Đơn ca tài tử – “Hơi thở” của dân cư vùng sông nước Cửu Long

868

  Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ những ngày cha ông ta “đem gươm đi mở cõi” về phương Nam thì những điệu nhạc, điệu lý cũng mang theo. Và đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTTNB) dần hình thành, để rồi trở thành “hơi thở” của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bài ca nổi tiếng “Dạ cổ hoài lang” của cố soạn giả Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu và bài “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu đã đi vào đời sống tinh thần của cư dân nơi đây không những ở thế kỷ XX mà nó sẽ còn vang vọng mãi cùng năm tháng. Từ các miệt vườn xa xôi hay trên kinh rạch, sông nước, tới đâu ta cũng thấy văng vẳng tiếng đờn kìm, đờn nhị, song loan cùng với tiếng ca vọng cổ xuống sề rất mùi mẫn.

ĐCTTNB được hình thành vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Đây là dòng âm nhạc phong phú, giàu bản sắc dân tộc của một vùng sông nước Nam Bộ có nguồn gốc sâu xa từ nhạc cung đình và nhạc dân gian của miền Bắc trước đây. Khi ông cha ta tiến về phía Nam mở đất, các nghệ nhân từ miền Bắc và miền Trung cũng vào theo để khai hoang lập nghiệp. Bên cạnh những dụng cụ để khẩn hoang như con dao, chiếc rựa, cây cuốc… họ còn mang theo chiếc đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt (còn gọi là đàn kìm) để sau những giờ phút lao động vất vả, họ lại dạo khúc Nam bình, điệu Nam ai hay bài Tứ đại cảnh, hòng vơi đi nỗi nhớ quê. Trong bài thơ “Đất nước” nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Và cũng từ đây nền nhạc lễ miền Nam hình thành. Tuy vẫn sử dụng các bài trống, những bản nhạc cung đình của miền Bắc, miền Trung nhưng hơi nhạc ngày càng được cách tân. Sự đổi mới này bước đầu phản ánh tinh thần phóng khoáng của cư dân vùng đất mới Nam Bộ. ĐCTTNB được hình thành và phát triển từ nền nhạc lễ ấy.

Vào những năm 1930, ĐCTTNB đã phổ biến khá rộng ở miền Nam. Từ Đồng Nai xuống tận Gò Công, xuyên qua Tiền Giang, lan rộng tới tận miệt Bạc Liêu, Cà Mau… Tới đâu ta cũng thấy vang lên giọng hát, tiếng đàn, nơi đâu cũng có những nhạc sĩ tài hoa với những ngón đàn điêu luyện. Lúc bấy giờ ở Tiền Giang có nhóm của nhạc sĩ Lê Lợi Trinh, Ở Sài Gòn, Đồng Nai có nhóm của ông Ba Đợi, Hai Biểu, Ba Khuê. Ở Bạc Liêu có nhóm của ông Nhạc Khị, Ba Chột, ông giáo Vạn, ông Sáu Lầu. Ở Cần Thơ có nhóm của ông Sáu Hóa, Cò Quốc, Văn Chính (Chín thợ Bạc)…

Ở giai đoạn đầu trước 1945, các nhạc sĩ chỉ dùng các nhạc cụ thuần túy dân tộc như: đàn tranh (thập lục), đàn cò (nhị), đàn kìm (nguyệt), sến, đoản để đệm cho người ca. Sau 1950 thì có thêm một số nhạc cụ phương Tây được cải tiến như: guitare hạ-uy-di và vi-ô-lông… Nhờ thế mà ĐCTTNB ngày càng phong phú, nét nhạc dân tộc càng được phát huy. Một nhạc sĩ dù đã có ngón đàn tài hoa nhưng vẫn phải thường xuyên luyện tập để làu thông bài bản, hoặc ít nhất cũng phải thuộc được 20 bản tổ*. Đó là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán và 7 bài Bắc lớn. Nhiều người còn thuộc cả Thập thủ liên hoàn (10 bài thủ), Bát ngư (8 bài ngự), Tứ bửu (4 bài dâng vua).

Cái đặc sắc cũng là cái khó nhất của ĐCTTNB là người đệm đàn phải thuộc lòng các bài bản, chớ không được để bản nhạc trước mắt mà đàn như các nhạc sĩ tân nhạc. Do đó mỗi người đàn mỗi vẻ. Cùng hòa bản Xuân tình (thuộc 6 Bắc), hoặc bản Tứ đại (trong 4 oán), chỉ những chỗ nhịp chánh hoặc dứt mỗi câu, thì tiếng đàn của họ mới nhập cuộc với nhau. Còn các khoảng nhịp phụ thì mỗi người đàn theo tùy hứng của mình. Ngón đàn cao thấp, chỗ tài hoa của mỗi nhạc sĩ là ở chỗ ấy. Một điều đặc biệt nữa là khi có hai ban nhạc tài tử của hai địa phướng khác nhau, hoặc hai nhạc sĩ mới gặp nhau lần đầu, họ thường thử tài về ngón đàn. Trước hết là họ thử nhau về làu thông bài bản. Lúc đầu họ hòa với nhau những bài ngắn và dễ như 6 Bắc và 3 Nam, rồi 7 bài… Trong quá trình hòa tấu, các nhạc sĩ luôn đem những ngón đàn lạ, hiểm hóc, hoặc đàn chỏi nhịp để cố tình thử đối phương. Ngoài ra người đàn và người ca khi gặp gỡ lần đầu cũng tìm cách thử tài nhau. Người ca thì lựa những bài dài, khó để thử người đàn. Người đàn thì đàn mắc mỏ để thử người ca. Nhưng khi biết được tài nghệ của nhau thì họ ôm nhau tâm tình, cùng chia ly rượu nồng thắm. Nhờ cách tranh tài cao thấp ấy, mà từ người đàn đến người ca, ai cũng phải thường xuyên trau luyện ngón đàn của mình. Đó cũng là yếu tố để đưa ĐCTTNB ngày càng cải tiến và nâng cao.

Một yếu tố quan trọng khác để phát triển nghệ thuật ĐCTTNB là cách trình diễn của mỗi ban nhạc. Người có khả năng vượt trội trong nhóm được phong là đàn chánh. Người này như một nhạc trưởng, có trách nhiệm giữ song lang (loan) để điều khiển ban nhạc. Các tay đàn phụ phải đàn theo trường canh của đàn chánh. Nghĩa là khi đàn chánh muốn đàn mở ra, hay thúc vào thì người đànphụ phải đàn theo cho thật ăn khớp. Nếu ban nhạc có nhiều nhạc cụ như: tranh, cò, kìm, sến, guitare lõm, violon… thì người ta thường kết hợp sắp xếp thành bộ ba: tranh, cò, kìm thành một nhóm, guitar, violon, sến thành một nhóm. Sắp xếp như thế là dụng ý để tiếng và tiếng đồng hòa hợp với nhau, và cũng để loại đàn kéo và đàn gẩy kết giao với nhau. Cách phối khí như thế lúc nào cũng được người đàn tôn trọng. Đặc biệt trong lúc hòa tấu, phải có lúc khoan lúc nhặt. Tiếng đàn này nhỏ lại thì tiếng đàn kia lại nâng bổng lên, làm cho tiếng nhạc có khi xoắn xuýt, hòa quyện vào nhau, có lúc như đuổi bắt nhau, khi nhanh khi chậm, lúc vui lúc buồn tôn thêm vẻ đẹp của lời ca.

Khi nhạc phương Tây xâm nhập vào Việt Nam và phát triển mạnh thì ĐCTTNB bị lắng xuống một thời gian dài. Ngày nay, Đảng ta chủ trương phát huy vốn cổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thì ĐCTTNB lại khởi sắc. Những năm gần đây từ Trung ương đến các địa phương Nam Bộ đều có tổ chức các cuộc thi ĐCTTNB theo lối ca ra bộ, nghĩa là vừa ca vừa làm điệu bộ.

Năm 2003, đài Truyền hình Việt Nam VTV3 đã phối hợp với Tạp chí Thế giới mới mở cuộc thi về Sáng tác lời mới cho 20 bản tổ đã đạt kết quả tốt. Tháng 8 – 2007, tại tỉnh Long An diễn ra hội thi Đàn ca tài tử toàn toàn quốc lần thứ II, quy tụ hơn 200 diễn viên, nghệ sĩ yêu thích ĐCTTNB từ khắp các miền của Tổ quốc. Và từ 2008 đến nay hầu như năm nào cũng có các cuộc thi ở các địa phương, khu vực hay toàn quốc về  ĐCTTNB.

Ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Baku (Azerbaijan), “Đờn ca tài tử Nam Bộ” đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Từ ngày 24/4/2014 đến ngày 29/4/2014, tại Bạc Liêu đã diễn ra Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ Nhất với chủ đề: “Tình người, tình đất phương Nam” với 21 hoạt động chính diễn ra trên khắp địa bàn thành phố Bạc Liêu, quy tụ trên 400 nghệ nhân và nghệ sĩ của 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ tham gia các chương trình nghệ thuật. Nội dung của các hoạt động diễn ra tại Festival thật sự sôi động, đặc sắc, ấn tượng, mang đậm chất Nam bộ; vừa thể hiện nét riêng của tỉnh Bạc Liêu – quê hương bản “Dạ cổ hoài lang” – nơi đang bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật ĐCTTNB. So với các loại hình nghệ thuật của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì ĐCTTNB có nét đặc thù riêng là được phát triển rộng khắp ở khắp các tỉnh, thành phố phía Nam. Nó mãi mãi ngân vang trên miền đất giàu hoa trái và trí dũng của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

L.X

Ghi chú:

* 20 bản tổ gồm: 3 bản Nam (Nam ai, Nam xuân, Đảo ngũ cung). 6 bản Bắc (Tây thi, Xuân tình, Lưu thủy, Phú lục, Cổ bản, Bình bán chấn), 4 bản oán (Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam, Tứ đại), 7 bản lớn (Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê).