Một nét Huế trong trong vài truyện ngắn Quế Hương

1513

Nguyễn Thị Thu Thủy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái chất Huế đằng sau trong văn Quế Hương toát lên qua cách kể chuyện cô đọng, lối diễn đạt gần gũi, xây dựng nhân vật mang cá tính riêng.

Nhà văn Quế Hương

Huế là một vùng đất đẹp vào bậc nhất của Tổ quốc, là di sản văn hóa của thế giới. Đó là niềm tự hào chính đáng của con người xứ Huế (Phạm Văn Đồng).

Huế từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong văn thơ và âm nhạc. Đến với vùng đất xinh đẹp hữu tình này, ta được tiếp xúc những con người đằm thắm, dịu dàng và chính những con người đó đã trở thành nét hồn quê cho Huế. Đọc văn Quế Hương, người phụ nữ sinh ra từ mảnh đất miền Trung ấy, ta nhận ra một nét Huế rất riêng.

Chất Huế bàng bạc trong trang viết Quế Hương trước hết thể hiện qua cách xây dựng không gian nghệ thuật. Nói đến Huế không thể không nói đến văn hóa cung đình triều Nguyễn, đó là hồn xứ Huế với thiên nhiên, cảnh vật, con người và những thành quách trầm mặc, cung điện, đền đài. Tất cả đều là một bộ phận nhỏ của văn hóa Huế. Chính những điểm này lưu giữ sâu sắc bản sắc văn hóa Huế. Trong văn Quế Hương, ta luôn bắt gặp một chùa Thiên Mụ, đàn Nam Giao, Kim Long hay lăng tẩm đền đài của vua Khải Định, Minh Mạng, một làng Dương Xuân Thượng xa lơ xa lắc… Đã từng đến Huế, ai cũng sẽ không quên một hồ Tịnh Tâm với “Những con đường rải sỏi trắng viền rặt cỏ tường lam xanh um có màu hoa hồng trẻ dại… những bông hoa súng kiều diễm đang phô trọn sắc tím choáng ngợp trên mặt hồ chan hòa ánh sáng…” (Tịnh Tâm viên). Hay “Một bông hoa dại hồn nhiên nở trong búi cỏ trên lát đá của một đại lộ. Ngôi nhà hoang phế liêu xiêu, cánh cửa rục rã, mái trĩu thời gian vẫn tự tại có mặt bên cạnh những ngôi nhà kiến trúc kiểu mới như một đại diện của quá khứ…” (Bức tranh thiếu nữ áo lục) ở một góc phố. Tất cả đã hình thành nên một nét Huế rất riêng trong truyện ngắn Quế Hương – “Người đàn bà viết để sống chân thành, da diết, vật vã”. Có thể nói vẻ đẹp của không gian Huế là một mảng riêng làm giàu thêm bản sắc dân tộc Việt. Nói như Trần Đình Sử “Huế từ lâu đã chiếm chỗ sâu bền trong tâm hồn người Việt, là nỗi ước mong của trí thức bao đời”.

Trong miền không gian “đặc sệt” Huế trong truyện ngắn Quế Hương, ta không thể không nhận ra một đặc sắc từ cách miêu tả khí hậu của vùng đất này. Qua các trang viết của chị, ta bắt gặp nhịp điệu của thiên nhiên và cuộc sống qua hình ảnh các mùa đặc biệt là mùa mưa ở Huế. Cái đẹp của Huế thường gắn với cái buồn, cái sâu lắng, vì vậy mà nó thích hợp với mùa đông. Có câu truyền miệng hóm hỉnh rằng: Đặc sản của Huế là mưa. Huế nổi tiếng với những cơn mưa dầm dề, lê thê hàng tuần, hàng tháng. Và mưa Huế không thể thiếu trong những trang viết của Quế Hương. Mưa Huế đã tạo cảm hứng cho người họa sĩ trong “Bức tranh thiếu nữ áo lục ” thực hiện giấc mơ vẽ một bức tranh để đời: “Ông bắt tay vào việc thực hiện chân dung thiếu nữ áo lục lúc Huế thật sự bước vào mùa đông. Không gian trắng xóa mưa buồn lê thê, giọt vắn, giọt dài sướt mướt, trời lạnh như cắt…”. Mưa Huế cũng rửa sạch bụi bặm thương đau cho một mảnh đời đầy bi kịch trong truyện ngắn “Tịnh Tâm viên”: “Những cơn mưa rả rích, trầm buồn, dai dẳng, nhức nhối… Vườn trắng xóa nước. Bầu trời như sáng lên vì trút được gánh nặng. Hiên mưa thánh thót giọt vắn giọt dài…”. Huế nổi tiếng với những cơn mưa dầm dề dai dẳng, phải chăng vì vậy mà người Huế đa sầu, đa cảm và thích sống nội tâm?

Một Quế Hương dịu dàng, khắc khoải, đằm thắm mà sâu sắc, gần gũi với người đọc. Đó chính là đặc điểm văn phong của người phụ nữ gốc Huế này. Đặc điểm ấy được khắc họa rõ nét qua cách sử dụng từ ngữ, cách xưng hô đậm màu Huế với mụ, mệ, ôn, mạ, tau, mi… Ngôn ngữ Huế cũng là một thành tố của văn hóa Huế. Âm sắc của tiếng Huế với độ cao vừa phải với nhiều từ ngữ địa phương và văn sĩ đã để cho nhân vật của mình đối thoại bằng hệ thống ngôn ngữ mộc mạc như thế: Rồi răng nữa chị? Rứa chớ răng. (Cội mai lưu lạc); “Tên chi tội nghiệp rứa?… Đời chừ có tiên không?” (Tiên ngồi khóc). Thậm chí, văn chị không hiếm các lời chửi yêu: Đồ mặt mo, Con yêu bánh nậm…

Quế Hương có niềm tin sâu sắc vào những giá trị đích thực của đời sống con người. Chính niềm tin đó đã nuôi dưỡng để nhân vật của chị luôn có vẻ đẹp tha thiết, lắng sâu vào tâm hồn người đọc. Đặc biệt, nhân vật nữ của Quế Hương hầu hết đều mang nét trầm lặng, kín đáo, giàu nội tâm. Họ xuất hiện đầu tiên qua cách miêu tả ngoại hình với mái tóc dài, chiếc áo lụa màu lục hay màu tím: “Mái tóc ấy luôn gội bằng bồ kết, hong khô bằng gió trời, ngan ngát mùi hương bưởi, hương nhu, óng ả, mềm mại, dìu dịu bay bay đến say lòng ”(Chiếc lá hình giọt lệ). Người con gái xứ Huế không chỉ quyến rũ ta ở nét đằm thắm, thùy mị, dịu dàng mà còn gợi nhớ gợi thương bởi nét đảm đang, tháo vát. Các gia đình Huế vốn xuất thân từ dòng dõi Nho gia, vì thế những cô gái cố đô sớm được mẹ rèn cho một bàn tay khéo léo, một trái tim nhẫn nhịn và giàu đức hi sinh. Trong “Trần gian có mưa”, người đọc bị hấp dẫn bởi món “mưa dầm hết cơm” do chính tay một người mẹ Huế nấu. Món ăn đơn sơ, giản dị nhưng sâu lắng như con người xứ đó: “Không có thịt làm muối sả mẹ thay bằng đậu phụng giã nhỏ và thật nhiều tỏi ớt thế mà mùi ruốc sả kho hấp dẫn vẫn sực nức không gian. Nồi cơm nóng, tô canh chuối lá lót nấu ruốc mỡ đậm đà và đĩa muối sả như gia vị cuộc đời đủ mặn ngọt bùi cay”. Hương vị tết với những món ăn cổ truyền qua đôi tay tài hoa của người con gái Huế thật đậm đà bản sắc: “Nhìn chị tỉ mỉ tỉa dưa mà không nỡ ăn. Ngọn lá, cây thông, hoa đào, trái lựu bằng đu đủ đẹp như ngọc, những con thú bằng cà rốt, su hào xinh như đồ chơi…” (Chiếc lá hình giọt lệ). Những món quà Huế thanh đạm không thiếu trong truyện ngắn Quế Hương. Đĩa bánh nậm xếp theo hình rẻ quạt, bánh ướt nhụy tôm uốn cong như hình cánh hoa, bánh bèo chén rắc nhụy hồng điểm tóp mỡ giòn tan… Tất cả như quyến rũ say lòng độc giả bởi sự tinh tế và tài hoa.

Miền đất Huế vốn có điệu trầm, người Huế vẻ ngoài cũng vậy nhưng thẳm sâu bên trong là một ý thức biết chọn lựa, biết khẳng định, dám nghĩ dám làm, dám chịu. Con người Huế là một ẩn số. Có thể mượn ý kiến trên để nhìn về những nhân vật nữ trong truyện ngắn Quế Hương. Những nhân vật ấy là những mảnh đời mà chị đã hóa thân. Họ là những con người tha thiết yêu và trân trọng cái đẹp. Cái đẹp ấy có thể từ một cội mai già tuổi cả một thế kỉ rưỡi lạc mất trong biển đời tao loạn hay một cành tiểu mai “Tuổi e cả đời người, chìm ẩn trong rêu, xoắn xít ngày tháng” (Tịnh Tâm viên). Họ gắn bó tha thiết với quê hương dù cách xa chân trời góc bể: “Mọi thứ đều có cội nguồn gốc rễ, Mẹ tôi đã dạy tôi điều đó. Dù mẹ có ở chân trời góc bể nào tâm hồn mẹ cũng mọc rễ ở đây. Cha tôi có thể tách mẹ ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim bà” (Cội mai lưu lạc). Và Quế Hương cũng vậy, dù sống tại Đà Nẵng nhưng dòng máu cố đô luôn chảy trong huyết quản của chị. Xa Huế nhưng chất Huế trong con người chị mãi như cội mai bền chặt.

Nhà văn đã từng tâm sự: Đọc và viết giúp tôi bước ra khỏi khung cửa hẹp đời mình, thấy thế tục thẳm sâu hơn, cõi người lung linh bí ẩn hơn. Bằng giọng nói lãng mạn và giàu cảm xúc, trang viết Quế Hương nhè nhẹ gõ vào lòng người đọc. Vì thế các nhân vật nữ trong văn chị luôn để lại trong lòng người đọc một niềm luyến lưu. Có thể kết thúc truyện, nhà văn không tìm cho họ một hạnh phúc, có thể là chia ly, là cái chết song ở họ vẫn toát lên nét nhân hậu, bao dung và nỗi buồn ấm áp. Đó là một chị Thời (Chiếc lá hình giọt lệ) lặng thầm thủy chung với mối tình cùng chàng trai hàng xóm tên Tâm. Người con gái giỏi giang, kín đáo ấy đã để tuổi xuân trôi đi trong mòn mỏi chờ đợi… để rồi ngày Tâm trở về tay dắt theo một người phụ nữ khác. Chị Thời lại lầm lũi làm cỗ cưới cho người yêu. Chiếc lá chị tỉa làm dưa món mang hình giọt lệ hay trái tim chị đang khóc… Nhân vật nữ trong truyện ngắn “Ga xép” đã thực hiện đợt đi cuối cùng của cuộc đời trên một chuyến tàu vét trong một ngày cuối năm:  “Chị đi không hành lý, không cả chiếc khăn che gió và nỗi buồn, xanh xao, mảnh khảnh như một áng mây sắp bay”. Trong “Trần gian có mưa”, câu chuyện tình yêu của người mẹ được cô gái kể lại sau khi bà ấy qua đời vì tai nạn giao thông: “Có tình yêu ngắn như cơn mưa giông nhưng cũng có tình yêu dài hơn  những cơn mưa dầm trong đời người xâu lại. Mẹ có một tình yêu như thế…“.

Cái chất Huế đằng sau trong văn Quế Hương toát lên qua cách kể chuyện cô đọng, lối diễn đạt gần gũi, xây dựng nhân vật mang cá tính riêng. Nhân vật trong trang viết của chị mang phong cách của chính nhà văn: Nữ tính, đa đoan nhưng chân thành, da diết. Chất Huế trong văn chị còn bộc lộ trong cách chọn đề tài, không gian nghệ thuật, trong cách xây dựng ngôn ngữ, khả năng am tường về văn hóa ẩm thực hay thú chơi tao nhã của con người nơi xứ sở này. Dẫu không sinh ra ở Huế nhưng người đọc khi tiếp xúc văn Quế Hương đều cảm thấy yêu hơn mảnh đất khúc ruột miền Trung bởi cái đẹp của tình người. Có thể nói quê hương trong văn Quế Hương là một mảng không thể tách rời và người con gái cất tiếng chào đời từ mảnh đất sâu nặng nghĩa tình ấy đã làm đẹp, làm giàu thêm cho Huế.

N.T.T.T