Hoa hậu H’Hen Niê: Mang nhan sắc bước vào thi ca

528

Hoa hậu H’Hen Niê trở thành giai nhân đầu tiên trong show biz Việt được tặng riêng một tập thơ ca ngợi nhan sắc, có tên gọi ‘Khúc hát H’Hen Niê” của tác giả Lê Thành Văn, do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành. Vẻ đẹp hoa hậu và vẻ đẹp thi ca, cũng mang lại cho công chúng nguồn năng lượng tích cực trong những ngày giãn cách xã hội.

Câu chuyện cô gái Ê Đê – H’Hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, sau đó tiếp tục đứng vào top 5 của Hoa hậu Hoàn Vũ quốc tế, đã thực sự tạo nên một niềm tự hào lớn lao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 4 năm kể từ ngày H’Hen Niê đưa mái nhà tuổi nhỏ đơn sơ của mình ở buôn Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk bước ra ánh sáng của đám đông, hình ảnh của Hoa hậu thân thiện này lại một lần nữa lấp lánh qua tập thơ “Khúc hát H’Hen Niê” do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành.


Hoa hậu H’Hen Niê là biểu tượng nhan sắc Ê Đê.

Đã từng có nhiều cô gái dân tộc thiểu số giành được vị trí cao ở các cuộc thi Hoa hậu như Trương Thị May hoặc Triệu Thị Hà. Thế nhưng, trường hợp H’Hen Niê đặc biệt hơn, vì cô bắt đầu từ lầm lũi và cam chịu. Nơi H’Hen Niê sinh ra và lớn lên vốn rất nghèo. Gia đình H’Hen Niê cũng quanh năm làm thuê làm mướn để có kế mưu sinh. Vì vậy, danh hiệu mà H’Hen Niê giành được đã khiến một vùng đất đỏ bazan rộn ràng niềm vui. Trong lịch sử các sân chơi nhan sắc ở nước ta, chưa có Hoa hậu nào đăng quang mà bố mẹ phải vay 1 triệu đồng làm lộ phí cho một chặng đường không xa lắm, từ Đắk Lắk xuống Nha Trang, để ủng hộ con gái mình, như chuyện có thật của H’Hen Niê. Điều đó khiến nhiều người rưng rưng xúc động và càng cảm phục bội phần, khi chính H’Hen Niê chia sẻ: “Nhà tôi không có tiền. Mỗi lần có người nào phải ra thành phố Ban Mê Thuột khám bệnh thì đều phải tạm ứng trước tiền công hái cà phê của bố tôi!”.

Tác giả Lê Thành Văn là một giáo viên dạy Văn ở Buôn Hồ, Đắk Lắk từng day dứt về những học sinh nữ Ê Đê thường bỏ học từ cuối bậc trung học cơ sở để đi lấy chồng. Vì vậy, khi H’Hen Niê dám khước từ hủ tục ấy và giành được vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 25 tuổi thì tác giả Lê Thành Văn có cảm hứng sáng tác một tập thơ.

Tác giả Lê Thành Văn chia sẻ: “Sự kiện H’Hen Niê trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 đã làm nức lòng người dân Đắk Lắk, mà vui nhất là bà con đồng bào dân tộc Ê Đê. Khỏi phải nói là tôi và các em học sinh người Ê Đê sung sướng và tự hào đến dường nào. Suốt cả tuần, cứ lên lớp là tôi lại ngợi ca tấm gương phấn đấu vươn lên của H’Hen Niê, nhất là chuyện Hoa hậu đã dám từ chối lời đề nghị của gia đình khuyên mình kết hôn năm 14 tuổi. Từ sự kiện H’Hen Niê giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, với lòng ngưỡng mộ, kính phục khát vọng vươn lên của một cô gái Ê Đê bình thường nhưng đầy nghị lực và bản lĩnh, tôi đã viết tập thơ “Khúc hát H’Hen Niê” như một thông điệp gửi đến bạn đọc, nhất là các bạn trẻ và học sinh người Ê Đê về những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời mà bất kỳ ai cũng có thể làm được”.

Tập thơ “Khúc hát H’Hen Niê” gồm 35 bài thơ, như những thước phim chậm về hành trình chinh phục của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. Tập thơ “Khúc hát H’Hen Niê” bắt đầu tư giây phút “Đêm buôn làng mừng Hoa hậu” khó quên: “Buôn Sút M’đưng đêm nay không ngủ/ Trăng nghiêng nghiêng đợi H’Hen về / Suối rong rong chảy niềm mong nhớ/ Lâu lắm rồi từ H’Hen xa quê/ Lâu lắm rồi từ độ H’Hen đi“. Và tiếp theo là tâm trạng của người cha Âm H’Hen về thành quả của con gái: “Lần đầu tiên/ Tôi nhìn bàn tay ông run run/ Khi chạm vào vương miện con gái/ Sửa lại những viên kim cương xô lệch/ Ngày H’Hen đăng quang Hoa hậu/ Những nếp nhăn trên gương mặt ông cười“.


Bìa tập thơ “Khúc hát H’Hen Niê”.

Hoa hậu H’Hen Niê là con gái thứ ba trong một gia đình có 6 người con. Nếu H’Hen Niê chấp nhận số phận thì có lẽ giờ đây cô đã thành một phụ nữ Ê Đê sáng sáng đi tỉa ngô trên nương rẫy, chiều chiều ngồi ru con bên nhà sàn. Rời khỏi buôn Sứt M’đưng nhiều khốn khó, H’Hen Niê theo học một năm dự bị tại Nha Trang rồi thi vào Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM.

Là sinh viên dân tộc thiểu số, H’Hen Niê được miễn học phí nhưng chi phí sinh hoạt tại đô thị cũng là vấn đề rất nan giải. H’Hen Niê đã đi làm thuê, rất nhiều nghề khác nhau, từ lau dọn quán ăn cho đến giúp việc giữ trẻ. Những ngày làm osin cực nhọc vẫn không khiến H’Hen Niê nguôi ngoai mơ ước làm chủ cuộc đời mình. Không thể quẩn quanh trong u buồn và không thể đầu hàng nghịch cảnh, H’Hen Niê luôn tự dặn mình như vậy để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi H’Hen Niê được mời làm người mẫu cho một công ty, chính chủ nhà từng thuê H’Hen Niê cũng quyến luyến cô gái Ê Đê chăm chỉ và tháo vát. Chốn son phấn chưa bao giờ có chỗ cho những người túng thiếu. H’Hen Niê đã từng bật khóc khi dừng chân ở top 8 cuộc thi “Người mẫu Việt Nam” nên cô rất hiểu điều ấy. Thế nhưng, H’Hen Niê vẫn quyết tâm đi thi Hoa hậu, vì cô muốn vượt qua chính mình, vượt qua mặc cảm đeo bám về những ngày chật vật và gieo neo. Và quan trọng hơn H’Hen Niê muốn khơi dậy ý chí vươn cao, vươn xa cho những cô gái nghèo như cô, nhất là những cô gái Ê Đê luôn âm thầm và thụ động giữa nắng gió đại ngàn Tây Nguyên.

Hình ảnh H’Hen Niê trở thành một đặc sản của buôn làng. Bài thơ “Đêm ở nhà dài Hoa hậu” miêu tả sự hân hoan của người dân chứng kiến sự xuất hiện của một nhan sắc nơi thôn dã vùng cao: “Đêm nhà dài bồng bềnh câu chuyện/ Hoa hậu H’Hen của núi rừng/ Chợp mắt, con gà vang tiếng gáy/ Bếp lửa bình minh cháy bập bùng/ Cả Trại Núi Hoa không thèm ngủ/ Nghe từ thăm thẳm tiếng thời gian/ Nghe trong mạch đất tình sâu thẳm/ Kết tụ nhân gian một bóng hồng“.

Tất nhiên, hành trình của Hoa hậu H’Hen Niê hoàn toàn không được trải hoa hồng. Những ngày mới rời khỏi buôn làng thực sự thử thách cô gái Ê Đê: “Lần đầu tiên trước ánh đèn phố thị/ H’Hen – cánh chim non đại ngàn/ Một mình tìm đất sống/ Tiền Amí cho làm lộ phí/ H’Hen giấu nơi đế giày/ Sợ lắm Sài Gòn cạm bẫy…“.

Và khi trở về với danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam trên một chiếc máy cày, H’Hen Niê được nhận lại tình thương của mọi người trên nương dưới rẫy: “H’Hen như cánh chim nhỏ trên đồng xanh/ Trên rẫy nương mùa màng hoa trái/ Trên quê hương ngàn năm mời gọi/ Như dòng sông băng qua làng buôn thương nhớ bãi bồi/ H’Hen muốn bay ôm cả bầu trời/ Câu hát no tròn cái miệng/ Điệu khan nào đời ông bà truyền lại/ Đã cháy lên cùng bếp lửa hồng/ Bếp lửa nuôi đời H’Hen lớn khôn/ Ôi quê hương buôn Sút M’đưng/ Ngọt lành mỗi khi H’Hen về lại/ Cửa mở bao ngôi nhà thơm thảo/ Trẻ con đen tròn đôi mắt thơ ngây/ Ấm tiếng chào mỗi buổi sớm mai/ Tiếng cục tác con gà mái đẻ/ Như thuở nào H’Hen lên rẫy/ Tung tăng nắng vàng chân sáo thần tiên“.

Tác giả Lê Thành Văn nhấn mạnh về giá trị thẩm mỹ của tập thơ “Khúc hát H’Hen” mà mình dành nhiều tâm huyết: “Để dễ tiếp cận với số đông độc giả, tôi viết tập thơ bằng những cảm xúc tự nhiên, nhẹ nhàng, ngôn ngữ khá dễ hiểu và phần lớn bắt nguồn từ hiện thực cuộc đời của Hoa hậu H’Hen Niê”. Tập thơ “Khúc hát H’Hen Niê” được in song ngữ, với phần dịch sang tiếng Ê Đê của nhà nghiên cứu Y Kô Niê.

Bây giờ 29 tuổi, Hoa hậu H’Hen Niê vẫn là một biểu tượng của nhan sắc Việt. Những chàng trai Ê Đê vẫn ngóng trông Hoa hậu H’Hen Niê khoe dáng ở đô thị phồn hoa bằng niềm riêng: “H’Hen đừng làm khổ anh đôi mắt/ Đôi mắt ướt một chiều đông/ Đôi mắt suốt đời anh qua không được/ Đôi mắt dài hơn nỗi nhớ mong/ H’Hen đừng làm khổ anh đôi chân/ Đôi chân măng rừng xao động/ Đôi chân bước vòng xoang lắng nhịp/ Đêm nhà sàn nghiêng ánh lửa bập bùng/ H’Hen đừng làm khổ anh eo thon/ Ôi cái ong vàng the thắt/ Eo thon ngày xuống phố/ Có người về cái bụng không yên“.

Theo Tuy Hòa/VNCA