Kẻ nghịch tử – Truyện ngắn của Ngô Phú Thiện

661

(Vanchuongphuongnam.vn) – Suốt mấy tháng khô hạn, bất ngờ chiều nay một “trận mưa vàng” đổ xuống vùng thung lũng của xóm Mới. Ông Sang định đội mưa ra thăm mấy khoảnh ruộng thì thấy có bóng người trùm kín áo mưa đang đi vào trong ngõ. Ông giật mình nhận ra, bà vợ ở dưới quê bấy lâu sao đúng lúc mưa gió thế này lại lặn lội lên đây?

Tác giả Ngô Phú Thiện 

Ông cất vội cái cuốc, bước ra đón cặp giỏ xách ướt nhẻm, nói như trách cứ:

– Trời đất ơi! Bà khùng rồi à? Sao mưa gió tối trời như rứa mà liều mạng lên đây!

– Thì ở dưới ấy có mưa đâu nào – bà phân bua. Mà tui lên không chỉ để thăm ông chồng già đâu mà bảo “khùng”, còn có chuyện quan trọng lắm!

*

Bà Sang đứng trước hiên nhà vừa cởi áo mưa vừa nói giọng run run: “Có gói mồi khô cho ông nhắm rượu để trong giỏ, lấy ngay ra kẻo thấm ướt hết”. Ông chồng già lúi húi gỡ từng gói, thấy có khô mực, cá khô các loại… phấn khích lắm. Ông bảo:

– Bà không khùng thật! Lâu mới có trận mưa thế này, lại có “mồi độc” thì còn chi bằng!

– Chuyện rượu chè tính sau. Bây giờ chỉ có mình ông ở nhà, tui tranh thủ nói luôn việc này – bà Sang thầm thĩ. Thằng Vũ mới gửi thư về. Tui đọc rồi, thấy buồn lòng quá nên mang nó lên đây cho ông. Ông cứ đọc kỹ đi rồi hãy bàn…

Ông Sang đọc lướt qua lá thư đã nhàu, ngồi im lặng nhìn ra khoảng trời mù mờ trước ngõ. Một lúc, ông hắng giọng:

– Nó bỏ đi lúc ấy là mấy tuổi, bà nhỉ? Bà nói thật cho tui biết, tại nó giận tui hay không ưa thằng em nó?

Nhìn mái tóc bạc trắng của chồng, bà Sang cảm thấy xa xót, e ngại. Vì nhớ thương thằng con, bà định lên đây “kể tội” ông chồng để bà mất đứa con mang nặng đẻ đau. Nhưng nhìn bộ dạng ông lúc này bà không nỡ, đành nói nhát gừng, qua quít:

– Thì tui đã nói với ông bao lần rồi… thằng Vũ bỏ đi lúc ấy chưa tròn mười tuổi. Mà cũng tại tui… thấy nó đánh em tui nóng ruột, nên có quất mấy roi. Lúc nó chạy ra cổng, còn ngoáy lại bảo tui là “Con qua mét nội, mẹ cố bênh thằng con rơi của ba để đánh đập con đẻ đây nè”. Chẳng biết ai bày vẽ nó nói thế… Ai dè, nó bỏ nhà đi luôn. Mấy năm đầu, tui có nhờ người tìm giúp, nhưng chỉ nhận được tin người ta báo về là nó theo đám trẻ lang thang, đi bán thuốc lá trên tàu chợ. Tui thử đi tàu mấy lần nhưng không gặp… Về sau nghe đâu có ai đó ở Qui Nhơn, nhận nó làm con nuôi… Ông thì ở mãi trong trại, tui biết làm sao bây giờ ?

*

Trời sẫm tối rất nhanh. Ở cái “xóm thung lũng” này mà gặp cơn mưa, hình như bóng tối tràn đến sớm hơn. Ông Sang bưng chén cơm nóng, được bà vợ lâu ngày lên nấu cho nhưng lòng ông thấy nguội ngắt. Mấy khi vợ chồng cùng ngồi bên mâm cơm, nhưng chẳng ai muốn lên tiếng trước. Bất đồ, ông Sang đặt chén cơm xuống mâm, đi tìm “cục gạch” cũ mèm với mấy số điện thoại quen thuộc:

– A lô! Ông bạn già chạy sang nhà tui uống chén rượu mừng… trận mưa chiều nay nhé! Sẵn có mồi ngon đây…

Ba lần “A lô”, ông Sang tập hợp được hai người bạn cao niên, họ cùng ở xóm Mới. Tuy màu da, dáng người có khác nhau nhưng cả ba đều giống nhau về sắc tóc, bởi họ đều qua cái tuổi “Tri thiên mệnh”. Chủ nhà đã tròn 70 cao tuổi nhất; ông Xu trẻ hơn cũng đã cập kê 68, họ cùng ngồi nhâm nhi rượu đế với khô mực. Ông Sang trịnh trọng giới thiệu hai việc: Bà vợ già chưa chịu bỏ ông, mới ở quê lên đây và trận mưa “cơm gạo” chiều nay, rất đáng để mừng.

Độ dăm ba cái “mời” cả ba ông đều đỏ lừ mày mặt. Rượu vào thì lời ra, nhưng họ chỉ toàn nói những lời có cánh để khen tặng nhau. Nhìn mấy lão nông chai sạm này, ai mà biết được trước kia họ đều có “một thời oanh liệt”.

Ông Xu – người trẻ nhất, nâng ly: Cho tôi chúc mừng chủ gia một chén! Thực sự trong ba người đây, ông Sang là người sung sướng nhất. Tuổi cao trí lực càng cao; lại thêm con cái công thành danh toại… quá đủ để làm Tiên ông rồi!

Uống cạn chén rượu mừng, mắt ông Sang thẫn thờ, cầm mãi cái ly thủy tinh trên tay. Ông Báu ngồi cạnh đâm lo, ngăn lại: Thôi có lẽ ông say rồi! Biết “tri túc tiện túc” vẫn hơn…

– Ông yên tâm, tui biết tửu lượng của mình mà – già Sang nhỏ nhẹ. Nhưng vừa rồi, nghe ông Xu “bốc lên mây” mà lòng tui nghẹn đắng. Cũng phải thôi, cứ nhìn cảnh vợ chồng già sum họp thì những điều ông nói chẳng sai… Nhưng ai biết được tui có bao điều phải giấu kín bấy lâu?

Ông Sang ngồi thừ người ra một lúc, rồi nói như cầu khẩn: Thôi bà nhà tôi mới lên, mỏi lưng đi nằm rồi… Sẵn mấy bạn già tâm giao với nhau, các ông chịu khó nghe tôi thổ lộ cho nhẹ người. Đây là nỗi riêng có thật hoàn toàn với tui, riêng danh tính những người thân thuộc cho tui được phép thay đổi; còn những địa danh thì có lẽ chẳng cần tránh né làm gì…

– Đời bạn già này chỉ còn một đoạn đường nữa thôi ông à! Hơi sức đâu mà lo sợ, để ông vòng vo mãi tôi thấy nóng ruột quá! Ông Báu bổ bã.

– Thì phải cho tui hớp chén rượu, để vơi bớt cái sự xấu hổ đã chứ… Kha.. à! Vậy thì tui xin kể:

Nhìn khuôn mặt lưỡi cày xới đầy nếp nhăn của tui, các ông có thấy ớn không? Rứa mà thời trai trẻ tui đã từng là một Đại úy hào hoa ra phết đó! Chỉ có điều là một tay sĩ quan của quân đội Sài Gòn. Xứ Quảng quê tui trước kia nghèo lắm, ở đó chỉ có nổng cát mênh mông với những con người nổi danh là “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”. Khi tui cố công dùi mài để giật được mảnh bằng Tú tài thì cũng vừa lúc bị trúng “quân dịch”. Mất hai mươi bốn tháng trong lò đào tạo sĩ quan Quang Trung, tui ra trường với cấp hàm Chuẩn úy và điều về Sở chỉ huy tiền phương – Vùng IV chiến thuật. Nhưng tuổi trẻ say máu giang hồ, nên nhiều lần tui xin chuyển đơn vị, đổi binh chủng để ra điều binh tác chiến. Rồi từ Cứ điểm Phước Long lần lượt ra đến Quảng Trị, tui mới được chính thức đeo lon Đại úy – trực thuộc Cục Tâm lý chiến.

Dưới chế độ Sài Gòn, cấp hàm sĩ quan ở sắc lính như tui là vua ngoài chiến tuyến. Bởi không trực tiếp vác súng bắn nhau mà đi đâu cũng có đoàn xe hộ tống, quân phục binh chủng thẳng hồ thẳng nếp.

Bọn Bộ binh nhìn chúng tôi rất hằn học và gọi bọn này là “lính kiểng”, loại “đánh giặc mồm”. Nhưng các cô, các bà vợ con nhà binh thì ngược lại. Bởi các ông chồng, hay người thân của họ luôn phải hành quân, chiến đấu mà các “mệnh phụ – phu nhân” này lại thừa tiền trợ cấp “gia binh”. Từ năm 1968 về sau, khắp các Vùng chiến thuật, ở đâu cũng rất ác liệt. Trong lúc nhiều sĩ quan cấp úy, cấp tá của Quân lực Cộng hòa chết như sung rụng ngoài chiến trường thì bọn tui vẫn ngồi nhởn nhơ uống bia trong mấy Câu lạc bộ Quân nhân…

Xin các ông đừng vội nghĩ đám “quí bà, quí cô” ngày ấy vẫn còn giữ được nếp nhu mì, e lệ vốn có của phụ nữ! Có lẽ một phần do cuộc chiến khốc liệt và phần lớn hơn là họ chịu ảnh hưởng lối sống “hiện sinh” của Âu Tây du nhập vào, nên sống rất gấp gáp, táo bạo. Làm một sĩ quan “đánh giặc mồm” trong môi trường ấy thời gian dài, nên chính tui cũng trở thành kẻ đồng lõa, trác táng. Hàng ngày, ngoài giờ giấc công vụ của một sĩ quan, khoảng trống còn lại tui chỉ biết uống bia và nhảy đầm!

Quí bà, các cô đều biết tui đã về quê nhà cưới vợ được hai năm. Nhưng chẳng quan trọng gì cả, “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” – ngay cả với tui cũng “khắc cốt” câu thơ ấy. Chiến tranh mà, có ai nghĩ được tương lai là gì đâu. Sau cái vụ “Mùa hè đỏ lửa” năm72 ở Quảng Trị, đơn vị tui rút quân vào Huế. Chỉ huy Cục đóng trong thành Nội. Một thằng sĩ quan “Chiến tranh tâm lý” chuyên nghiệp như tui cũng bắt đầu thấy ê ẩm, nhưng không tìm được lối thoát. Chiều chiều đến Câu lạc bộ Quân nhân làm bạn với mấy chai lave và… nàng tự dẫn xác đến. Cô nàng ấy là em gái của thượng cấp, nên được biên chế vào Đại đội “Nữ quân nhân”, làm cần vụ. Hôm đó, trông dáng người tui có vẻ uể oải, nàng bước tới lấy tư thế chào, nói giọng Huế mềm như nhung: “Chao Đài uy Xang!” Vừa hết tư thế nghiêm, nàng kéo khóa thắt lưng mở đánh “bụp” một lúc hai chai lave. Một chai nàng chuyển cho tui, chai kia giơ lên rồi phán:

– Em là Mỵ Dung, chắc ngài Đại úy không để ý mô. Nhưng em thì “chộ” đến cả cái… sắc diện “cúng cơm” của ngài! Cho em được “sửa túi, cài lon” lại cho… cưng hỉ?!

Vừa nói, Mỵ Dung vừa ôm quàng cổ tui, rồi cả hai cùng nốc cạn không biết mấy chai bia. Rứa là tối hôm ấy, tui quên mất cô vợ trẻ đang sinh con ở quê nhà. Nàng còn khá trẻ, nhưng không rõ do men bia hay nghệ thuật làm tình siêu hạng, nàng đã cuốn tôi theo cơn lốc tình ái suốt đêm trong phòng riêng của nàng.

Ngay hôm sau, tui nhận sự vụ lệnh bay trực thăng ra Tiểu khu Quảng Trị. Mãi đến hai tháng sau mới hoàn tất công vụ, tui quay về Chỉ huy Cục và tiện đường ghé vào Câu lạc bộ. Mỵ Dung đang đứng chờ sẵn ở đó và nàng khoe: “Chừng như có cái chi nhúc nhích ở trong em rồi tề”! Tôi hốt hoảng, biện bạch:

– Em đừng nói dại! Mới có mấy tuần… làm sao có chửa được?

Nàng ngửa mặt cười, rồi chìa cho tôi tấm giấy xét nghiệm. Nàng bảo: Đây là chiến tích của tình yêu! Tui đọc mấy chữ trên tấm giấy mà thấy nửa thực, nửa ngờ. Chẳng biết nó là sản phẩm của mình hay của một “gã sĩ quan” nào khác?

Sau Hiệp định Pa-ri, cuộc chiến không những không kết thúc mà còn lan nhanh khắp bốn Vùng chiến thuật. Tôi bị điều đi mặt trận như con thoi, hết vào miền Tây lại ra Đà Nẵng, trước khi Huế thất thủ. Lần cuối cùng tui gặp lại Mỵ Dung là khi biết tin nàng vừa sinh thằng con ở bệnh viện Huế. Tranh thủ chuyến công vụ ở Chi khu Hương Điền, tui vào bệnh viện chăm sóc mẹ con nàng, được hai tiếng. Trông thằng bé bụ bẫm lắm, nhưng thực tình tui rất hoài nghi… Nó còn đỏ hỏn, chẳng có điểm nào thấy giống mình chút đỉnh. Rồi tui vội vã trở về đơn vị, vì có lệnh di chuyển.

Mãi đến ngày 25/3/1975, tui nhận được tin mẹ con nàng di tản cùng gia đình, vào đến Đà Nẵng. Còn tui lúc ấy, phải mấy phen “rút lui chiến thuật” cuối cùng về đến Sài Gòn… Chiều ngày 30/4 năm ấy, tui kéo cả đám tàn binh lộn xộn ra xin hàng quân Giải phóng.

Vì được Ban Quân quản cách mạng xếp vào diện “hàng binh”, nên tui cùng nhiều sĩ quan khác được thả tự do về nhà. Nhưng sau một tháng về lại quê, chính quyền sở tại lại lôi cổ tui đi học tập cải tạo. Mất tám năm trời “chộ khám”, tui cũng được đặc xá, cho về quê. Về đến nhà mới nhận cùng lúc hai cái tin, buồn vui lẫn lộn: Thằng con của vợ chính thấy xấu hổ với bè bạn, đã bỏ nhà đi; trong khi đó thằng con rơi lưu lạc vào Đà Nẵng lại có người đưa về sống với vợ tôi ở quê. Nghe đâu má nó cố tình gởi con lại, để chạy theo một tay sĩ quan khác ra nước ngoài…

*

Ông Sang kể một mạch câu chuyện dài đời mình, rồi tư lự tìm điếu thuốc. Hai người bạn già ngồi chăm chú nghe, không biết nên cười hay nên khóc. Mãi một lúc, ông Xu mới khẽ khàng lên tiếng:

– Thì ra… quãng đời cũ của ông lại có bóng dáng số phận tôi. Nhưng dẫu sao qua bao nhiêu biến cố, loạn lạc mà ông còn lại được thằng con như thế là phúc lắm rồi. Còn tôi thì…

Đột ngột, ông Báu giơ tay, ngăn lại: Thôi, hoàn cảnh của chú ai cũng biết rồi. Tôi thấy hình như chuyện của ông Sang đây, chưa phải “kết thúc có hậu”. Phải thế không bố?

Ông Sang ngẫn đầu lên, nước mắt đã lưng tròng. Những nếp nhăn chằn chịt gồng lên trên khuôn mặt, trông ông bỗng già thêm mấy tuổi. Không còn giữ được giọng tếu táo như trước, ông khó nhọc phân trần:

– Nếu mọi việc suông sẻ thì nói làm gì. Thực tình tui có dám oán trách ai đâu, vì cơ sự đều do tui tạo ra… Tình cảnh lúc trở về khó khăn quá, vợ tui lại nhớ thằng con nên vợ chồng trở nên bất hòa. Còn tui cũng nuôi hy vọng tìm lại được nó, nên chẳng màng làm thủ tục đi theo diện H.O. Tui đành cắn răng làm lại cuộc đời để xa vợ, đưa thằng con không phải của mình đi “kinh tế mới”… Và giờ đây các ông bảo là “tiên ông” đó!

– Hóa ra thằng Lâm to khỏe, giỏi giang ấy không phải con ông à? Ông Báu trợn mắt, hỏi lại.

Rót đầy ba ly rượu, ông Sang cố ý lảng tránh nói bâng quơ: Thôi, “chuyện dài nhiều kỳ”… Các ông để rượu nhạt hết rồi!

– Tôi tưởng, chỉ có tôi là người đau khổ nhất… Ai dè, đời như ông Sang mà cũng còn nhiều uẩn khúc. Nếu ông không chịu bộc bạch hết, tôi xin kiếu chén rượu này – ông Xu dứt khoát.

Vuốt ngược mái tóc đã bạc trắng, ông Sang đổi giọng: Thôi được, tui không chỉ kể mà còn chứng thực cho các ông thấy bằng giấy trắng, mực đen. Như tui đã nói, thời tuổi trẻ hào hoa bao nhiêu thì tuổi già tui phải gánh nặng hậu quả bấy nhiêu. Bây giờ tui không còn lo về kinh tế gia đình mà cái chính là nỗi khổ tâm về hai thằng con.

*

Từ lúc bỏ dở bữa cơm tối, tưởng bà Sang mệt nên đã ngủ say. Ai ngờ mấy ông uống rượu, nói càng lúc càng lớn tiếng, bà nằm trong buồng giỏng tai nghe tất cả. Bà ngồi dậy một lúc, rồi quyết định bước ra:

– Xin lỗi mấy chú, tui bị mệt nên không ngồi tiếp chuyện được. Nhưng có lẽ ông nhà tui đã say, lôi chuyện nhà ra làm phiền các chú đây…

– Bà đừng cản tui nữa, được không? Ông Sang nổi đóa. Việc thằng Lâm bà đã cố tình ngăn cản tui bấy lâu nay… Cũng tại bà nhân hậu quá! Giữa lúc cảnh nhà đang rối tung, sao bà dám nhận thằng nhỏ đâu từ trên trời rơi xuống?

Bà Sang từ tốn: Ông nói thế thì tui cũng xin tình thực luôn. Vì lâu nay tui không muốn ông biết, sợ ông phiền lòng…  Ngay sau ngày ông đi cải tạo, có người đã đánh tiếng cho tui biết trước là ông có thằng con rơi ở ngoài Huế. Đúng lúc vợ chồng đang gặp khó khăn, li tán thì người bạn cũ của ông ở Đà Nẵng tìm đến nhà, mang theo thằng bé và lá thư này.

Bà móc túi, lấy mảnh giấy cuộn tròn bấy lâu mở ra đọc rành rọt: “Em xin tạ lỗi anh chị Sang! Vì hoàn cảnh bức bách, xuống tàu người ta không cho đứa bé này đi theo. Không còn cách nào khác, em phải gởi lại giọt máu này của anh, nhờ vợ chồng anh nuôi giúp, kẻo tội. Em: Mỹ Du!”.

Hai bạn già ngồi gãi đầu, im lặng. Ông Sang bỗng chợt nhớ ra điều gì, tròn mắt, ấp úng như bị lạc giọng:

– Trời đất!… Mỹ Du hay Mỵ Dung? Tui còn không rõ nữa là… Kẻ nào nói “giọt máu này của anh”, sao bây giờ nhắn tin về bảo: đã đi thử ADN và biết chắc chắn thằng Lâm không phải con tui?…  Rồi còn lá thư bà đưa lúc chiều nữa, là thế nào? Ông thò tay vào túi quần móc ra chiếc phong bì, bảo ông Báu đọc hộ.

Kính thư ba mẹ!

Con viết vội mấy dòng này, vì tình cờ gặp chú Ba ở quê mình. Chú bảo con nên trở về với ba mẹ vì nghe đâu, ba mẹ lo sợ con tiếp tục tìm đường đi Mỹ. Xin cả nhà yên tâm, bây giờ những “cậu ấm mới”, cha mẹ quyền lực của xã hội này mới thừa cơ hội sang Mỹ, còn con không thể đi đâu được…

Thực tình giờ đây con đã lớn khôn và không còn oán trách ba mẹ như trước. Vì con biết, sống trong hoàn cảnh của thời kỳ ấy ba Sang cũng giống như nhiều người khác thôi. Thế nhưng hiện nay mẹ Tám của con đang già yếu, ốm đau. Mẹ thương yêu con lắm, cho con ăn học tử tế nên con không thể đành lòng rời xa mẹ Tám lúc này.

Hơn nữa, giờ đây ba đã có thằng con riêng ở bên mình. Biết đâu nếu con trở về lúc này, chúng con sẽ khơi lại vết thương quá khứ, để rồi chẳng ai được sống yên ổn…

Con cầu mong ba mẹ mạnh khỏe; khi có dịp thuận tiện con sẽ tự tìm về.                                                                                                       Bé Anh Vũ ngày xưa!

N.P.T