Chùm tranh ký họa ‘Sài Gòn trong những ngày giãn cách’ lay động lòng người

593
Trong những ngày Sài Gòn bị cách ly vì COVID-19, hoạ sỹ Lê Sa Long đã đi tìm một chủ đề riêng rất độc đáo để làm bộ tranh mới của anh. Những bức tranh mang chủ đề “Sài Gòn trong những ngày giãn cách” mà Lê sa Long đang thực hiện đã làm lay động người xem. 

Họa sỹ Lê Sa Long

Lê Sa Long kể khi Sài Gòn mới giãn cách, anh đã có chủ ý sẽ thực hiện 01 bộ tranh phản ánh cuộc sông, tình người của người Sài Gòn. Và anh đã đi tới rất nhiều nơi, lưu lại những hình ảnh đẹp, những tính cách bao dung, hào sảng của người Sài Gòn. Rồi khi tình hình căng thẳng hơn, bản thân hoạ sỹ cũng phải ngồi nhà để giãn cách, Lê Sa Long lại tìm đến với những trang báo. Từ đó, Lê Sa Long đã chọn lựa được rất nhiều cho bộ tranh ký hoạ “Sài Gòn trong những ngày giãn cách”. Và trong mỗi bức ký hoạ của anh là một câu chuyện:

Câu chuyện thứ Nhất: “Đường Ngô Đức Kế- Quận 1 và cơn mưa đầu màu dịch”

Khu Ngô Đức Kế- quận 1 trung tâm TP sầm uất nhộn nhịp với nhiều nhà hàng quán Bar, thế mà khi có dịch tràn đến, chỉ có vài ánh đèn vàng le lói dưới cơn mưa đêm! Bóng người cầm dù cô đơn quá!

Câu chuyện thứ 2: Người đàn bà và con chó nhỏ

… Đầu tháng 6 gặp người phụ nữ lượm ve chai ngồi buồn, nói: “Quán xá không bán, làm gì có phế liệu hay đồ dư mà lượm chú ơi! Dịch giã như thế này thì lấy tiền đâu mà sống!” Nghe mà nhói trong lòng. Chỉ có chú cún nhỏ mà bà nuôi được 5 tháng vẫn hồn nhiên quấn quýt bên bà…

Câu chuyện thứ 3: Đường xưa lối cũ

… Hồ con Rùa – nơi gần 30 năm trước, khi từ tỉnh lẻ chân ướt chân ráo vào Sài Gòn hoa lệ học – tôi được cô bạn xinh xinh rủ ra ngồi ăn bò bía. Đó là lần đầu tiên tôi nếm món ngon độc đáo học trò Sài Gòn.

Giờ em đã đi rất xa, nhưng mỗi lần ngang qua, tôi vẫn tưởng như em còn ngồi đâu đó nghiêng nghiêng mái tóc dài. Sáng 20- 6, thấy khu vực bị giăng dây, cô quạnh, thật buồn! Tưởng chừng như trái tim mình cũng đang hắt hiu…

Câu chuyện thứ 4: Mơ là triệu phú

Mười một giờ trưa, bên ngã tư đèn xanh đèn đỏ, bà bán vé số người Quảng Ngãi đang quệt mồ hôi (hay đang quệt nước mắt) than: “Ế lắm chú ơi. Sáng giờ chỉ bán được có mấy tờ, chú ủng hộ giùm”.

Mua vội bà vài tờ, chỉ an ủi sơ rồi vội vã đi, như người có lỗi…

Trong bài hát Kỷ niệm, NS Phạm Duy có viết: “Tôi mơ thành triệu phú- cứu vớt gái bơ vơ”. Còn tôi chỉ mơ mình là triệu phú để bớt đi những lời thở than.

Câu chuyện thứ Năm: “Dòng sữa ngọt ngào”

Mấy hôm nay câu chuyện của nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng) đang làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TPHCM khiến nhiều người cảm động. FB chị viết: “Mẹ của bé đi chợ tiếp xúc với F0 hồi nào không hay rồi nhiễm bệnh, lây luôn cho chồng và hai đứa con. Người mẹ suy hô hấp nặng đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Còn bố và hai đứa con nhỏ được chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương điều trị. Nhìn vào ai cũng xót thương nên đồng nghiệp sắp xếp chỗ tốt nhất trong khoa cho ba bố con nằm chung. Riêng bé gái 7 tháng tuổi vẫn còn bú sữa mẹ dù đã được tập bú sữa công thức khi vào viện nhưng vẫn chưa quen nên đói khóc. Nhận thấy bé gái gần bằng với tuổi con mình đã phải xa mẹ, cứ sau ca trực khi trở về chỗ nghỉ tôi lại vắt sẵn sữa của mình cho vào tủ lạnh. Mỗi ngày đến bệnh viện, tôi đều mang theo sữa của mình để dành riêng cho bệnh nhi Covid-19. Bé gái mới 7 tháng mà rất ngoan, mỗi lần bú no là nằm ngủ ngon lành dưới chân bố, còn anh trai thì tha hồ lăn lội trên giường bên cạnh. Lúc bế bé, tôi thấy bé gãi đầu và hỏi ra mới biết 3 ngày rồi bé không được tắm, thương quá nên dù không phải việc của bác sĩ nhưng tôi vẫn chuẩn bị sẵn áo quần, nước ấm rồi tắm cho bé!”

Bác sĩ Thúy phải tạm thời xa đứa con trai chỉ mới hơn 10 tháng tuổi và đang bú sữa mẹ. “Tôi rơi nước mắt khi nhìn người nhà bế con về quê. Tôi biết những ngày sau đó con sẽ nhớ mẹ, khát sữa khóc cả đêm. Tuy nhiên, tôi phải làm nhiệm vụ và công việc của mình trong giai đoạn này”. Bác sĩ Thúy chia sẻ.

… Sau 18 năm nữa, bé gái lớn lên trở thành thiếu nữ, khi kể về trận đại dịch lịch sử đầu thiên niên kỷ này, hẳn cô sẽ không bao giờ quên được thời gian mình được nuôi dưỡng bẳng dòng sữa ngọt ngào của người mẹ – bác sĩ Thanh Thúy!

Câu chuyện thứ Sáu: Khi Hà Anh Tuấn cúi xuống thật gần

Cách nay khoảng 5 năm, khi ca sĩ Hà Anh Tuấn ra mắt MV “Tháng tư là lời nói dối của Em”, các nữ SV của tôi như lên cơn sốt. Đi đâu cũng thấy các em nghêu ngao: “… Mùa xuân có em như chưa bắt đầu – Và cơn gió như khẽ mơn man lay từng nhành hoa rơi – Em đã bước tới như em đã từng – Chạy trốn với anh trên cánh đồng xanh…”

Tuấn hát đã lâu và nổi lên từ khi anh tham gia Sao Mai Điểm Hẹn 2006. Khi đó anh đoạt giải ca sĩ triển vọng, lọt vào top 3 ca sĩ được yêu thích nhất với ca sĩ Hoàng Hải, rocker Phạm Anh Khoa… Sau này anh đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc.Hơn thế, Hà Anh Tuấn còn là đại sứ trong các hoạt động thiện nguyện như đại sứ bảo vệ tê giác ở Nam Phi, đại sứ chiến dịch xây dựng nhà bán trú học sinh vùng cao, thành viên Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM… Bên cạnh đó, anh cũng quan tâm đến các hoạt động tài trợ và thiện nguyện cho xã hội như: Bảo trợ nạn nhân chất độc dioxin, trẻ em khuyết tật; Khởi xướng Dự án Rừng Việt Nam; Anh là nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam tài trợ các phòng áp lực âm điều trị, phòng chống dịch Covid-19…

Đầu tháng 6, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang bắt đầu “kiệt sức”, anh đã quyết định ủng hộ 25 tấn gạo, 50 ngàn trứng gà và 300 lít dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện trên địa bàn TP.HCM để “cả Sài Gòn cùng nhau nấu cơm”. Người ca sĩ này hầu như không bị tì vết dù trong môi trường showbiz phức tạp. Với giọng ca và tâm hồn đẹp, anh đã để lại những ấn tượng khó quên khi “ khi cúi xuống thật gần” với người nghèo trong “mùa” giãn cách…

Câu chuyện thứ Bảy: Cha con và COVID-19

Ngày của Cha qua đã lâu, nhưng mỗi khi nhớ đến hoàn cảnh của ông Trần Văn Hưng (58 tuổi) cùng cậu con trai Trần Hiệp Tài (34 tuổi, bại não bẩm sinh) vẫn thấy xúc động!

Bao lần ông tuyệt vọng khi nhìn đứa con khờ khạo vốn chỉ biết cười. Nay con đang khóc vì cơn sốt mà mình không một xu dính túi. Rồi họ đã dìu nhau bước qua sự cùng cực ấy, bằng tình thương của một người cha…

Vợ ông qua đời vì bệnh tiểu đường năm anh Tài 19 tuổi. Ông Hưng ngày ngày chạy xe ôm, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để nuôi con. Bất kể trời mưa hay nắng, ông vẫn không quản ngại khó khăn, miệt mài chạy từng cuốc xe ôm với hi vọng kiếm đủ tiền lo cơm ngày 3 bữa cho đứa con trai bệnh tật. Nhưng rồi dịch Covid-19 bùng phát, bác xe ôm già thất nghiệp, bữa cơm chiều của 2 cha con cũng chẳng đủ no… May sao có nhiều người biết tin, mang đến cho nhu yếu phẩm và cho một chiếc xe máy để qua dịch ông làm kế sinh nhai.

Ông Hưng tâm sự: “Mấy hôm trước người ta tìm đến giúp đỡ cho chú, nhiều người tới tặng quà lắm. Giờ chú thấy đủ rồi, mọi người có lòng tốt chú biết ơn dữ lắm nhưng dành mấy phần quà đó cho các bà bán vé số, họ cũng khổ. Chú không muốn nhận thêm đồ ăn, đồ uống nữa đâu, vì nhiều quá dùng không hết lại để nó hư. Chú khó khăn thiệt nhưng nhiều người cũng vậy, mình khổ hơn người ta là có đứa con tật nguyền, nhưng tạm thời chú cảm thấy đủ rồi. Qua dịch thì chú sẽ chạy xe ôm lại để kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Tôi vẽ ông Hưng với hình anh đôi tay ôm hai vai tài như muốn che chở con, Còn Tài thì cười và chỉ vào ba như muốn nói: “Người cha vĩ đại của tui đó!”.

Câu chuyện thứ…

Hoạ sỹ Lê Sa Long (tự hoạ)

Lê Sa Long cho biết vì Sài Gòn còn cách ly nên anh vẫn còn sáng tác, những câu chuyện thấm đẫm tình người, những câu chuyện về sự chia lý, về sự hy sinh của mỗi con người vẫn được anh canh cánh trong lòng. “Tôi sẽ vẽ, sẽ vẽ tất cả. Tôi sẽ kể một câu chuyện bằng tranh của Sài Gòn trong những ngày giãn cách lớn nhất này”- Lê Sa Long nói.

Lê Sa Long sẽ gom toàn bộ các bức ký hoạ này để tổ chức một cuộc triển lãm mang chủ đề “Sài Gòn trong những ngày giãn cách” rồi sau đó anh sẽ đem từng bức tranh tới tặng cho những nhân vật đã làm mẫu cho anh. “Chính họ đã làm lên nét đẹp muôn đời của Sài Gòn và tôi chỉ là người ký hoạ lại mà thôi”- Lê Sa Long nói.

Dưới đây là một số bức ảnh khác gây xúc động của họa sỹ Lê Sa Long:

Tác phẩm ‘Chú bán vé số ơi, nhận giùm thùng mì này’

Tác phẩm ‘Bé đi cách ly’

Trọng Thịnh/ Theo Tiền Phong