“Tôi vi phạm pháp luật thì phải chịu sự xử lý. Cho phép tôi được xin lỗi mẹ. Mẹ tôi năm nay đã 97 tuổi, bây giờ giống như ngọn đèn sắp tắt”, ông Tài bật khóc.
Trưa 19/9, các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm muốn được tiếp tục tranh luận với VKS. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng cơ quan công tố đã 2 lần đối đáp nên không chấp nhận đề nghị này.
Trước khi HĐXX nghị án để tuyên án vào sáng mai (20/9), các bị cáo được nói lời sau cùng.
“Vi phạm thì phải chịu sự xử lý”
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói suốt 50 năm công tác, ông chưa bao giờ bị kỷ luật, nhưng đến những năm cuối đời lại dính vào lao lý. Đây là trải nghiệm vô cùng nghiệt ngã và cay đắng với bản thân ông.
“Tôi vô cùng hụt hẫng. Tôi không xấu hổ với chính bản thân mình vì tôi đã cố gắng cả cuộc đời, không có giai đoạn của tuổi trẻ, để cống hiến, mang lại hạnh phúc cho người dân TP.HCM. Nhưng quá trình đó không tránh khỏi thiếu sót. Tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tôi vi phạm pháp luật thì phải chịu sự xử lý”, ông Tài nói.
Ông Nguyễn Thành Tài ôm chầm người thân khi chuẩn bị rời tòa.
Ông Tài trình bày rằng trong vụ án này, ông không có động cơ trục lợi, không chủ tâm làm việc xấu để hưởng lợi. Sau quá trình công tác, ông lui về giảng dạy để truyền lại kinh nghiệm thành công, thất bại cho lớp trẻ. Do đó, việc vướng vào vòng lao lý khiến ông cảm thấy vô cùng có lỗi.
“Trong phần xin lỗi đó, cho phép tôi xin lỗi mẹ của tôi. Một người mẹ giống như bao nhiêu người mẹ Việt Nam khác đã đưa tiễn 4 đứa con của mình tham gia kháng chiến… Trong 4 anh em chỉ còn lại tôi. Mẹ tôi năm nay đã 97 tuổi… Mẹ tôi bây giờ giống như ngọn đèn sắp tắt, không biết lúc nào…”, ông Tài bật khóc, ngưng một lúc lâu mới tiếp tục nói.
Ông gửi lời xin lỗi đến người thân, đồng đội và người dân TP.HCM. Với tinh thần kỷ luật, ông sẽ nhận trách nhiệm trước những thiếu sót, lỗi lầm đã gây ra. Ông mong HĐXX xem xét cả công và tội để có bản án công tâm.
“Tôi đã ngộ ra một điều, đời người rất ngắn ngủi, sinh mạng con người rất mong manh. Với thế hệ chúng tôi, từng phút giây của sự sống quý lắm, trân trọng lắm. Tôi mong HĐXX xét cả công và tội, không chỉ bản thân tôi mà các bị cáo khác sẽ nhận được bản án có lý và có tình”, ông Tài kết thúc lời nói sau cùng.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty Lavenue) trình bày bản thân là người mẹ có 2 con nhỏ. Những tổn thương vừa qua là vết sẹo sẽ đi theo con của bà suốt cuộc đời. Ba mẹ của bà già yếu bệnh tật. Vốn liếng và tuổi trẻ, bị cáo đã dồn hết vào dự án trong 10 năm qua.
“Xin HĐXX công tâm, khách quan xem xét chứng cứ trong hồ sơ cũng như bối cảnh thực tế bấy giờ, mâu thuẫn quy định của pháp luật… Mong có được một bản án khách quan, công tâm, thấu tình đạt lý nhất”.
Bị cáo Trương Công Út (cựu Phó trưởng phòng Quản lý đất Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng thời điểm đó bị cáo không nhận thức rõ ràng quy định pháp luật để báo cáo lãnh đạo. Bản thân không được phân công xử lý hồ sơ mà chỉ phụ trách đánh máy văn bản. Theo bị cáo, mức án VKS đề nghị 3-4 năm quá nặng nên mong HĐXX xem xét giảm nhẹ.
Ông Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư quận 2) chia sẻ bị cáo bị buộc thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo sai suốt thời gian dài. Nhưng bị cáo cho rằng do lĩnh vực không thuộc chức năng, nhiệm vụ nên ông không nắm rõ.
“Bị cáo không được hưởng lợi ích vật chất cũng như vụ lợi cá nhân. Mức đề nghị 5-6 năm là quá cao. Mong HĐXX xem xét khoan hồng cho bị cáo được miễn hình phạt”, bị cáo Nam mong mỏi.
Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Anh Kiệt gửi lời cám ơn các luật sư bào chữa và mong HĐXX xem xét để có bản án phù hợp.
VKS: Không thể nói vụ án không gây thiệt hại
Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thành Tài cho rằng hành vi cũng như quyết định giao đất 8-12 Lê Duẩn của ông Tài được kế thừa từ thời ông Nguyễn Hữu Tín. Lúc đó, ông Tín đã có quyết định chỉ định doanh nghiệp thực hiện dự án, cụ thể là giao Công ty Hòn ngọc Viễn Đông.
Đồng thời, luật sư cũng không tìm thấy bất kỳ xác nhận tình cảm nào tác động đến quyết định của ông Tài được nêu trong hồ sơ vụ án. Với khẳng định của VKS rằng mối quan hệ của ông Tài và bà Thúy không phải bất chính, luật sư cho rằng đã góp phần đính chính quan hệ giữa các bị cáo với dư luận thời gian qua.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài.
Luật sư đề nghị xem xét lại hình phạt với ông Tài. Bởi trong vụ án này, thiệt hại đã được ngăn chặn từ lúc thành phố có quyết định thanh tra từ năm 2012. Không có giao dịch nào được thực hiện từ sau thời điểm đó.
“Trách nhiệm không thể quy hết cho các bị cáo, thiệt hại không thể tính toán đến thời điểm khởi tố. Đề nghị HĐXX xem xét”, luật sư Ngô Minh Hưng (bào chữa cho ông Tài) nêu quan điểm.
Tranh luận lại, VKS cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo kéo dài, tính đến 2018 Nhà nước mới ngăn chặn hết thiệt hại. “Chúng tôi tính đến khi nào thu hồi được quyền sử dụng 2 khu đất. Đây là căn cứ để VKS cho rằng hành vi phạm tội tính từ lúc thực hiện hành vi đến khi hành vi phạm tội được phát hiện và ngăn chặn”, đại diện VKS phân tích.
Cơ quan công tố cho rằng không thể nói vụ án không gây thiệt hại. Bởi nếu vụ án không được phát hiện, khu đất được chuyển nhượng cho bên thứ ba ngay tình thì Nhà nước sẽ khó thu hồi và có thể bồi thường một khoản tiền rất lớn.
Tuy nhiên, thiệt hại hơn 1.927 tỷ chỉ là căn cứ để định khung tội danh cho các bị cáo chứ không làm căn cứ để quy buộc trách nhiệm bồi thường.
Theo cáo trạng, khu nhà và đất số 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM), có tổng diện tích hơn 4.800 m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 20/11/2007, UBND thành phố có chủ trương phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại.
VKS cáo buộc bà Lê Thị Thanh Thúy đã dùng quan hệ tình cảm cá nhân để tác động ông Nguyễn Thành Tài ký nhiều văn bản, sau đó chỉ đạo 4 bị cáo còn lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước liên quan khu nhà đất trên.
Ông Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm đã chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Những chỉ đạo của ông Tài cùng với sự tham gia của các bị cáo khác đã tạo điều kiện thay đổi quyền sở hữu khu đất số 8-12 Lê Duẩn sang doanh nghiệp tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 1.927 tỷ đồng.
Theo Zing