Cùng nhà thơ “Đi về phía mặt trời”

244

Phạm Sương Mai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Giữa lòng thành phố, những ngày mưa giông rả rích cũng không làm xua tan đi nắng nóng của mùa hè oi bức. Tôi thường hay mường tượng mùa hè với tiếng ve kêu âm ỉ, chen giữa những chùm hoa phượng vĩ, lúa ngoài đồng bắt đầu trổ bông, mùa hè trong ý thơ cũ của Bùi Đức Ánh lại len lỏi vào hồn tôi.

Nhà thơ Bùi Đức Ánh (Áo đỏ) và tập thơ Đi về phía mặt trời

Tôi đã đọc tập thơ mới này vào những ngày tươi đẹp và tệ hại trong đời. Có buồn bã và vui vẻ, có hạnh phúc và bi thương, có ngây ngô và chiêm nghiệm, có dũng cảm và chùn bước. Tất cả những khoảnh khắc ấy, “Đi về phía mặt trời” nhẹ nhàng dắt tôi qua. Khác với những tập thơ trước, tôi thấy “Đi về phía mặt trời”  lại phong phú hơn trong từng dòng cảm xúc. Nhiều đêm lòng bình yên, để tâm tôi đọc hết tập thơ này, nhà thơ “lão làng” có cách đặt bút gieo vần rất độc đáo. Có ai đem lòng yêu một loài hoa không sắc, không hương? Có ai quyến luyến những vần thơ khô khan không cảm xúc? Văn thơ là tấm gương phản chiếu hiện thực, là tiếng lòng thao thức từ những câu chuyện của cuộc đời.

Em có đi cùng “anh” về phía mặt trời, vì “anh” không thể rời những ngày tháng đó, những ngày có mây trôi xẻ dọc về phía bầu trời phân đôi, một nửa hồn “anh” ở bên em, một nửa còn lại trôi dạt với những tâm sự người đàn ông. Mở đầu tập thơ là cảm xúc về những phận đời bấp bênh bên ngoài xã hội, là nỗi lo vô hình của “anh” – một người đàn ông có trái tim giàu lòng trắc ẩn. Bao lần tôi tự hỏi, liệu nỗi lo và ước mơ của “anh” có lấp đầy tình cảm đôi lứa “anh” hiện có. Chẳng biết “anh” đã trải qua những gì, mà lại đem lòng thương cảm của mình sẻ chia cho nhiều mảnh đời như vậy. Nhưng vốn dĩ tôi cũng thích những người đàn ông từng trải qua thăng trầm cuộc đời, thấu hiểu nhân sinh, trăn trở vì “trong cuộc sống không chỉ có đôi ta”. “Anh” đã khéo léo mượn lời xin lỗi để thủ thỉ với một nửa của mình, đời này chỉ cần một người chịu nghe mình trải lòng, thế là mãn nguyện rồi. Đã trót mang nghiệp thơ thì ai rồi cũng phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt với những vấn vương, “anh” cũng chẳng phải là ngoại lệ.

“Anh bận suốt với những lo toan

Những mảnh đời còn khó hơn mình

Cuộc sống là sẻ chia

Và nhìn vào ánh sáng

Là con đường đi về phía mặt trời

Là những lần anh bận rộn

Em hờn giận anh chẳng buồn giải thích

Chỉ ước một điều em nhìn vào mắt anh

Nhìn vào những hoài cảm

Cùng những điều giản dị

Trong cuộc sống không chỉ có đôi ta.”

(Đi về phía mặt trời)

Có người bảo hình ảnh của biển và rừng thật sự rất giống nhau, cả hai đều mênh mông vô định và khi ở đó, con người ta đều thấy mình nhỏ bé, khó có thể tồn tại. Cũng không thể phủ nhận rằng chúng đều rất đẹp. Nhưng dù ta có đối xử với chúng như thế nào thì cũng như nước, như gió, chỉ đẹp khi ngắm từ phía xa. Biển hay rừng, cũng cần những đôi tay biết nâng niu bảo vệ. Tình yêu thiên nhiên, muốn gìn giữ “rừng vàng biển bạc” của nhà thơ đã nảy mầm vươn dậy trong ý thơ, gợi thương gợi nhớ khoảnh khắc hoàng hôn trên biển cả. Từ khung cảnh “hoàng hôn lặng gió”, “con thuyền chao đảo khơi xa” đến “con sóng nhỏ nghiêng chào”, tôi mê cái cách nhân hóa và sử dụng tu từ của nhà thơ để lồng ghép nên niềm tự hào quê hương đất nước, nơi vẫn luôn xanh thẫm bạt ngàn niềm tin hi vọng.

“Anh đến biển khi hoàng hôn lặng gió

Từng con thuyền chao đảo ở khơi xa

Con sóng nhỏ nghiêng chào

Bờ cát dài xao xuyến

Ôi, yêu biết bao nhiêu…

Quê hương ta rừng vàng biển bạc

Đất nước tự hào những thắng cảnh nương dâu…”

Dù hoàng hôn chỉ là một khoảng thời gian nhỏ như dòng cát chảy về phía đại dương, lại khiến con người ta không muốn rời tầm mắt. Biển hoàng hôn lặng gió, tưởng chừng như nghe rõ từng hơi thở của những cơn sóng vỗ. Rồi ào ào, sóng đập liên hồi, mạnh mẽ như chính nỗi lòng của những người giữ biển đang cảm nhận thanh âm đất trời, nghe tin đài báo bão mà gánh nặng âu lo.

“Bỗng một hôm nghe tin đài báo bão

Từng ngọn cây từng mái nhà ngã rạp

Lũ tràn về đau nhói thắt từng cơn

Con sóng cuộn từng đợt theo tin tức

Mỗi một ngày thêm nặng gánh âu lo”

Thơ ca cũng là mạch sống, hình tượng trong thơ “biển trời, từng giọt không khí” đã trở thành biểu tượng tư duy của tác giả. Tình và cảnh hòa nhịp, ý thơ của tác giả bỗng nhiên trở thành triết lý sâu xa về ý thức cộng đồng. “Mình chung tay gìn giữ biển trời, giữ từng giọt không khí”. Tiếng thơ cất lên tha thiết như lời khẩn cầu từng sinh mệnh cùng chung tay bảo vệ màu xanh của biển cả và rừng sâu, bảo vệ cho cả những thế hệ mai sau.

Em muốn nói với anh một điều nho nhỏ

Mình chung tay gìn giữ biển trời, giữ từng giọt không khí”

(Giữ sạch môi trường)

Khi tình cảm tự tìm cho mình một hình thức để bộc lộ ra ngoài thì ta có thơ. Thơ hay cũng giống như một sự ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta. Như nhà thơ Xuân Diệu từng viết:

“Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Đem cho em kèm với một lá thư

Em không lấy là tình anh đã mất

Tình đã cho không lấy lại bao giờ.”

(Nhà thơ Xuân Diệu)

Tình của Xuân Diệu là tình thứ nhất, là tình đã cho, dù có mất, cũng xin không lấy lại. Tình của Bùi Đức Ánh là mối tình xin khất nợ “trong kiếp này và muôn kiếp mai sau”. Từng dòng thơ của “Hình như anh nợ em” làm bật lên điểm chung của hai cuộc tình này là “yêu nhau mà không thể lại gần”.

Bởi yêu nhau mà không thể lại gần

Anh âm thầm mắc nợ thêm chút nữa

Cho nhớ em nhiều, cho lòng anh thắt lại

Bởi nợ đời nhau anh làm sao có thể

Quên em một phút dù cho là trong mơ

Nên xin phép em, cho anh đành khất nợ

Trong kiếp này và muôn kiếp mai sau.

(Hình như anh nợ em)

Thi sĩ và tôi có một điểm chung, là vẫn yêu Hà Nội, dù cho có khói bụi có kẹt xe, dù bao đổi thay lớn lên từng ngày. Nhưng tình yêu đó giờ lại không phải là loại tình yêu sôi sục, mãnh liệt như đã từng hồi trẻ, mà thay vào đó là sự dịu dàng và đầy ấm áp. Thi sĩ mang niềm nhớ thương và đắm chìm vào vẻ đẹp cổ kính của thủ đô nghìn năm văn hiến, đắm chìm trong cái chúng ta gọi là hiện tại, đã được hình thành từ sự tích lũy của quá khứ, từ tách trà bên lòng phố cổ, hương cốm thoảng đâu đây, hương sen bên hồ trúc bạch, đến những người bạn hữu gần xa về đông họp mặt tâm tình những câu chuyện từ lâu chưa có dịp nói hết.

“Phố nghìn năm nuôi lớn những linh hồn

Hà nội ơi trái tim người thi sĩ

Yêu quá nơi này những chiếc lá đong đưa

Xin được nói bằng vần thơ ấm áp

Hà nội yêu thương đón nhận bước tôi về.”

(Trái tim người thi sĩ)

          Nhân sinh đều biết “không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường”. Nhưng hiện thực được mấy người đi đúng con đường đó? Bởi phụ bạc luôn len lỏi trong máu của mỗi người, và những cuộc bỏ rơi nhau vẫn đang xảy ra ở đâu đó. Tôi sợ rằng phận đời phụ nữ xưa và nay đều sẽ như một câu văn mà Nguyễn Ngọc Tư từng viết “sống là một thứ bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ mà không cầm thì áy náy”. Rượu đắng, tình mãi không hồng, hờn dỗi trông mong một tấm chồng, khép cửa ôm con vọng tiếng thở dài hiu quạnh phòng đơn chiếc, nỗi lòng người thiếu phụ cả đời này được mấy ai hiểu.

“Ôm con giữa cô phòng

Trong đêm khuya vọng tiếng

Những dỗi hờn trông mong

Khép hờ khung cửa sổ

          …

Chút tình còn sót lại

Của lương tri con người

Rượu nồng sao nhanh nhạt

Đắng vành môi đang hồng.”

(Đắng vành môi đang hồng)

Thơ sinh ra từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay, tôi lướt qua từng câu chữ trong “Tình yêu cút bắt” mà lòng đầy hoài nghi.  Trò chơi trốn tìm tình yêu này đã đầy trắc trở, vậy mà câu trần tình của anh lại như đám cây mắc cỡ, trong cơn say anh cũng không đủ dũng khí, nên em nào hay biết.

Trong cơn mưa

Trong cơn say

Một mình tôi trốn chạy

Lời trần tình chết lặng góc phố quen

Mình tôi đó

Em nào hay nào biết

Sự vô tình của gió

Sự vô tình của mây

Nỗi buồn trong đáy mắt

Đọng sương khuya khánh kiệt

(Tình yêu cút bắt)

Giống như ngọn lửa bốc lên từ cành củi khô, tài năng xuất phát từ những tình cảm mạnh mẽ của con người. Từ bài thơ này đến bài thơ khác, tình cảm trong thơ Bùi Đức Ánh luôn chuyển động, chuyển động từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ rung động trực tiếp đến chiều sâu của nhận thức. Sáng tác có thành công hay không quyết định không phải do đề tài mới lạ, mà là do những phát hiện mới lạ sâu sắc trong những hiện tượng hết sức thông thường. Đọc thơ Bùi Đức Ánh giống như chính tâm trạng của chúng ta vậy. Thơ là tâm hồn, là tình cảm. Thơ của thi sĩ diễn đạt rất thành công mọi cung bậc cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, tâm trạng chán chường, tuyệt vọng, nỗi trăn trở, băn khoăn, sự hồi hộp, phấp phỏng, hay chỉ đơn thuần là một nỗi buồn vu vơ, một nỗi niềm bâng khuâng khó tả, một sự run rẩy thoáng qua, một phút chốc ngẩn ngơ. “Có những phút ngã lòng. Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Thơ ca muôn đời là hình thức chữa lành hỷ nộ ái ố giữa nhân gian bộn bề, hối hả. Thơ không chỉ nói hộ lòng mình, thơ còn là sự an ủi, vỗ về, động viên khích lệ người ta đứng dậy đi tới.

Cuối cùng, tôi vẫn nhớ mãi một câu nói, muốn nhắn gửi đến nhà thơ và bạn đọc rằng “một tác phẩm nghệ thuật chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng”.

P.S.M