(Vanchuongphuongnam.vn) – Phú Yên giàu tài nguyên biển, giàu nắng, giàu gió, nhiều cảnh đẹp…là nơi có nhiều danh thắng quốc gia. Con người Phú Yên hiền hòa, nhân ái, kiên cường đã không chỉ xây nên truyền thống nghĩa nhân cho quê hương mà còn làm lan toả truyền thống cao đẹp đó, kết nối tinh thần, nguồn lực, tiềm lực với bè bạn, với các địa phương và với bốn phương trời.
Bà Cao Thị Hòa An – Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên (bên trái) tiếp nhận tượng trưng quyển sách Đất Phú Trời Yên từ nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM.
50 năm năm trước, khi đi ngang qua Phú Yên, qua Sông Cầu nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Trưa sông Cầu
Bể một màu xanh thắm
Ruộng nghìn ô muối trắng
Biếc trời xanh ngang đầu
Có gì đâu? Gì đâu?”
Và Chế Lan Viên tự hỏi: “Không hương hoa và không tình ái” để rồi lý giải theo cách của người thơ “Một đất bình thường xe ta qua mau / Trả thù ta / Bắt lòng ta nhớ mãi / Sông Cầu ơi, sông Cầu…”
Vậy đó, Phú Yên vùng đất gợi tình với sự hòa mình giữa núi và biển, là nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên dải đất hình chữ S này.
Phú Yên giàu tài nguyên biển, giàu nắng, giàu gió, nhiều cảnh đẹp…là nơi có nhiều danh thắng quốc gia. Con người Phú Yên hiền hòa, nhân ái, kiên cường đã không chỉ xây nên truyền thống nghĩa nhân cho quê hương mà còn làm lan toả truyền thống cao đẹp đó, kết nối tinh thần, nguồn lực, tiềm lực với bè bạn, với các địa phương và với bốn phương trời.
Khu du lịch Sao Việt của Phú Yên là điểm đến của nhiều nhà văn, nhiều văn nghệ sĩ của cả nước và quốc tế. Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần tổ chức trại sáng tác tại đây. Quả là, vùng đất Phú Yên đã gây rung động, tạo nguồn cảm xúc sáng tạo cho văn nghệ sĩ, cho người cầm bút.
Nhân dịp mở trại viết lần thứ 3 tại Khu nghỉ dưỡng Đồi Thơm thuộc Công ty Du lịch Sao Việt, Phú Yên, vào những ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam 2022, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tập hợp các tác phẩm của các nhà văn đã dự trại viết hai lần trước, cùng sáng tác của những nhà thơ nhà văn tiền bối như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Võ Hồng, Nguyễn Mỹ…và thế hệ nhà văn, nhà thơ nối tiếp là người Phú Yên hoặc gắn bó với mảnh đất Phú Yên như: Trình Quang Phú, Y Điêng, Ngô Phan Lưu, Đào Minh Hiệp, Trần Quốc Cưỡng, Huỳnh Thach Thảo, Y Nguyên, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà, Bùi Văn Thành, Nguyễn Hoà…trong đó có thơ của nhà thơ Văn Công, một lão thành cách mạng của Phú Yên, có truyện ký của Tiến sĩ Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên…
Quyển sách được đặt tên “Đất Phú trời Yên” (cũng là tên của hai bài thơ trong tập sách) với mong muốn góp phần vừa thể hiện tình cảm, vừa gởi gắm tin yêu đối với mảnh đất trù phú, nghĩa tình.
Các sáng tác của các tác giả dù mới hay cũ, dù là người Phú Yên hay người chỉ một lần đến với Phú Yên, cũng đều lưu lại cảm xúc và ký ức khó phai nhạt với “Đất Phú trời Yên”.
Tác phẩm gồm cả thơ và văn, hồn nhiên nhẹ nhàng có, day dứt suy tư có, phong phú, bổ sung nhau, thể hiện được bản sắc độc đáo của mảnh đất Phú Yên qua các thời kỳ.
Sự hấp dẫn của tác phẩm có lẽ là cảm xúc chân thực, là những sự việc thực, người thực đã và đang góp phần làm cho vùng đất này ngày thêm phú, thêm yên.
Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ra mắt và giới thiệu quyển sách “Đất Phú trời Yên” tại Phú Yên với hy vọng gởi đến người đọc một chút gợi nhớ, một chút rung cảm, có thể làm khơi dậy hoặc trao gởi cho bạn đọc những hình ảnh, những ký ức về vùng đất phú anh dũng kiên cường trong hai cuộc chống xâm lược, một đất Phú đang từng ngày đổi thay, xây dựng để cho đất này càng phú quí hơn, đẹp hơn và yên bình hơn./.
Bích Ngân/VCTPHCM