Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc.
GS – TS, nhà văn Mai Quốc Liên
Phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”
Hôm đó, trong lúc giải lao tại một hội nghị, sau câu “chào thầy” của tôi, GS Liên thủng thẳng “Có dạy cô ngày nào mà cô gọi tôi bằng thầy nhỉ?”. Lần khác, tôi hỏi về cuốn Tạp luận, ông thủng thẳng: “Chắc cô muốn hỏi chữ tạp? Trong nghĩa tiếng Việt, nghĩa chữ “tạp” không tốt lắm. Nhưng nếu đã đọc thì cô biết trong sách có bài thuộc khảo luận, bút ký, phê bình… được tập hợp từ năm 1970 đến nay. Gọi là “tạp” cũng đúng và tôi đặt tên Tạp luận là vì thế”.
Cũng phải khá lâu tôi mới quen được tính thẳng thắn, cương trực của người đất Quảng như ông.
Mai Quốc Liên là một nhà khoa học trầm tĩnh, ánh mắt sâu xoáy, thường có những bài viết kịp thời về các hiện tượng văn nghệ, phê phán những khuynh hướng lệch lạc, tác động vào sáng tác, nghiên cứu với phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Qua những ngần ngại ban đầu, tôi cảm nhận ở ông toát lên ý chí của con người tận tụy, khiêm nhường, cương trực, cũng như niềm đam mê, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Ông là một nhà khoa học uyên bác, sắc sảo, có trí nhớ tốt, có phương pháp làm việc khoa học, cách luận giải sâu sắc có lý, có tình về mọi vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật.
Tôi quen dần với cách nói thẳng thắn, không màu mè, hoa mỹ, cũng chẳng khéo léo, hình thức. Tất cả ở ông toát lên sự chất phác, giản dị, chân tình, thẳng thắn.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng tại làng Nông Sơn (nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), từ nhỏ, Mai Quốc Liên đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia phong, gia đạo, gia huấn và truyền thống hiếu học từ gia đình. Những bài hát ru của người mẹ đất Quảng tảo tần, đảm đang, mê hát tuồng, giỏi thơ ca, thuộc Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, thơ Phan Bội Châu đã thấm dần, gieo vào tâm hồn cậu con trai niềm đam mê văn chương.
“Người kim chất cổ” và “Người kim chất kim”
Sự nghiệp của ông gắn với nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam, Trung Hoa. Ông thừa nhận việc nghiên cứu chữ Nôm rất khó, còn khó hơn cả chữ Hán vì phải đi vào tiếng Việt cổ với ngữ âm, từ vựng cổ rất đặc thù. Là nhà khoa học, ông từng tham gia học tập, nghiên cứu, dự hội thảo khoa học ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp, Italy…
Là cây bút viết lý luận – phê bình văn học, ông coi trọng văn phong, cần mẫn để lại một sự nghiệp văn chương khá đồ sộ: Nhà thơ, cơn bão và những cánh hoa (1979); Ngô Thì Nhậm tuyển tập (1980); Ngô Thì Nhậm trong nền văn học Tây Sơn (chuyên luận, 1985); Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ (1986); Trước đèn (1992); Khảo luận Văn chiêu hồn (1991); Nguyễn Du toàn tập (1996); Phê bình và tranh luận văn học (1998); Tạp luận (1998); Cao Bá Quát toàn tập (2003); Nguyễn An Ninh – tác phẩm; Đỗ Phủ tinh tuyển; Toàn Việt thi lục…
Năm anh em (trái qua): Mai Quốc Liên, Mai Thúc Long, Mai Thúc Luân, Mai Thúc Lân và Mai Thành Bang (ảnh chụp tháng 1.2001)
Đặc biệt, ông làm Tổng chủ biên công trình Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh (1900- 2000) (25 tập, 20.000 trang). Với công trình này, lần đầu tiên, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung có một công trình tổng kết tác giả – tác phẩm bao quát đủ các lĩnh vực (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, ký sự, thơ, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, chính luận, lý luận – phê bình), thuộc nhiều trào lưu yêu nước, cách mạng trong trọn vẹn 100 năm thế kỷ 20.
Với kiến văn rộng, cuối những năm 60 thế kỷ 20, ông là tác giả và chủ biên nhiều công trình tầm cỡ về các các danh nhân văn học, văn hóa như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Trần Nhân Tông, Nguyễn Tông Khuê, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Phan Văn Trị…
Trong con mắt đồng nghiệp GS-TS Mai Quốc Liên được coi là “người kim chất cổ”. Nói như nhà văn Lê Quang Trang: “Anh cũng là “người kim chất kim”, vì những hoạt động cho văn học nghệ thuật đương thời. Chịu đọc, trí nhớ tốt, kết hợp được cổ kim Đông Tây, lại theo sát thời cuộc, nên sự liên tưởng liên kết các vấn đề trong tư duy của anh được nhiều người vị nể, khâm phục”.
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Mai Quốc Liên
Có một Mai Quốc Liên của thơ
Ngoài nghiên cứu, dịch thuật, chủ biên, Mai Quốc Liên còn sáng tác thơ. Ông là tác giả tập thơ Vị mặn biển đời với 41 bài thơ chọn lọc ra mắt năm 2003.
Tâm huyết, sâu sắc trong nghiên cứu, tôi còn thấy một Mai Quốc Liên đằm thắm, lãng mạn, tinh tế ở vị thế nhà thơ, trong thơ. Đã từng được ông giải thích đầy mê hoặc về câu ca dao tinh tế, sâu sắc ẩn chứa cái nghĩa, cái tình mộc mạc mà đặc sắc về đất và người quê hương: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”…
Tập thơ “Vị mặn biển đời”
Không là ngoại lệ, ông là một nhà nghiên cứu phê bình làm thơ. Nếu không đọc thơ, tôi không thể biết thêm còn có một Mai Quốc Liên khác ẩn tàng. Bên trongvẻ ngoài có phần khô cứng, lạnh lùng, khó gần ấy lại là một thi nhân hóm hỉnh, ân tình với bạn bè, nồng nàn, lãng mạn, đắm say trong tình yêu.
Cảm xúc trong Đêm mưa của thi nhân vời vợi nỗi nhớ thương: “Đêm nay nằm nghe mưa/ Thương em và nhớ con”; ấm áp yêu thương lời động viên:”Thôi đừng buồn nghe em/ Ngày mai về với anh/ Ngày mai hăm tám tuổi/ Lòng anh thành con suối/ Mát lành mưa đêm qua”.
Xuân và em luôn cộng hưởng trong cảm xúc thi nhân: “Cuối phố cây bàng đứng đợi xuân/ Cành non nhựa ứ búp xanh ngần/ Lá bàng năm cũ bay theo gió/ Em dắt Xuân về theo bước chân/ Xao xuyến trời xanh xao xuyến thơ/ Những lời nửa ý những cơn mơ/ Thời gian không cũ niềm mong nhớ/ Lòng vẫn trinh nguyên nỗi đợi chờ” (Em dắt Xuân về). “Em là mây trắng cuối Thu/ Anh là ngọn gió lãng du đi tìm/ Em là xao xác cánh chim/ Anh là ứa nghẹn tiếng tim không lời” (Em là).
Người con đất Quảng ân tình vời vợi nỗi nhớ về Hà Nội – nơi gắn bao kỷ niệm từ miền Nam ra tập kết, được miền Bắc bao bọc, yêu thương: “Anh để lại phía sau mình Hà Nội/ Một mùa Xuân chưa tới một mùa Thu… Bãi sông Hồng chơ vơ ngày nước cạn… Và sông Hồng trầm tích sóng bờ em” (Hà Nội phía sau mình). “Tuyết đầu mùa rơi rối cả lòng tôi/ Và gương mặt như giấc mơ thanh khiết/ Đã đọng trong tôi vị mặn biển đời” (Vị mặn biển đời).
Dành bao tâm huyết nghiên cứu, ông cũng thả mình vào những vần thơ với Nguyễn Du và Truyện Kiều “Sáng hôm nay chợt bắt gặp Tiền Đường/ Gặp hồn Nguyễn Du trên từng con sóng… Vì nếu lòng em còn xa cách lòng anh/ Ta sẽ mượn câu thơ Kiều loi thoi tơ liễu/ Cành liễu mềm như lòng em hiền dịu/ Và Nguyễn về sống lại giữa tim ta” (Bất chợt Tiền Đường).
Nhà thơ tự hào là người đồng hương với Anh hùng – Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi: “Làng anh ở cạnh làng tôi đấy/ Tôi đã về thăm anh Trỗi ơi/ Bụi ớt trước nhà chim đến hót/ Tiếng chim kêu thơ dại đến nao người” (Qua cầu anh Trỗi).
Ra mắt tập thơ Vị mặn biển đời, ông khiêm tốn tự nhận là nhà thơ “nghiệp dư”, nhưng nhà văn Lê Quang Trang lại thấy có “một tâm hồn nhạy cảm, nhiều bài cấu tứ chắc, giàu ý vị, từ ngữ chắt lọc, ý thơ sâu và bổ ích”.
Xin kết lại bài viết bằng suy nghĩ về nghề văn của GS Mai Quốc Liên: “Văn học cần những tác giả lớn, đánh dấu một thời đại, nhưng những người như thế, hàng thế kỷ mới có được một vài người và không phải thế kỷ nào cũng có. Còn chúng ta những “võ sĩ hạng ruồi”, phải tận tâm và ra sức mới mong có một chút đóng góp đích thực. Nhiều khi chỉ đóng góp được một chữ. Nhưng rộng ra thì văn học cũng là một phương pháp hữu hiệu để đóng góp cho đời. Cũng không ghê gớm gì nhưng cũng không tầm thường. Ngoài cái nghề cầm bút đó ra, có lẽ ta chẳng làm được việc gì khác nữa. Cho nên hết lòng ra sức “tận nhân lực, tri thiên mệnh”, được một hạt cát quý một hạt cát, chứ cuộc đời trôi chảy, trôi nhanh, níu kéo được ngày nào để làm việc, để vui với bè bạn, người thân là vui lắm rồi, hà tất phải mong nhiều, vượt quá sức mình”.
Trong cuộc đời mình, GS Mai Quốc Liên từng vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (2010); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2012).
Nhà văn, GS.TS Mai Quốc Liên qua đời vào lúc 1h05 ngày 10.3.2024 (tức ngày 01.02 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 85 tuổi. Sự ra đi của ông để lại nhiều thương tiếc cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và học trò.
Cuộc đời và một số tác phẩm của GS Mai Quốc Liên
Nhà văn Mai Quốc Liên sinh ngày 08.6.1940 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng tại làng Nông Sơn (nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Cụ Mai Luyện – ông nội ông đỗ tú tài. Bác ruột Mai Dị là cử nhân tham gia phong trào Cần Vương. Cha ông thạo chữ Hán, nói giỏi tiếng Pháp, chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, sớm đi theo cách mạng. Mẹ ông là con thầy đồ nho, yêu văn chương nghệ thuật. Nhà văn Mai Quốc Liên là con thứ tư trong gia đình có năm anh em trai đều thành đạt, được giáo dục chu đáo, chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học: anh trai Mai Thúc Lân (Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá X), anh Mai Thúc Long (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam)…
Tập kết ra Bắc, năm 1963, nhà văn Mai Quốc Liên học Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội). Là cử nhân văn khoa, năm 1970, ông tiếp tục học đại học Hán văn; năm 1972 học Cao học Hán học và chuyên tâm học ngoại ngữ. Sau khi miền Nam giải phóng (1975), ông chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh và định cư từ đó. Lúc đầu, ông nhận công tác tại báo Văn nghệ Giải phóng, sau làm giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Năm 1981, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1984, Mai Quốc Liên bảo vệ Tiến sĩ Văn học về danh nhân Ngô Thì Nhậm. Ông trải nghiệm qua nhiều vị trí công tác: cán bộ nghiên cứu ở Viện Văn học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương…
Cuốn Tiểu luận & phê bình văn học (Nxb Văn học, 2011) đã tập hợp những bài viết của GS-TS Mai Quốc Liên với chủ đề chính là các hiện tượng văn hóa, văn hóa dân tộc, sự hợp lưu giữa văn hóa và văn học.
Trong bài Mấy vấn đề về Nho giáo tại Việt Nam, ông đã bàn sâu về vai trò của Nho giáo tại Việt Nam đặt trong so sánh với Nho giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với nhận xét có tầm “Ngày nay Việt Nam đang mở cửa hội nhập, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong sự nghiệp đó, việc kế thừa và phát huy những tinh hoa của Nho giáo, gắn nó vào giáo dục, vào văn hóa, vào kinh tế, vào chính trị… làm cho nó trở thành một sức mạnh cũ mà mới, cổ xưa mà hiện đại là việc rất nên làm…”.
Về tiếng cười trong văn chương, Mai Quốc Liên đặt ra những đối sánh: “Đương thời, Nguyễn Công Hoan cũng cười, Tú Mỡ cũng cười, Đồ Phồn cũng cười, Lý Toét, Xã Xệ của Tự Lực Văn Đoàn cũng cười. Cái cười của Nguyễn Công Hoan nổ bùng vui vẻ nhưng nhanh chóng kết thúc, tiếng cười của Nam Cao là cười gằn đau đớn và u ám nhưng tiếng cười của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ là một tiếng cười nằm sâu trong hệ hình văn học Việt Nam truyền thống, đồng thời khác lạ không giống ai, thời sự, mới mẻ, hiện đại trong ngôn ngữ và trong cấu trúc tác phẩm”. Từ đó, nhà văn đánh giá cao tiếng cười đặc biệt của Vũ Trọng Phụng: “đã vươn tới tầm của “tiếng cười toàn dân” trong văn học dân gian, trong thơ Hồ Xuân Hương và vì thế tiếng cười của ông mang một tầm cỡ triết lý nhân sinh mà đồng thời vẫn mang ý nghĩa thời sự”.
Nhân kỷ niệm lần thứ 245 năm sinh Nguyễn Du, GS Mai Quốc Liên đề cập Chín hướng tiếp cận Nguyễn Du: Nhìn lại và đi tiếp, hay nói một cách khác, những “cách đọc” Nguyễn Du để chúng ta cùng nhìn lại và đi tới, đó là: tiếp cận chủ nghĩa nhân đạo; nghiên cứu so sánh giữa các nền văn học qua Truyện Kiều; khẳng định Truyện Kiều không phải là phóng tác, phiên dịch, “diễn âm” mà là một sáng tạo mới, sâu và lớn trên một tích truyện cũ; tiếp cận thi pháp Truyện Kiều; hướng nghiên cứu văn bản học; tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian và Truyện Kiều; nghiên cứu Truyện Kiều Nguyễn Du trong trường lý thuyết tiếp nhận; nghiên cứu những vấn đề của thơ chữ Hán Nguyễn Du, đặc biệt là Bắc hành tạp lục, để thấy rõ một Thái Sơn nữa trong văn học, tương đối với Truyện Kiều, thống nhất với Truyện Kiều và Nguyễn Du xứng đáng được nghiên cứu trên tầm bản thể luận.
LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Báo Thể Thao và Văn Hóa