Ba hạt lúa bất hạnh – Truyện ngắn của Lại Văn Long

250

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghệ mồ côi, cha mẹ để lại cho mảnh ruộng và túp lều tạm bợ. Nghệ làm mướn cho phú ông ba ngày, được trả thúng thóc. Nghệ ăn khoai, định bụng lấy thóc gieo trên đất, mùa tới một thúng thành trăm, rồi những mùa vụ tiếp theo, trăm sẽ thành ngàn thúng… Nghệ sẽ có tiền cất nhà, xây mồ mả đẹp cho cha mẹ. Chàng trai nuôi chí tự chủ cởi trần, cột khăn, mồ hôi nhễ nhại, chống cuốc đứng giữa đất trời mỉm cười…

Đêm đó ôm thúng thóc ngủ trên sạp tre rải rơm khô, Nghệ mơ thấy Tiên ông: “Có hạt thóc thần ta tặng con để lẫn trong thúng thóc này. Tìm được nó công danh của con rạng ngời”… Nói xong Tiên biến mất, Nghệ bật dậy thẫn thờ. Chờ trời sáng, Nghệ đổ thóc ra cái nong to, cần mẫn tìm hạt thóc Tiên cho. Song vô vàn hạt thóc đều giống nhau, chẳng có cách gì tìm ra hạt thóc thần.

Nghệ lại đến phú ông làm mướn mười ngày, lấy mớ thóc khác về giã ra thành gạo ăn dè xẻn một tháng. Hai mươi ngày còn lại, Nghệ cuốc đến tơi mịn vuông đất. Hết ba tháng mùa nắng làm theo cách “lấy ngắn nuôi dài”, Nghệ có đủ lương thực ăn và chuẩn bị xong thửa đất. Khi những cơn mưa đầu mùa ầm ầm kéo đến, đất thành thửa ruộng nhão bùn. Đêm đó trước khi ngâm ủ thóc giống, Nghệ khấn vái: “Xin ơn trên cho con tìm được hạt thóc thần”… Hai hôm sau, khi trăm hạt thóc đều nảy mầm cả trăm, Nghệ cố tìm một lần nữa, nhưng vẫn không được hạt thóc thần nên đành đem tất cả rải xuống ruộng. Ngày tháng qua đi, mưa thuận gió hòa giúp lúa xanh tốt. Nghệ lại bỏ ra nhiều ngày vừa làm cỏ vừa tìm kiếm cây lúa khác lạ. Song cả đám ruộng xanh mướt, cây nào cũng như cây nào. Nghệ chưa vui nhưng không thất vọng, chàng tiếp tục làm mướn kiếm sống qua ngày…

Khi lúa sắp trổ đòng, Nghệ tẩn mẩn nhổ cỏ và đã phát hiện ra một cây lúa khác thường. Nó mọc ở chỗ trũng, nước ngập hơn gang tay, lùn thấp hơn cả bọn nhưng đẻ vô số nhánh thành một bụi to gấp mười lần bụi lúa khác. Các nhánh đều to như ngón tay xanh mướt, khỏe mạnh. Nghệ vui mừng không thể tả, bứng cây lúa vào gần nhà trồng, ngày hai lượt sáng chiều chàng đến bắt sâu, tỉa lá, vuốt ve, thủ thỉ cùng nó. Đi ngoài đường nhặt được bánh phân bò, chàng lấy lá chuối gói lại mang về làm quà cho cây. Khi lúa trổ đòng, Nghệ càng thích thú, yêu thương như con.

*

*      *

Ảnh minh họa

Một hôm Nghệ đang đập lúa cho nhà phú ông thì nghe tiếng loa: “Đức vua ra chỉ dụ khuyến nông, cho mở hội thi nhân tài trồng lúa, ai có cây lúa nhiều bông, nhiều hạt nhất sẽ được trọng thưởng”… Nghệ bỏ việc đang dở dang, lật đật chạy theo đám lính triều đình đang vác loa rao, hỏi cặn kẽ chỗ thi, luật thi. Ba hôm sau Nghệ dậy lúc gà gáy canh một, hì hục nương theo ánh trăng bứng “tác phẩm lúa” của mình vào cái nồi đất rồi ôm khư khư trước ngực đi bộ từ làng lên tỉnh. Nghệ đi thoăn thoắt, không dám nghỉ ngơi, vừa đi vừa ăn nắm cơm chuẩn bị từ tối hôm trước. Khát thì lấy bầu nước sau lưng ra uống. Nồi lúa ôm trước ngực, mỏi thì chuyển sang ôm ngang hông hay đội trên vai, trên đầu; Nghệ cứ nôn nao bước đi dưới nắng chói chang. Đêm xuống thì vào nhà ven đường xin ngủ nhờ, mượn nồi nấu cơm nắm lại, sáng sớm lại đi tiếp. Ngày thứ ba, khi mặt trời đứng bóng, Nghệ đến tỉnh lỵ, hỏi đường về trường thi. Đã đến giờ các quan ăn trưa, nghỉ ngơi nên lính không cho vào. Nghệ tìm bóng cây gần đó đặt nồi lúa xuống, duỗi chân thảnh thơi. Qua ba ngày đi bộ rã chân, Nghệ nằm xuống là thiu thiu ngủ. Bốn bề im lìm, gió xào xạc lá trên cây, gió mơn man trên mặt, trên thân thể cởi trần của Nghệ mát rượi…Nghệ thức giấc lúc nắng đã xế tà, chàng hoảng hốt khi thấy cây lúa dự thi của mình đã biến đâu mất. Nghệ cuống lên tìm quanh, tìm không được chàng buồn bã thẫn thờ rồi ấm ức đến phát khóc. Chợt một ý nghĩ lóe lên, Nghệ chạy như bay vào hội thi.

Hội đang lúc tưng bừng, cờ phướn tung bay khắp nơi, trống phèn dồn dập, người người chen lấn quanh một vòng tròn lớn bằng gỗ xẻ ghép lại, phủ vải điều. Trên mặt vòng tròn ấy là hàng trăm thúng, chậu, lu, hộp… trồng những bụi lúa dự thi. Các quan giám khảo mặc áo thụng xanh, đội mũ cánh chuồn, đi giầy cong mõm, cầm giấy bút chấm thi đi bên trong vòng tròn. Họ ngắm nghía từng chậu lúa, sờ nắn từng bông lúa. Cuối cùng một bụi lúa thấp lùn nở to như cái cối giã gạo, ít lá, toàn bông chín vàng rủ từ ngọn xuống gốc, được trao giải nhất. Chủ nhân lên nhận giải là một chàng công tử mặt mũi tay chân trắng trẻo, trên người nhiều lớp áo gấm sang trọng và đi đến đâu đều có cả chục gia nô theo che dù, phẩy quạt, rảy nước thơm lên áo gấm. Chàng công tử này thường được gọi là “cậu Hai”, con trai cả của quan tổng trấn và cháu đích tôn của một vị thượng thư quyền uy ở kinh thành. Giải nhì là một bụi lúa màu tía, cao đụng râu cằm của quan chủ khảo, thân lúa nổi đốt như đốt tre, bông lúa dài trĩu nặng những hạt to như hạt đậu cũng màu tía như thân, như lá. Đây đúng là một bụi lúa dị thường, nhưng chủ nhân của nó là chàng Lý Đa còn… “dị thường” hơn. Chàng là quý tử của pháp sư Lý Đông nổi tiếng, được Hoàng thượng giao bào chế thuốc trường sinh và tìm kiếm tôi trung – hai báu vật mà nhà cầm quyền nào cũng khao khát. Khi vua muốn bổ nhiệm một chức quan đứng đầu tỉnh, đầu bộ đều qua sự tham mưu tâm linh của pháp sư. Pháp sư dùng phương pháp thần bí để đánh giá năng lực và lòng trung thành của ứng viên qua cách xem tướng, xem sao vận theo tuổi và những quẻ bói. Cũng có khi pháp sư trình hồ sơ bổ nhiệm lên vua với tư cách “phát hiện nhân tài”, “tiến cử trung thần”. Mỗi bản trình cử như thế đều được làm theo mẫu chung: “… Ngày lành tháng tốt… hạ thần chay tịnh nghiêm cẩn, lập đàn tế thiên tế địa cầu hiền. Thánh thần, ma quỷ chứng giám. Quẻ gieo ba lần đều ứng với tuổi… Hướng… trời đang mây đen bỗng ửng sáng. Trời đất, thần linh và liệt tổ, liệt tông của Bệ hạ đã chỉ rõ thiên tài ẩn cư nơi đó… Hiền tài là nguyên khí quốc gia, hạ thần xin bẩm báo thánh thượng trọng dụng”. Pháp sư Lý Đông được coi như “siêu quan” vì thiết kế lộ trình tiến cử, bổ nhiệm. Một lời tấu của Lý Đông đủ để biến một hạ quan thấp kém, vô danh thành một thượng quan nắm quyền sinh sát. Lý Đông là sản phẩm của triều đại u mê, bè phái, kẻ sĩ khinh ghét nhưng chẳng dám mở mồm phê phán ông ta. Từ các nguyên lão đại thần đến các quan đầu tỉnh, đầu bộ ai cũng muốn nịnh bợ Lý Đông. Lý Đông là trung tâm quyền lực ẩn giữa các thiết chế lạc hậu, lễ nghi xa hoa phù phiếm, ước mơ trường tồn cùng tôi trung của vua và thứ bậc nhốn nháo của triều đình. Vì thế bổng lộc từ bốn phương tám hướng cứ âm ỉ, cuồn cuộn tuôn chảy vào nhà Lý Đông. Lý Đa lớn lên giữa rừng vàng, biển bạc và uy quyền sấm sét của cha nên sống phóng túng, buông thả, không bao giờ biết đến phép vua, luật nước. Cậu sở hữu nhiều mỹ nữ hơn cả vua và tất cả đều được mua bằng tiền của phụ thân được hối lộ. Mới ngoài hai mươi Lý Đa đã mắc chứng suy tinh, rùng mình, tê buốt toàn thân mỗi khi tiểu tiện. Cậu uống cả kho dược liệu quý và bùa chú nhưng cơ thể vẫn teo tóp, xanh bủng và yếu đến mức không tự đứng được. Lý Đông có thể “hô phong, hoán vũ”, dựa vào thần thánh để sai khiến cả vua. Tiền bạc cũng nhiều vô kể, nhưng vẫn không thể lo cho con được sức khỏe như người bình thường. Thế mà pháp sư vẫn được vua tin giao tìm thuốc trường sinh! Công tử Lý Đa mấy năm nay phải ngồi kiệu, nằm võng cho người ta khiêng đi, bây giờ được trao giải nhì khuyến nông vì đã tìm kiếm, trồng trọt được giống lúa tía siêu đẳng. Cậu nhỏ xíu, nhẹ tênh và cong như con tôm chết yểu trên cái võng may bằng gấm vóc sặc sỡ. Hai lính phu khiêng cậu lên đài nhận giải…

Giải ba được trao cho một cô nương trang điểm cầu kỳ, áo váy thướt tha, mùi hương thơm ngát. Nắng đã dịu, nhưng cô vẫn che dù xanh thêu những bông cúc vàng, ưỡn ẹo trên đôi guốc dầy cả gang tay bước lên đài nhận giải. Tác phẩm dự thi của cô nương này là một cây lúa vàng óng, đẻ bông chi chít rũ xuống thành một bó hoa lúa đẹp không thể tả. Khi bước ngang quan chủ khảo lọm khọm đang đứng dưới lộng che của hai lính hầu, cô thản nhiên dùng bàn tay thon thả trắng hồng cầm khăn lụa trắng tinh vuốt má ngài, ỏn ẻn trách móc:

– Lúa của em thân ngọc mình ngà, hạt mọng tươi, rễ lòa xòa xao xuyến lòng người, vậy mà quan cho em có giải ba à, thiệt thòi cho em quá!

Quan sượng sùng đỏ mặt, quát khe khẽ:

– Có phải chốn riêng tư ở tửu lâu của nàng đâu mà đùa cợt!

Nói rồi sợ nàng giận, quan lật đật năn nỉ:

– Để rồi ta bù đắp cho nàng, ta có bao giờ để nàng thiệt thòi đâu…

Đứng trên đài phát giải bây giờ là ba “nhà nông xuất sắc” – chủ nhân của những cây lúa được giải thưởng. Công tử Lý Đa nằm trên võng, tay cầm quạt ngoắc cậu Hai con trai tổng trấn đang đứng cạnh, hách dịch hỏi:

– Ngươi là con cháu nhà nào mà thi cử bon chen quá vậy ?

Cậu Hai tái mặt vì giận, xông đến định bóp cổ phế nhân trên võng, tên hầu hoảng hốt thì thầm vào tai cậu :

– Nó là con pháp sư Lý Đông mà thân phụ công tử xuân thu nhị kỳ phải biết lễ nghĩa đó. Công danh của công tử sau này phải nhờ đến cha nó!

Cậu Hai giật mình, đổi sang cười giả lả chấp tay thi lễ :

– Tiểu đệ nghe danh đại huynh đã lâu, nay mới hạnh ngộ. Xin phép đại huynh cho tiểu đệ sắp xếp việc này!

Nói xong cậu Hai ngoắc quan chủ khảo :

– Này! Lên đây…

Quan chủ khảo lật đật kéo vạt áo thụng lên cao, ba chân bốn cẳng chạy lên đài, thưa gửi rốt rít :

– Dạ cậu Hai có điều chi dạy bảo già này ?

Cậu Hai nghiêm mặt :

– Lý Đa công tử con của đại pháp sư Lý Đông là bề trên của ta, giải thưởng phải đứng trên ta, sao chỉ trao giải nhì ?

Quan chủ khảo nghe đến tên Lý Đông run như cầy sấy, lắp bắp :

– Dạ…dạ… hạ quan cứ tưởng cậu Hai là to nhất ở đây nên mới sơ suất. Xin Lý công tử với cậu Hai tha thứ, hạ quan sẽ khắc phục ngay!

Nói xong, ông giơ loa hướng về đám đông :

– Ta là quan chủ khảo có nhầm lẫn trong lần tuyên giải trước, nay công bố lại… giải nhất trong hội thi lúa năm nay thuộc về bụi lúa tía của công tử Lý Đa, giải nhì xin trao cho cậu Hai…

Tuyên xong, quan quay sang nói nhỏ vào tai người đẹp đứng bên cạnh:

– Nàng biết vì sao được giải ba chưa?

Kỹ nữ õng ẹo đến sát bên võng nghiêng mình cúi chào Lý Đa :

– Em Đào Dung hạng ba xin chào công tử hạng nhất!

Ánh mắt Lý Đa rực lên trước cổ áo trễ lồ lộ đôi gò trắng hồng của Đào Dung. Lý Đa lại phẩy quạt gọi chủ khảo, ông quan già khép nép nghiêng tai lắng nghe. Lý Đa bảo:

– Đẹp như vầy phải hạng nhì!

Quan chủ khảo sợ hãi lén nhìn cậu Hai. Cậu Hai cắn môi rồi bật cười chua chát:

– Ông ra tuyên bố lại cho cô ấy hạng nhì đi, đưa ta xuống hạng ba cũng được!

Chủ khảo lại lật đật làm theo ý hai ông trời con. Lần này giọng ông phấn khởi vì nâng đỡ được cho người tình kỹ nữ của mình. Bên dưới cả ngàn người đều sững sờ, nhưng chẳng ai dám ho he!

*

*     *

Chàng Nghệ nãy giờ đứng gần chậu lúa của cậu Hai – tác phẩm từ giải nhất bị rớt xuống giải ba theo các lý do “triều chính”. Nghệ không hứng thú với chuyện thi cử, cứ nhìn chậu lúa chằm chằm, càng nhìn càng thấy quen. Nó giống bụi lúa chàng bị mất trộm đến kỳ lạ. Có điều bụi lúa của chàng mọc trong nồi đất thô lậu, sứt mẻ. Còn bụi lúa này đứng trong một chậu sứ vuông, tráng men xanh ngọc, bốn mặt trang trí thật đẹp. Nhân lúc mọi người chăm chú nhìn lên đài trao giải, Nghệ ôm bụi lúa hít hà thật sâu và nhận ra cái mùi quen thuộc. Đó là mùi phân bò khô ngâm nước tiểu với tro cứ ba, bốn ngày Nghệ tưới cho lúa một lần. Là mùi mồ hôi trên thân thể nhọc nhằn của chàng thấm vào màu xanh của từng lá lúa qua những ngày tháng chàng nâng niu chăm sóc nó và qua hành trình ba ngày chàng ôm nó chạy bộ đến trường thi. Nghệ bươi dưới gốc lúa, lặng người khi nhặt được hòn bi bằng đất nung. Hòn bi Nghệ đã chơi với chúng bạn suốt tuổi thơ, chàng thường mang theo kỷ vật đó trong cái khăn quấn che nắng trên đầu. Rồi một ngày lúc chàng lúi húi chăm sóc bụi lúa, hòn bi được chàng khắc mắt, mũi, miệng như mặt người trước khi đưa vào nung, đã rơi vào gốc lúa. Ngày qua ngày phân tro bồi đắp lên hòn bi; ngày qua ngày cây lúa đẻ nhánh, đẻ lá che giấu mất hòn bi. Chàng từng buồn vì mất hòn bi, từ chiều đến giờ càng buồn vì bị mất trộm bụi lúa. Bây giờ cùng lúc tìm được cả bi lẫn lúa. Nghệ vui sướng quá la toáng lên:

– Bụi lúa này là của tôi!

Nghệ la to nên nhiều người cùng quay lại nhìn. Nghệ vung tay, lặp lại câu “bụi lúa này là của tôi”… thêm vài lần thì bị hai lính gác giải lên quan chủ khảo. Quan hỏi:

– Lúa của cậu Hai sao nhận là của mày?

Nghệ chấp tay, cúi đầu:

– Thưa quan! Lúa này của con bị mất trộm, bây giờ mới tìm được!

Cậu Hai chống nạnh, hất hàm, hỏi:

– Mày bảo lúa của mày? Vậy có chứng cứ gì không?

– Thưa cậu… tôi ngửi được mùi mồ hôi của tôi trên từng nhánh lúa!

 Cậu Hai ngửa mặt lên trời cười khanh khách:

– Lúa mà có mùi mồ hôi sao? Thằng này điên thật rồi, lại còn dám vu khống làm mất mặt tao!

Bốn tên người hầu to béo, vạm vỡ của cậu Hai xông vào đánh Nghệ túi bụi…

Nghệ tỉnh lại dưới ánh đèn dầu bé xíu lung linh được đốt trong cái dĩa sành trên tay một bà cụ xa lạ. Chàng nhận ra mình đang nằm trong ổ rơm của một mái tranh, vách đất lụp xụp. Toàn thân Nghệ đau đớn, cử động bên nào cũng đau, rờ tay lên mặt thấy hai má sưng vù và trước trán có một cục u. Ngồi bên cạnh Nghệ là cặp vợ chồng già hom hem. Cụ ông cởi cái áo rách rưới đắp lên thân thể cởi trần đầy những vết bầm tím của Nghệ. Bộ da rám nắng, nhăn nhúm trên người ông run rẩy, co giật như lưu luyến, thèm khát hơi ấm từ chiếc áo rách còn sót lại. Ông cụ giã lá cây với muối hột đắp vào các vết thương cho Nghệ. Cụ bà mặc áo vá chằng đụp tay run run cầm dĩa đèn dầu phộng soi cho chồng chăm sóc người nằm trên ổ rơm. Nghệ định nhổm dậy thì cụ ông bảo cứ nằm im cho thuốc ngấm. Ông cụ lại cho Nghệ uống một chén nước chắt lọc từ rau má tươi giã với cua đồng sống. Thứ thuốc này sẽ làm tan máu bầm ở các vết thương của Nghệ. Thuốc có vị tanh, lạnh, đắng, đi qua cuống họng gây nao nao muốn ói, Nghệ gắng uống hết chén rồi thều thào hỏi:

– Sao cháu lại ở đây?

Cụ ông tóc búi trên đầu, râu cằm lủa tủa sợi bạc sợi đen, cười nhân hậu:

– Ở đây người ta gọi vợ chồng già là lão Bầu với bà Bầu. Vợ chồng lão không có con cháu, ngày thường đi chăn vịt thuê, tới mùa thì đi mót lúa. Cái chòi này cũng là của chủ vịt cho ở nhờ. Hôm qua ở hội thi lúa thấy người ta đánh cậu rồi quẳng ra đường, vợ chồng già nhờ trai tráng cõng về chòi chăm sóc…

Nghệ ứa nước mắt, nắm tay lão Bầu :

– Con từ xa mang theo bụi lúa thần đến hội thi bị kẻ gian trộm mất. Khi con tìm ra cây lúa của mình đòi lại thì bị quân lính của trường thi với người hầu cậu Hai  quy tội vu khống, làm loạn… đánh đập!

Lão Bầu thở dài, đôi mắt u uất tối tăm dưới ánh đèn:

– May mà họ chưa tống cậu vào tù. Thời buổi này có những chuyện rành rành, nhưng nói là bị khép trọng tội… Phận dân đen như cái kiến con sâu chỉ nên cúi đầu, im lặng mà sống. Vợ chồng già cũng chịu uất ức như cậu mà có dám mở miệng đâu… Cây lúa của già cũng bị công tử Lý Đa cướp trắng trợn!

Lão Bầu kể, có lần quét chuồng vịt buổi sáng, thấy con vịt mái nhỏ bé nhất đàn không chịu đi ăn mà đứng co chân một chỗ. Ông đến gần, nó rướn cổ khọt khẹt rồi “ho” ra một bãi nước nhờn cùng một hạt lúa màu tía tròn mập như hạt đậu phộng. Có lẽ con vịt nuốt hạt lúa to quá nên bị mắc nghẹn, thấy ông tới nó mới hoảng hốt khạc ra. Ông kinh ngạc nên đem hạt lúa lạ về chòi kể cho vợ nghe. Hai ông bà không hiểu vì sao giữa cánh đồng mênh mông vừa gặt lại có thể sót lại một hạt “lúa trời” kỳ dị như thế. Vợ chồng ông lượm một cái thúng rách đổ đất ruộng vào rồi gieo hạt lúa vào đó. Mấy ngày sau hạt lúa nảy mầm thành cây mạ rồi lớn nhanh như thổi thành một bụi lúa thân dài dẻo dai, đẻ nhiều nhánh. Ông bà vui mừng vun vén, chăm sóc cho cây lúa ngày một tốt hơn. Khi hạt lúa kỳ lạ đã thành một cây lúa toàn thân màu tím cao gần bằng bà cụ và trổ đòng tím thẫm chi chít, ông bà vui sướng quá nên gặp ai cũng khoe, cũng mời mọc lôi kéo họ về thưởng lãm. Ai cũng trầm trồ xuýt xoa. Sợ bọn vịt tấn công cây lúa và sợ kẻ gian trộm mất “báu vật” này, ban ngày ông chẻ tre đan thành cái lồng úp giữ cây lúa, ban đêm ông bưng cả cây lúa vào để cạnh ổ rơm vợ chồng ngủ. Thế nhưng lời đồn về cây lúa diệu kỳ vẫn cứ lan tỏa, vang xa, ngày càng có nhiều người đến năn nỉ mua cây lúa. Có những điền chủ, phú ông đòi đổi cả cặp trâu, đĩnh bạc hay mấy súc gấm thêu… nhưng ông bà đều từ chối…Rồi một hôm công tử Lý Đa nằm trên võng có lộng che được gia nhân khiêng đến. Đôi má cóp xanh xao và nhúm da bọc xương rệu rã trong cái áo gấm đỏ thùng thình bắt vợ chồng lão Bầu quỳ bên võng rồi cất giọng vừa phách vừa nhão:

– Thánh thượng có sắc phong cho cha ta cai quản trời đất, muôn vật, muôn kiếp, cả lẽ sinh, lẽ diệt và lẽ thường, lẽ dị của tạo hóa… Vợ chồng ngươi nhặt được dị hạt sao không trình mà đem đi đổi chác vàng bạc, lụa là?

Vợ chồng già Bầu run rẩy, van xin tha mạng. Lý Đa quát:

– Còn không mau mang dị vật cho ta xem…

Lão Bầu lật đật chạy vào chòi bê cái thúng rách có trồng cây lúa ra rồi dập đầu khóc lóc:

– Xin quan trên tha tội vì vợ chồng già lú lẫn không tỏ phép nước!

Lý Đa nghiêng người trên võng ngắm nghía bụi lúa dị thường, bật cười khanh khách rồi nghiêm mặt, rít giọng:

– Lẽ ra phạt nặng, nhưng ta nhân hậu tha cho… phần cây lúa phải tịch thu!

… Lão Bầu kể xong ấm ức gạt nước mắt, các vết thương trên người Nghệ như đau đớn hơn!

*

*    *

Nghệ được vợ chồng lão Bầu chăm sóc mười ngày thì thương tích lành lặn, sức khỏe phục hồi. Chàng lạy tạ và mời hai cụ về sống chung để được phụng dưỡng, đền đáp ơn cứu mạng. Ông bà Bầu lâu nay cô quạnh, giờ có được con nuôi hiếu thảo, nghĩa tình; trong dạ rất chi hồ hởi. Họ trả lại trại vịt cho chủ, lấy ít tiền công rồi khăn gói cùng Nghệ về quê chàng. Mới đi được hơn nửa ngày đường, họ gặp dưới bóng cây bên góc chợ quê một cô gái mặt mũi lem luốt, quần áo rách rưới, ngồi khóc thút thít. Cả ba người cùng dừng lại, ngồi quanh cô gái hỏi thăm. Thế là họ nghe thêm một câu chuyện giống cảnh ngộ của mình…

Cô gái ấy tên Thơm, trạc tuổi với Nghệ, sinh ra ở một ngôi làng hẻo lánh ở phía Tây. Năm Thơm mười tuổi, xứ Ai Lao có giặc Xiêm sang quấy phá nên vua nước họ cử sứ giả sang cầu cứu. Triều đình tuyển quân đưa sang Ai Lao “kháng Xiêm viện hữu”. Cha của Thơm cũng giã biệt gia đình, quê hương sang xứ người chinh chiến. Hơn ba năm sau, một người lính cùng làng mang về cho mẹ con Thơm tin dữ – cha cô đã tử trận, bỏ xác bên xứ Ai Lao. Hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở, người lính viễn chinh hồi hương lấy ra một túi bùa may bằng vải, to như ngón chân cái, có dây đeo, bùi ngùi đưa cho mẹ Thơm:

– Anh ấy bị trọng thương, trước khi chết có dặn tôi phải cố đưa lá bùa thấm máu này cho chị và cháu!

Mẹ quàng luôn lên cổ Thơm:

– Con đeo để luôn nhớ đến cha, để được cha phù hộ!

Hơn năm sau, mẹ Thơm vì buồn nhớ thương chồng sinh bệnh, qua đời. Thơm nhờ người làng hỏa thiêu xác mẹ rồi cho tro cốt vào một hủ sành, bịt kỹ. Cô bỏ làng đi về hướng Đông với di cốt của mẹ và mảnh bùa thấm máu của cha. Dọc đường cô làm mướn, xin ăn rồi đi mãi theo lời mẹ dặn lúc lâm chung: “Con hãy rải tro cốt của mẹ xuống biển. Mẹ sẽ đầu thai lại rồi tìm con…”. Làm xong di nguyện của mẹ, Thơm lại đi xuống hướng Nam và gặp một đô thị sầm uất rồi trở thành người hầu của kỹ nữ xinh đẹp, ca hát nổi tiếng – Đào Dung. Đào Dung là gái thanh lâu, nhưng giàu có, thế lực; tư gia sang trọng trồng nhiều hoa như biệt phủ của quan lớn. Các chức sắc triều đình lui tới nơi này như cơm bữa. Đám tội phạm làm ăn bất chính đội lốt phú gia cũng lo lót cho cô để nhờ chạy chức, chạy tội hay kết thân với quan, tướng. Loại con ông cháu cha địa phương hay quan mọn hạ cấp đố dám bước chân đến hoa trang này hoạnh họe. Kẻ sĩ trong vùng lén gọi Đào Dung là “Điếm cung đình”. Thơm ở với Đào Dung hơn ba năm, được khách vào khách ra cho bạc lẻ nên cũng dành dụm được ít vốn. Thơm ước tìm được tấm chồng, ra khỏi thân phận ở đợ. Mỗi khi mơ màng đến tương lai, cô lại mân mê đạo bùa cha truyền suốt mấy năm nay vẫn đeo trên cổ. Bên trong lớp vải của bùa có vật gì đó cồm cộm làm Thơm tò mò nhưng không đoán ra là vật gì. Một hôm cô dùng mũi dao rạch bùa ra và kinh ngạc khi trong đó có một hạt lúa lạ lùng, dài hơn một đốt ngón tay, vàng óng. Lúc đầu cô tưởng vàng ròng hình hạt lúa. Nhưng xem xét kỹ mới biết đó là hạt lúa thật sự, to lớn gấp nhiều lần hạt lúa thường. Thơm đặt hạt lúa giữa lòng bàn tay nghĩ ngợi mãi. Cha cô đã tìm được hạt lúa dị thường này trong hoàn cảnh nào nhỉ? Tại sao ông phải ngụy trang nó bằng một lá bùa khi sống mang theo, khi chết muốn nó về với vợ con mình? Càng nghĩ càng thấy kỳ bí… Thơm lấy một chậu có cây hoa chết héo, xới lại đất cho tơi mịn rồi ghim hạt lúa vào đó. Hàng ngày cô tưới nước và theo dõi. Hạt lúa nảy mầm rồi lên một cây lúa mạnh mẽ. Ngay từ lúc còn non, cây lúa này không xanh mà toàn thân vàng rực. Thơm vừa chăm sóc tỉ mẫn vừa nôn nao chờ lúa trổ đòng. Mãi hai năm sau, Thơm mới được thấy những bông lúa dài, ken đặc những hạt lúa to dài như những con thoi vàng rực xinh xắn. Sợ người khác biết, Thơm giấu chậu lúa vào bụi cây um tùm, ngày ngày lén ra ngắm nghía, chăm sóc nó. Thơm đợi lúa chín sẽ tuốt hết giấu vào chiếc gối của mình. Song Đào Dung đã phát hiện ra cây lúa khi đùa giỡn và chạy theo con chó nhỏ xíu, dễ thương. Dù quen nhìn châu báu, ngọc ngà lấp lánh; Đào Dung cũng phải giật mình, lặng người trước ánh vàng uy nghi rực rỡ từ cây lúa kỳ lạ giấu kỹ trong bụi rậm có dây mồng tơi bao phủ bên trên. Biết đã bị lộ, Thơm chạy đến xin chủ đừng phá giấc mơ của mình. Đào Dung lạnh lùng:

– Cây trong vườn nhà tao, trồng trong chậu của tao, sao gọi là cây lúa của mày?

Thơm òa khóc kể lại nguồn gốc hạt lúa thấm máu chinh chiến của cha ở tận xứ Ai Lao. Đào Dung nghe xong cười gằn:

– Mày bịa giỏi lắm! Hay cho con ở muốn cướp kỳ hoa dị thảo của chủ. Đồ phản trắc, tao tống cổ mày ra đường…

Khi Thơm kể đến đây, vợ chồng lão Bầu và chàng Nghệ đều ứa nước mắt vì thương cảm. Lão Bầu nói với Thơm:

– Gia đình chúng tôi còn thiếu một con dâu…

Thơm ngước mắt nhìn chàng Nghệ khỏe mạnh, hiền hậu rồi bẽn lẽn hỏi:

– Chàng có thật lòng không?

Nghệ đưa tay đỡ Thơm đứng dậy:

– Chúng ta đều là những người nghèo bị ức hiếp, dựa vào nhau mà sống!

Họ dắt díu nhau lên đường…

 

*

*      *

Trưa hôm sau gia đình lão Bầu gặp một trung niên ăn mặc sang trọng, tướng mạo uy nghi đang ngồi trên tảng đá bên bờ suối. Đứng xung quanh người này là gần chục thanh niên lực lưỡng, tay lăm lăm khí giới. Người ngồi trên đá cất giọng sang sảng:

– Những kẻ kia là ai? Đi đâu?

Thấy ông ta cao sang, uy quyền, lão Bầu vội sụp lạy:

– Bẩm ông chúng con đang trốn chạy khỏi uất ức!

– Chuyện gì nói ta nghe!

– Chúng con không dám nói vì sợ bề trên!

– Ta là vua đang cải trang tuần du thiên hạ, ta sẽ đòi công bằng cho ngươi!

Bà Bầu và vợ chồng Nghệ nghe thế hết hồn, vội quỳ úp mặt xuống đất không dám ngước lên. Lão Bầu run như cầy sấy rồi nghĩ mình đã quá già, có chết cũng không sợ nên thuật lại chuyện gia đình mình bị cướp ba cây lúa mà ông gọi là “ lúa trời”, “lúa thần” và “lúa máu”, quý hơn bất cứ thứ gì trên đời. Vua nghe xong nhíu mày đăm chiêu, lẩm bẩm:

– Con cháu các quan dạo này gây nhiễu loạn, làm lòng dân không yên…

Vua nói chưa hết câu, trên trời có tiếng ầm ì, ngài ngước nhìn thấy mây đen vần vũ và hướng kinh thành có chớp giật liên hồi. Vua càng lo âu thấp thỏm vì chợt nghĩ pháp sư Lý Đông với phép thuật cao cường có thể đã nghe được câu nói bộc phát của ngài nên nổi giận hô phong hoán vũ. Ngài bỗng cáu gắt với những người khốn khổ đang quỳ trước mặt:

– Chúng bây toàn kể lể chuyện khó nghe, làm bệnh đau đầu của trẫm tái phát!

Vua dứt lời, quân hộ vệ xốc nách cả nhà lão Bầu lôi ra xa. Một gã nói vào tai lão Bầu:

– Lần sau gặp thánh thượng chỉ nói toàn chuyện vui thôi nghe chưa?

Lão Bầu thút thít hỏi lại:

– Nghèo đến thân tàn ma dại lại chịu oan ức như chúng tôi thì có gì vui mà kể?

– Thì cứ nói rằng… chúng con sung sướng, hạnh phúc lắm, xin đội ơn bệ hạ!

Bất ngờ một ánh chớp lóe lên rồi sấm nổ tung trời giáng xuống một cây cổ thụ cách chỗ vua ngồi chỉ vài trăm bước chân. Đám hộ vệ ùa lại che chở cho vua trong lúc ngài hoảng hốt gào lên:

– Bọn dân đen khốn khiếp sàm tấu về pháp sư nhưng ta đâu có tin, ngài chớ nổi giận!

Lão Bầu nhìn xung quanh vùng đất mênh mông lưa thưa cây cối, nói với vợ và hai con:

– Hồi trẻ ta từng chăn vịt hơn hai mươi năm ở vùng này, mùa mưa thường có sấm chớp, sét đánh. Đó là trời đất gây ra chứ đâu phải pháp sư ở tận kinh thành mà Hoàng thượng hoảng hốt thế!

Bà Bầu đưa tay bịt miệng chồng:

– Nói khẽ thôi!

Lão Bầu thở dài…

*

*     *

Đưa cha mẹ nuôi và vợ về quê, chàng Nghệ phải làm thêm cái chái nối vào túp lều cũ để đủ chỗ ở cho bốn người. Một hôm đang nằm ngủ chàng lại thấy ông Tiên cho hạt lúa thần ngày nào hiện về. Chàng mừng quá túm hỏi ông:

– Sao ông không trừng trị bọn cướp cây lúa của con?

Ông Tiên nhân từ vuốt bộ râu dài rồi nghiêng đầu nói nhỏ vào tai chàng:

– Ta là thần nông của xứ này. Ta hiển linh được là nhờ quan tổng trấn cho dân lập đền thờ, nhang khói quanh năm. Tổng trấn là cha của cậu Hai. Cậu Hai vì ham vui nên mới cho người lấy trộm cây lúa của ngươi đem đi thi. Nếu làm to chuyện này, tổng trấn giận cho phá đền thờ thì ta còn biết ở đâu?

Chàng Nghệ giật mình tỉnh dậy, kể lại cho vợ nghe rồi thở dài: “Thời buổi thật lạ, vua sợ quan, quan sợ gái điếm và thánh thần nương nhờ hương hoa ác bá!”

Qua nhiều mùa lúa, con trai Nghệ ra đời rồi trưởng thành. Một hôm quan trên lại cho quân về làng loa gọi dân tham gia kỳ thi khuyến nông, Nghệ đem ra một thúng thóc nói với con:

– Có ba hạt “lúa trời”, “lúa thần”, “lúa máu” lẫn trong thúng thóc này. Nếu con tìm được thì… giấu đi, chớ mang đi thi mà phải chịu ấm ức!

Theo Lại Văn Long/ Báo Văn Nghệ TPHCM