Chẳng thể là bản sao

982

Bích Ngân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Là người đi sau, và có lẽ cũng đã đọc nhiều trang văn của những người đi trước, viết trước về con người và vùng đất Nam bộ, nhà văn Trần Bảo Định đã tránh dẫm vào lối mòn, ông lặng lẽ tìm cho mình một lối đi riêng, góc nhìn riêng…

nhà văn Trần Bảo Định và vợ

Cách nay gần hai năm, lúc còn đang nằm trên giường bệnh trong bệnh viện sau khi trải qua ca mổ, tôi thấy anh Trần Bảo Định từ ngoài cửa bước vào. Tôi ngạc nhiên: “Sao anh ba biết em nằm ở đây?”. Anh ba (tôi vẫn gọi anh như vậy) ngồi ghé vào mép giường đối diện, cười cười: “Cái gì mà anh ba không biết!”.

Câu trả lời như đùa ấy, thực ra lại rất thực, nếu người đọc dành thời gian đọc những gì tác giả Trần Bảo Định viết.

Biết từ trải nghiệm, biết từ học hỏi, biết từ cái sự biết từ người xưa, người nay và biết từ khát vọng của một người tìm điều hay lẽ phải cũng như muốn mày mò vào góc khuất, vào bóng tối của cuộc đời, của lịch sử, bằng tri thức và tâm huyết mà mình có được.

Tác phẩm của nhà văn Trần Bảo Định

Bốn năm trước, ở cái tuổi bảy mươi, sau khi in vài tập thơ, tác giả Trần Bảo Định đưa đến nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ một bản thảo truyện ngắn. Đọc trực tiếp bản thảo này, thấy thú vị, tôi đề nghị tác giả lấy tên “Kiếp ba khía” làm tên tập truyện.

Đằng sau kiếp ba khía, kiếp cua, kiếp còng, kiếp cò, kiếp vạc… là những chấm phá khá rõ nét chân dung của những phận người và dễ nhận ra, đó là người dân ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ.

“Kiếp ba khía” vừa có giọng văn mộc mạc, hóm hỉnh vừa ẩn chứa triết lý nhân sinh được độc giả đón nhận. Điều này có lẽ là động lực để tác giả viết tiếp và liên tiếp xuất bản những tập truyện ngắn tiếp theo: “Đời bọ hung”; “Phận lìm kìm”; “Chim Phương Nam”

Rồi hai năm trước, nhà văn (Trần Bảo Định xứng với danh xưng này) cho ra mắt cùng một lúc bốn tập truyện ngắn: “Khói un chiều”, “Đất phương Nam ngày cũ”; và hai tập mang tên “Ông già Nam bộ nhiều chuyện” với hai chủ đề “Dấu chưn lưu dân”“Góc khuất dưới chân đèn”. Và năm 2018, bằng tình yêu xứ sở, Trần Bảo Định cho ra đời cùng lúc hai tác phẩm “Bóng chiều quꔓHương trái quê nhà”. Và tháng 5 vừa qua, nhà văn Trần Bảo Định vừa có tập truyện mới “Chơi thôi mà!”.

Nhìn dáng vẻ nhà văn Trần Bảo Định lúc nào thong dong. Thần thái ông lúc nào trông cũng điềm tĩnh. Hình ảnh trên trang facebook Trần Bảo Định thì rộn ràng sách. Sách Trần Bảo Định. Sách của bạn bè bốn phương. Rồi bầu bạn, rồi cà phê, rồi tiếp tục cái cuộc “chơi thôi mà!”.

Chơi thôi mà, thoạt nhìn ngỡ như nhàn tản mà lại nặng nhọc trăm lần so với ông nông dân vác cuốc ra rẫy, vác cày ra đồng. Bởi Trần Bảo Định mê cái sự “nhiều chuyện” của thiên hạ và rồi lại kể vô số câu chuyện đan xen tầng tầng lớp lớp ấy, bằng chữ nghĩa.

Tác phẩm Ông già Nam bộ nhiều chuyện

Khó có nghề nào nhọc hơn nghề chữ nghĩa. Mà lại mê đắm nó lúc nhà văn đã bước vào cái tuổi lão và đang âm thầm chống chọi với bệnh tật. Vậy mà, bất chấp tuổi tác, bất chấp những cơn đau bất trị, nhà văn Trần Bảo Định đã “khuấy” lên hơi thở, nhịp tim, dáng vẻ, tâm hồn của con người và vùng đất, đã phần nào bị lớp bụi thời gian che mờ.

Là người đi sau, và có lẽ cũng đã đọc nhiều trang văn của những người đi trước, viết trước về con người và vùng đất Nam bộ, nhà văn Trần Bảo Định đã tránh dẫm vào lối mòn.
Ông lặng lẽ tìm cho mình một lối đi riêng, góc nhìn riêng, dù lần theo những kiếp ba khía, phận lìm kìm hay theo dấu chân lưu dân, ông cũng cố tìm cho được điều riêng biệt, tìm thấy điểm sáng hay chút le lói nào đó, ngay cả khi nơi đó là “Góc khuất dưới chân đèn”.
Đọc văn chương Trần Bảo Định, càng thấy rõ ông sống và viết đúng với tâm nguyện của mình:

“Mình từ nguyên bản sanh ra
Đến khi chết chẳng thể là bản sao!”

B.N

31/5/2019