Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn hóa đặc biệt, mang tầm vóc một thi hào

173

Những bí ẩn về thi ca và cuộc đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng bước được giải mã tại hội thảo quốc tế “Hồ Xuân Hương, danh nhân văn hóa và giá trị di sản” tổ chức tại Nghệ An ngày 3.12.

Ngày 23/11/2021, UNESCO đã ra nghị quyết thống nhất vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đến nay, trong 6 nhân tài đất Việt được UNESCO vinh danh (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu), duy nhất có Hồ Xuân Hương là nữ.

Tầm vóc một thi hào

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là con gái ông Hồ Phi Diễn (1703-1786), một nhà nho ở làng Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hơn 200 năm qua, Hồ Xuân Hương được biết đến là một tài năng văn học gắn với nhiều bí ẩn thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Các tác phẩm của “bà chúa thơ Nôm” đã được giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và dịch sang 12 thứ tiếng.


Hội thảo về Hồ Xuân Hương thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã tập trung phân tích vị thế, tầm vóc và lịch sử tiếp nhận, chuyển ngữ (dịch thuật) các tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thân thế, thi pháp, phong cách nghệ thuật và sức hấp dẫn, lan tỏa của thơ Hồ Xuân Hương.

GS-TS-NGND Trần Đình Sử nhận định thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người, tạo thành hiện tượng đột xuất của giai đoạn thứ ba trong việc biểu hiện nội dung sắc dục trong truyện Nôm và thơ Nôm.

PGS-TS Biện Minh Điền (Trường ĐH Vinh) đánh giá Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, mang tầm vóc một thi hào. Tiếng Việt, đặc biệt qua thơ Hồ Xuân Hương là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật đa nghĩa, nhiều hàm ý, quá sắc sảo, độc đáo và tài hoa, đầy thách thức đối với các văn nhân đương đại khi chuyển ngữ, dịch thơ bà sang tiếng nước mình.


Các nhà nghiên cứu quốc tế tại hội thảo.

Đánh giá về Hồ Xuân Hương, GS John Balaban (Đại học North Carolina State, Hoa Kỳ) nhận định: “Bà viết về cả những điều mà các nhà thơ khác không dám làm. Thơ Hồ Xuân Hương độc đáo, hiếm có, mang đậm bản sắc Việt Nam, có sức lan truyền rộng rãi trên thế giới. Bà là một nhà thơ đẳng cấp thế giới. Thơ của bà có thể làm lay động chúng ta ngày hôm nay cũng như đã làm lay động người Việt hơn 200 năm trước đây”.

Bảo vệ quyền nữ giới

GS Hà Minh Đức nhận định: “Hồ Xuân Hương là nhà thơ kiên quyết đổi mới. Phạm vi hoạt động chủ yếu của bà là ở lĩnh vực tinh thần. Bà phê phán tư tưởng độc quyền và đấu tranh cho quyền dân chủ, điều mà TS Niculin (Nga) cho bà là người có tư tưởng dân chủ nhất thời đó. Bà đặc biệt quan tâm đến đạo lý, đạo đức xã hội và phê phán tình trạng vô đạo đức của bọn hiền nhân quân tử. Hồ Xuân Hương đấu tranh cho quyền sống và hạnh phúc của người phụ nữ”.

Trong tham luận “Hồ Xuân Hương – người đương thời với chúng ta”, nhà thơ Jean Ristat (Pháp) cũng cho rằng, nữ sĩ là người tân tiến và cuộc đấu tranh của bà cũng là của chúng ta.


Tượng Hồ Xuân Hương tại khu lưu niệm của bà tại xã Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Đánh giá về tư tưởng đấu tranh của Hồ Xuân Hương qua thơ ca của bà, TS Triệu Văn Thịnh (Trường ĐH Tây Nguyên) khẳng định “thơ Hồ Xuân Hương ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, chống lại những gì phản tự nhiên; luôn bênh vực và ca ngợi đời sống bản năng của con người, không phân biệt vua chúa, hiền nhân quân tử hay bố cu, mẹ hĩm; luôn thể hiện khát vọng mãnh liệt về tự do và hạnh phúc”.

TS Phạm Văn Luân (Bến Tre) đánh giá: “Hồ Xuân Hương có tầm ảnh hưởng to lớn trên thế giới khi thơ của bà được dịch ở nước ngoài đứng hàng thứ hai chỉ sau Nguyễn Du, với 12 thứ tiếng, 30 bản dịch. “Bà chúa thơ Nôm” có một vị trí đặc biệt trên văn đàn thế giới không chỉ ở nghệ thuật thi ca độc đáo mà còn bởi những tư tưởng, những vấn đề mà bà đã chuyển tải thành thông điệp thời đại qua thi ca chữ Nôm. Những thông điệp của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sinh động khát vọng của con người về hạnh phúc, về tình yêu, công lý theo lẽ tạo hóa, thuận thiên đúng với tinh thần nhân bản, nhân văn mang tính phổ quát của loài người”.

Sự nghiệp “thi ca của Hồ Xuân Hương với khoảng 150 tác phẩm, trong đó có khoảng 100 tác phẩm bằng chữ Nôm, còn lại là bằng chữ Hán. TS Phạm Văn Luân nhận định: “Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ đi tiên phong dùng thơ ca đòi nữ quyền và bình đẳng giới. Thơ bà thâm trầm, sâu lắng khi diễn tả nỗi cô đơn của người phụ nữ, nhưng mạnh mẽ, bạo liệt trong phê phán những bất công xã hội, những bất bình đẳng giới”.

Nhà báo Nghiêm Thị Hằng (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng từ các tư liệu thu thập được đã khẳng định Hồ Xuân Hương là con người thật, có quê hương và gia tộc rõ ràng, không phải là huyền thoại. Theo gia phả họ Hồ, cha của Hồ Xuân Hương là cụ đồ Hồ Phi Diễn (1703 – 1786), không phải cụ Hồ Sĩ Danh (1706 – 1783) như một số tư liệu nhận định.

TS Hồ Bất Khuất (Trường ĐH Vinh) cũng khẳng định căn cứ cuốn Hồ Tông thế phả, Hồ Xuân Hương là nhân vật có thật và bà đã để lại di sản thơ như lâu nay nhiều người đã đọc, nghiên cứu. Họ tên thực của bà là Hồ Phi Mai, hiệu là Xuân Hương, tự là Cổ Nguyệt Đường. Bà sinh năm 1772 và mất năm 1822.

Theo Khánh Hoan/TNO