Hoàng Thân – Bác sĩ – Nhà thơ

1024

Phạm Văn Hoanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hoàng Thân tên thật Trịnh Quang Thân, quê ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi là Hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi, hiện đang là Bác sĩ chuyên khoa cấp II Bệnh viên đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Anh mê thơ và làm thơ từ hồi còn trên ghế nhà trường. Những năm tháng chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân, anh vẫn lặng lẽ viết, âm thầm sáng tác, trải những vui buồn trên trang giấy như lời tự tình với chính mình, lời tâm sự với bạn bè, người thân và với cuộc đời. Đến nay anh đã xuất bản ba tập thơ: Nguyên màu thời gian (2016), Miên khúc (2018), Dòng lữ thứ (2019). Tất cả đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Nhà thơ, bác sĩ Hoàng Thân

Thơ Hoàng Thân đề cập đến nhiều đề tài khác nhau như nghề y, tình yêu lứa đôi, quê hương đất nước, gia đình, bạn bè… Dù ở đề tài nào thơ anh cũng đều có sức ám ảnh và lan tỏa kỳ lạ. Những câu chữ tuy bình thường, những cảm xúc tuy mộc mạc, chân thành nhưng đọc lên nghe quá đỗi yêu thương. Cái y đức của ngành y đã chiếu xạ vào thơ anh tạo nên những câu thơ thấm đẫm yêu thương: “Như một đóa hoa sen/ Cánh hoa tà áo mỏng/ Biết hy sinh thầm lặng/ Ươm mạch sống cho đời/ …Giữa cuộc đời vàng thau/ Tình em màu thánh thiện/ Tâm một điều ước nguyện/ Lo chu toàn bệnh nhân” (Sen trắng hương đời). Cái tâm của người thầy thuốc trong thơ anh được so sánh như đóa hoa sen. Người nữ lương y giống như một nàng tiên: “Lương y/ Em/ Đấy nàng tiên/ Thướt tha hiền dịu/ Nét duyên trong ngần” (Nguyên màu thời gian). Và anh khẳng định cái tâm ấy không bao giờ thay đổi, dù cho cuộc sống thế nào đi nữa: “Ngoài kia/ Nhân thế có nhàu/ Vẫn tà áo trắng/ Nguyên màu thời gian” (Nguyên màu thời gian).

Viết về tình yêu lứa đôi, thơ Hoàng Thân bảng lảng như khói sương. Nó giống như một giấc mộng Nam Kha: “Ta ngồi đối giấc Nam Kha/ Xoa tay từ hết phù hoa dại cuồng” (Bóng thời gian). Tình yêu trong thơ Hoàng Thân hầu hết không trọn vẹn: “Nghe sỏi đá réo mòn chân kiêu bạc/ Hằn xót xa lên những phận đời côi.” (Mặc tưởng).

Tình yêu quê hương đất nước trong thơ anh đằm thắm, dịu dàng mà sâu nặng: “Với dòng sông cũ, bến xưa/ Bao lần lỗi hẹn tôi chưa kịp về/ Ngày đi trao những ước thề/ Nón nghiêng mắt lệ sông quê vạn sầu” (Với dòng Sông Trà). Hình bóng quê nhà trong thơ anh quyện với hình bóng của một người em gái: “Em hãy về thăm lại chốn xưa/ Thăm bến đợi đã bao mùa nước cạn/ Con đò cũ buông chèo xuôi quá vãng/ Dòng sông đau mang nỗi nhớ riêng mình/ …Em hãy về! Sông Vệ vẫn hoài mong.” (Em hãy về Sông Vệ).

Viết về gia đình, Hoàng thân dành những lời thơ trang trọng: “Mẹ nay mắt đã hanh chiều/ Run tay xỏ chỉ liêu xiêu sợi buồn/ Lòng nao nao khát cội nguồn/ Nhớ về quê mẹ lệ tuôn bên đời.” (Tình mẹ). Với người cha tôn kính anh cảm thấy như mắc nợ người trong những ngày xuân đoàn viên khi anh phải xa quê: “Xuân nay/ Con nợ người rồi/ Lặng trong đêm vắng/ Dần trôi tuổi đời/ Nơi xa/ Con nhớ người ơi/ Ngày xuân lặng lẽ/ Lòng chơi vơi buồn.” (Xuân xa xứ và cha).

Với tôi, ấn tượng nhất là những bài thơ viết về trăng như: “Trăng về gối mộng, “Trăng nghiêng”, “Trăng hạ”, “Trăng”… Trăng trong thơ Hoàng Thân có lúc được ẩn dụ, có lúc được nhân hóa làm cho nó mang một phong cách khác lạ: “Đêm trăng chị Hằng say đắm/ Tóc thề trải khắp dòng sông” (Phía nhớ), “Trăng lên thắp sáng phương trời mới/ Mà thầm riêng đọng bóng hương xưa” (Thầm riêng). Trăng trong thơ Hoàng Thân như là nhân vật chứng kiến những nỗi trăn trở dằn vặt, suy ngẫm của con người, đồng thời còn là nơi để con người thổ lộ mọi tâm trạng, mọi nỗi niềm: “Người buồn trăng rụng lẻ đôi/ Đời vui trăng tỏ xa xôi cũng tròn” (Trăng) hay “Trăng tà bóng hạc trầm luân/ Chuông xa vọng tiếng bâng khuâng rối lòng” (Trăng chiều).

Tôi yêu từng dòng thơ dung dị và chan chứa yêu thương của nhà thơ Hoàng Thân. Bởi thơ anh có những góc khuất, những đúc kết, những cảm nhận từ cuộc sống.

P.V.H