Con chữ của thầy tôi…

905

Nguyễn Văn Ngọc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày cuối của mùa thu. Ngọn gió già nua của thu về lại nơi này, trút bỏ những lá vàng còn sót lại rơi lả tả trên con đường đã cũ. Đất trời chuẩn bị cho ngày lập đông 8/11. Không gian giao thoa giữa hai mùa thu và đông rơi vào tuần đầu tiên của tháng 11. Ngày mới của mùa đông lại bắt đầu gối vào nhau mà trôi đi. Sắp đến ngày 20/11, ngày thiêng liêng của thầy cô bao thế hệ, lòng tôi luôn nhớ về người thầy dạy văn thời học sư phạm: thầy giáo Nguyễn Tường Lân.

Trở lại làng Long Phan, đi qua ngôi nhà cũ của gia đình thầy, lòng tôi nao nao hồi tưởng những kỷ niệm về thầy. Nhà tôi ở đầu làng, nhà thầy cuối làng. Thỉnh thoảng vào ngày thứ 7, chủ nhật, tôi đến nhà thầy nhờ hướng dẫn thêm cách tiếp nhận những tác phẩm văn học hay và thầy trao đổi với tôi những điều lý thú về văn chương. Làng Long Phan bây giờ không còn gọi tên làng như trước nữa. Tên làng cha ông đặt từ bao đời, lưu giữ mãi. Người đi xa về cứ quen gọi làng Long Phan. Cánh đồng làng Long, phía trước nhà thầy nay đã có mấy hộ gia đình mới đến ở. Cây đa cũ không còn nữa, nhường chỗ cho một vài cây xanh mới lớn. Đường làng đổ bê tông, không còn bó hẹp như trước. Con đường mà ngày xưa, thầy đến trường sư phạm bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Bao mùa mưa, nắng gió Lào, thầy tôi nếm trải. Ngôi trường sư phạm nằm trên bãi cát trắng mênh mông. Mỗi khi gió Lào về, cuốn theo cát khô bỏng. Thầy đã dạy bao thế hệ học trò sư phạm, từ miền đất cát này đến gieo chữ ở nhiều miền quê của tỉnh Nghệ An. Những giờ dạy văn của thầy cứ neo đậu lâu bền, thức sáng trong tâm hồn và tri thức của tôi trên mỗi chặng đường.


Ảnh minh họa.

Qua những giờ văn của thầy, tâm hồn tôi như có thêm nguồn sinh khí mới. Lời giảng của thầy thổi vào tâm hồn tôi niềm say mê văn chương, niềm yêu cuộc sống. Cách dạy của thầy thật đa dạng về phương pháp. Thầy luôn hướng về học sinh, gợi cho học sinh suy nghĩ, tìm tòi, trao đổi bàn luận về các nội dung đặt ra trong tác phẩm văn học. Từ thời đó, bài giảng của thầy đã gợi một cách dạy mới. Thầy vẫn luôn khuyên nhủ học trò sư phạm cần phải tránh lối dạy ôm đồm, áp đặt, cái gì cũng buộc thầy cô phải nói hết. Dạy theo lối này, học sinh dễ nhàm chán, không tiêu hóa được kiến thức, văn chương không đi vào được tâm hồn trẻ thơ, không bước ra được với cuộc sống. Văn chương phải thấm đượm trong hồn trẻ. Tôi cứ đeo đuổi văn chương, có niềm mê văn từ hồi còn học sinh phổ thông. Chính những giờ dạy văn của thầy đã bồi đắp thêm cho tôi niềm yêu văn chương. Khơi nguồn cho tôi bao khát vọng vươn lên.

Nhớ về thời gian khổ lúc còn học ở trường sư phạm, tôi đến căn phòng của thầy ở khu ký túc xá giáo viên. Thầy dùng bữa bằng bát mì còn nguyên hạt (gọi là hạt bobo). Ở trên bếp, có chai nước mắm và lọ cà quê. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thiếu thốn, vất vả mà thầy tôi vẫn vui. Nhọc nhằn bên con chữ và vui bên con chữ. Thầy viết kịch bản. Trước khi về trường sư phạm, thầy đã có các kịch bản: Người hậu phương, Bác trong tôi, Thượng nguồn. Vở kịch Người hậu phương in trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và được giải thưởng của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1976. Hồi ở trường sư phạm, dàn dựng vở kịch Người trồng cây của thầy, tác phẩm kịch bản được khán giả yêu thích, đặc biệt là các nhà giáo. Lúc đang là bản thảo, có lần tôi đến, thầy đưa cho tôi xem. Thầy bảo: em cứ đọc kỹ, chỗ nào em thấy cần góp ý thì em cứ mạnh dạn trao đổi, không ngại ngần gì.

Dạy văn, viết văn, viết kịch bản, bình thơ in trên tuần báo Văn nghệ. Những công việc đó, gắn bó mật thiết với thầy. Thầy sinh năm 1935, quê Thanh Hóa. Thầy ra đi mãi mãi vào năm 2014. Bảy mươi chín mùa xuân, thầy đã để lại cho tôi và các thế hệ học trò một gia sản về tri thức và tâm hồn. Những khoảng khắc xuất thần trong phong thái của thầy lúc bình những câu thơ hay trong các bài thơ như Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm hay Bài ca xuân 68 của nhà thơ Tố Hữu… cứ lắng sâu vào trong tâm thức của tôi. Lời giảng của thầy, tôi như được uống những dòng sữa tâm hồn như được uống giọt sữa đầu tiên của mẹ lúc tôi mới sinh ra. Càng ngậm nghĩ, qua những mái trường được học văn, tôi càng thấm thía giá trị của văn chương, giá trị của nhân văn, nghĩa cử cao đẹp của con người.

Văn chương như người mẹ, người mẹ của văn hóa tâm hồn. Người mẹ làm giàu có tâm hồn, nuôi dưỡng tôi, nâng đỡ tôi trong những khoảng khắc cuộc đời có lúc vấp ngã, văn chương đã dạy tôi biết ứng xử trong các mối quan hệ đa chiều của cuộc sống. Chắt lọc dư vị trong văn chương, chắt lọc lời thầy dạy văn những năm sư phạm để các thế hệ học sinh tự tìm lấy cho mình một báu vật tinh thần mà văn chương đem lại, báu vật tri thức và tâm hồn người thấy để lại trong tôi, tôi mang đi suốt cả cuộc đời mình. Thầy đã về cõi vĩnh hằng, miền cực lạc xa xôi. Sáu mùa đông qua, bây giờ là thời khắc đầu tiên của mùa đông thứ bảy.

Bảy mùa đông rồi thầy ạ. Tôi xin được độc thoại trước linh hồn thầy tôi với những ý nghĩ chân thành của người học trò. Rét ngọt của chớm đông, cái se lạnh gợi nhớ về những ngày mùa đông ở miền quê xứ Nghệ thời thầy dạy tại trường sư phạm. Thầy đã đi trong gió rét hun hút của mùa đông để đến trường. Bao bước chân thầy đã in trên cát mênh mông, bãi cát tung lên qua những trận gió Lào. Tôi hình dung ra tất cả, nhớ về thân hình, dáng đi, nụ cười của thấy, những bữa cơm rất đạm bạc của thầy tôi. Nhớ về lời thầy giảng, mỗi sáng bình minh lên. Thầy đã thắp cho tôi ngọn lửa. Ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương và say mê nghề nghiệp.

N.V.N