(Vanchuongphuongnam.vn) – Mưa. Những cơn mưa dài ngày rỉ rích. Tôi lại nhớ những ngày tuổi thơ của mùa đông buốt giá, đến bây giờ vẫn còn đọng trong tâm trí tôi là hình ảnh mẹ ngồi trong mái bếp đang đun nước, nấu cơm hoặc xào nấu món gì đó. Bếp mùa đông của mẹ không phải như bếp lửa rơm của ngày hạ về, cũng không phải là bếp ga, bếp sưởi hiện đại như bây giờ. Mà đó là bếp củi lửa, bếp của biết bao sự tần tảo yêu thương của mẹ vào những sớm mùa đông lạnh giá. Lửa củi được mẹ nhóm giữa ba ông táo đất, mẹ chất củi lên và bắt đầu ngồi đấy, ngọn lửa hồng in hình mẹ thân thương trên vách tường đất, như tạt vào đấy khoảnh khắc người mẹ hiền đêm ngày lo lắng, chăm sóc và yêu thương những đứa con còn vụng dại…
Nhớ lại ngày nào, những trưa đang nắng gắt thì mấy chị em tôi đem củi chất vô chái bếp. Củi dùng vào mùa đông thường là “già” được chọn ra, đậy lại khá kỹ càng nhằm tránh mưa gió “dòm ngó” tới nên cháy đượm, ít khói, có khi phát ra những tiếng nổ tanh tách nho nhỏ nghe rất vui tai, còn lá hoặc những cành nhỏ, non thì mẹ đã tận dụng đun vào những ngày nắng dễ cháy hơn rồi. Mỗi mùa đông về, không gian gia đình dường như ấm cúng hơn nhờ bếp lửa, và dù bất kể mùa nào, mẹ tôi thường là người dậy sớm nhất nhà, quét tước, dọn dẹp, biết bao lo toan cho một ngày mới của cả nhà tôi. Thương nhất vào những sáng mùa đông, mẹ dậy sớm nhóm bếp củi khi ngoài vườn nhà còn dày đặc sương đọng trên cây lá. Mẹ bắc nồi nấu cơm và tranh thủ loay hoay đủ thứ việc trong nhà. Dù bên ngoài trời lạnh nhưng thoáng thấy ánh lửa hồng bập bùng trong góc bếp, thỉnh thoảng tôi thò đầu ra khỏi chăn nhìn xuống nhà bếp. Có hôm tôi thấy mẹ ngồi hơ lửa, mẹ lật qua lật lại đôi bàn tay thô ráp, che khuất nửa khuôn mặt hiền hậu của mẹ. Rồi mẹ với tay lấy củi đun thêm vào bếp, ngọn lửa hồng càng tỏa sáng hơn.
Minh họa.
Để có bếp lửa hồng trong những ngày đông giá ấy, từ những ngày hè nắng ráo, ba tôi đã chuẩn bị củi, phơi khô rồi chất lên chái củi để dành cho cả cho việc nấu nướng vào mùa đông. Như mọi gia đình ở nông thôn ngày trước, việc “dự trữ” củi cho mùa đông cũng như các nhu yếu phẩm khác như gạo lúa, mắm muối… là việc làm thường xuyên và rất quan trọng. Bởi ba tôi bảo, nắng mưa là chuyện của ông trời, nhất là mưa đến là lũ đến, ướt hết, biết lấy cái gì đun nấu. Tranh thủ ngày hè nắng đến cháy da, ba tôi bửa những gốc tre, sầu đông hay những loại cây khác trong vườn nhà rồi đêm phơi phóng trước sân. Ba bảo, có củi khô chất đầy chái bếp thì đỡ lo trong người. Cũng như lúa gạo đầy chum, mắm muối đầy sành, đầy hũ rồi thì ăn mới ngon miệng, ngủ mới yên giấc.
Bây giờ, sau mỗi lần nấu ăn, tôi tắt bếp ga và cảm nhận không khí lành lạnh lập tức tỏa ra không gian nhỏ của căn nhà. Hoặc dù có đang nấu, bếp ga với độ nóng cao nhưng vẫn thấy căn nhà lạnh lẽo. Không riêng tôi, có lẽ khói bếp quê nhà ngày xưa vẫn còn vương vấn tâm hồn mỗi người vì sự ấm cúng khác thường ấy của … củi lửa mùa đông. Tôi nhớ rằng trong những buổi sớm mùa đông, vạn vật thức dậy trễ nên không gian thật yên tĩnh và nhẹ nhàng khác thường. Và thế giới trẻ thơ của tôi cũng được vo tròn quẩn quanh chái bếp nhà tranh, có bếp lửa, cả nhà quay quần cùng nhau bên mâm cơm bình đị, nóng hổi cùng với đĩa muối vừng, đậu phụng…
Qua biết bao năm tháng, ngôi nhà tranh và bếp lửa mùa đông nơi quê nhà giờ chỉ còn trong ký ức xa xăm. Nhưng những hình ảnh thân thuộc ấy vẫn không hề phai nhạt trong tâm khảm tôi. Tôi nhẩm thầm những câu thơ “… Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi…” (Bếp lửa – Bằng Việt) và lòng rưng rưng khi nhớ những ngày mùa đông đã xa…
H.T