày cũ cũng quên, bảy sắc màu kỳ diệu xõa ngang trời đã không còn một vết tích, nhưng đã hình thành một vết rạch ngoằn ngoèo trong Thảo, vết thương gồ lên bởi sự hụt hẫng trong khắc nghiệt đời thường, may mà tự kéo được da non:
“ngậm ngải mà tìm từ một vết thương được gió mơn man tự làm lành lặn”
(Điệu ru buồn của phố)
Về một góc đời nào đó, sự nhạy cảm của nhà thơ luôn như hình xoắn ốc, xoáy đến tận cõi vô cùng. Thảo nhìn đời, nhìn mình để mong hoàn thiện bản thân. Tất nhiên, sự tuyệt đối tuyệt mỹ là điều không thể, có thể là không có thật. Niềm vui qua nhanh, nỗi buồn lắc rắc. Âm ỉ với giấc mơ gãy khúc, âm ỉ ước vọng những vòng tay thân thiện, Thảo mê mê nghĩ về những nét cười hiền hòa, để nhẹ như từng cánh mỏng bông bồ công anh, tung tăng tung loé bên trời lộng gió mong người vui.
Rồi lại phải tự ám ảnh ru mình:
“Hát rằng
mình cũng điên điên
chấp gì khôn dại quàng xiên chợ đời
chân nam đẩy giọng lên trời
chân chiêu chùng xuống một lời nỉ non”
(Hồn nhiên tôi hát)
Điên điên để hồn nhiên, hay hồn nhiên điên để tránh những ám thị buồn tênh. Thấy một thành hai, ôi đời và đạo, những thường nhân như tôi, như Thảo, cuối cùng vẫn hệ lụy gùi lưng, biết vậy nên đành đón nhận:
“Thả dây
múc được đôi giày con con
ngày qua tháng lại chỉ còn chiếc quai”
(Hồn nhiên tôi hát)
Đôi giày con con, bàn chân con con trong đời thường cơm áo, sự hy sinh quá lộng lẫy, khi chỉ còn chiếc quai để một vóc dáng thơ bớt nghiêng ngả bên đường.
Cuộc đời có hẹn gì đâu, Thảo dư biết điều ấy, anh đã vùi lên chuyến tàu vô định với đầy những âu lo và cả niềm vui, hiến tặng cho đường ray đời, đường ray nghiến nỗi buồn thẫm tím thành thơ. Mà như trên đã thú nhận, nên nỗi buồn ấy lại càng nâng câu thơ phiêu bay, Thảo phiêu bay cõi mây sương mù khói.
Trong mịt mờ lạnh lẻ, tù mù ấy, đắng đót ấy, và trong đêm ấy nó đã mọc, đã nhú ra ngoài tâm thức, kế bên thôi, rất xum xuê cành lá, mọng đầy tròn một trái chín hoài nghi:
“Bữa nọ
cây hoài nghi kết trái
một trái thôi
chín mọng
sững sờ
(Bên cây hoài nghi)
Lấy dao cau mà chẻ, nó mẻ nứt ra nhiều con đường suy tư điên đảo, điếng đặc những nỗi buồn không tên, rồi con chữ, câu thơ, tự thăm thẳm hốc kẹt tâm hồn của Thảo được sinh thành, mọc qua khe đá, rất chênh vênh và bát ngát trời xanh mây mướt. Hoài nghi như thế, dấu hỏi ám đầy chân trên bối rối cung đường phía trước, nhưng bản chất của nhà thơ là nhìn, tìm biết để bao dung:
“đời mất mát hư hao
đời đẫm lệ
vẫn đáng sống cho nhau khi mặt trời lên”
(Bên cây hoài nghi)
Từ hoài nghi đến hoài niệm, Thảo đếm ngược mình trong bài thơ “Một hư vô vẽ dấu thánh lên trời”:
“Tôi đếm ngược vào trong từng thân cây nhẫn nại
vặn mình ra từng khoanh”
Ôi! những khoanh đời kết tụ, nỗi buồn kết tủa rồi lơ lửng tâm ý không thôi. Cuối bài thơ, Thảo lại treo một dấu hỏi:
“Tôi sẽ là gì lúc năm cùng tháng tận
một hư vô vẽ dấu thánh lên trời?”
So sánh trong bài “Nhặt” Thảo khắc họa động tác nhặt đi qua từng nhân vật, họ đã nhặt đúng chỉ là nhặt, bình tâm mà nhặt nên rất ngẫu nhiên, họ có được hạnh phúc ngoài mong đợi (có thể họ không quan tâm). Nhưng với cách nheo mắt của nhà thơ, của người từng đã trải, Thảo đi nhặt nỗi buồn của mình, Thảo tìm nhặt được cả, nhưng oái oăm là:
“Hôm qua tôi mất ngủ
Em có nhặt được không?”
Và ngợp ngời những hoài niệm khi “trùng trùng lá rụng một đêm khan”
“dã quỳ xanh từng vàng lên nỗi nhớ”
“đã qua rồi bão giông
ghềnh thác lùi sau dáng em ngồi hát”
(Lênh đênh, trầm và đóa dã quỳ xanh)
Quá khứ trùng trùng, kỷ niệm sầm sập như mưa lũ, ngập ngụa câu thơ. Này hoa cỏ, này gương mây, này tục lụy…. Những điều ai cũng biết, nó biến thiên theo từng cảnh đời, ai cũng có thể thấy bóng mình trong đa số câu thơ của Thảo. Đó là sự hòa âm, hòa điệu của những cuộc thăng trầm trôi nổi, của bông tím lục bình lớn ròng phiêu bạt sóng phù sa.
Dù chìm đáy tư duy, dẫu treo buồn bất khả… Thảo bên cây hoài nghi cũng đã gieo trồng cây nhẫn nại cầu mong:
“Giấu hết nỗi đau sinh thành để lá reo trong gió”
(Một hư vô vẽ dấu thánh lên trời?”
Cây nhẫn nại đã giúp Thảo cởi bỏ ít nhiều gút thắt tự trói cả một thời sôi nổi.
Giang hồ phiêu bạt, tóc dựng đời chiều. Hình như Thảo đã cảm và đã học sự thứ tha mọi điều có thể. Chân đời rất sớm, đồng hồ gõ trung niên, lóa mắt ngày ánh sáng, lừ đỏ mắt đêm đen, tay chạm toe toét vui buồn ái ố… Thơ Thảo đa sắc màu, khều khêu đời nhoi nhói, mướt êm đồng cỏ mượt, thả chân trần rượi gót, rồi đạp phải miểng chai. Nếu ví von như những bông hồng tình yêu đỏ, tím, xanh, vàng… thì bông hồng đen theo nghĩa đen, cột treo lên câu thơ đôi khi trần trụi thiếu xiêm y, với Thảo đó là phản ứng trung thực đến đau lòng.
Trong “Không chờ những giấc mơ”, có khá nhiều tứ lạ:
“Những ngón tay trở về
chạm vào đâu cũng nghe tiếng rạn”
(Ngày mùa đông bật máu)
Thảo luôn tìm cách diễn đạt mới qua những từ như: chẻ đau mà hát, rồi yêu, mây cứng đá mềm… Trong bài “Ghi nhanh ở quán bến đò”, Thảo nghịch phá con chữ với từng cặp từ nói lái:
“Bến đò/bò đến; đúng ngọ/ngó đụng; đã trưa/đưa trả; đàn dơi/đời gian. Và:
“Xưa bên này gọi
đò ơi
biết mấy đời o”
Biết mấy đời O, bốn chữ này đưa tôi về tuốt luốt bờ sông lau sậy, bóng ảnh những O còn son trẻ, đôi tay nâu nắng bị mái chèo hút đến già nua. Từng xưa trôi, mái chèo lầm lũi câu hò ơi… vọng mãi nỗi ngậm ngùi thân phận… hình như lại văng vẳng đâu đây.
Cuộc sống rất bập bênh, có lẽ Thảo đã tĩnh tâm ít nhiều nên:
“Có một ngày
về bên cội
ngày hư không
nhận hư không
tuổi hư không…”
(Ngày hư không)
Rồi tôn sùng chiếc lá:
“Mặc kệ chiều nóng ruột
chuông chùa không khua
lá điềm nhiên
rụng
bồ đề”
(Ngã)
Lá nõn xanh, lá xanh, lá vàng, lá nâu rồi bụi lá. Đời người “tuổi hư không”, bụi hư không. Một vọng tưởng “điềm nhiên rụng bồ đề”. Chuông chùa ban một chữ tịnh. Ôi! khó làm sao….. Với công nghệ hiện đại, máy PC hay laptop thì:
“Rất dễ dàng
chỉ OK là xóa
bộ nhớ vơi dần
lòng có nhẹ đi?”
(Xóa)
Khó bởi vì không thể xóa những gì đã khắc sâu vết thương ngày mộng mị, nếu quên được thì vết sẹo đã gồ một phù điêu:
“Và có phải
với mỗi người
khó nhất
là xóa đi
trong tâm thức những vết hằn?”
(Xóa)
Đời người và những ước mơ, có khi chỉ là giấc mê, khốc liệt và huyền diệu, đến rồi để tan về cõi huyễn… Thảo đã nhận hết về mình, thả niềm bao dung lên thế sự, được hay không thì phía trước vẫn mênh mông, nhưng có thể đã dấy một tấm lòng. Có thể Thảo sẽ quên giấc mơ vỗ về những ngọt ngào nữa, mà hoài mong giản dị với mộng thường:
“Nhưng anh sẽ không chờ những giấc mơ
anh chỉ chờ người đến bên chiếc ghế phía tay phải
dán dấu niêm phong một thánh đường
và chôn chiếc chìa khóa nhỏ xuống dưới đất sâu…”
Khép lại những ý thô này, tôi xin phép gợi lại 2 câu thơ trong bài “Nhặt” của Thảo, mong sớm mai này, một bông hồng đỏ thẫm trước thềm anh.
“Hôm qua tôi mất ngủ
em có nhặt được không?”
(Nhặt)
Di Linh, 2017
C.Đ.K