“Chuột sa chĩnh gạo” – Tiểu phẩm của Đỗ Xuân Thu

741

                                                                                                               Đỗ Xuân Thu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vợ tôi cầm bài thơ đọc rồi phán: “Ông viết hơi bị lủng củng nhưng được cái rất chi là viền viền… Đúng là “chuột chạy hở đuôi” ông ạ!”. Tôi chớp ngay: “Năm Chuột mà lị. Thơ nó phải thế. Cốt cái ý cái tứ và nhất là phải viền viền nó mới dễ thuộc, dễ nhớ”. Vợ tôi gật gật đầu rồi toét miệng cười: “Chõe bò có khác. Giải cao là cái chắc. Năm mới “chuột sa chĩnh gạo” thật rồi! Chúc mừng chồng yêu của em!”. Bất ngờ bà ấy xưng “em” với tôi rồi chạy tới hôn chụt vào má tôi một cái. Người tôi đờ đẫn ngây ra. Giời ơi! Cảm ơn Thơ đã cho tôi sự sung sướng đê mê này!

 Không ngờ việc tôi đọc bài thơ của mình trước hội nghị của thôn lại trở thành sự kiện lớn để người ta bàn tán. “Chuột chù lại có xạ hương”,  chuột chù đeo bạc” các bà ạ. Cái lão Chõe bò ấy. Cũng biết làm thơ mới lạ chứ. Đúng là “cháy nhà ra mặt chuột” nha”. “Cháy đâu mà cháy? Ví với chả von. Bà thật là… Thấy “voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy quanh”. “Ơ! Cái nhà bà này! Bà lại ví tôi như lão Chõe bò, như chuột hả? Còn lâu nha!”. “Được như lão Chõe bò đã khá. Bà thơ không biết làm, bảo đọc thơ thì như “chuột chạy cùng sào” thì bì sao được với lão Chõe bò. Lão ấy chăn bò giỏi, làm thơ khá. Bà thì là gì? Có mà như “chuột đội vỏ trứng” “chuột chù nếm giấm” ấy nha”. “Thôi! Bà đừng “nói dơi, nói chuột” nữa. Nói mãi cũng chỉ như “chuột cắn dây buộc mèo”, “chuột gặm chân mèo” thôi. Tôi là tôi. Chõe bò là Chõe bò. Nhớ chưa? Đúng là “con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà”. Rõ lắm chuyện!”. Bà kia vặc lại: “Bà lắm chuyện thì có. “Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ lại trả lời cả họ mày thơm”. Bà chẳng qua cũng chỉ là hạng “mèo già khóc chuột“đuôi chuột khuấy lọ mỡ” mà thôi”.

Thế là mấy bà quay ra cãi nhau. Chỉ vì tôi đang “lù đù như chuột chù phải khói” bỗng dưng phát tiết ra sáng tác thơ nên họ mới thế. Họ còn về chì chiết cả chồng. “Ông thấy chưa, nhà Chõe bò đấy, ông cứ chê mãi là “hôi như chuột chù”, “nhà như ổ chuột” nữa đi. Bây giờ lão ấy chí thú chăn bò, giàu lên nhờ bò, lại còn thơ phú nữa kia kìa. Ông hãy chống mắt lên mà học tập nha. Cứ “chuột chê xó bếp chẳng ăn, chó chê nhà dột ra nằm bụi tre” mãi đi. Giờ thì trắng mắt ra nhé”. “Ôi dào! Cái lão “mặt dơi tai chuột” đó, chấp làm gì. Thơ với chả phú. Bà đừng có hão huyền. Đừng có vội “mèo khen mèo dài đuôi, chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo” kẻo đến lúc “đầu voi đuôi chuột” rồi lại ngồi đấy mà Chõe bò, Chõe bò!”.

Nghe vợ chồng họ cãi nhau tôi vừa mừng vừa tức. Mừng vì vợ người ta khen mình. Tức vì chồng bà ấy nói xấu, dìm hàng mình. Kệ. Tôi không chấp. Đáng ra họ phải là “chuột khôn cũng thể chuột nhà/ Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em” hoặc là “chuột kêu chút chít trong rương/ Anh đi cho khéo kẻo đụng giường mẹ hay” thì đằng này họ lại lục đục với nhau thì còn ra thể thống gì nữa.

Đúng lúc đó, làng phát động cuộc thi sáng tác thơ chào mừng sự kiện làng được công nhận đạt tiêu chuẩn “Nông thôn mới”. Đã thế, phen này cho các lão ấy biết thế nào là “mèo già thua gan chuột nhắt”. Tôi quyết định vừa thả bò vừa hí hoáy chế tạo thơ.

Mèo nhỏ bắt chuột con” đừng có “mèo con bắt chuột cống”. Các cụ đã “bày đường cho chuột chạy” rồi. Phải lượng sức mình mà làm. “Sắc nanh chuột dễ cắn cổ mèo”. Cứ thơ cổ điển lục bát mà giã. Không có đua đòi hiện đại với hậu hiện đại làm gì. “Nửa dơi, nửa chuột” “đầu dơi mặt chuột” là chết. Chớ có thấy “voi đú, chó đú, chuột chù cũng đú”. “Cần chi cá lóc, cá trê/ Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều”. Chủ đề rõ ràng rồi: Xây dựng nông thôn mới. Phạm vi đề tài: Làng Cổ Cò. Thế thôi.

Xác định xong phương châm sáng tác, tôi bắt tay vào chế tạo thơ. Mặc cho lũ bò gặm cỏ, tôi “trốn như chuột” vào ngồi trong bụi rậm cắn bút. Khó nhất câu mở đầu. “Vạn sự khởi đầu nan” mà lị. Ba ngày giời ròng rã “thì thụt như chuột ngày” tìm chữ, săn vần, “rình như mèo rình chuột” vưỡn chả được chữ nào. Tôi như “chuột chù phải khói”. Lắm lúc định quẳng bút đi cho rồi. Nhưng nghĩ lại “ném chuột còn ghê cũi bát”. “Ném chuột vỡ bình” thì còn ra cái gì nữa? Thế mới biết các nhà thơ cũng chẳng sướng chút nào. “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”. Giời phân rõ ra thế rồi. Mình là kẻ chăn bò sao còn vướng vào nghiệp thi ca làm gì nữa? Thôi thì đã “đâm lao thì phải theo lao” vậy. Dù sao, mình cũng đã có tiếng tăm của làng rồi. Phải cố thôi!

Trưa ngày thứ tư, thấy tôi ngồi nghệt mặt ra, vợ tôi hỏi: “Ông làm sao mà “len lén như chuột ngày vậy”? Mồ hôi vã ra “ướt như chuột lột” kìa? Ốm hả?”. Tôi lắc đầu, nói: “Đang nghĩ thơ”. “Giời ạ! Thơ với chả phú. Ông cứ muốn “chuột chù đeo bạc” là sao?”. Vừa lúc đó thì có tiếng động ngoài bụi chuối. Vợ tôi ngoảnh ra, nói: “Con chi rọt rẹt sau hè/ Hay là rắn mối tới ve chuột chù?”. Ông ra xem sao cái?”. Tôi giật mình rồi vỗ đùi đánh đét một cái, reo to: “Đây rồi! Mở đầu đây rồi! Lục bát đây chứ còn đâu nữa? Đúng là “chuột khôn có mèo hay”. Bà đã khai trí mở lối cho tôi”. Vợ tôi ngẩn ra nhìn tôi như nhìn một vật thể lạ.

Tôi như “mắt chuột, tai thỏ, mũi dơi” túm ngay lấy câu nói của vợ để phát triển. Nối tiếp vần “chù” tôi có ngay: “Cổ Cò tháng tám mùa thu/ Trời xanh, mây trắng, chim gù, trong veo. “Con mèo con mẻo con meo, muốn ăn thịt chuột thì leo lên xà”. “Thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ hai chuột rúc, thứ ba hoa đèn”. Nông thôn đổi mới tiến lên/ Toàn dân đoàn kết, dưới trên thuận hòa. Giêng hai trồng đậu, trồng cà/ Bò bê phát triển, lợn gà đều tăng… Cứ thế mạch thơ ào ạt tuôn ra như “khói hun chuột”. Câu nọ gọi câu kia, tôi chép không kịp. Bài thơ “Làng Cổ Cò ngày mới” của tôi dài hơn mười trang đến chiều thì xong.

Vợ tôi cầm bài thơ đọc rồi phán: “Ông viết hơi bị lủng củng nhưng được cái rất chi là viền viền… Đúng là “chuột chạy hở đuôi” ông ạ!”. Tôi chớp ngay: “Năm Chuột mà lị. Thơ nó phải thế. Cốt cái ý cái tứ và nhất là phải viền viền nó mới dễ thuộc, dễ nhớ”. Vợ tôi gật gật đầu rồi toét miệng cười: “Chõe bò có khác. Giải cao là cái chắc. Năm mới “chuột sa chĩnh gạo” thật rồi! Chúc mừng chồng yêu của em!”. Bất ngờ bà ấy xưng “em” với tôi rồi chạy tới hôn chụt vào má tôi một cái. Người tôi đờ đẫn ngây ra. Giời ơi! Cảm ơn Thơ đã cho tôi sự sung sướng đê mê này!

Ngoài kia, Xuân Canh Tý đã về trước ngõ.

 Đ. X.T