“Bát nước chè xanh” – Tản văn của Lưu Thị Phụng

967

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bà trồng một dãy chè xanh sát bờ rào. Bà bảo để chúng lớn lên, có thể thay thế những cây rào bị mục. Chè ken dày, lũ gà sẽ không chui ra ngoài được.

Sáng sớm trở dậy, bà đã ra vườn hái lá chè. Thấy bà rửa chè, tôi lanh chanh xà vào, vẫy vùng hai tay trong nước. Bố đang chờ ấm nước sôi để hãm chè, nhìn ra thấy vậy liền bảo:

– Quần áo con ướt hết rồi kìa.

Còn bà thì cười híp cả mắt.

Chả biết từ bao giờ, uống chè xanh đã là thói quen của mọi gia đình ở quê tôi. Bà thường vò qua nắm lá chè rồi cho vào tích. Bố chờ cho siêu nước sôi sùng sục, rót một ít vào, lắc lắc tráng chè đổ đi, sau đó mới rót đầy bình, đặt vào trong một cái giỏ có lót đệm vải gọi là giành tích để ủ nóng.

Bà bảo, nếu vào dịp lễ hội hay có công việc đông người thì phải cho lá chè vào nồi to đun lên mới đủ. Nhưng như thế, nước chè sẽ bị đỏ hơn, nồng nồng, mùi vị kém thơm hơn hẳn. Khác với đun, chè ủ trong tích nước xanh óng. Mỗi sáng, bố thường ăn khoai lang luộc, nhâm nhi bát nước chè xanh rồi vác cày dắt trâu ra đồng. Không hiểu sao, từ khi bố ngồi uống nước cho tới lúc ra đồng, tôi có cảm giác mùi thơm dìu dịu của chè xanh như đã lan tỏa ra khắp căn nhà.

Khi người lớn đi làm, bọn trẻ chúng tôi thỏa sức chạy nhảy nô đùa, hò hét inh ỏi. Mồ hôi túa ra. Cả lũ ùa vào chén khoai luộc, làm một bát nước cho đã, thế là hết tích chè xanh. Vào vụ hè, bố thường ra đồng từ lúc chưa sáng. Để tranh thủ lúc mát trời, chứ nhềnh nhàng nửa buổi nắng lên mới ra thì làm được bao nhiêu. Bà vừa kể lể một mình thế vừa gọi tôi và bảo:

– Dậy mang bữa sáng ra đồng cho bố đi con.

Từ đằng xa, tôi đã réo lên:

– Bố ơi giải lao đê!

Bố tươi cười, vuốt vội những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt. Bố bóc vỏ khoai, chia cho tôi một nửa. Củ khoai bở tơi, thoảng một mùi thơm ngầy ngậy. Nếu không có ngụm nước chè chiêu miệng, chắc tôi tắc cổ luôn. Bố nhắc:

– Từ từ thôi con. Ăn khoai luộc, uống chè xanh là món lót dạ khoái khẩu của quê mình. Nhưng khi ăn khoai bở, phải nhai chậm rãi con ạ, nếu không là chết nghẹn đấy.

Ngồi trên bờ cỏ, vừa ngụm miếng nước chè xanh, tôi vừa ngắm những đường cày màu nâu thẫm đều tăm tắp, ngay ngắn như bát úp thẳng hàng. Tấm áo ướt sũng mồ hôi của bố đập vào mắt, khiến miếng khoai trong miệng tôi bỗng nghẹn lại. Bát nước chè xanh vàng óng và vị ngọt bùi của khoai lang đã theo người làng tôi suốt những năm tháng khó khăn, nuôi tôi lớn lên trong hương đồng gió nội…

Tôi quên sao được những sớm mùa đông vừa thức giấc. Khi vẫn còn nguyên hơi ấm quyện từ tấm chăn, đã thấy bà trầm tư ngồi bên ấm chè xanh. Ông thì rít một điếu thuốc lào rõ kêu, rồi buông điếu ra, ngả cổ phả một làn khói mong manh như hơi sương. Bà rót cho ông bát nước nóng hôi hổi. Ông nhâm nhi, xuýt xoa mà bảo:

– Bao năm nay, uống chè bà ủ, cảm giác khác hẳn chè mọi nhà, ngon thật.

Bà cười. Nụ cười làm những nếp nhăn trên khuôn mặt lam lũ giãn ra. Căn nhà lúc này đặc quánh mùi vị thân thuộc của của hương vị chè xanh quyện trong mùi mồ hôi quen thuộc của ông bà và bố mẹ… Cứ thế, tuổi thơ trong tôi ắp đầy kỷ niệm.

Nhớ những buổi sớm tinh mơ, từ trong khung cửa sổ, tôi chăm chú nhìn đám lá tre lìa cành như những con thuyền nhỏ lắc lư trong gió, rồi nó lặng lẽ đậu lại dưới rặng tre xanh. Nhớ bóng bà lom khom, tiếng chổi của bà vang lên quèn quẹt… Và lũ trẻ chỉ chờ có thế, từ đâu ùa lại, lăn xả vào đống lá bà vừa thu, tận hưởng sự êm ái tưởng như đang nằm trên một tấm thảm thơm tho. Bà cằn nhằn rồi nghoẹo cổ cười trong sự vô tư nô đùa của đám trẻ, khi chúng ríu ran:

– Để chúng con mang về cho bà đun nước chè xanh bà nhé…

Khi lớn hơn một chút, giảm bớt những trò con trẻ, tôi dần có thói quen đọc sách. Những cuốn sách mượn từ thư viện nhà trường đã cuốn hút tôi. Trang viết như gợi trong tôi những trăn trở, cho tôi mơ màng cảm nhận phía sau làn khói mỏng manh của bếp, của chiếc điếu cày đã phủ mờ đôi mắt già nua đầy trăn trở của ông bà, để nghĩ về sự đời.

Một ngày nào chẳng còn nhớ rõ nữa, tôi đã thử học cách uống chè chậm rãi như ông, như bố. Cầm bát nước chè vàng tươi sóng sánh, nhấp một ngụm nhỏ, tôi thấy vị chát ở đầu lưỡi, rồi bắt đầu thấy ngòn ngọt nơi cuống họng. Ông bảo, sống bao đời ở làng, phải biết cách hãm chè, phải học cách uống để cảm nhận được chè xanh làng mình ngon cỡ nào con ạ. Tôi thực đã chưa đủ kiên nhẫn, chỉ vâng dạ rồi ào đi. Tuổi trẻ lúc nào khát thì uống nhoàng cái, rồi gấp gáp và bận rộn với mọi thứ đang chờ ngoài kia…

Ở quê, nhớ những đêm trăng tỏ, mọi người thường trải chiếu ra sân ngồi hóng gió. Các bà đun một nồi nước chè to phần tụi trẻ, hãm hai ba ấm nước giành cho người lớn. Đôi khi có cả lạc rang hay ngô luộc trồng ngoài ven sông mang về. Các cụ rôm rả chuyện làng mạc, ngày mùa, mùi thơm của chè, mùi khói thuốc lào đặc sệt quyện lẫn vào nhau. Còn lũ trẻ con đuổi nhau huỳnh huỵch, cười ré lên, ngặt nghẽo. Đùa một chập thì khát nước. Đã có sẵn chồng bát đặt bên nồi nước to đùng, lũ trẻ ùa vào thi nhau uống, chả kịp biết là nóng bỏng, chát hay ngọt, miễn cứ có nước là giải được cơn khát, rồi lại ùa đi chơi như không có hồi kết. Uống chè từ lúc bé thế, nên chả ai mất ngủ bao giờ.

Tôi rời làng đi học rồi ở lại thành phố công tác. Không có bà hay mẹ ở đây để ủ chè mỗi ngày. Thói quen uống chè xanh quên dần khi thay thế bằng nước lọc đóng chai. Một ngày khi nhịp sống chững lại, tôi bỗng nhớ đến mùi vị ngày nào. Tôi ra chợ mua chè xanh, tỉ mẩn làm như bà và mẹ từng làm. Tôi giót những giọt vàng óng ánh vào cái bát sứ trắng tinh rồi ngụm một hụm. Hương vị ấy đã làm rộn ràng lại những hồi ức trong tôi. Rồi đêm đến, nó cồn cào chát, cồn cào say, lộn tùng phèo trong ruột gan để cả đêm tôi không sao ngủ được, cứ lan man những chuyện là chuyện. Tôi nhớ mình đã chạy chân trần trên những thửa ruộng vừa gặt còn trơ lại gốc rạ. Nhớ những lần lễ mễ xách ấm nước và mấy củ khoai lang ra đồng cho bố lót dạ lúc đi cày. Không hiểu sao, vẫn là khoai nhưng được ăn cùng với bố ngoài bờ ruộng, lại ngon gấp bao lần ngồi ăn ở nhà. Thấp thoáng trong tôi rặng chè ken dày xanh mướt, chú gà trống đạp phành phạch trong một cái khe nhỏ ở bờ rào hòng vượt ra ngoài mà không sao thoát được. Nhớ mỗi sáng mùa đông, ông bà ngồi bên ấm chè, mắt đăm chiêu nhìn làn sương muối ngoài trời còn chưa kịp tan, than vãn về đám mạ non đang chấp chới ngoài đồng. Nhớ mẹ thường cặm cụi xếp mấy mẹt hàng vào đôi quang gánh cũ mèm để đi chợ phiên. Chiếc đòn gánh cứ kẽo kẹt trên đôi vai gầy của mẹ trong mỗi bước chân. Giọt mồ hôi tràn ra thấm vào miệng mẹ… đã làm tôi chợt hiểu thêm hương vị chan chát mà ngòn ngọt của bát nước chè xanh quê mình./.

L.T.P