Kính viếng linh hồn nhà thơ Hoài Tường Phong
Lê Xuân
(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày 10-7-2024, nhà thơ Hoài Tường Phong – Hội viên Hội Nhà văn Cần Thơ đã rời cõi tạm về miền cực lạc. Trong tâm trí tôi anh là người bạn đáng kính. Anh kém tôi một tuổi nhưng lúc nào gặp nhau cũng anh anh, em em. Từ những năm 1980 khi tôi mới từ Bắc vào Nam làm nghề dạy học, chưa quen biết bạn bè văn nghệ sĩ đất Chín Rồng thì anh là cầu nối giới thiệu tôi với các văn nghệ sĩ Cần Thơ, như các nhà văn Hoài Nam Tử, Nguyễn Khai Phong, Nguyễn Bá, Lê Chí, Lê Minh Phán, Võ Minh Đường, Phù Sa Lộc, Phương Huy, Huỳnh Văn Nguyệt… Từ trước 1975 anh đã có thơ và truyện đăng trên các báo và Tạp chí văn nghệ miền Nam. Và sau ngày giải phóng do phải vật lộn với miếng cơm manh áo nên anh viết ít, chậm và chắc, chủ yếu đăng báo và Tạp chí văn nghệ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà thơ Hoài Tường Phong
Anh là Nguyễn Ngọc Sương sinh năm 1945 (có các bút danh Hoài Tường Phong, Linh Thảo, Đào Đức Linh) quê Tiền Giang, sống và làm việc tại Cần Thơ, đã xuất bản tập thơ “Qua cầu” (NXB Văn Nghệ Tp HCM, 1977), tái bản năm 1980. Anh có nhiều tập thơ in chung với bè bạn, tiêu biểu hơn cả là tập “Những nẻo đường phù sa” (in chung với ba nhà thơ khác, NXB Văn nghệ Tp HCM, 1999).
Năm 2001 anh đoạt giải 3 truyện ngắn “Nợ trần gian”. do báo Cần Thơ và Hội VHNT Cần Thơ phối hợp tổ chức. Năm 2009 trong cuộc thi thơ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do hội Văn Nghệ Cần Thơ đăng cai tổ chức, bài “Trăng nghẹn” được Ban giám khảo chấm giải Nhất trong số 950 bài dự thi. Nhưng khi chuẩn bị trao giải lại bị hủy vì có những ý kiến trái triều. Tiếc thay!
Để có tiền nuôi gia đình và làm văn, anh làm thêm nghề “trồng răng” và cùng vợ bán giải khát, hủ tíu, mì, vịt nấu chao… kiếm sống qua ngày. Mãi gần cuối đời anh mới có căn nhà cấp 4 để ở, còn trước đó là đi ở trọ để hành nghề và bán hàng nuôi mộng văn chương. Anh em văn nghệ sĩ Cần Thơ thường rủ nhau đến ăn ở quán bình dân của anh để góp phần hỗ trợ, nhưng đôi khi anh “chiêu đãi” không nhận tiền. Khi bạn bè gặp khó khăn dù trong túi còn một đồng anh cũng bỏ ra giúp. Với lối sống chân tình và giản dị ấy anh được bạn bè rất yêu quý.
Anh viết nhiểu thể loại, thơ, truyện ngắn, tản văn, bút ký, khảo cứu văn nghệ dân gian, nhưng thành công hơn cả vẫn là Thơ. Anh để lại hàng trăm bài thơ với nhiều thể loại: lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, thơ tự do cũng đủ cho ta thấy tâm hồn, tính cách, ước mơ của anh luôn hướng về một cuộc sống an lành “nặng nợ trần gian” với bao đau đáu và hoài vọng. Những kỷ niệm xưa, những băn khoăn trăn trở về cuộc sống đời thường đầy cam go như ám vào mỗi bài thơ hay truyện ngắn.
Nhà thơ Hoài Tường Phong và Nhà Lý luận Phê bình Lê Xuân
Đây là nỗi nhớ thương về người yêu cũ sau 10 năm xa cách: “Xưa con đường đất đỏ/ Hai ta đi sớm chiều/ Cơn mưa về bất chợt/ Ngồi co ro chòi xiêu” (Sao vẫn thương nhớ hoài). Đây là nỗi xót xa ân hận khi chị Hai của mình mất mà không về viếng được do anh lận đận kiếm ăn ở quê người xa xôi: “Bao năm trời lận đận/ Tìm miếng ăn quê người/ Em không lần thăm chị/ Dù nhớ thương khôn nguôi” và anh hứa với chị: “Em đã nguyện với lòng/ Ra đời đi làm việc/ Sẽ dành dụm từng đồng/ Đáp đền ơn nghĩa chị” (Chị tôi). Hay mỗi khi tết đến xuân về, anh nhớ người mẹ tảo tần đã mất và ân hận chưa mua cho mẹ được một manh áo mới:
Giờ đây con muốn may áo mới
Mẹ mặc đón xuân vui tuổi già
Bao tết qua rồi đâu may được
Lòng con ngày một thêm xót xa.
(Áo mới)
Anh vẫn nghe đâu đay tiếng ru con “ví dầu” của mẹ trong gió, trong sương hay trong nắng hạ giữa phố phường, trong vườn cây xanh như mẹ tiếp thêm sức cho mỗi bước đường anh đi: “Con đi giữa phố giữa phường/ Giữa trưa nắng hạ giữa vườn cây xanh/ Ngày nào mắc võng trên cành/ Ca dao mẹ hát dỗ dành giấc con/ Bây giờ con đã lớn khôn/ Vườn xưa còn đó mẹ còn nữa đâu/ Mà sao những tiếng ví dầu/ Vẫn còn văng vẳng trong đầu óc con” (Ví dầu).
Anh xót thương người em trai bỏ học để theo quân giải phóng đi chiến đấu và anh dũng hy sinh: “Thân em chôn kín dưới mộ sâu/ Chôn theo ước mộng của hôm nào/ Để cho lòng đất thêm màu mỡ/ Cho đời nhớ mãi đến nghìn sau” (Em tôi) . Cái buồn về thời thế khi anh xa quê hơn 20 năm, trở về làng mà lòng nặng trĩu khi thấy vùng quê mình vẫn còn nghèo đói quá. Người yêu năm xưa lấy chồng vẫn đói rách, tay nách con đi mua rượu chịu cho chồng và vầng trăng vẫn nghẹn lại vần vũ trên cao:
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
(Trăng nghẹn)
Tuy vậy chất lãng mạn trữ tình ở cây đàn thơ của anh vẫn rung lên những cung bậc tình yêu khi reo vui dí dỏm, khi trầm buồn sâu lắng, khi xao xuyến bâng khuâng trong hoài niệm: “Xưa con đường đất đỏ/ Hai ta đi sớm chiều/ Vì sao em ngoảnh mặt/ Cong môi hờn dễ thương/ Bạn bè ai cũng ghẹo/ Hai đứa mầy đẹp đôi/ Tức mình em chợt khóc/ Anh giấu mặt nín cười” (Sao vẫn thương nhớ hoài). Và khi trở lại “vườn xưa”, “lối xưa” thì “người xưa” vắng bóng, một nỗi buồn nhè nhẹ dâng lên, tâm trạng chẳng khác gì khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy “Trước sau nào thấy bóng người…”:
Lối xưa giờ khác xưa rồi
Vườn xưa giờ đã đâm chồi nở hoa
Người xưa giờ đã đi xa
Chốn xưa giờ chỉ mình ta thẫn thờ
(Xưa)
Những giây phút bên người yêu là giây phút thần tiên như người đi giữa trưa hè được uống nước dừa trong đôi mắt, làm mát làn da em. Và anh sợ một ngày nào đó mình sẽ trơ trọi giữa bến vắng không đò:
Nước dừa làm mát thịt da
Mắt em làm mát lòng ta trưa hè
Bên nhau ngồi chẳng muốn về
Sợ đời trơ trọi, sợ lê thê buồn .
(Sợ)
Một loạt những bài thơ tình “Chợ tình cờ”, “Hương đời”, “Giấu mặt”, “Bắt đền”, “Chia tay”, “Nụ cười”, “Xưa”, “Bến vắng”, “Đôi ta”, “Bờ”… tỏa hương vị tình yêu khi nồng nàn đằm thắm, khi dỗi hờn vô cớ, khi nhớ thương da diết, khi khắc khoải đợi chờ…
Sau ngày miền Nam giải phóng thơ anh chuyển sang nhiều đề tài, chủ đề mới, lòng tràn đầy niềm tin yêu con người và đất trời. Hình ảnh mùa xuân và cuộc sống thật đẹp và đáng yêu. Con đường xưa anh đi nay đã thay áo mới dẫn tới điểm hẹn mùa xuân để anh tìm lại kỷ niệm những ngày xanh: “Đã thế sao mà mỗi độ xuân/ Dù xa cách mấy cũng hóa gần/ Thơ thẩn ta về nơi hẹn cũ/ Tìm lại bóng hình của cố nhân” (Điểm hẹn mùa xuân). Vẫn là niềm hoài vọng nhớ thương nhưng hơi thơ, tình thơ đẫm chất lạc quan tin yêu cuộc đời. Anh ghen với tia nắng hôn lên má người yêu:
Ghét ghê sợi nắng mãi hôn
Cho đôi má thẹn hồng hơn mọi ngày
(Ghét)
Mùa xuân của đất trời hòa quyện với xuân lòng rạo rực: “Vài sợi tóc bay bay/ Trong chiều xuân rộn rã/ Tình cờ ghé chợ hoa/ Về sao lưu luyến hoài/ Hương hoa hay hương tóc/ Cứ quấn quýt hồn ta/ Lòng xuân thêm phơi phới/ Tình xuân thêm đậm đà” (Chợ tình cờ). Anh nhìn vạn vật đất trời vào xuân mà thương nhớ ông bà cha mẹ:
Bâng khuâng mùa chuyển sang mùa
Cỏ cây ôm gió gió lùa nở hoa
Bao người bận bịu phương xa
Xuân về có rước ông bà mừng xuân?
(Mừng Xuân)
Anh viết hàng loạt bài thơ Xuân, bài nào cũng đau đáu một hoài mong cho xuân này đẹp hơn xuân qua, cho tình người, tình đời, tình yêu thêm nở hoa kết trái, như các bài: “Bóng Xuân” “Xuân mòn”, “Lộc mới”, “Chiều xuân”, “Chốn xuân”, “Mùa xuân”, “Chuỗi xuân”, “Xuân về cứ vui”, “Cho đời thêm vui”, “Gởi cô bán hoa xuân”, “Men xuân”, “Ly rượu cuối năm”… và anh hy vọng cuộc đời những chuyến đón đưa, nhưng anh chỉ đón “xuân vui” và tiễn “xuân buồn” cho đời thêm tươi sáng:
Đưa xuân rồi lại đón xuân
Đời ta đã mấy mươi lần đón đưa
Tình xuân ấy nói sao vừa
Xuân vui ta đón, ta đưa xuân buồn
(Đưa đón)
Bút tích của Nhà thơ Hoài Tường Phong
Dù sáng tác thơ hay truyện, bút ký, tản văn khảo cứu… Hoài Tường Phong vẫn đau đáu một hoài vọng làm sao cho con người sống tốt hơn “người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu), khắp thôn cùng ngõ vắng không còn cảnh nghèo đói cho mùa xuân trăm hoa khoe sắc, cho vầng trăng viên mãn sáng trong.
Với bài viết nhỏ này tôi muốn làm một nén “tâm nhang” cầu mong linh hồn anh rong chơi miền cực lạc, thoát khỏi kiếp nghèo, vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn và thực hiện những ước nguyện mà lúc sinh thời anh chưa kịp hoàn tất.
Nhân ngày Vu lan báo hiều, rằm tháng 7 Giáp Thìn
L.X