Gió bay đi, tình người ở lại

765

Vũ Từ Trang

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sống lâu, chết nhanh. Câu thành ngữ của cha ông để lại quả không sai. Vậy mà, tôi không tin nhà thơ – nhà văn Nguyễn Phan Hách, người bạn của chúng tôi đã rời cõi tạm gần một năm trời. Tôi vẫn hình dung ông sống đâu đây. Ông cười nói rộn ràng cùng chúng tôi những cuộc đi đây đó. Khi về làng Mão Điền (Bắc Ninh) quê ông, khi thì xuôi tỉnh Nam, khi đi xứ Đông, xứ Đoài…

Tác phẩm “Nơi gió bay” của cố nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Hách

Ông vốn là người hiền lành đôn hậu. Nhưng trong công việc, ông lại là người rất quyết đoán. Chả thế, ông đã vững vàng làm người đứng đầu cơ quan xuất bản mấy chục năm trời. Thời làm xuất bản, ông đã mạnh dạn ký duyệt in những cuốn tiểu thuyết “gai góc”, sau này, những cuốn tiểu thuyết đó được đánh giá là những tác phẩm tiêu biểu của văn học thời kỳ Đổi mới.

Sau ngày ông mất, gia đình phối hợp cùng Nhà xuất bản Dân Trí, nơi ông làm việc những năm tháng cuối đời, đã cho ra mắt tác phẩm “Nơi gió bay” chọn lọc trong số di cảo thơ-văn-nhạc của ông để lại. Người đọc hiểu thêm trọn vẹn con người của nhà thơ Nguyễn Phan Hách.

Nếu trong một số tác phẩm của ông đã công bố khi ông còn sống, có sức chứa ôm đồm của thời cuộc dữ dội, nhiều biến động (tiêu biểu là tiểu thuyết “Cuồng phong”), thì trong số các tác phẩm chọn giới thiệu từ di cảo của ông, là những trang văn, thơ, nhạc ngọt ngào, nhẹ nhàng và đắm say, dễ đi vào tình cảm người đọc. Quê hương, vẫn là đề tài nặng lòng của ông.

Sinh thời, ông là nhà thơ của nhiều bài thơ tình được chép trong sổ tay của nhiều nữ sinh. Trong tập “Nơi gió bay”, người đọc gặp lại cảm xúc thơ thới, trong trẻo của những vần thơ tình yêu, cho dù khi ông viết ở tuổi bảy mươi.

Tình yêu đầu như sớm đầu thu/ Gió tinh khôi, lụa vàng nắng trải/ Em mang hành trang tình đầu huyền thoại… Hồng vàng không kết trái sau mưa/ Tình đầu thành ngôi sao hoài niệm/ Miền không gian trong veo ẩn hiện” (Tình đầu).

Nhân sự kiện nhà vua Edward VIII, nước Anh, năm 1936, tự viết giấy thoái vị, giã từ ngai vàng để được lấy nàng Wallis dân thường, xúc cảm trước hành vi dám bỏ hết mọi quyền lực để đi theo tình yêu của mình, ông viết bài thơ “Chuyện tình có thật”, lối viết như kể chuyện dân gian. “Chuyện này có thật trên đời/ Mà như cổ tích của thời xa xăm/ Có ông vua trẻ nước Anh/ Phiêu diêu lãng mạn cuộc tình mộng mơ… Chỉ vì một cuộc hôn nhân/ Vứt quăng mũ miện, không cần hào quang/ Chỉ tình yêu ở thế gian/ Mới là tột đỉnh muôn vàn mến thương…“. Người ta bảo, tình yêu thời hiện đại phải moden, mới mẻ. Đúng, không ai phản bác. Nhưng ông lại nhìn ra, cái bi kịch của tình yêu: “Khi tình yêu tan vỡ/ Vẫn nỗi đau cổ điển muôn đời” (Mới và cũ).

Những nghĩ suy về nhân sinh quan, về triết lý sống luôn ám ảnh ông. “Trái đất bảy tỷ người/ Bảy tỷ con kiến/ Bò dọc ngang trên mặt đất/ Trái đất bảy tỷ người/ Bảy tỷ con ve sầu/ Khắc khoải khát vọng/ kêu đến thành xác ve… Trái đất bảy tỷ người/ Bảy tỷ con sói/ Lang thang trên đồng hoang” (Bảy tỷ người). Cuộc sống, với con mắt nhà thơ, ông thấy chỉ như một bàn cờ liên tục bày ra, xóa đi và bày lại: “Cuộc sống chả bình yên/ Những quân cờ nháo nhác/ Mặt đất buồn xơ xác/ Những cuộc cờ nối nhau…”.

Hình như chỉ có trong thơ, con người nội tâm của ông mới đươc giãi bày thành thật nhất: “Tôi có bao yêu thương/ Mà không có địa chỉ để gửi. Trước trang viết, ông không giấu nổi chút hoang mang: “Tôi làm thơ để làm gì?/ Tôi làm thơ để cho đi nỗi buồn… Ngớ nga ngớ ngẩn giữa đời/ Ngất nga ngất ngưởng tưởng người khùng điên“.

Sự cô đơn của kiếp người, ngỡ muốn giấu đi, mà không giấu nổi. Con người, đôi khi là hiện thân của cô đơn. “Giật mình tỉnh giấc đêm thu lạnh/ Cô đơn sương khói phủ mịt mờ/ Chỉ vầng trăng nhỏ bên song cửa/ Lẽo đẽo theo mình tự thuở xưa” (Bàn cờ).

Nghiệp chữ nghĩa, đã đem lại cho nhà thơ Nguyễn Phan Hách nhiều vinh quang. Bài thơ “Làng quan họ” của ông, nhờ nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, đã khiến ông nổi tiếng. Bài thơ phổ nhạc ấy đã trở thành tác phẩm “đi cùng năm tháng”.

Ấy nhưng nghiệp chữ nghĩa, ai cũng không tránh khỏi giây phút chán nản, thất vọng với chính mình. Có lúc, nhìn lại chặng đường đi qua, không khỏi buồn phiền. “Đánh đổi cả cuộc đời/ Lấy vài bài thơ nhỏ/ Đánh đổi bao tháng năm/ Lấy vài ba trang văn” (Cảm khái). Đấy là tự khắt khe với chính mình, chứ như thành tựu văn học ông đã để lại cho đời, đó là kết quả đáng kể, mà bao người cầm bút cả đời không mơ được.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã xuất bản: 5 tập thơ, 4 tiểu thuyết, 11 tập truyện ngắn, 18 ca khúc, với nhiều giải thưởng văn học giá trị. Người đọc rất cảm kích, khi ông tự thú: “Bao nhiêu năm/ Tôi vật nhau với chữ nghĩa/ Chữ nghĩa vật tôi ngã chổng kềnh/ Và tôi cũng vật chổng kềnh chữ nghĩa. Để rồi, cho sự kết cục bi thương: Chữ nghĩa vứt vào sọt rác/ Còn tôi thì vào lò thiêu xác” (Vật nhau).

Cái chết, quy luật sinh tử, ai mà tránh khỏi. Thôi thì địa táng, hỏa táng, ấy là việc của người đời lo liệu. Người viết văn, làm thơ, nếu có tài, thì những con chữ viết ra, nó là thể phách còn lại mãi, thoát ra ngoài phần xác. Đọc lại những vần thơ trên, theo tôi, thấy cũng là cách nói diễu nhại của ông mà thôi. Các nhà thơ cổ điển ở nước ta, cũng thường tự giễu nhại mình như thế. Nó có phẩm chất khiêm nhường, mà cũng chứa chất sự kiêu ngầm.

Nhiều trang tản văn, truyện ngắn trong di cảo của ông để lại, đọc lên, có đẹp đắm đuối như những bài thơ. “Bến quê” in vẻn vẹn có hai trang sách mà gợi nỗi nhớ làng đến bao la. Nỗi nhớ như thế nào?  Ấy là “Nhớ tháng giêng đập đất tra đỗ trồng cà. Nhớ bếp lửa chiều đông thơm mùi cá kho. Nhớ heo may rải đồng chim ngói bay về. Nhớ mùi rơm thơm mùa gặt. Nhớ bến quê lũ trẻ cởi chuồng bơi lội…”.

Những ai từng có tuổi thơ gắn bó với làng quê, đọc trang văn ông viết, hẳn nao lòng. Ở “Đóa phù dung”, ngỡ như ông đang giãi bày cảm thông cho một kiếp người thục nữ. “Cây Phù dung ở góc vườn. Tinh sương, bông Phù dung nở, trắng muốt ngát thơm. Đàn bướm bay qua nghiêng cánh chào. Phù dung xinh đẹp kiêu sa nhất đời, nhưng Thượng đế chẳng  nói cho ai biết trước số phận của mình…”.

Kiếp người xem ra mong manh, ngắn ngủi như một loài hoa. “Nàng không biết rằng, chỉ quá ngọ sang chiều, quyền năng của nàng đã mất hết. Một màu úa tàn gốc rạ, đã xuất hiện, len lỏi, đánh bật sắc trắng hồng trên cánh hoa“. Lại càng thấy, mọi thứ sẽ qua đi hết, chỉ còn tình người ở lại. Truyện “Tình mẹ” với lối viết giản dị, mà cảm động. Truyện kể về người mẹ ở làng quê chắt bóp nuôi con ăn học cho nên người.

Với những đồng tiền tích cóp từ việc bán hoa quả vườn nhà “chín hào cứ phải tích thành một đồng. Tiền đẫm mùi mồ hôi tay, cho vào lọ sứ, bịt chặt, chôn xuống nền nhà”, để đến khi  đủ tiền mua cho con trai căn hộ ngoài Hà Nội. Hạnh phúc tưởng mãn nguyện với người mẹ, ngờ đâu, bà lại đổ bệnh. Mà lại trọng bệnh. Bà bị ung thư, vì bao năm lầm lũi chăm mảnh vườn cùng thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Người con trai thương mẹ, nhưng mới ra trường, đâu có số tiền khổng lồ để chữa trị cho mẹ. Anh phải giấu mẹ bán ngôi nhà mẹ mua cho anh, phải nói dối mẹ là con đi làm được nhiều tiền, để đưa mẹ đi chữa bệnh, cho mẹ yên lòng. Nhà văn kết câu chuyện bằng đôi dòng, mà đắng đót lòng người đọc. “Những trái vải thiều quê, ngọt, nhưng sao mà đắng thế. Đời thường hai vị song song”.

Ở truyện ngắn “Quang sách”, tưởng như ông viết hoài cổ về thời Nho học, các ông đồ làng quê thường có đôi quang sách, xếp đầy sách chữ nho, treo trang trọng hai bên bàn thờ. Ấy nhưng không phải thế, nhà văn muốn phê phán văn hóa đọc ngày nay ngày một xuống dốc. Trong nhà, có bày tủ sách khung kính bóng lộn, nhưng những cuốn sách trong tủ sách hầu không bao giờ mở ra đọc. Lớp trẻ ỷ vào chiếc laptop, cần gì đọc sách, cho rằng tất cả kiến thức ở trong ấy rồi!

“Chuyện vui mấy anh em văn nghệ Kinh Bắc”, bằng lối viết hóm hỉnh, sinh động, ông đã vẽ nên bức tranh bạn bè làm thơ viết văn cùng quê hương của ông, với cảm xúc trân quý. Đấy là các nhà thơ nhà văn: Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ, Anh Vũ, Nguyễn Thanh Kim, Vũ Từ Trang… với những nét chấm phá khá đặc biệt, ông đã nêu được niềm đam mê khát khao sáng tạo của lứa bạn bè.

Làng quê ngày nay thêm giàu đẹp, nhưng cũng còn chứa chất bao hệ lụy. Truyện “Chị xã Tý” ông có phê phán về cái tục lệ còn hủ lậu. “Lệ làng, chết phải mổ lợn mời xóm, mời chạ, đến ăn cỗ, đưa cụ ra đồng. Không có, thì đánh bục trống, chẳng ai đến. Lo ma cho cha mẹ mới tròn đạo hiếu. Không lo, thì chả thành người, không dám ngẩng mặt nhìn ai khi ra đường…”.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Phan Hách là người yêu cái làng quê của ông hết mực. Làng quê Mão Điền cũng rất quý ông, dành hẳn sinh phần cho ông trong khu nghĩa trang giữa cánh đồng lúa xanh bát ngát. Chả biết có phải ngại hệ lụy tục lệ của làng, mà khi rời cõi tạm, ông không về sinh phần ở miền quê Kinh Bắc, mà dặn con cái đưa ông lên nằm nghỉ tận nghĩa trang Thiên Đức, miền đồi núi Phú Thọ.

Như quy luật tự nhiên, ngọn đèn cháy đến giọt dầu cuối cùng, trước khi tắt, bao giờ cũng ánh lên ngọn lửa lung linh nhất. Con chim trước khi lìa đời, bao giờ cũng cất lên tiếng hót cao sang và khắc khoải nhất. “Chữ nghĩa vứt vào sọt rác/ Còn tôi thì vào lò thiêu xác“, câu thơ ông viết, đọc gai người. Đấy là tâm thế của người đã đi qua nhiều thành bại, đã tới độ tĩnh tâm, vô vi.

Tâm hồn nhà văn, vốn là một khối mâu thuẫn lớn. Những tác phẩm văn học của Nguyễn Phan Hách để lại, xứng đáng đưa ông vào đội ngũ những nhà văn tiêu biểu của nền văn học nước nhà. “Nơi bay đi”, tập di cảo thơ, văn, nhạc là cả nỗi niềm đắm say và trĩu nặng, mà nhà văn Nguyễn Phan Hách gửi lại cho đời.

Tháng 3-2020

V.T.T