Dỡ chà

1308

Phương Đình

Nhớ Liệt sĩ. Nguyễn Tấn Nhuần

“Gió đưa về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua” (Ca dao).

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dỡ chà là mô hình bắt cá sông mang tính dân gian ở thôn quê miệt Đồng bằng sông Cửu Long cách nay khoảng năm thập niên mà bây giờ gần như không còn tồn tại.

Trước tiên, người ta tìm những khúc sông gần bờ không sâu quá 10 m, nghĩ là nơi có nhiều cá tới lui mà ít ghe thuyền qua lại. Sau đó, gom những nhánh cây chắc thịt chịu nước như tràm, hoặc tre, dài khoảng 20m, vạt nhọn đầu lớn, đem cắm thật chặc đầu lớn xuống khoảng sông dự định chất chà, độ rộng 5m có nhánh um tùm đem chất xuống nước thành một đống chà rậm rạp tại vị trí 1/3 sông tính từ bờ.

Đầu to nhánh cây vạt nhọn để cắm chặt cố định xuống đáy sông, đầu kia lởm chởm cành nhỏ còn trơ lại loi ngoi chút ít khỏi mặt nước sông. Nhánh cây chất khít chặt nhau với mật độ vừa phải. Trên mặt nước phạm vi đống chà, người ta rải lục bình, rau mát để che khuất bớt ánh nắng tạo vẻ kín đáo, yên tĩnh ảo, để dụ cá tôm đến ở. Với nhiều nhánh chà khô tập trung tại dòng sông như vậy, đống chà tạo được môi  trường sầm uất, hạn chế bớt tốc độ dòng nước, thuận lợi cho các loài thủy tộc đến yên thân ẩn náu. Sau 3 hay 4 tháng dụ cá đến ăn, ở, bằng cách hằng ngày bỏ mồi nhử như tấm, cám rang, cơm vắt, con, ruột cá, thịt vụn bầm nhỏ… đến khi nồng độ cá tôm tập trung đậm đặc, người ta nghĩ tới việc dỡ chà bắt cá.

Đất Nam bộ, với đồng ruộng mênh mông như tấm thảm xanh mượt mà, trải dài mút mắt, trên đó sông rạch chằng chịt như mắc lưới, rất thuận lợi cho người dân quê đi lại bằng ghe xuồng và đánh bắt cá sông. Trước kia, hầu như mọi người ai cũng cảm thấy đời sống kinh tế dễ chịu. Người nông dân trong làng ít khi bị thiếu thốn cái ăn mặc trừ những năm không may mất mùa do thời tiết khô hạn hay bị cảnh lũ lụt bất ngờ ập đến. Quanh năm, người nào ra khỏi nhà thì trên bờ đã thấy có rau khoai, cua ốc; xuống sông không khó khăn tìm được cá tôm, lươn chạch để dùng trong các bữa ăn hằng ngày.

Quê tôi ở Bình Tân, miệt vườn nhỏ trù phú viền cặp bờ sông Trà Mơn uốn khúc chảy ra sông Hậu hiền hòa tư mùa lặng sóng. Dựa vào sông rạch bũa giăng với nồng độ đậm đặc cá tôm, người dân ruộng đồng đã nghĩ ra nhiều phương cách đi bắt các loài tôm cá nơi sông rạch. Vải chài, căng vó, kéo lưới, đăng cá hoặc giăng câu, súc cá tép nơi bờ sông rậm rạp ô rô, mái dằm cạnh gốc bần, bụi dừa nước… hoặc đặt nò dưới lòng nước tận đáy sông để chinh phục loài thủy tộc. Nhưng hào hứng, sinh động vượt xa hơn việc đi bắt cá trên đồng ruộng là công đoạn dỡ chà. Bởi lẽ ngày trước dân chúng còn ít, tàu bè đi lại trên sông còn lưa thưa, nên ở thôn quê vùng Đồng bằng sông Cửu Long nơi có lác đác cù lao, người dân nông thôn bình thường, không nhất thiết phải là ngư phủ chuyên nghiệp, ngoài đi kéo lưới, thả câu, có thói quen chất chà trên sông, đợi tới thời điểm thuận lợi dỡ chà bắt cá.

Thuở ấy còn mang lều chõng đi học ở tỉnh, cứ vào tháng 11, 12 âm lịch, khoảng không gian gần cuối học kỳ đầu năm học, vì nhà ở không mấy cách xa thành phố, anh em tôi thích đi bộ về nhà sớm vào buổi chiều trước một ngày để tham gia vào công việc dỡ chà của gia đình vào hôm sau. Ngày xưa, ở nông thôn miệt đồng bằng, sau mùa nước nổi, lượng nước mênh mông ở đồng ruộng dần rút xuống sông rạch, mang đi theo hết khối cá tôm sung túc đã quần tụ nơi đây vào mùa nước dâng ngập ruộng đồng vừa qua. Do vậy, bất cứ con sông lớn nhỏ nào ở thôn quê nhất là vùng đất An Giang, cũng dễ trở nên đậm đặc họ hàng nhà thủy tộc cùng với sự giao thoa mạnh mẽ của lưu lượng nước dập dìu đủ loại cá tôm, ồ ạt đổ về từ Biển Hồ của đất nước chùa Tháp: Chiều chiều, quạ nói với diều/ Cù lao ông Chưởng (1) dập dìu cá tôm. Nghề bắt cá sông nghiệp dư trong đó có việc dỡ chà khởi sự từ thời điểm, không gian này.

Ở miền đồng bằng miền Tây, thời tiết vào đông mát mẻ dễ dịu mà không quá rét lạnh như đôi lúc ở miền Bắc. Sáng hôm ấy, mẹ tôi lặng lẽ, cặm cụi một mình thức dậy sớm trước lúc mới bắt đầu sang canh ba trong khi cả nhà còn đang im lìm ngủ ngon sau một ngày bận rộn công việc ruộng vườn ở nông thôn. Ngọn lửa lập lòe của chiếc đèn dầu mù u do mẹ tôi đốt, quét tan nhanh chóng bóng tối khoảng không gian phía sau nhà bếp, làm ấm áp bầu không khí cả nhà. Ngọn gió đêm buổi chớm đông xào xạc lá cây, vọng lại từ mảnh vườn cây tạp bên ngoài. Chú thạch sùng nấp trong kẹt bồ lúa trong nhà thỉnh thoảng còn buông từng giọng đều, rời rạc nhỏ dần, xen lẫn với tiếng kêu eng éc của mấy chú chim heo bay ăn đêm về muộn trong khoảng không im vắng miền quê. Mẹ tôi nhanh nhẹn xuống nhà bếp, lấy chiếc nồi đất to tướng, đổ gần 5 lít nếp tẻ chuẩn bị từ hôm trước để nấu xôi ăn với muối mè đường cát mỡ gà (màu vàng). Chị Ba, chị Tư tôi, thuở  ấy chưa theo chồng, giật mình thức dậy, vội vã tìm giúp mẹ tôi. Các chị lăn xăn, người đi coi bếp lửa, người lo phụ gia cho nồi xôi to kềnh năm bảy người ăn.

Ngoài không gian, vầng sao Mai như hòn kim cương màu bạc vừa ló dạng, phả ánh sáng lấp lánh phương đoài. Đây là thời điểm quen thuộc ba tôi phải thức dậy, có mặt chủ trì cho các anh con bác Năm tôi nhà ở sát cạnh vườn và mọi người trong nhà. Nhưng ba tôi nhắc phải mọi người chịu khó đợi anh Hai tôi từ vùng trong về có mặt mới bắt đầu thao tác dỡ chà, vì anh Hai kinh nghiệm thạo việc này hơn cả.

Hai chiếc thau cũ, to chuẩn bị sẵn sàng đặt trên bộ ván gỗ cẩm lai cạnh nhà bếp. Một thau đựng đầy tới mép miệng trộn sẵn chung tấm cám rang, cái còn lại đựng những vắt cơm nguội do các chị thực hiện đầy đủ. Đây là thức ăn cơ bản quen thuộc hằng ngày được rải trước xuống những đống chà dưới sông để dụ các loài cá và tôm tép đến quần tụ đánh chén. Sau 4, 5 tiếng đồng hồ rải thức ăn xuống mặt đống chà trên sông, các lực điền cơ hữu đợi đến khi nước dâng đầy mới chính thức khởi đầu các công đoạn trọng tâm. Trong khi chờ lệnh khai hỏa trận thủy chiến với đám quân tướng của bà thủy tại đống chà, mọi người ngồi vào chiếc bàn mù u cũ 3 chân do anh Hai tôi đóng để ăn xôi trước dằn bụng. Ai nấy hồ hởi vừa ăn,vừa dự đoán trước về thành quả của công tác dỡ chà sắp diễn ra.

Năm nay chắc được mùa cá chà, vì mùa nước nổi vừa qua rất lớn, ngập lụt ruộng mương lâu có dịp cho cá rút hết xuống sông. Anh sáu Nhuần, con bác Năm tôi vừa ăn vừa nói.

Mới sáng sớm, đừng uống rượu trước, để sức làm việc nghe các con. Nhìn các anh, với vẻ mặt vui vẻ, ba tôi nhắc chừng chứ trên bộ ván bên cạnh nồi xôi không có bóng dáng chai rượu nào. Các anh tôi biết ba tôi theo đạo “khổng”: không rượu chè, không bài bạc, không mê bóng sắc giai nhân dù còn kẹt chút ít với thuốc lá nhưng ba tôi luôn hạn chế. Chỉ đến khi nào có đám tiệc, người mới nhấp môi theo thủ tục có lệ mà thôi. Do vậy, họ tộc nhà tôi gần như có truyền thống, ít có ai chè rượu hủ chìm như lưu linh. Tôi và thằng Tý em tôi dù có máu văn nghệ nhưng cũng chưa bao giờ sống buông thả rượu chè, đàn đúm ăn chơi, trụy lạc.

Đợi lúc nước sông dâng đầy, nước ngập phủ gần hết mấy nhánh chà khô lỏm chởm trên mặt sông, các chiến hữu mới bắt đầu những thao tác trung tâm để giữ cá lại trong đống chà, chờ nước sông rút bớt. Trước tiên, mấy tấm đăng nan lớn thật rộng cuộn tròn sẵn trên ghe được lấy nhanh, trải ra đưa xuống nước bao quanh thật kín đống chà. Mép dưới đăng nén chặt thật sâu xuống đáy sông cho cá tôm không thể chui ra ngoài khỏi đống chà. Mấy tấm lưới dài và rộng, bên cạnh dưới treo chì hỗ trợ thêm một lớp nữa bao kín mau lẹ quanh đống chà. Muốn cho chắc ăn, các anh còn phải lặn sâu xuống đáy sông để luồn cạnh lưới sâu xuống đất bùn cho cá không thể tìm cách chui ra đào thoát. Cả khoảng không gian trên lưới và đăng bên trên phần lưới, đăng trên mặt đống chà cũng phải bao phủ kín bằng đệm bàng hay lưới, không cho cá nhảy ra ngoài trở lại thế giới sông nước tự do của chúng. Tiếp theo đó là buộc vài chiếc xuồng vào cọc cắm quanh đống chà nhằm hứng những con cá cực kỳ ngổ ngáo như cá chài, cá bông… cố tìm sinh lộ nhảy thoát ra ngoài. Trên cọc tràm hay tre cắm quanh đống chà, cách mặt nước sông chừng 1m buộc thêm vài tàu cau hay miếng vải cũ khá rộng làm như lá cờ phất phơ trước gió trên sông nhằm báo hiệu cho thuyền bè qua lại và cũng để tránh làm rách lưới của chủ chà.

Trong không khí mát mẻ buổi sáng miền quê, ngọn gió đồng hiu hiu nhẹ thoảng cho mọi người nghỉ xả hơi thoải mái vài tiếng, đợi đến khi nước sông vực gần nửa, thuận tiện cho công tác dỡ chà, mới khởi sự công đoạn chính cực nhọc và lâu hơn nhưng cũng vô cùng hào hứng. Vì đây là giai đoạn thu hoạch chiến lợi phẩm từ sông nước. Khi nước sông bắt đầu vực dần, làm cô đọng dung lượng tôm cá trong chà thì cũng là lúc chúng bắt đầu như hiểu được tình cảnh nguy nan, tìm cách thoát thân. Chúng túi bụi nhảy lên rồi lại rớt xuống trên mặt nước trong phạm vi đống chà đã được bao bọc quanh nghiêm ngặt bằng đăng và lưới. Cảnh sinh động này khiến cho lũ chim bói cá – còn gọi là chim thằng chài (martin-pêcheur) – diều, quạ, cò, cống cộc… vần vũ đua nhau bay quanh không phận đống chà như phi cơ săn giặc, chực chờ cơ hội đớp mồi.

Thời gian dỡ chà trong giai đoạn gặt hái này rất khẩn trương. Nước sông lúc ròng chảy ra sông lớn càng đục ngầu thêm phía bên dưới đống chà do sự cựa quậy đào thoát trối chết của đám quân bà thủy. Hò hét mách bảo nhau inh ỏi trong lúc làm việc, người thì nhanh nhẹn từ trên xuồng vạch lưới với tay vớt lần lục bình, rau má, bèo tai tượng… lều bều trên mặt nước, người thi chui hẳn vào trong nhảy tỏm nước, nhổ những nhánh chà lớn chất trên mặt rồi đến những bó chà nhỏ lót sâu tận dưới lớp bùn đáy sông, đưa ra cho người khác bên ngoài. Không mấy chốc, nước sông đã vực gần nửa cũng là lúc bên trong đống chà mật độ cá tôm càng đậm đặc, chúng như điên cuồng đua nhau bơi, quậy, phóng, nhảy tưng bừng… giữa hai lớp lưới, đăng bao kín ngoài và những mảng lưới hổ trợ giăng trên, mắc dưới như “thiên la địa võng”. Ba tôi vốn cưng con cái học hành cực khổ từ thành phố mới về nên không cho tôi và thắng Tý em tôi làm việc nặng nhọc hì hục, bì bỏm dưới nước lạnh lẽo như các anh tôi vốn thạo công việc quanh năm ở nông thôn. Hai anh em tôi chỉ có mặt chầu rìa, tham gia hụ hợ toàn công việc nhẹ nhàng ở trên bờ khi nước sông còn đầy vì ba tôi sợ con bị té xuống nước nguy hiềm. Đến lúc nước thật cạn, hai anh em tôi được phép xuống chà bắt cá.

Cả bầy họ hàng nhà cá trắng nhỏ tội nghiệp như cá rằm, cá lòng tong, cá linh, cá thiểu, ca chốt, cá lăng, cá éc, lũ tép mòng, tép trấu, tép bạc, tôm lóng… chịu không nỗi trước tình thế nguy nan. Chúng lều bều trên mặt nước bùn đục ngầu, trồi lên lặn xuống, lép nhép thở một cách đờ đẫn nên dễ bị hai anh em tôi cầm rỗ lớn thong dong súc lấy dễ dàng.  Trong lúc đó, bên trong đống chà nước cạn dần, bốn năm anh lớn loay hoay trải rộng tấm lưới lớn, mắt dày, cố luồn sát tận đáy sông để bọc vớt sạch sành sanh hết khối lượng cá lớn cá bé đủ loại trong chà. Sau đó, các anh cứ từ từ, nâng lưới dần lên mặt nước và tập trung vào một góc lưới cạnh tấm đăng bao ngoài đống chà. Những con he trắng, he vàng, mè vinh, cá cóc, cá chài… hiền lành nằm yên chấp nhận số phận, chỉ những chú cá trèn, thác lác vặn vẹo cái đuôi qua lại, cựa quậy thân mình màu vàng trắng, lấp lánh dưới nắng trưa: Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe (Huy Cận). Thế rồi, chỉ cần một người dùng chiếc vợt súc cá, đổ lần vào những chiếc giỏ, thùng thiếc hoặc thau lớn để sẵn trên xuồng gần đó. Không khí tại thời điểm thu hoạch lúc này thật hào hứng. Ai nấy cũng mặt mày rạng rỡ với nụ cười hồ hởi, trò chuyện huyên thiên không khác cảnh đập lúa ngoài đồng vào những ngày mùa cuối chạp hoặc ra giêng.

Mỗi đống chà trung bình gặt hái được khoảng 4,5 giạ cá đủ loại từ cá lóc, cá bông, cá trê, cá lăng thường gặp nơi đông ruộng đến loại cá trắng như mè vinh, he vàng he trắng, cá cóc, cá chài, cá bống tượng cá éc, cá rô biển, bóng cát, tôm càng xanh, tôm lóng, tép bạc…Đôi khi cũng bắt được cá hô nhưng  ít có con nào lớn trên 100 ký như ở vùng Vàm Nao và các loại khác như cua, lươn, rắn nhưng thường là loại rắn bông súng không độc, lỡ có bị cắn cũng không nguy hiểm như loại rắn độc hổ mang, hổ đất, mái gầm. Đang lúc dỡ chà mà con cá nào sợ chết, nóng nẩy bạt mạng nhảy sổng ra trước như muốn tìm sinh lộ thoát chết bị rơi tỏm vào xuồng, sẽ bị bắt đem lên nướng hay nấu chua bần ngay, chuẩn bị luôn cho bữa cơn chiều mọi sau khi xong công tác. Cá đem lên bờ, được mẹ tôi và các chị lựa ra.

Cá loại lớn, ngon đem bỏ vào khạp rọng sau nhà hay cho vào giỏ, đậy, buộc kỹ nắp lại đặt xuống mương cau trong vườn để dành cho bà con hay ăn, loại vừa đem ra bán ở chợ làng ngay sáng hôm sau. Loại nhỏ còn lại dùng để kho tiêu, kho mắm hoặc làm mắm. Riêng những con cá chết hơi lâu, má tôi ướp sương muối phơi khô dành để ăn lâu ngày.

Công tác dở chà thường chính thức diễn ra ban ngày vào lúc 3, 4 giờ chiều gặp thời tiết nắng ráo càng tiện. Tuy nhiên, dạo ấy nhà tôi còn ở vùng xôi đậu, ba tôi có lúc đành phải tiến hành vào ban đêm để tránh con mắt cú vọ của những chiếc phi cơ giặc loại đầm già – phi cơ dò thám hay cồng cộc – loại máy bay oanh tạc. Dỡ chà ban đêm cũng tiện vì có các anh du kích trong làng tranh thủ theo anh hai tôi về tiếp tay, giúp đỡ ba mẹ tôi. Khung cảnh dỡ chà ban đêm rất vui. Dù cực hơn dỡ chà ban ngày, vì phải làm việc trong không gian tăm tối, nước sông lạnh lẽo nhất là nhưng khi gặp cảnh mưa gió bão bùng. Trong những lần dỡ chà đêm, ngoài những chiếc đèn bão treo ở mấy cây trụ tràm cắm quanh đống chà, tôi và thằng Tý em tôi cũng tình nguyện cay ngủ thức khuya, ngồi trên xuồng cầm đuốc soi sáng cho các anh làm việc.

Sau khi bắt hết cá tôm trong đống chà, anh em liền cho vào vị trí cũ của những nhánh cây để trả lại nguyên trạng đống chà như trước chuẩn bị cho mùa gặt sắp tới.

– Bắt đầu đi các con! Có cháo đậu xanh cá lóc nấu với nấm rơm nước dừa ăn mát bổ. Đến ăn cơm các con có canh chua cá kho. Đứa nào muốn ăn gì thì cứ ăn tự do. Riêng ba tôi, đành xuống tóc, mặc áo nâu sòng, tu thời cuộc ăn chay trường từ lâu để khỏi bị âm thầm thủ tiêu bởi bọn phản động theo giặc. Ba tôi vẫn ngồi chung cho vui trên bộ ván xoài gần mâm cơm mặn chung của các thành viên đã tham gia dỡ chà. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện lào xào ra vẻ như đoàn quân ăn mừng chiến thắng. Bữa cơm chiều khao quân vẫn không thiếu chai rượu đế mặn mà hương vị quê hương quyện lẫn với mấy câu vọng cổ cây nhà lá vườn mà đậm chất tài tử Nam bộ. Chút men cay chếnh choáng lung linh theo sóng nhạc dân tộc để anh em khề khà. Nhưng chén cơm mặn nồng tình nghĩa không rề rà kéo dài thời gian vàng ngọc.

Khi mặt trời vừa khuất sau mấy ngọn dừa lão phía tây, chỉ còn bỏ lại vài tia nắng thoi thóp trong không gian miền quê yên lặng, ba tôi vui vẻ gợi ý tạm dừng việc ăn uống để đảm bảo công tác khác và sức lực cho anh em. Bởi lẽ ai cũng còn công việc quan trọng phải làm trong ngày hôm sau. Anh hai tôi và các bạn nhanh nhẹn quày quã trở lại vùng trong… khi rượu vẫn còn đầy tới cổ chai: Du kích về thôn rượu chửa vơi (2) (Hồ Chí Minh).

Hôm nay, đất nước được thanh bình, thịnh vượng, ở quê tôi, mọi người an hưởng cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất không thiếu một thứ gì. Nhưng mỗi khi có cơ hội trở lại quê nhà, trên những con sông quê ngày đêm tấp nập ghe thuyền, xuồng máy qua lại, tàu cao tốc vùn vụt bay trên mặt nước, tôi không tránh khỏi thoáng chút ngậm ngùi! Vì còn đâu bóng dáng những đống chà quen thuộc và cảnh dỡ chà bắt cá sinh động trên sông nước thuở nào với hình ảnh không thể phai mờ của cha mẹ, người anh cả và chị dâu thân yêu của tôi đã hy sinh trong mùa kháng chiến.

(1) Ở vùng An Giang, sông Hậu
(2)  Thu dạ – Thơ Hồ Chí Minh

P.Đ