Nguyễn Thanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Người ta được biết về danh hiệu và mục đích của tao đàn này là: Chiêu anh: nghĩ là chiêu mộ, mời tập họp; các: là gác, lầu chỉ địa điểm. Chiêu Anh Các 招英閣là hội thơ kêu gọi các bậc anh tài đến với nhau để cùng sinh hoạt văn thơ.
Chiêu Anh Các ở Hà Tiên
Nơi miền duyên hải Tây Nam bộ, Hà Tiên là một thị trấn nằm tiếp giáp biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia và cạnh bờ vịnh Thái Lan, trước kia là tỉnh, nay là một quận của tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá), ở cách xa Thành phố Cần Thơ gần 200 cây số về hướng Tây Nam.
Tương truyền rằng, trên mặt sông Giang Thành – còn có tên Phương Thành, một con sông hiền hòa chảy ngang qua quận lỵ này – vào một đêm trăng thanh gió mát, bỗng xuất hiện trên sông một đoàn tiên nữ áo trắng xinh đẹp, vui vẻ bày ra cuộc du thuyền. Dân chúng cả vùng ấy, trong đêm ai cũng nghe được tiếng nhạc địch, ca sênh du dương trầm bổng. Do vậy, mà có tên Hà Tiên để chỉ nơi có tiên nữ về ngự chơi, đàn hát trên sông. Huyền thoại thơ mộng về sự khai sinh ra thị trấn biển thơ mộng Hà Tiên với nhiều danh lam thắng cảnh: Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình/ Non non nước nước gẫm thêm xinh… đã tạo nên nguồn cảm hứng vô tận cho bao thế hệ văn nghệ sĩ đến đó hội họp sáng tác thi nhạc và ngâm thơ vịnh phú. Đầu tiên, trong nước ở phía Nam, cách nay gần 300 năm là sự ra đời của tao đàn Chiêu Anh Các, một mô hình thi xã ở Việt Nam hay câu lạc bộ văn học (Literary club/salon littéraire) ở phương Tây vào thế kỷ thứ 19 và ở nước ta hiện nay.
Người ta được biết về danh hiệu và mục đích của tao đàn này là: Chiêu anh: là chiêu mộ, mời tập họp; các: là gác, lầu chỉ địa điểm. Chiêu Anh Các 招英閣là hội thơ kêu gọi các bậc anh tài đến với nhau để cùng sinh hoạt văn thơ. Tao đàn Chiêu Anh Các do nhà thơ Mạc Thiên Tích 鄚天賜 (1718 – 1780), còn gọi là Mạc Thiên Tứ 鄚天… , tự là Sĩ Lân士麟và một danh sĩ người Việt Đông (Trung Quốc) tên Trần Trí Khải, tự Hoài Thủy sáng lập vào mùa xuân năm Bính Thìn (1736) tại Hà Tiên 河仙. Mạc Thiên Tích là Tao đàn nguyên soái cùng với nhiều mặc khách tao nhân Việt Nam và Đông Nam Á đến đây sinh hoạt thơ phú, đàm luận văn chương. Hoạt dộng của Chiêu Anh Các giống như Tao đàn Nhị thập Bát tú (Hội thơ có 28 bậc anh tài) của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) trước đó gần 300 năm và sau này non 10 thập niên, vào thế kỷ thứ 19, là các thi xã ở Nam bộ: Bạch Mai thi xã đặt địa điểm ở chùa Cây Mai (Chợ Lớn) qui tụ hầu hết các nhà thơ: nổi tiếng ở Nam bộ lúc bấy giờ: Tôn Thọ Tường (1825 – 1877), Phan Văn Trị (1830-1910), Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), Phan Thanh Giản (1796 – 1867), Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1872), Huỳnh Mẫn Đạt (1807 – 1882), Nguyễn Thông (1827 – 1884 )…, và Bình Dương thi xã với ‘Gia Định tam gia’ như: Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825), Lê Quang Định (1759 -1813), và Ngô Nhân Tịnh (1761 – 1813) cả ba danh sĩ này đều là học trò xuất sắc của nhà giáo nổi tiếng Võ Trường Toản (? – 1792) vào thời nhà Nguyễn.
Mộ danh sĩ Mạc Thiên Tứ
Về mặt nhân sự, theo Kiến Văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, kể cả Mạc Thiên Tích là người chủ xướng, tao đàn Chiêu Anh Các, có tất cả 32 nhà thơ. Nhưng sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (và một số sách khác) ghi là 36 được gọi Tam thập lục kiệt.
Theo Trịnh Hoài Đức, trong tao đàn Chiêu Anh Các có: 28 nhà thơ người Trung Quốc, gốc ở các tỉnh Phúc Kiến (15): Chu Phác, Trần Minh Hạ, Châu Cảnh Dương, Ngô Chi Hãn, Lý Nhân Trường, Trần Duy Đức, Trần Diệu Uyên, Trần Tự Nam, Từ Uyễn, Lâm Duy Tắc, Tạ Chương, Đan Bính Ngự, Vương Đắc Lộ, Từ Hiệp Bùi, Từ Đăng Cơ; và Quảng Đông (13): Lâm Kỳ Nhiên, Tôn Thiên Thụy, Lương Hoa Phong, Tôn Văn Trân, Lộ: Phùng Cát, Thang Ngọc Vinh, Dư Tích Thuần, Trần Thị Phượng, Lư Triệu Huynh, Trần Thiệp Tứ, Vương Sưởng, Hoàng Kỳ Trân, Trần Bá Phát. 8 nhà thơ Việt Nam gồm có: 4 người ở Thuận Hóa, phủ Quảng Bình: Phan Đại Quảng, Nguyễn Nghi, Trần Ngoan, Đặng Minh Bản; 2 người ở phủ Gia Định: Trịnh Liên San, Lê Bá Binh; 2 người ở phủ Qui Nhơn: Nhà sư Hoàng Long hòa thượng, Đạo sĩ Tô Dần.
Tổng cộng cơ bản là 36 người.
Trên đây có 6 thi sĩ mà Lê Quí Đôn không nói đến trong Phủ biên tạp lục là: Tạ Chương, Lương Hoa Phong, Lư Triệu Huynh, Lê Bá Binh, Hoàng Long hòa thượng, Tô Dần đạo sĩ. Trong khi đó, có 1 nhà thơ là Tôn Quí Mậu mà Lê Quí Đôn có chép ở Phủ biên tạp lục, nhưng không thấy Trịnh Hoài Đức ghi ở Gia Định thành thông chí. (1 )
Trong số tất cả thành viên của tao đàn Chiêu Anh Các đó có 18 vị được coi như bậc anh hoa xuất chúng, gọi là Thập Bát Anh (18 bậc anh tài):
Tài hoa lâm lập trứ Phương Thành
才 華 林 立 著 芳 城
Nam Bắc hàm vân Thập Bát Anh
南 北 含 云 十 八 英
[Nghĩa là: Tài hoa làm nổi tiếng đất Phương Thành (Hà Tiên) đông như rừng,
Việt Nam và Trung Quốc đều ca tụng 18 vị anh tài (ấy)].
Với một lực lượng hùng hậu mang tính quốc tế, những nhà thơ có đầy đủ tài năng nghệ thuật và khí phách dủng mãnh của ngưới cầm bút, tao đàn Chiêu Anh Các đã lưu lại cho thế hệ hôm nay những thi phẩm quí hiếm mang giá trị văn học và lịch sử vô cùng to lớn:
Hà Tiên thập vịnh (Hán) tập thơ vịnh 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên có tên là:
- KIM DỰ LAN ĐÀO
Đảo vàng ngăn sóng
- BÌNH SAN ĐIỆP THÚY
Rừng biếc non Bình
- TIÊU TỰ THẦN CHUNG
Chuông sớm chùa Tiêu
- GIANG THÀNH DẠ CỔ
Trống khuya Giang Thành
- THẠCH ĐỘNG THÔN VÂN
Động đá nuốt mây
- CHÂU NHAM LẠC LỘ
Núi Châu cò đáp
- ĐÔNG HỒ ẤN NGUYỆT
Trăng soi Đông Hồ
- NAM PHỐ TRỪNG BA
Bãi Nam lặng sóng
- LỘC TRĨ THÔN CƯ
Thôn xóm mũi Nai
- LƯ KHÊ NGƯ BẠC
Thuyền về bến Vược. ( 2)
Đó cũng là tựa đề của 10 bài thơ bằng chữ Hán do Mạc Thiên Tích đề xướng và các nhà thơ trong Chiêu Anh Các cùng họa lại.
Cảnh đẹp Hà Tiên
Sáng lập được một năm, tập thơ đầu tiên của tao đàn được khắc in tại Hà Tiên năm 1737 do Mạc Thiên Tích đề tựa. Trần Trí Khải và Dư Tích Thuần viết lời bạt. Tác phẩm gồm 32 bài thơ chữ Hán vịnh 10 cảnh đẹp của Hà Tiên do 32 nhà thơ trong tao họa lại bài thơ xướng của nguyên soái Tao đàn. Năm 1755, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) vào Nam gặp họ Mạc, đã có dịp được họa thêm 10 bài nữa (nhưng vì làm sau nên thơ họa của Nguyễn Cư Trinh – tác giả Sãi Vãi – không có in trong tập này).
- Thụ Đức Hiên tứ cảnh (Hán) hay Tứ cảnh hồi văn Thụ Đức Hiên). Tập thơ xướng họa theo kiểu ‘Thuận-nghịch đọc’ gồm: 1 bài tự của Phương Thu Bạch, 4 bài xướng của Mạc Thiên Tích tả cảnh bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nơi phòng đọc sách và 88 bài họa của 32 nhà thơ trong Chiêu Anh Các. Sách được khắc in cùng thời điểm với Hà Tiên thập vịnh. Theo Lê Quí Đôn, trong Kiến văn tiểu lục, hiện nay bị thất lạc chỉ còn 9 bài vì các bài họa không đủ số và một số không còn giữ đúng theo kiểu ‘thuận-nghịch đọc’.
- Minh bột di ngư (Hán) do Mạc Thiên Tích sáng tác gồm một bài phú “Lư Khê nhàn điếu” dài hơn trăm câu và 32 bài Đường luật tả cảnh (Hán) tả cảnh ‘Lư Khê nhàn điếu’ (câu cá nhàn rổi ở bến Lư). Không có bản in đầu tiên, tập thơ được Trịnh Hoài Đức phát hiện vào năm Minh Mạng thứ hai (1821), cho khắc in với nhan đề “Minh bột di ngư thi thảo” và viết một bài tân tự rất quan trọng nhằm nói lên mối tâm sự cảm hoài cố quốc của Mạc Thiên Tích. Đây là tập thi họa rất quí hiếm về sử liệu, văn học mà còn về mỹ thuật, cả bút tích của những danh sĩ trong tao đàn Chiêu Anh Các. Cũng theo Trịnh Hoài Đức – tác giả Gia Định Thành thông chí, trong bài tân tự nói trên, Chiêu Anh Các còn có thêm các tác phẩm: Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu Thị Trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ và Thi thảo cách ngôn vị tập.
- Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh (chữ Nôm): Đặc biệt đây là những bài thơ chữ Nôm
- theo thi sĩ Đông Hồ – chưa được khắc in, phổ biến mà chỉ được truyền khẩu trong dân gian tại Hà Tiên, còn gọi là “Hà Tiên quốc âm thi tập. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh gồm:
– 334 câu lục bát song thất: khởi đầu bằng 2 câu lục bát rồi đến 2 câu thất, mô tả 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên.
– 10 bài thơ luật Nôm: xen giữa để mô tả từng cảnh đẹp.
– 1 bài thơ luật tổng vịnh.
Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh cũng tả đủ 10 cảnh đẹp đúng theo thứ tự nhan đề các bài thơ trong Hà Tiên thập vịnh.
Về tư tưởng và nghệ thuật: Phần lớn thi ca trong Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích và các nhà thơ Trung Quốc sáng tác. Chưa từng sống ở Việt Nam, họ lại dễ bị đóng khung trong việc họa vần theo nguyên tắc gò bó của bài thơ Đường luật nên khó nói lên được hết đời sống, nguyện vọng, tâm tư của người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ. Như vậy, ta rất dễ bị hạn chế trong việc tìm hiểu, đánh giá tư tưởng và nghệ thuật nhất là về mặt ngôn từ của tác giả những bài thơ. Chỉ có thể tìm hiểu một phần về tư tưởng chung của vị nguyên soái chủ trì tao đàn và các nhà thơ còn lại trong Chiêu Anh Các. Cụ thể một việc cần làm là xét riêng trường hợp Mạc Thiên Tích và “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” vì tác giả được coi là người đang gắn bó cuộc đời mình với đời sống, nguyện vọng, tâm tư và tình cảm của dân tộc Việt Nam nơi miền đất mới.
Nội dung, chủ đề thi ca của tao đàn Chiêu Anh Các phản ánh trước hết niềm tự hào (3) tràn ngập của một vị tướng quân tài năng văn võ, được thân phụ và triều đình hết sức tin cậy trao cho nhiệm vụ lớn lao. Đó là việc trấn thủ, kiên cường gìn giữ cửa ải nước nhà ở biên giới Tây Nam Hà Tiên với ý thức sâu sắc bổn phận của mình: Giữa trời một đỉnh cao xây/… Chốn miếu đường một cảnh vơi xa. (Kim dữ lan đào); Thợ trời sao khéo tạo hình / Đá giăng lưng hạm, cây đoanh khúc rồng (Bình San điệp thúy).
Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các
Niềm tự hào còn xuất phát từ một vùng đất Hà Tiên với nhiều danh lam thắng tích đẹp đẽ, nên thơ. Cảnh “Nam phố trừng ba” cho ta một bức tranh đường nét sinh động sắc màu tươi thắm với mặt nước phẳng lặng như tấm lụa xanh trải rộng, như bức vóc long sa mà bàn tay con người không thể nào dệt nên: Đố ai dệt được long sa cho tày/ Phẳng lặng thay, bãi dài biển rộng. Cảnh huyền ảo thần tiên của một động đá chập chùng, lung linh mây phủ, đến đó, con người sẽ cảm thấy mình là chàng Lưu Thần hay Nguyễn Triệu thử nào đã lạc bước vào cõi Thiên Thai : Chập chùng đá lập cao dày / Một hang khép mở năm mây ra vào/ Tưởng động đào năm mây lại sót/ Đoái tư bề ngun ngút khí linh (Thạch động thôn vân).
Bàng bạc trong những vần thơ tả cảnh của Mạc Thiên Tích là qua ý thức bày tỏ niềm tự hào, nhà thơ muốn bộc lộ chí khí của mình. Lê Quí Đôn trong Phủ biên tạp lục đã tỏ ra “Khá biết chí của họ Mạc”. Thật vậy, Mạc tướng công thi sĩ đã mô tả cảnh thanh bình, thịnh vượng của người dân một vùng dưới tài quản trị vững vàng như Thái Sơn bàn thạch của mình: Người bốn phương vẩy làm một tác/ Tranh cỏ sưa lưu lạc dưỡng an/ Khóm non miếng nước chan chan/ Thú vui bốn thú, dân nhàn bốn dân… (Lộc trĩ thôn cư) // Thiếp ba đào kia người đóng đáy/ Tóm trăm loài một dãy lược thao/ Chia nhau lớn bé thấp cao/ Cá rồng mệt mắt, kình ngao lẫn tròng… (Lư khê ngư bạc) () . Chọn đặt tên 10 bài thơ () với dụng ý qua việc ca ngợi phong cảnh diễm lệ hữu tình, vị nguyên soái tao đàn Chiêu Anh Các muốn nói lên sự trù phú và cuộc sống an cư lạc nghiệp của nhân dân tại một bờ cõi biên cương heo hút của đất nước do mình khai phá (Kim Dữ lan đào, Bình San điệp thúy). Không nặng về việc đánh giá bút pháp nghệ thuật vì những tác phẩm của tao đàn Chiêu Anh Các vốn được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm vào nửa đầu thế kỷ 18 không như những tác phẩm văn học viết bằng Quốc ngữ chữ La Tin vào nửa đầu thế kỷ 20. Nhưng nhìn chung, ta có thể coi thơ Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích và các thi sĩ trong vẫn đạt được cú pháp trôi chảy, dụng ngữ chính xác, thanh tao với nhiều thi tứ mới lạ .
Tổng quan nhìn lại, tao đàn Chiêu Anh Các với Mạc Thiên Tích – nhà thơ tài kiêm văn võ, cùng nhiều thi sĩ trong và ngoài nước, đã mang tính quốc tế trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nước nhà. Nhiều nhà thơ, học giả, giáo sư… đã đánh giá cao vai trò và sứ mệnh của Mạc tướng công thi sĩ – thủ lĩnh một tao đàn ở nơi hẻo lánh xa xôi – bên cạnh Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778-1858) (4 ) ở thế kỷ 18-19 và thi tướng (5) Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) ở thế kỷ 20. Trong lúc không gian văn học rộng lớn ở các vùng Gia Định, Thuận Hóa (6). thuở bấy giờ cũng không có được hoạt động rầm rộ như vậy. Dù không nặng chú trọng về mặt kỹ thuật, các tác giả dường như đã thể hiện đúng quan niệm nghệ thuật “thi trung hữu họa”. Mỗi tác phẩm của tao đàn Chiêu Anh Các dù bằng chữ Hán hay Nôm đều là một bức tranh đẹp (7) mô tả một vùng biên thùy đất nước thời mở cõi của nhân dân ta. Đó là những họa phẩm tươi đẹp về non sông gấm vóc của quê hương đất nước do những nghệ sĩ có nét vẽ tài hoa sáng tạo.
Thơ văn Chiêu Anh Các đã phản ánh được chân dung lớn của Mạc Thiên Tích – một bậc “dân chi phụ mẫu” giàu nghệ sĩ tính, suốt đời phục vụ văn hóa và tổ quốc cho đến ngày tuẫn tiết ở Xiêm La (1780). Chiêu Anh Các (1736-1771) với Mạc Thiên Tích xuất hiện ở Hà Tiên như vầng sao mai chói lọi trên khung trời nghệ thuật biên thùy cuối miền đất nước, đáng được coi là một dấu ấn rực rỡ, biểu trưng cho một mảng văn học dân tộc không thể quên ở phương nam.
10.03. 2020
N.T
(1) Đông Hồ – Văn học Hà Tiên, NXB Quình Lâm, 1970
(2) Nguyễn Tấn Thành – Thiên nhiên trong thi ca Mạc Thiên Tích, có dịch 10 bài thơ chữ Hán ra thơ tiếng Việt. Tiểu luận Cao học Văn chương Việt Hán (1972-1975) do GS Bửu Cầm bảo trợ tại Đại học Văn khoa (Faculté de Lettres) Sài Gòn.
(3) Nguyễn Văn Sâm – Văn học Nam Hà, NXB Lửa thiêng, 1972
(4) Phạm Việt Tuyền – Văn học Miền Nam, NXB Khai Trí, 1965
(5) Từ dùng của GS. Trần Hữu Tá
(6) Nguyễn Hiến Lê
(7) Hà Tiên thập vịnh (Hán) và Hà Tiên thập vịnh thập cảnh khúc vịnh (Nôm) của Chiêu Anh Các khiến
người yêu thơ nhớ lại tám cảnh đẹp trong “Tiêu Tương bát cảnh” thuộc sông Dương Tử (Trung Quốc): 1. Bình sa lạc nhạn (Nhạn đáp xuống bãi cát bằng) 2. Sơn thị tình lam (Khói chiều trên chợ núi) 3. Viễn phố qui phàm (Thuyền về bến xa) 4. Động Đình thu nguyệt (Trăng thu trên hồ Động Đình) 5. Giang biên mộ tuyết (Tuyết rơi trên bờ sông) 6.Tiêu Tương dạ vũ (Mưa đêm trên sông Tiêu Tương) 7. Ngư thôn tịch chiếu (Bóng chiều trên làng chài) 8.Sơn tự hàn chung (Chuông lạnh vẳng nơi sơn tự).
Tài liệu tham khảo khác:
– Hoài Thanh-Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam , NXB Thiều Quang, 1967
– Vũ Ngọc Phan – Nhà văn hiện đại q.1, NXB Vĩnh Thịnh, 1951
– Đông Hồ – Đăng đàn , NXB Mặc Lâm, 1970
– Đông Hồ – Hà Tiên thập cảnh , NXB Bốn Phương, 1960
– Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí (tập Thượng và tập Hạ) Nha Văn hóa xb, 1972
– Tự điển Văn học, Bộ mới – NXB Thế Giới, 2004
– Nguyễn Q. Thắng – Văn học Việt Nam q. 3 , NXB Văn học, 2008
– Nguyễn Tấn Long – Việt Nam thi nhân tiền chiến toàn tập, NXB Văn học, 2000
– Phạm Thanh – Việt Nam thi nhân hiện đại, NXB Khai Trí, 1960
– Đông Hồ – Úc Viên thi thoại, NXB Mặc Lâm, 1969
– Phạm Việt Tuyền – Tôi đọc thơ, NXB Phong trào Văn hóa, 1972
– Hội khoa học lịch sử Việt Nam – Lược sử vùng đất Nam bộ Việt Nam, NXB Thế giới, 2008
– Các tác giả: GS. Lê Đình Kỵ, Nhà thơ Ngô Minh, Nguyễn Huệ Chi…