Chí Phèo trường sinh, Chí Phèo không chết!

2548

Trần Ngọc Tuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái xấu của hình tượng Chí Phèo cũng cho chúng ta một bài học nữa, bài học về sự cảnh tỉnh, về việc phải luôn đấu tranh để không bị sa ngã, không bị tha hóa vì ranh giới giữa thiện và ác vốn rất mong manh!

Chí Phèo trong tác phẩm tác phẩm điện ảnh

Tôi đặt nhan đề nhắc lại hai lần “Chí Phèo” như trên với dụng ý vừa chỉ tên tác phẩm vừa là tên nhân vật. Quả thật, dù là tên nhận vật hay tên truyện, “Chí Phèo” luôn bất tử trong lòng người đọc. Chỉ cần làm phép loại trừ qua khảo sát sự yêu thích của độc giả sẽ thấy: Nếu chọn 10 truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học hiện đại Việt Nam thì đương nhiên phải kể đến Chí Phèo; 5 truyện, cũng không thể thiếu; 2 truyện, cũng nhiều người chọn; và thậm chí 1 truyện thôi, có người vẫn không quên nhắc tên: “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao!

Có thể nói, truyện ngắn Chí Phèo trở thành một “hiện tượng” hiếm thấy trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.

  1. Ít có tác phẩm nào trong chương trình nhà trường phổ thông mà học sinh chưa học đã tò mò để biết, và học rồi thì nhớ mãi không quên như truyện ngắn Chí Phèo. Không chỉ được người đọc trong nước biết và thích thú nhiều nhất, mà với cả người nước ngoài, khi hỏi về văn học Việt Nam, nhiều người đã không quên nhắc đến Chí Phèo bên cạnh Truyện Kiều… Đây là một thực tế mà tôi đã trải nghiệm từ một giảng viên nước ngoài dạy tiếng Anh có am hiểu về văn học Việt Nam.
  2. Tên gọi truyện ngắn Chí Phèo cũng long đong như chính đời văn Nam Cao. Lần đầu, Nam Cao đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là Cái lò gạch cũ, lấy chi tiết cái lò gạch bỏ không xuất hiện đầu và cuối truyện nhằm làm nổi bật tính hiện thực của truyện. Khi gửi đến NXB Đời mới (Hà Nội), tập bản thảo bị “bỏ quên” do lúc này tên tuổi Nam Cao vẫn còn mờ nhạt. Tình cờ một lần, chủ bút NXB này là nhà văn Lê Văn Trương đã đọc, thấy hay nên ông bèn sửa lại và cho in năm 1941 với nhan đề Đôi lứa xứng đôi, có ý nói về mối tình “là lạ” của Chí Phèo và Thị Nở. Song từ việc đặt nhan đề này cũng cho thấy cách đánh giá đương thời về vị trí Nam Cao và thị hiếu người đọc thích “lạ” bấy giờ. Hình như bóng dáng của những cây đại thụ văn học hiện thực phê phán như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… đã quá lớn, nên khó có thêm vị trí cho một nhà văn hiện thực nào nữa. Ngay cả trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan cũng không có một dòng nào nói về Nam Cao. Thế mà có ai ngờ, với Chí Phèo, tên tuổi Nam Cao nổi lên thành nhà văn tiêu biểu nhất, lớn nhất của văn học hiện thực giai đoạn từ năm 1930 -1945. Lần ba, khi đưa vào in lại trong tập Luống cày (Hội Văn hóa cứu quốc, Hà Nội, 1946), Nam Cao đổi tên truyện lại theo nhân vật chính là Chí Phèo.
    Bản thân tên gọi nhân vật “Chí Phèo” là một dụng ý nghệ thuật, nó cho thấy sự vận động tha hóa và giá trị hiện thực của truyện. Anh ta là người tên “Chí”, rất có “ý chí”, vì “đã ao ước có một gia đình nho nhỏ…” một thời. Nhưng vì nghịch cảnh đưa đẩy mà thành ra “Phèo”. Tôi nhớ một đoạn lời thoại rất ý nghĩa trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, từ tỉnh về đến đầu làng, bất ngờ thấy Chí Phèo vừa ở tù về đã ngồi uống rượu, chửi bới lung tung, nhân vật thầy giáo Thứ đã gọi tên Chí Phèo bằng giọng vừa như khuyên lơn mà vừa thông cảm: “Anh Chí!”. Chí Phèo cười chua chát: “Anh Chí à! Cả làng này chỉ mình ông giáo gọi tôi là anh Chí, còn người ta gọi tôi là… thằng Chí Phèo!”. Cách đặt tên nhân vật, tên tác phẩm theo dụng ý này khá phổ biến trong truyện của Nam Cao. Như “Lang rận” (thầy lang chữa bệnh mà có rận), Tư cách mõ (tư cách là cần nhưng ra “mõ”, theo nghĩa xấu), Ở hiền (tên tác phẩm là tốt, nhưng nhân vật chính lại có tên Nhu), Sống mòn (thay vì phải là “chết mòn”)…
  3.  Người ta gọi “Thế giới Truyện Kiều” vì trong Truyện Kiều hầu như cái gì của nhân sinh bốn cõi đều được Nguyễn Du bàn đến. Chí Phèo cũng thế: lương thiện, tha hóa, yêu thương, rượu, lưu manh, chửi bới, cướp hiếp, án mạng, tội tù, “sex”… đều có tất tần tật. Nam Cao không nghiện rượu, nhưng xem cái cách ông viết Chí Phèo thèm rượu, say rượu, sợ rượu… đủ thấy ông “tâm lý” đến nhường nào. Hay cảnh Chí Phèo đến đâm Bá Kiến giữa lúc trời chang chang nắng, tôi đồ rằng Nam Cao phải là một bác sĩ bậc cao về chữa trị bệnh lý tâm thần!
  4. Nam Cao từng quan niệm: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa). Cái mới của văn chương vừa là cái lạ, vừa phải là cái đa tầng đa nghĩa, ẩn khuất trong tác phẩm. Mà theo cách nói của Nguyễn Minh Châu là “hạt ngọc lấp lánh ẩn sâu bên trong mỗi con người”. Vì vậy mà truyện ngắn Chí Phèo từ trước đến nay đã có nhiều cách hiểu. Đã có nhiều ý kiến cho rằng hình tượng Chí Phèo không phải “điển hình cho người nông dân”, mà là nhân vật “lưu manh hóa” – một “sản phẩm” phổ biến trong xã hội trước năm 1945. Trước đây trên tạp chí Kiến thức ngày nay đã có bài viết cho rằng Chí Phèo chính là con rơi của cường hào Bá Kiến. Người viết đã đưa ra nhiều chứng cứ làm cơ sở như các chi tiết, các lời thoại của nhân vật trong truyện. Chỉ riêng cái xấu đến “ma chê quỷ hờn” như Thị Nở, nhưng lại có vẻ đẹp tâm hồn trong sáng vô ngần của thị cũng đã tốn biết bao giấy bút.
  5. Sức hấp dẫn của văn Nam Cao trong Chí Phèo còn phải kể nữa là ở giọng kể (trần thuât) đa dạng và biến hóa theo nhiều điểm nhìn. Hãy đọc đoạn văn khi Chí Phèo mới đi tù về và đến nhà cụ Bá: “Thấy điệu bộ hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng rốt cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng. Mắc cái phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại nhăm nhăm cầm cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả… Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chắc rồi mặc thây cha nó… Thành thử chỉ có ba con chó dữ và một thằng say rượu! Thật là ầm ĩ! Hàng xóm phải một bữa điếc tai…”. Đoạn văn có điểm nhìn trần thuật vô cùng đa dạng, từ giọng khách quan tác giả, của người hàng xóm, đến giọng chủ quan người trong cuộc của điểm nhìn của các bà vợ Bá Kiến…
  6. Bi kịch về sự “tha hóa” thì không có gì mới trên văn chương thế giới. Nhưng bi kịch về sự “bị tước đoạt quyền làm người lương thiện” thì chỉ có Chí Phèo mới đạt đến chiều sâu thăm thẳm trong tư tưởng. Còn gì đau đớn bằng muốn sống làm người tốt, “nhặt được của rơi” muốn “trả người đánh mất” mà không thể được, mà không được phép, mà buộc phải sống ác. Nếu muốn sống thì phải ác, còn muốn lương thiện thì chỉ còn cái chết. Đây chính là điểm làm nên tư tưởng nhân văn lớn nhất của truyện Chí Phèo!
  7. Có một điều trớ trêu liên quan giữa tác phẩm và cuộc đời. Đó là khi viết Chí Phèo, Nam Cao lấy bối cảnh làng Đại Hoàng quê ông và hư cấu thành làng Vũ Đại. Và khi ông bị địch phục kích bắn chết cũng ở tại một làng trùng tên với làng hư cấu này ở Hoàng Đan, Ninh Bình, năm 1951.
  8. Nhân vật Chí Phèo đã đạt đến sự “điển hình” trường tồn bất hủ. Vì đâu đó trong cuộc sống hằng ngày ta vẫn thấy những Chí Phèo ngất ngưởng đâu đây. Đó cũng là một bài học để cảnh tỉnh, để giáo dục.

Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, bị chuyền qua nhiều tay người nuôi, thế mà khi lớn lên, năm 20 tuổi, Chí vẫn lành vững, trong sạch: làm một anh canh điền tốt bụng, ghét cái gian dâm và giàu ước mơ, khát khao hạnh phúc của một mái ấm gia đình. So với nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Chí Phèo vượt xa. Ngay cả ngày nay nữa, biết bao số phận không được may mắn như Chí mà có được mấy người trụ vững được tâm hồn “thiên lương” (chữ của Nguyễn Tuân), mà vẫn không bị sóng đời xô ngã. Nhiều người khi sa đà vào lối sống trụy lạc thì thường vin vào lẽ nọ lý kia của hoàn cảnh để tìm cách đổ thừa, và cứ thế càng trượt dài hơn. Thì đấy, Chí Phèo đã cho họ bài học về nghị lực: phải biết vựợt qua nghịch cảnh để sống đàng hoàng, tử tế!

Vì nhiều lý do đưa đẩy, Chí Phèo bị ghen, vào tù, bị biến chất, bị tha hóa, trở thành kẻ lưu manh, thành con quỷ dữ của cả xã hội loài người. Anh triền miên trong những cơn say, biến dạng cả mặt mày, tăm tối cả linh hồn của quỷ sứ. Thế nhưng, thử hỏi, có được mấy người như Chí về sự ý thức được hòa nhập với cộng đồng xã hội, khát khao như Chí vì được biết tường tận về nguồn gốc họ hàng của mình từ đâu. Đọc báo ngày nay mà thấy có quá nhiều câu chuyện nhói lòng về nhân tình thế thái, nhức nhối về tình nghĩa phu thê và tái tê với đạo nhà phụ tử…

Và ngay khi đã thành quỷ, bị tước mất hết quyền làm người, từ trong sâu thẳm bản thân, tiếng nói lương tri đã thúc giục anh đi đòi quyền lương thiện. Như thế đủ thấy rằng khát khao làm người “tử tế” (theo cách nói của Trịnh Công Sơn) của Chí là rất lớn. Tôi cho rằng đây là tấm gương lớn nhất từ Chí Phèo mà ta cần trân trọng để học hỏi: Phải sống lương thiện bằng bất cứ giá nào, ngay cả khi phải trả giá bằng cái chết.

Cái xấu của hình tượng Chí Phèo cũng cho chúng ta một bài học nữa, bài học về sự cảnh tỉnh, về việc phải luôn đấu tranh để không bị sa ngã, không bị tha hóa vì ranh giới giữa thiện và ác vốn rất mong manh!

Trần Ngọc Tuấn