Để được mang danh nhà văn chính hiệu

967

25.01.2018-18:20

NVTPHCM- Khá sốc khi chợt hỏi một vài chức sắc và nhà văn trung ương ở một số Hội Văn học Nghệ thuật địa phương về những người bạn viết khá thành danh mà tôi quen biết, rằng: đã xúc tiến làm hồ sơ đề nghị kết nạp họ vào Hội Nhà văn Việt Nam chưa, thì được trả lời lạnh tanh: văn ấy/ thơ ấy sao vào nổi làng chuyên nghiệp!

 

Lạ! Thay vì mấy ông ở Hà Nội làm khó, tự coi Hội Nhà văn Việt Nam như cửa đền thiêng, mỗi năm chắt bóp cho qua bậc thềm vài chục người nhỏ giọt thì chính mấy ông ở địa phương lại làm khó nhau, níu chặt vạt áo ở ngoài vùng ồn ào, chen lấn. Hãy để mấy ông trung ương siết dây chứ mấy ông địa phương thắt cổ nhau như vậy làm gì!

 

Có thật Hội Nhà văn Việt Nam là chốn linh thiêng đến mức có người đã phải thốt lên: vào Hội Nhà văn Việt Nam còn khó hơn vào Bộ Chính trị? Không! Hoàn toàn không phải vậy! Theo như sự hiểu biết còn hạn hẹp nhưng không đến nổi quá xa thực tế của tôi: Hội Nhà văn Việt Nam cũng không hơn gì các hội chuyên ngành trung ương khác ở chất lượng hội viên, thậm chí cung cách kết nạp còn cảm tính hơn nhiều so với một số hội khác, ví dụ như Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam hay Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

 

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã chọn một phương cách phát triển hội viên bằng điểm số mà tác giả ảnh tích lũy từ các cuộc thi ảnh khu vực, toàn quốc khi được treo hay được giải thưởng. Đủ số điểm qui định ắt được vào hội. Hoàn toàn chuẩn xác và chất lượng! Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì qui định rõ: người được kết nạp vào hội, chí ít cũng phải có bằng đại học âm nhạc hoặc tương đương, cộng với số lượng tác phẩm đúng qui định. Còn Hội Nhà văn Việt Nam, ngoài qui định đã xuất bản ít nhất 2 cuốn sách thì các tiêu chí khác vẫn còn nhập nhằng. Chính cái nhập nhằng ấy mà có nhiều tác giả đã có hàng chục đầu sách, gửi hồ sơ lên Hội Nhà văn Việt Nam ngót chục năm vẫn không biết khi nào mình được qua cửa. Các hội đồng dường như chẳng thể đọc hết tác phẩm của mọi tác giả, khi xét chủ yếu nghe hơi nồi chõ hoặc nghe các thành viên hội đồng ưu ái đề xuất ai đó, cứ thế cho ra một danh sách, trong đó lọt qua không ít những cái tên lạ hoắc, thậm chí là những cái tên phi nội lực…

 

Nói như vậy để thấy, văn chương quả muôn màu muôn vẻ và rất đúng với thành ngữ cửa miệng: văn mình vợ người. Mỗi tác giả có thế mạnh ở một khía cạnh, một vùng canh tác, qua đó có thể đứng cùng nhau trong hội đoàn, không ai được quyền mạnh miệng phán xét mình là chuyên nghiệp còn những người nào đó chỉ là dân nghiệp dư…

 

Không quá dễ dãi để công nhận một tác giả nào đó là nhà văn (hội viên trung ương) nhưng cũng không quá khắt khe khi thực thi thao tác xét kết nạp người ta vào hội. Điều cực kì quan trọng là đảm bảo tính khách quan, công bằng, sát thực và nhân ái. Một kho lưu trữ tại Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam xếp chồng hơn nửa ngàn hồ sơ xin trở thành hội viên mà mỗi năm chỉ xét kết nạp vài chục người thì quả cũng nên xem lại cung cách gác cửa ngặt nghèo này của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đặc thù, trong đó phẩm chất xác lập, tạo dựng phong trào luôn là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của nó. Trong xấp xỉ ngàn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay có phải ai ai cũng xứng đáng là nhà văn thứ thiệt? Trong hơn năm trăm tác giả đang chờ xét vào hội và mấy chục ngàn người sáng tác văn chương khác có không một nửa hay ba phần tư trong đó xứng đáng trở thành nhà văn thứ thiệt? Những câu hỏi như thế không dễ trả lời một cách vội vàng bởi thuyết tương đối vẫn đang hiện hữu. Và điều quan trọng nhất vẫn là cái tâm, cái tầm của người trên cũng như kẻ dưới, của tổ chức ở trung ương cũng như hội đoàn ở địa phương.

 

Trở lại vấn đề ở đầu bài đặt ra, vai trò và sự phóng khoáng đích thực của các hội văn học – nghệ thuật địa phương và các nhà văn trung ương ở địa phương đối với hoạt động phát triển hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có người đã trịnh trọng hóa vị trí hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đến độ lồng khung treo lên nơi trang trọng nhất của nhà mình cái thẻ hội viên của hội này, nên dưới mắt họ, dường như chẳng còn ai xứng đáng bước chung vào hội đoàn cùng với mình nữa. Và thế là họ không bao giờ muốn vận động, cổ vũ, dìu dắt bất cứ anh chị em sáng tác văn chương nào trong địa phương mình phấn đấu trở thành nhà văn thứ thiệt. Khi đã được vào Hội Nhà văn Việt Nam và tự coi mình là dân chuyên nghiệp thì dưới mắt họ bây giờ tất cả chỉ là hạng nghiệp dư và chẳng muốn ai tiếp bước mình. Đó là một quan niệm và cách ứng xử vừa phản qui luật vừa thiếu nhân văn, rất đáng bị phê phán.

 

Khác với đâu đó, ở Đồng Tháp, nơi chỉ có hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nên chúng tôi luôn tìm mọi cách để có được thêm những người đồng hội đồng thuyền. Hiện có 4 hồ sơ đề nghị xét kết nạp nằm tại Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam đã lâu lâu và đang chờ dịp may ập đến! Chúng tôi – những nhà văn trung ương ở địa phương – xét thấy họ quả rất xứng đáng để có mặt trong hàng ngũ này. Văn tài của họ chẳng kém gì chúng tôi và nhiều nhà văn đóng mộc khác! Phẩm hạnh của họ lại còn lung linh hơn nhiều người! Ở địa phương ủng hộ họ hết mình và mong chờ trung ương dón tay làm phúc để đội ngũ nhà văn trung ương ở địa phương ngày một thêm dày dặn, đông đảo. Đó là một mong muốn vô cùng chân chính và nhân văn!

 

Ai sáng tác văn chương thì cũng có thể được vinh danh bằng tên gọi nhà văn. Thực tế thì người ta vẫn đang gọi như vậy một cách khá phổ biến. Nhưng để được mang danh nhà văn chính hiệu, tức là trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì người viết còn phải trải qua một chặng đường rất đỗi nhọc nhằn, dài lâu. Cái khó đến từ nhiều phía: văn tài, cơ chế, quan niệm, phong trào…, trong đó thái độ chưa thật thiện chí của một số nhà quản lí văn nghệ và nhà văn đàn anh ở một số địa phương chính là một trong trở ngại hiện hữu, khiến con đường trở thành NHÀ VĂN của không ít người sáng tác có năng lực vẫn còn xa tít mù khơi…

 

THAI SẮC

 

 

>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…