Cảm thức nguồn cội trong ‘Chín nhánh da vàng’ của Khét

767

Lê Y Pha

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn học không chỉ phản ánh mà còn đồng hành và kiến tạo cuộc sống. Chính vì thế, những dòng chảy văn học luôn được nuôi dưỡng, tiếp nối và bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người nghệ sĩ tài năng sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng độc giả bằng những con đường khác nhau, tùy thuộc vào thời đại, xã hội mà họ sống trải. Thuộc thế hệ thứ ba trong lớp những nhà văn, nhà thơ trẻ ở đô thị miền Nam như: Phong Việt, Anh Khang, Phương Huyền, Trần Phi Long, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Vũ Văn Song Toàn, Lê Thùy Vân… Khét (Trần Đức Tín) là một gương mặt quen thuộc trên nhiều diễn đàn mạng và tạp chí Văn học từ địa phương đến trung ương. Anh để lại ấn tượng trong lòng độc giả bởi một bút lực dồi dào, sung sức và một hồn thơ chân chất, mộc mạc, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại. Điều này thể hiện rõ nét qua ba tập thơ đã xuất bản trong ba năm liên tiếp: Rồi mình cũng xa lạ nhau (2018), Mình mắc cạn vào nhau (2020), Ở đậu trong nhau (giải thưởng Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh 2021). Tập thơ mới nhất của anh Chín nhánh da vàng (2022) đã cho thấy một hình ảnh Khét trầm tĩnh, suy tư sâu sắc hơn với cảm thức ý hướng về nguồn cội mạnh mẽ xuyên suốt cả tập thơ.


Nhà thơ Khét (tên thật Trần Đức Tín)

Từ cảm thức về nguồn cội quê hương, gia đình

Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi/ Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang (Chế Lan Viên). Đọc Chín nhánh da vàng, ta có cảm tưởng Khét như một chú ong chăm chỉ cày xới trên cánh đồng văn chương thơm thảo hương đồng cỏ nội. Mà mạch nguồn khởi phát, nâng cánh cho thơ ca của thi sĩ chính là vùng đất Cà Mau nồng đượm ân tình. Giống như bao người con tha phương cầu thực, nỗi nhớ quê nhà luôn trực cảm trong Khét: tôi nhớ cà mau – mưa đầu mùa rát mặt/ trên bùn lầy ảm đạm xứ u minh/ tuổi thơ tôi nguệch ngoạc vết ngang những con còng/ heo hút gió/ bông tràm réo gọi (tôi với cà mau cùng nhịp thở long đong). Cà Mau – mũi đất tận cùng của Tổ quốc đã được Khét tái hiện rõ nét qua những đặc trưng của vùng miền, từ thời tiết chỉ hai mùa mưa nắng/ cũng đủ thấm anh tầm tã suốt nửa đời, những thửa ruộng đang độ trổ bông thửa ruộng xưa bậu vần công màu bà ba lên lúa đến những kênh rạch, sông ngòi bủa giăng chồng chéo rạch trời rớt xuống/ kẻ bạt mạng theo dòng cửu long vu vu tiếng sáo/ lập ấp lập làng đặt tên sông là cái răng cái nước/ đêm giăng lưới ngẫm thừa thãi buồn nên bắt đại/ nhịp song lang (phương nam ngạo khúc). Từ tình yêu da diết dành cho quê hương đã dung dưỡng mình nên người, cảm thức giải mã gốc rễ, nguồn cội đã bắt đầu hình thành trong thơ Khét thông qua hình ảnh Cửu Long giang sóng trào, tỏa ra chín nhánh mênh mang như muốn ôm trọn tất thảy dáng hình những người con của xứ sở: ngày chúng tui rạch trời rớt xuống/ tay chỉ có cây dầm/ môi chỉ có điệu hát/ và tim đập nhịp cửu long giang (phương nam ngạo khúc); để rồi thi sĩ luôn cảm thấy “mắc cạn” với hai tiếng quê hương thân thương: chín nhánh em bao giờ thì cạn/ sao tôi cạn mình trước thảng thốt quê hương (nhánh nào dưới dấu chân).


Tập thơ “Chín nhánh da vàng” của nhà thơ KhétNhà thơ Khét

Có thể nói, tình yêu quê hương luôn gắn kết sâu sắc với tình yêu gia đình. Đọc Chín nhánh da vàng, ta cảm nhận được nỗi buồn miên man của người con xa xứ, nó thường trực và đau đáu: tôi mấy mùa di cư/ bậu mang lời ru con ra sạ/ quê mình trổ mãi một bên đau (cầm bằng như dế) hay chúng con: bọn bỏ quê/ mót trăng trên đại lộ/ đội lên đầu/ rồi đấm ngực mình (trăng quê). Từ nơi phương xa, Khét đã để tâm tưởng mình hướng về nguồn cội gia đình thông qua lời ru ngọt ngào, đặc ân của mỗi đứa trẻ đất Việt từ thuở còn nằm vành nôi ngọn sữa. Dường như câu hát lời ru đã trở thành chánh niệm xuyên suốt mạch ngầm Chín nhánh da vàng hay cũng chính là chánh niệm cuộc đời thi sĩ: tôi thấy người việt/ tỏ tình trần trụi dưới trời/ sinh con và hát ru/ mắt đen từ câu ca dao chứ ví dầu tình bậu (lờ lợ tổ tiên). Cội nguồn gia đình còn gắn liền với hình ảnh người mẹ hiền dịu, tảo tần nơi quê nhà. Tựa cơn gió mát lành, mẹ luôn vỗ về, xoa dịu những nỗi đau, nỗi thất vọng của những đứa con và sẵn sàng dang rộng vòng tay đón đợi con trở về: mẹ ơi/ con muốn về tắm trong giọt mưa/ dột xuống góc mùng/ xoa dịu đi vết thương đời ban tặng (giống loài). Nỗi nhớ về người mẹ trong thơ Khét dung hòa với hình ảnh quê hương một thời nghèo khổ nhưng bình dị, mộc mạc: ngày mẹ đi ra đồng sau hun hút/ con chim sẻ khờ/ bươi nát/ ổ rơm khô (trăng quê) hay em có thương tui thì về nhà mẹ mà trồng lấy cọng ngò/ cơ cầu chi cho đau lòng con cúm na cúm núm (phương nam ngạo khúc). Trong những đau đớn kiệt cùng nhất, mẹ cũng chính là cứu cánh để thi sĩ tựa nương, an ủi bản thân đứng lên trước những vấp ngã của cuộc đời: trong đau đớn kiệt cùng/ trăng gọi mẹ/ bằng một tiếng chuông hoang (trăng quê). Ý thức hướng về nguồn cội gia đình trong thơ Khét chính là sự kế thừa truyền thống văn hóa ngàn đời của người Việt, từ trong những câu ca dao ngàn xưa ngợi ca công lao của đấng sinh thành, thi sĩ đã khát quát thành hai câu thơ đậm chất triết lí, suy tưởng: mẹ tôi ngàn năm lúa nước/ cha tôi cào đời mình dưới biển (ngồi xuống mà nghĩ).

Đến hành trình kiếm tìm nguồn cội nhân loài

Nói như nhà phê bình Hoài Thanh, thơ ca vốn dĩ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mỹ, tới tầm cao của khát vọng sống và tầm cao của giá trị sống. Với Chín nhánh da vàng, Khét đã thể hiện được sự đột phá trong tư duy và cái nhìn về cuộc sống. Tập thơ Chín nhánh da vàng gồm có hai phần: chín nhánh khói baygiấc mơ da vàng. Nếu chín nhánh khói bay thể hiện cảm thức nguồn cội về quê hương, gia đình còn trong khuôn khổ riêng tư cá nhân thì chuyển sang giấc mơ da vàng là hành trình thi sĩ kiếm tìm nguồn cội nhân loài. Sở dĩ nói như vậy vì hiện thực cuộc sống trong thơ thi sĩ gần như đã chạm ngưỡng đến tầm khái quát những vấn đề của dân tộc, của nhân loài. Với cảm quan nhạy bén của người nghệ sĩ, Khét đã gợi nhắc đến đại dịch kinh hoàng mà đất nước vừa trải qua trong năm 2021 với một góc nhìn đầy trăn trở về loài người và giấc mơ hồi hương chao lòng: một ngày tháng bảy năm hai không hai mốt/ tôi mang giấc mơ hồi hương của mình bày ra căn trọ/ giấc mơ nhỏ quá không dám đựng vào chiếc ba-lô/ bóng tôi lạnh hơn bóng tường (một ngày). Nếu không có cội nguồn thì con người đã không tìm mọi cách để hồi hương, dẫu cho con đường trở về đầy những trắc trở, gian lao do đại dịch Covid: những bóng người gục xuống đại lộ/ giữa nắng và mưa dồn dập/ mỗi bước đi/ họ đạp/ dí bóng mình (một ngày).

Ngay từ tựa đề phần thứ hai giấc mơ da vàng, Khét đã thể hiện sự truy tầm bản thể đến kiệt cùng. Trong mỗi giấc mơ hoang hoải, thi sĩ đều gợi nhắc về thủy tổ khởi sinh của dân tộc, của nhân loài. Điều đó thể hiện qua biểu tượng lửa gợi nhắc đến sự sống của loài người: ngọn lửa sơ khai/ màu lam như áo mẹ/ bóng đàn bà nguyên thủy đổ lên vách nứa/ cứa vào bản dạ cổ cái đau hình nón lá (mưa trên tượng người việt cổ) hay thứ lửa tạc vào thịt da quê tím biếc/ soi vào ta vạt áo tộc buồn/ thứ lửa được thắp lên từ chái bếp/ cháy tận cùng hơi thở núi non (thịt da nào tím biếc). Khét kiếm tìm nguồn cội tổ tiên qua sắc da đặc trưng của người Việt gắn liền với những chiến tích thuở khai hoang lập địa: tôi thấy người việt/ mang gươm đi mở cõi/ dựng nhà, đào sông và trồng lúa/ những ai đã lớn/ những ai ở lại/ những ai ra đi/ dấu chân da vàng in hoang vu giáp vòng trái đất (lờ lợ tổ tiên). Hay trong những pho tượng lâu đời vô tri vô giác cũng khiến thi sĩ suy tư về nguồn cội Lạc Việt: tượng đá này là gì/ sao mặc đồ an nam/ cục đất này là gì/ có phải từ làng mà đi (những pho tượng an nam) hay quanh tôi nhiều tượng/ đâu đâu cũng tượng/ sao không ai nặn nước mắt/ nước mắt mang hình nhau thai (nước mắt mang hình nhau thai).

Hành trình kiếm tìm nguồn cội nhân loài cũng chính là sự tự vấn của thi sĩ về bản thể, về cuộc sống. Chín nhánh da vàng được kết tinh không chỉ trên mạch rễ truyền thống văn hiến của dân tộc mà còn là mạch ngầm của những suy tư về nhân vị hữu hạn giữa cuộc đời. Đó là sự đau đớn tận cùng khi đọc những con số cụ thể biểu hiện cho hàng ngàn cái chết vô danh vì dịch bệnh, vì đói nghèo: những con số nhuộm trắng thành phố/ quấn đứa trẻ mồ côi/ hai mươi ba nghìn ngọn nến/ không thiêu được nước mắt/ hai mươi ba nghìn ngọn nến/ bỏng rát lưng quê hương (liệm thêm đôi mắt mình). Đó là sự băn khoăn về những kiếp người vô danh rải rác sống và chết trong chiều kích lịch sử bốn nghìn năm của đất nước: con số lặng thinh găm vào bốn nghìn năm/ cúi mặt/ vàng lên đời ta. Đọc Chín nhánh da vàng, ta phần nào thấu cảm với nỗi đau của Khét, nỗi đau đó không còn trong phạm vi cá thể đơn lẻ mà nó là nỗi đau, nỗi thấp thỏm và sự dự cảm về cuộc sống hiện đại nhiều biến chuyển, xoay vần khó lường; lòng người đa đoan, nông sâu khó đoán định: điều giỏi nhất của giống loài mình/ là làm đau người khác/ phải không tôi… (giống loài) hay chúng mình gánh quê đi đâu/ que nhang nào không khói/ tôi bỗng sợ bước chân hằn trên đồng bằng, núi non và bờ bãi (giấc mơ có đốm). Hành trình tìm về nguồn cội của Khét cũng chính là hành trình truy tầm ý nghĩa tồn tại của con người trong cuộc đời này hay nhằm giải mã câu hỏi lớn nhất mà nhân loại vẫn truy vấn: Con người sẽ đi về đâu?: phải đi/ để được mọc/ không có gì đứng yên trên trái đất này/ không có gì bất diệt/ phải diệt/ để được sinh ra/ sinh ra/ và sinh ra nhiều lần nữa (đi như cỏ). Giữa những ngổn ngang khó phân ranh của thiện – ác, sự vị kỉ và lòng vị tha, sự tham lam và cao thượng, Khét luôn chọn đứng về phía chân – thiện – mỹ như tuyên ngôn thơ của anh: tôi chọn về phe bông mười giờ trước của/ về cái đau đẻ của người mẹ hồng hoang/ không/ chúng ta không thở chỉ để chết/ mắt môi, con tim, lý tưởng này không sinh ra để bắn nhau/ nếu phải bắn/ bài thơ sẽ tự bắn mình đầu tiên/ nhất quyết không bôi thêm vệt máu nào vào lịch sử (không bao giờ là súng).

Khét đến với thơ ca không phải như một sự dạo chơi hay xem thơ ca như một thú vui theo hứng sinh bình. Anh đến với thơ ca bằng thái độ nghiêm cẩn cao độ, bằng lòng nhiệt huyết, sự tận hiến và có một hành trình mười năm bền bỉ sáng tác, thể nghiệm ở nhiều thể loại trong thơ ca. Dù Khét sáng tác thơ ca bằng thể loại nào chăng nữa thì trước hết anh vẫn luôn giữ được sự gần gũi, bình dị, mộc mạc đằng sau mỗi câu chữ và đó cũng như là con người ngoài đời thật của anh. Bên cạnh đó, thơ Khét luôn thể hiện một tư duy nhạy bén, không ngần ngại thể nghiệm và bám sát vào những mạch rễ của cội nguồn quê hương, dân tộc nói riêng và hiện thực cuộc sống nói chung.

L.Y.P