Chữ bầu lên Lê Đạt

758

14.9.2017-09:30

Nhà thơ Lê Đạt

 

Chữ bầu lên Lê Đạt

 

NGUYỄN THỤY KHA

 

NVTPHCM- Một trong những điều tôi và nhiều anh em làng văn nhớ nhất ở Lê Đạt là tiếng cười. Tiếng cười Lê Đạt mới nghe thấy sảng khoái, song nghe lâu thấy trong đó tiếng nghẹn nấc của những tâm sự không thể nói ra được. Đấy là thái độ của một người đã vượt lên sự chấp. Bao nỗi niềm đã hóa giải điệu cười.

 

Lê Đạt tên khai sinh là Đào Công Đạt, là nhà thơ hiện đại và độc đáo. Tuy quê cha ở Yên Thế – Bắc Giang, nhưng ông lại sinh ngày 10.9.1929 tại Yên Bái, bên bến Ô Lâu – nơi các lãnh tụ Quốc dân Đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính… bước lên đoạn đầu đài sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái và để lại một câu nói bất hủ: “Không thành công thì cũng thành nhân”. Dường như bị ám ảnh tinh thần này, trong tâm sự về nghề, Lê Đạt cũng đã viết: “Mỗi nhà văn tự trọng nên bận tâm đến việc thành nhân hơn là thành danh”.

 

Lê Đạt hoạt động văn học từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng đến năm 1955, ông mới xuất bản tập thơ đầu “Bài thơ trên ghế đá” (in chung). Ông tham gia cùng Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu Đang làm tờ Giai Phẩm và tờ Nhân Văn. Câu thơ của ông được nhiều người truyền miệng lúc ấy là: “Đưa bục công an đặt giữa trái tim người”. Do khuynh hướng sáng tạo có điểm khác các nhà thơ lúc bấy giờ, ông và các bạn ông đã chìm vào im lặng, âm thầm sáng tạo suốt mấy chục năm ròng. Ông đã từng tự bạch: “Tôi không ác cảm Thơ Mới. Tôi từng đã có thời say mê các nhà Thơ Mới và hành bút dưới bóng họ. Nhưng tôi không muốn tiếp tục. Thành tựu của họ đòi hỏi ta phải thử những thành tựu khác… thơ không phải văn xuôi được nâng cấp, mông má tại một mỹ viện. Văn xuôi chủ yếu dựa vào “ý tại ngôn tại”. Thơ khác hẳn dựa vào “ý tại ngôn ngoại”. Đã “ý tại ngôn ngoại” tất nhiên phải cô đúc, đa nghĩa. Đa nghĩa vì câu thơ mang nặng lịch sử chữ, hoạt động ở nhiều tầng văn hóa, cả trong ý thức lẫn vô thức người viết. Nhà thơ ít nhiều ngoại cảm chữ…”. Và Lê Đạt đã tự gọi mình là “phu chữ”.

 

Ngọn gió đổi mới đã đưa ông và các bạn ông trở lại văn đàn. Sau ngày các ông được phục hồi hội tịch, có một bữa tiệc mừng nho nhỏ tại nhà tôi, Lê Đạt vừa lên cầu thang, vừa cười vang và đọc: “Và từ đấy anh nhốt sách như nhốt tù chính trị”. Hoàng Cầm cười theo: “Cứ thế… chả trách…”. Trong cuộc rượu, Lê Đạt nói: “Nhà thơ phải nhọc mệt, phải làm phu chữ. Chữ bầu lên nhà thơ”. Với tâm niệm ấy, Lê Đạt tạo ra câu thơ của riêng mình, không giống bất kỳ nhà thơ nào.

 

Dạo đó, do in bài thơ “Nhớ Bun-ga-cốp” trên tạp chí Sông Hương số 36 đã “góp phần” làm tạp chí bị đình bản. Đơn bị quân đội của tôi yêu cầu tôi phải đi tìm việc để chuyển ngành, nếu không tìm được việc thì phục viên. Nhìn gương các đàn anh, tôi nghĩ phục viên thì sẽ tự do hơn tuy có vất vả kiếm ăn, nhưng đỡ hẳn cái khoản họp hành đấu đá. Thế là tôi phục viên. Chỗ tụ tập của chúng tôi là nhà của ông bạn “Khánh nhọ”. Hầu như ngày nào, tôi cũng gặp Lê Đạt ở đó, cùng Nguyễn Quân – lúc ấy cũng vừa rời công việc lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam. Những cuộc đàm đạo về thơ thường diễn ra ở đó. Rất vui. Đối với Lê Đạt, không có chữ cũ, chữ mới. Vấn đề là nhà thơ đặt nó vào đâu trong câu thơ, trong bài thơ để bài thơ mang tinh thần hiện đại. Bài thơ “Xưng danh” của ông đã sử dụng rất đắc địa chữ “vô” trong các câu thơ: “Phó thường dân/ phố nhỏ vô danh/ vô giai thoại/ Thành tích/ mấy trang giấy sờn/ mấy câu thơ vui/ núi Vô Sơn”. Bài “Cha tôi” rất thấm thía. Bài thơ viết về người cha vốn không thích luồn cúi. Song do gia cảnh đành phải luồn cúi nuôi con, nhưng lại xấu hổ vì luồn cúi. Bởi vậy bi kịch từ người cha trở thành bài học cho ông, được ông viết ở hai câu kết: “Cha đã dạy con một bài học lớn/ Đau thương kiên quyết làm người”.

 

Anh em làm thơ quý ông “phu chữ” Lê Đạt vì ông luôn sống trẻ trung và hồn hậu. Ông cũng từng nói với bọn tôi: “Một người viết không nên tham lời, nên dành cho tác phẩm nói. Không nên về hưu quá sớm trong sáng tác”. Ông cứ sống như thế, cười vang vui vẻ và không quên sáng nào cũng đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm với dáng cần mẫn của người “phu chữ”. Cũng có lần tôi đến nhà ông ở số 9 Lãn Ông chật chội và thơm nức mùi thuốc bắc. Chỗ tá túc của một “phu chữ” suốt bao nhiêu năm tháng chỉ vẻn vẹn có thế, nhưng đối với ông và các bạn, đó là những năm tháng dù nghèo đói nhưng vẫn chứng tỏ được tư cách đĩnh đạc của những thi nhân.

 

Thơ Lê Đạt thường để lại một ấn tượng mạnh ở phần mờ giao thoa giữa chữ và nghĩa. Ông đã đúc kết nó bằng thơ: “Làm cách nào có thơ hay?/ Hỏi vậy khác gì hỏi làm cách nào gặp/ Tiên tại phường Bích câu?/ Mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ/ Hẳn phải siêng năng, có lòng thành/ Và nhất là biết chờ/ Người đẹp vỏ chữ bước ra/ Giờ các con phe đi ngủ”.

 

Đúng vậy. Làm thơ là phải biết chờ hứng và không buôn bán thơ. Với tiêu chí đó, Lê Đạt lúc thì xót xa, lúc thì ướt át trong từ con chữ nhiệm màu.

 

Hồi tập thơ “Bóng chữ” của ông ấn hành cũng có rất nhiều ý kiến. Có lẽ vì quan niệm quen thuộc của ta về thơ là thường thấy câu thơ có nghĩa hay tức là câu thơ hay. Lê Đạt đã tự tạo ra một thi pháp Lê Đạt và chung thủy với thi pháp đó với phương châm: “Kiên trì học và lao động tiếng Việt”. Ông viết như đùa nhưng thật sâu sắc: “Tuổi lú lẫn/ ngược nhầm ga trẻ nhỏ/ hay ngây ngô không biết lối về già/ Tha thẩn chữ ngã ba”. Bởi thế, có những điều bất ngờ được nhận ra giản dị trong thơ ông: “Mất chân tay/ Còn chân tay giả/ Mất em/ Đời ai em giả đôi anh…”.

 

So với Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt ít lãng du hơn. Có lẽ chuyến lãng du vào Tây Nguyên trước khi ông mất là chuyến lãng du đáng kể nhất kể cả những chuyến ông ra ngoại quốc và cũng chính là chuyến đi định mệnh ở tuổi 80. Lê Đạt rất bình thản với số phận mình: “Đời ngắn/ đêm dài/ Mộng khẩn/ gió ăng ten/ phố mấy tuổi đèn”. Và cũng rất ung dung: “Đời tốc hành/ một ga xanh sót lại/ một góc tuổi mải tầu/ thơ dại mãi/ tìm nhà quên mất số lớn khôn”. Thật thích thú, nhưng cũng thật đắng lòng khi ông tiên đoán sự ra đi của mình tênh tênh như những câu đồng dao: “…Mai sau ta chết/ Ai đó đừng quên/ Đưa ta dăm đồng/ Để ta ăn đường/ Để ta sang sông/ Để ta đi tìm/ Chi chi… chành chành”.

 

Rạng sáng ngày 21.4.2008 (tức 16.3 Âm lịch), ông đã lặng lẽ ra đi ở tuổi 83, để lại nỗi cô đơn cho người vợ mà ông nhất mực yêu thương: “Có phải vì quá em/ Đứng ngồi/ anh vẫn em đôi mặt/ Đứng ngồi/ anh vẫn bặt em xa/ Từng thớ thịt/ Anh sống em trọn vẹn/ Chỉ bóng anh/ ò è/ Xe Văn Điển/ một mình…”.

 

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…