(Vanchuongphuongnam.vn) – Đã năm mươi năm trôi qua. Nhưng cái mùi máu người tanh tưởi ấy vẫn cứ bám riết lấy lão, không sao chịu nổi. Và lão quyết định trở về nơi đã gây ra tội lỗi để sám hối…
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ
Ai cũng đinh ninh rằng, những tên du kích quân liều lĩnh nhảy xuống vực sâu tại bãi đất trống ở bên kia đèo Eo Gió – nơi Tiểu đoàn Bảo An dựng cổng chào tiếp nhận lực lượng vũ trang của đảng phái “quần dài đen” ở Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ đầu hàng vô điều kiện Chính phủ Quốc gia, đều đã làm mồi cho lũ quạ đen. Vực sâu hun hút. Đá tảng lô nhô. Nhảy xuống đó, không vỡ đầu toác óc, cũng gãy tay què chân. Lính Bảo An vãi đạn như mưa. Thấy kẻ nào bị trọng thương, kêu la cựa quậy, bọn chúng chĩa súng bắn bồi cho tới khi nằm sóng soài bất động mới thôi. Khả năng sống sót đối với những tên du kích quân liều lĩnh là điều khó có thể xảy ra… Vậy mà, có một người duy nhất thoát khỏi bàn tay của tử thần trong buổi sáng hôm ấy. Đó là Đội trưởng Dư Hoài Vịnh.
Cú nhảy định mệnh của anh ta và Phó Cối chỉ cách nhau trong tích tắc. Do anh ta nhún chân lấy đà hơi mạnh nên lúc rơi va phải người Phó Cối, văng ngược về phía sau, rớt trúng hàm ếch phủ đầy dây leo chằng chịt ở lưng chừng vực sâu. Dư Hoài Vịnh bấu víu vào tấm lưới dây leo chằng chịt ấy, tụt xuống bụi lau nằm im lẩn trốn, rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng rõ. Khi tỉnh dậy, anh ta không còn nghe thấy tiếng người chửi bới, tiếng súng nổ đì đoàng. Cả một vùng đồi núi yên ắng, vắng lặng. Thỉnh thoảng lũ quạ đen tranh giành nhau những xác người nát bấy ở dưới thung sâu, cất tiếng kêu khàn khàn. Ngày cũng dần tàn. Anh ta vội vã tìm đường rời khỏi khu vực mà bao đồng đội đồng đảng của anh ta nằm chết phơi thây. Đêm hôm ấy, nhờ ánh trăng hạ huyền, anh ta leo lên đường cái quan và nhằm hướng Quán Rường đi mãi. Đói. Khát. Đôi chân rã rời. Anh ta được gia đình một người dân quê tốt bụng ở cạnh ngã ba Kỳ Lý cho cơm ăn nước uống và cho tá túc qua đêm. Sáng hôm sau, anh ta không về lại quê nhà Quế Sơn mà xuôi vào Nam để chạy trốn bao tội lỗi đã gây ra. Và trên bước đường “Nam tiến”, anh ta đã chọn miền Đông Nam Bộ làm chốn dung thân, gột bỏ quá khứ bằng cách thay tên đổi họ. Ở đó, toàn người xa lạ nên không ai nhận ra anh ta là một trong những tên sát nhân, từng chôn sống hơn hai trăm lương dân tại hầm heo Gò Vàng…
Năm tháng đi qua…
Dư Hoài Vịnh hòa nhập với cộng đồng ở nơi cư ngụ. Rồi anh ta lấy vợ, sinh con đẻ cái. Quá khứ đầy tội lỗi ở nơi quê nhà Quảng Nam xa ngái, anh ta đào sâu chôn chặt trong lòng. Song ác nghiệt thay, anh ta càng cố quên thì nó càng hiện về ám ảnh anh ta trong những giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị… Nhất là khi tuổi già bóng xế. Anh chàng Dư Hoài Vịnh to khỏe như vâm ngày nào giờ đã trở thành lão Vịnh gầy còm hom hem. Nhiều đêm lão mất ngủ. Uống thuốc an thần, lão cũng chỉ thiếp đi được vài ba tiếng đồng hồ. Mà trong vài ba tiếng đồng hồ hiếm hoi gọi là ngủ ấy, lão lại mơ thấy toàn những chuyện hãi hùng khủng khiếp. Ú ớ kêu la khản cổ. Đổ mồ hôi mồ kê nhễ nhại khắp người. Vùng vẫy mãi lão mới tỉnh dậy. Những điều mơ thấy cứ lặp đi lặp lại suốt mấy chục năm qua, lão biết nó xuất phát từ đâu! Trong thẳm sâu của sự ăn năn hối hận do lương tâm dày vò cắn rứt, lão bần thần nhớ lại cái thời trai trẻ chưa xa. Quê lão cũng là một vùng trung du nhấp nhô gò đồi thuộc huyện Quế Sơn. Mồ côi cha mẹ ngay từ thuở bé. Nhờ sự cưu mang đùm bọc của bà con xóm giềng mà lớn lên thành người. Rồi nghe theo những lời đường mật của đám tay chân Nguyễn Đình Thiệp, tham gia đảng phái “quần dài đen”. Tương lai tươi sáng nào chẳng thấy đâu, chỉ thấy hai bàn tay vấy máu bao dân lành ở vùng quê Sơn Cẩm Hà…
Đã năm mươi năm trôi qua. Nhưng cái mùi máu người tanh tưởi ấy vẫn cứ bám riết lấy lão, không sao chịu nổi. Và lão quyết định trở về nơi đã gây ra tội lỗi để sám hối…
Thời gian đã làm cho lão lưng còng tóc bạc. Thế nhưng lão vẫn sợ người dân Sơn Cẩm Hà sẽ nhận ra lão là ai! Vì vậy, lão bịa một cái lý lịch trích ngang hết sức bi ai và cải trang thành ông lão ăn mày, tay bị tay gậy, áo quần rách rưới… Với dáng vẻ tiều tụy vì tuổi tác, vì nghèo hèn, lão Vịnh nhanh chóng chiếm được cảm tình của những người dân quê vốn thật thà chất phác và giàu lòng nhân ái. Ai cũng thương cho hoàn cảnh lão. Bởi theo như lời lão kể, cuộc đời lão là cả một bể trầm luân. Đắng cay chiếm hết ngọt bùi. Vui ít buồn nhiều. Vợ chết từ lâu. Không dám tục huyền, ở vậy làm lụng nuôi ba đứa con thơ dại, gồm một gái hai trai. Lớn khôn, con gái lấy chồng xa, hai đứa con trai cũng đã yên bề gia thất. Vắt kiệt sức lực đời mình lo cho con cái nên người, lão cứ nghĩ chúng sẽ đối xử với lão không đến nỗi tệ bạc. Nào ngờ chúng lại coi lão như một gánh nặng cần phải trút bỏ, cho nên cứ đùn đẩy nhau trách nhiệm phụng dưỡng cha già. Và chẳng đứa nào chịu đứa nào, cuối cùng chúng thỏa thuận mỗi người nuôi lão một tháng. Chán cảnh làm trái bóng để hai đứa con trai đá qua đá lại mãi, lão bỏ nhà đi tha phương cầu thực. Lần hồi trôi dạt tới đây…
Ngày đầu tiên ở vùng quê Sơn Cẩm Hà, thiên hạ cho lão Vịnh khá bộn tiền. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất đối với lão là không ai nhận ra lão chính là một trong những kẻ sát nhân đã giết hại bao lương dân ở vùng quê bán sơn địa này, năm mươi năm trước. Thở phào nhẹ nhõm vì tung tích không bị phát giác, lão ghé vào ngôi nhà bên sườn đồi xin tá túc qua đêm. Gia chủ là bà cụ hiền từ phúc hậu sống cùng cô cháu gái tuổi quàng khăn đỏ. Được cho cơm ăn nước uống tử tế, lão Vịnh rất xúc động. Lão hỏi han bà cụ về hoàn cảnh gia đình. Nhả miếng bã trầu đang nhai bỏm bẻm, bà cụ đưa ngón tay cái chùi hai khóe mép, thở dài: “Ông nhà tôi mất đã lâu rồi! Từ hồi bọn “quần dài đen” kéo tới tác oai tác quái nơi đây. Cũng may, trước khi bị lũ người đầu trâu mặt ngựa giết hại, ông ấy cho tôi một mụn con gái để bây giờ mới có đứa cháu ngoại ở cùng nên cũng bớt đơn côi…”. Lão Vịnh ngồi như hóa đá. Và khó khăn lắm lão mới cất giọng khàn khàn: “Tôi hỏi khí không phải, ông nhà bà tên chi?”. Bà cụ cười độ lượng: “Ông nhà tôi là Nhân. Sinh con gái đầu lòng đặt tên là Nghĩa nên mọi người thường gọi là ông Nghĩa!”. Bà cụ đưa ống tay áo lên chùi những giọt nước mắt hiếm hoi: “Mà ông nhà tôi chết thê thảm lắm, ông ơi! Lũ người đầu trâu mặt ngựa đang đêm xông đến nhà bắt ông ấy mang đi hành hạ tra tấn ở đình làng cho đến chết rồi quăng mất xác…”. Lão Vịnh nhìn bức ảnh phóng to của người đàn ông trên bàn thờ và rùng mình kinh hãi.
Đêm ấy, lão Vịnh nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được. Mọi chuyện lại hiện về trong tâm trí lão một cách rõ ràng đến từng chi tiết. Kẻ giết hại ông Nhân không ai khác chính là anh Vịnh ngày xưa, lão Vịnh bây giờ. Lão nhớ lại trong nỗi ăn năn hối hận tột cùng.
Cách đây vừa đúng năm mươi năm, vào một buổi tối chạng vạng, Vịnh dẫn ba tên đồng đảng ập vào nhà bắt anh Nhân áp giải về đình làng để hỏi cung nhằm truy lùng, bóc gỡ các cơ sở cách mạng. Dưới ánh sáng chập chờn của cây đèn gió, Vịnh trỏ ba cái thủ cấp đặt trên chiếc bàn gỗ mít, hất hàm bảo anh Nhân: “Mày biết đấy là những ai không?”. “Biết! Đó là anh Linh, chú Tiến và ông Tâm. Toàn những người dân vô tội bị các ông chặt đầu!”. “Không! Mày nhầm rồi, con ạ! Đấy là số phận của những kẻ dám ngấm ngầm chống lại Tổng Tư lệnh Nguyễn Đình Thiệp!”. Vịnh cười phá lên. “Chúng tao luôn nêu cao khẩu hiệu: Đảng viên thì diệt, trung kiên thì giết, còn có cảm tình với kháng chiến và có thiện cảm với quốc gia thì cho biến thành ma… cụt đầu!”. Vịnh quay ngoắt lại đứng đối diện với anh Nhân khi tiếng cười ghê rợn chợt tắt: “Đảng viên, trung kiên với mày ở xóm này gồm có những ai? Khai mau!”. “Thì tôi đã nói rồi! Chẳng có ai! Tất cả đều là những người dân lương thiện…”. “Mày điên! Không muốn sống nữa hả? Đã thế thì ông xin chiều! Bay đâu?”. Lập tức ba tên đồng đảng xông vào. Rất thành thạo, chúng xốc nách anh Nhân lôi ra gian ngoài. Và không đợi Vịnh sai khiến, ba tên đồng đảng giãn ra đứng ba góc theo thế chân kiềng để tiến hành công việc của những con quỷ đội lốt người. Với những cú đá trời giáng, những cú đấm xây xẩm mặt mày, chẳng mấy chốc chúng biến anh Nhân thành một người lạ hoắc. Xương cốt giập nát. Máu me dầm dề…
Vẫn không thể khai thác được gì ở anh Nhân, Vịnh bực bội nói: “Chắc thằng này đòi “tẩm quất” mới chịu khai ra đồng bọn? Được, chúng ông xin chiều!”. Vịnh chửi bới đám tay chân ăn hại rồi gã trực tiếp khai thác anh Nhân bằng những ngón đòn hiểm ác hơn. Tiếng đấm đá huỳnh huỵch nghe như tiếng chày ba giã gạo vang lên giữa đêm khuya vắng. Tiếng hỏi cung cùng tiếng chửi thề đồng vọng ra ngoài thành mớ âm thanh hỗn tạp nghe như tiếng chó sủa trăng. Khi trời gần sáng, những con quỷ đội lốt người thấm mệt thì cũng là lúc anh Nhân đang trong tình trạng hấp hối. “Giải quyết thằng này thế nào đây, Đội trưởng?”. “Còn thế nào nữa! Đưa cây mã tấu cho tao!” Vịnh gắt. Cây mã tấu giắt ở tấm phên ván gian phía sau đình làng được tên đồng đảng có dáng người chắc đậm, thấp lùn, rút đưa cho Vịnh. Gã túm tóc nâng đầu anh Nhân lên, đun khúc gỗ làm đòn kê dưới cổ. Gã nhìn thẳng vào mặt anh Nhân: “Cho mày ân huệ cuối cùng để lựa chọn: Khai ra đồng bọn sẽ được chết toàn thây. Không khai ra đồng bọn thì sẽ làm ma cụt đầu! Lựa chọn đi!”. Thấy anh Nhân mấp máy đôi môi, Vịnh vội cúi xuống và bị phun một bãi máu tươi vào mặt. Vịnh hét lên giận dữ. Gã dồn hết sức lực vung cây mã tấu trong tay bập xuống đòn kê…
Xếp đồ lề vào tay nải, lão Vịnh chuẩn bị ra đi khi trời vừa tảng sáng. Bà cụ can ngăn: “Ông chờ nắng lên rồi hẵng đi, vội gì! Sương giăng trắng đồng trắng núi thế kia, nhỡ cảm lạnh thì lại khổ thân!”. Rồi bà cụ mời: “Ông ở ăn bữa cơm dưa muối tương cà với bà cháu tôi cho ấm bụng…”. Lão Vịnh cảm thấy tiến thoái lưỡng nan vì khó xử. Bà cụ sai cô cháu gái lấy chén đũa dọn cơm. Lão Vịnh không còn cách nào khác hơn là nán lại dùng bữa cơm đạm bạc với gia chủ.
Lang thang từ xóm này qua làng nọ, đến trưa, lão Vịnh lần mò tới khu vực trung tâm cụm xã Sơn Cẩm Hà. Lão lấy làm lạ là ở đây nhà nào cũng cúng quảy, khách khứa vào ra nhộn nhịp. Ngại không dám ghé vào nơi nào, cho dù bụng đói cồn cào, miệng mồm khát cháy, lão Vịnh cứ thập thững chống gậy đi trên đường làng giữa trưa nắng chang chang. Lão đi. Đi mãi… “Ồ! Ai như ông già tha phương cầu thực ở đâu vừa mới đến quê ta?”. Có tiếng người hỏi khi lão Vịnh đi ngang qua ngôi nhà gần cuối xóm. “Thì còn ai vào nữa! Mà cũng đã trưa rồi, gặp bữa, ta mời ông cụ vào cùng uống chén rượu cho vui!”. “Ừ, phải đấy!”. Nghe thấy thế, lão Vịnh hoảng sợ, vội rảo bước nhanh hơn. Lão đi như chạy. Nhưng một bàn tay to bè bỗng vỗ vào vai lão: “Mời cụ vào ăn giỗ, uống chén rượu nhạt với bà con dân làng!”. Cùng đường, lão đứng lại. Người đàn ông tuổi trạc tứ tuần, cười xởi lởi: “Cụ khách khí làm chi! Hoàn cảnh của cụ, bà con đều biết rõ, có gì mà ngại? Với lại, “Ăn mày là ai ? Ăn mày là ta ! Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày…”. Lão Vịnh chỉ còn biết chắp tay rối rít cảm ơn, rồi ngoan ngoãn đi theo người đàn ông nói năng văn vẻ, vào nhà. Lão được gia chủ và mọi người xếp ngồi cùng chiếu với các bậc cao niên, tiếp đãi đàng hoàng tử tế. Để cho phải đạo, lão chuyện trò xã giao với những người cùng mâm. Lão khéo léo gợi hỏi cái điều mà lão lấy làm băn khoăn thắc mắc, nhưng tự mình chẳng thể nào lý giải được. Bác nông dân ngồi cạnh lão, vuốt chòm râu trắng cước, bảo: “Ông không phải là dân nơi đây nên không biết đấy thôi! Ở vùng quê bán sơn địa này, từ tháng bảy trở đi thì đám giỗ liên miên. Đám giỗ cả làng. Đám giỗ cả xã. Ấy là vì sau Hiệp định Giơnevơ – 1954, đảng phái “quốc dài đen” chiếm đóng Sơn Cẩm Hà, lập Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ và ra tay giết hại biết bao dân lành. Chúng bắt người tra tấn đến chết rồi bỏ bao tời thả sông. Chúng chôn sống tập thể cùng lúc cả mấy trăm người ở các hầm heo…”.
Miệng lão Vịnh méo xệch. Bàn tay gầy guộc cầm đôi đũa run như cầy sấy. “Ông làm sao vậy?”. Mọi người hoảng hốt hỏi. “Tôi… tôi… tôi nghe chuyện thật hãi hùng khủng khiếp quá!”. Lão Vịnh lập bập nói trong hơi thở dồn. “Ối dào! Sao ông lại yếu bóng vía thế?”. Mọi người cười ồ vui vẻ. Thấy lão Vịnh ra chiều mệt mỏi, lại không ăn uống thêm được nữa, gia chủ sai con cháu đưa lão đến chiếc giường tre kê dưới bóng gốc cây vú sữa trước sân nhà, nằm nghỉ.
Bị ám ảnh về cái chết thê thảm của anh Nhân, lão Vịnh đâm ra lẩn thẩn, quên không nhớ “cái điều lấy làm lạ” kia là do chính lão cùng đồng đội đồng đảng của lão gây ra năm mươi năm trước. Không cưỡng lại được dòng ký ức tội lỗi luôn thường trực trong tâm thức chợt trỗi dậy, lão Vịnh khổ sở hồi nhớ những việc làm tàn độc, phi nhân tính, khiến chính lão bây giờ cũng phải rùng mình kinh tởm. Để được Tổng Tư lệnh Nguyễn Đình Thiệp tin cẩn, cất nhắc đề bạt, Vịnh ra sức lùng sục, bắt bớ những đối tượng nghi ngờ là “cộng sản nằm vùng”. Hung hăng, khát máu nên đầu óc Vịnh nghĩ ra lắm ngón đòn tra tấn hiểm ác, đến mức đồng bọn đồng đảng của gã cũng phải “nghiêng mình kính nể”. Theo “sáng kiến” của Vịnh, đám du kích quân dưới quyền vây bắt hàng loạt cán bộ, đảng viên trung kiên cùng những người dân lương thiện có biểu hiện “đáng ngờ” lùa đến nhà những tên du kích quân sở tại. Chúng bắt mọi người nằm úp sấp ngoài hè, đưa hai tay luồn qua kẽ phên thò vào trong nhà rồi trói chặt. Xong, chúng lấy cây sào dài xâu tay tất cả lại và buộc hai đầu sào vào cột nhà. Chúng cởi hết áo quần mọi người ra. Đem đường bát giã nhỏ đổ vào xô chậu, hòa nước khuấy cho tan, rồi chúng dùng chổi nhúng quét lên thân thể nạn nhân. Đánh hơi thấy có mùi đường mía thơm tho quyến rũ, kiến đất, kiến lửa, kiến càng, kiến gió… lũ lượt kéo tới. Rồi muỗi mòng, ruồi nhặng cũng sà đến chia phần. Nạn nhân bất lực đưa thân cho các loại côn trùng tha hồ đua nhau đốt, chích… Ngứa ngáy. Đớn đau. Đói khát. Không ít người chịu đựng hết nỗi phải cắn lưỡi tự sát!
“Nằm đây mát mẻ, cụ đã khỏe chưa?”. Lão Vịnh giật mình rời khỏi dòng ký ức tội lỗi khi người đàn ông nói năng văn vẻ vỗ nhẹ vào vai, hỏi. Lão gục gặc đầu thay cho câu trả lời. “Thôi, cụ cứ yên tâm nằm đánh một giấc cho thật đã đời!”. Người đàn ông bảo vậy rồi quay đi. Và dòng ký ức tội lỗi lại tiếp nối trong đầu lão Vịnh…
Cuối năm 1955.
Tình hình Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ có nhiều biến đổi. Người dân ở vùng quê Sơn Cẩm Hà đã có những hành động kháng cự lại sự đàn áp dã man tàn bạo của đảng phái “quần dài đen” do Nguyễn Đình Thiệp cầm đầu. Và trong đám lục lâm thảo khấu cũng đã xuất hiện dấu hiệu phân tâm, chia rẽ. Không thể tạo dựng được sự đồng thuận thống nhất trong nội bộ đảng và trong lực lượng du kích quân, không thể đảo ngược tình thế bị bao vây cô lập tứ bề để mở rộng cương giới lãnh thổ nhằm chia ba thiên hạ, Nguyễn Đình Thiệp chẳng còn lựa chọn nào khác là đầu hàng Chính phủ Quốc gia! Và qua họp bàn nhiều lần, cả “bộ tứ” quyết định “đào tận gốc, trốc tận rễ” những đối tượng có tên trong sổ đen bị tình nghi là “cộng sản nằm vùng” ở Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ. Nguyễn Đình Thiệp bí mật triệu tập Liên Đội trưởng Du kích quân ba xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà về Tổng hành dinh để huấn thị kế hoạch do “bộ tứ” vạch ra. Và các Liên Đội trưởng lại triệu tập các Đội trưởng Du kích quân đến đình làng để truyền đạt mệnh lệnh của thượng cấp. Đã năm mươi năm trôi qua, nhưng lão Vịnh vẫn còn nhớ rõ buổi họp hôm đó. Phó Mộc triển khai xong nhiệm vụ được giao, nói thêm: “Anh em hãy vì số phận của chúng ta mà hết lòng thực thi công việc. Diệt cộng để “đoái công chuộc tội” với “Chính phủ Quốc gia”. Chúng ta được chính quyền Ngô Đình Diệm trọng dụng hay thất sủng là hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của mỗi chúng ta!”.
Là kẻ ít học, lại trung thành với đảng phái “quần dài đen” một cách mù quáng, Dư Hoài Vịnh hăng hái thực thi kế hoạch giết người hàng loạt. Gã ngây thơ tin rằng, bằng việc làm cụ thể của mình, nhất định gã sẽ được hưởng vinh hoa phú quý khi đầu hàng “Chính phủ Quốc gia”! Đã năm mươi năm trôi qua, nhưng lão Vịnh vẫn không sao quên được buổi chiều mùa đông ấy… Trời không nắng, cũng chẳng mưa. Đung đưa trên cao xanh là những đám mây chì vần vũ thành bao hình thù kỳ dị quái đản. Vịnh khoác khẩu Tomxông trước ngực, áp giải đoàn người đến hầm heo Gò Vàng. Trói tay tất cả lại bằng sợi dây dừa, rồi Vịnh xếp đoàn người đứng quanh miệng hầm heo to rộng, chỉ chừa một khoảng trống nhỏ. Khoảng trống đó chính là “cửa tử” cho những người bị áp giải đến sau. Những tên du kích quân khát máu dùng súng ống, gậy gộc thúc ép những người bị bắt, hai tay trói quặt sau lưng, tiến lên. Khi đến “cửa tử”, lập tức họ bị Vịnh đứng chờ sẵn ở đó co cẳng đạp rớt xuống hầm heo sâu hoắm. Tiếng kêu la thảm thiết, tiếng chửi bới, nguyền rủa của những người dân vô tội đối với quân giết người từ dưới hầm sâu dội lên nghe âm âm, trầm đục. Vịnh như câm như điếc. Gã cứ tiếp tục công việc chôn sống đồng loại một cách cần cù chăm chỉ.
Khi những tên du kích quân dồn ép người cuối cùng đến “cửa tử” cũng là lúc chiếc hầm heo sâu hoắm đầy ứ xác người chết và bị thương nằm ngồi ngổn ngang trong ao máu sền sệt. Quay sang đoàn người bị trói đang đứng quanh miệng hầm heo to rộng, Vịnh nói cộc lốc: “Bây giờ đến lượt chúng mày về chầu âm ty!”. Dứt lời, gã đạp người ở gần gã xuống hầm. “Rầm! Rầm rầm…!”. Người bị gã đạp té nhào xuống hầm heo đã kéo theo cả đoàn người cùng rơi bởi sợi dây dừa oan nghiệt kết buộc họ dính liền nhau. Mắt vằn những tia máu đỏ, gã hô đám tay chân khuân vác đất đá lấp lại, còn gã cầm khẩu Tomxông trong tay xả đạn từng loạt, từng loạt vào những chỗ có người cựa quậy…
“Cụ đã thức dậy rồi! Thôi, cụ đi rửa mặt mày, chân tay, cho tươi tỉnh người để ăn cơm chiều với gia đình cho vui!”. Vợ chồng chủ nhà đon đả mời khi thấy lão Vịnh trở mình ngồi lên. Đang còn lơ mơ chưa dứt khỏi dòng ký ức tội lỗi, bỗng nghe tiếng người nói loáng thoáng bên tai, ngỡ bao hồn oan đòi mạng, lão Vịnh vội vàng quỳ sụp xuống, chắp tay vái lạy tứ phương: “Tôi… tôi biết tôi đã phạm những tội ác tày trời! Tôi thật đáng chết! Nhưng tôi đã già rồi, xin mọi người hãy tha tội cho tôi…!”. Và lão khóc rống lên. “Ơ kìa! Cụ làm sao thế?”. Vợ chồng chủ nhà chạy tới nắm vai lão lay gọi. Lão Vịnh bừng tỉnh. Lão ngó chằm chằm vợ chồng chủ nhà và sực nhớ ra mình là ai! Lão cười xòa, lấp liếm: “Tôi già cả nên đâm ra lẩn thẩn chứ chẳng có gì đâu!”. Rồi lão tay gậy tay bị ra đi, mặc cho vợ chồng chủ nhà tốt bụng hết lời mời mọc…
Hơn nửa tháng trời lăn lóc khắp vùng quê Sơn Cẩm Hà, lão Vịnh đã thực hiện xuất sắc vai diễn ông già ăn xin có hoàn cảnh hết sức thương tâm: Vợ chết từ lâu, con cái hắt hủi, không nuôi nấng phụng dưỡng… Lão không ngờ, trải qua bao thăng trầm dâu bể, vùng quê nhấp nhô gò đồi nằm về phía tây bắc huyện Tiên Phước đã hoàn toàn đổi thay so với năm mươi năm trước. Đường làng bằng phẳng phong quang. Xóm mạc đông vui với những ngôi nhà tường xây mái ngói tươi màu vôi ve. Vườn tược sum suê cây trái. Tất cả đã khác hẳn xưa. Những quả đồi tròn như bát úp không còn lúp xúp sim mua, mà thay vào đấy là những rừng cây xanh ngút ngàn. Dấu vết của Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ chính là những di tích lịch sử khắc ghi tội ác của đảng phái “quần dài đen” gây ra tại các địa danh Gò Dạn, Gò Vàng, Đồng Trại… Được sống trong cảnh hòa bình, người dân nơi đây đã chung tay góp sức dựng xây quê hương ngày càng trù phú đẹp giàu. Dẫu muốn quên đi quá khứ tội lỗi, nhưng lão vẫn không khỏi ngậm ngùi nhớ lại những tháng ngày hai bàn tay chàng trai Dư Hoài Vịnh vấy máu bao người dân vô tội. Nhiều dòng họ ở vùng quê Sơn Cẩm Hà đã tuyệt tự vì sự chém giết bạo tàn của đám lục lâm thảo khấu. Như dòng họ Trần, dòng họ Nguyễn ở xã Tiên Sơn…
Ngổn ngang bao nỗi buồn vui trong lòng lão Vịnh. Lo sợ ở lâu sẽ bại lộ danh phận, lão vượt đèo Eo Gió, xuôi theo ngõ Quán Rường, rồi ra ngã ba Kỳ Lý đón xe khách đường dài về lại miền Đông Nam Bộ để đoàn tụ cùng gia đình. Những tưởng sau chuyến đi sám hối thành tâm, lão sẽ được sống thanh thản trong những ngày còn lại của cuộc đời, nào ngờ ngược lại! Tấm lòng bao dung nhân ái của người dân ở vùng quê Sơn Cẩm Hà càng làm cho lão thêm day dứt dằn vặt với những sai lầm đáng chết của một thời trai trẻ u mê. Lão thay tính đổi nết. Ít nói ít cười. Cũng không chơi đùa với bầy cháu ngoại, cháu nội. Suốt ngày lão cứ ngồi lặng lẽ trong căn phòng riêng và ngắm nhìn đôi bàn tay gầy guộc của mình. Thỉnh thoảng lão kêu lên thảng thốt: “Máu! Máu! Trời ơi, máu…”. Vợ con lão lo lắng đưa lão đi bệnh viện chạy chữa thuốc thang. Không khỏi. Họ lại sắm sanh hương đèn, hoa quả, rước thầy chùa tới nhà cúng bái. Sư sãi gõ mõ tụng kinh niệm Phật suốt ba ngày ba đêm cũng chẳng làm cho lão trở lại bình thường. Vợ con lão lắc đầu nhìn nhau thở dài! Một hôm, lão dặn dò vợ con không được quấy rầy, rồi lấy giấy bút đem vào phòng riêng khóa trái cửa lại cẩn thận, ngồi viết bức thư tạ tội với người dân ở vùng quê Sơn Cẩm Hà. Lão viết hối hả. Hết trang này qua trang khác. Cứ như là nội dung của những điều cần thể hiện trên giấy trắng mực đen đã được lão nghĩ suy, nghiền ngẫm kỹ càng từ lâu…
Đọc lại câu chữ trong bức thư dài cả mười mấy trang giấy vở học trò, lão Vịnh xúc động, cầm bút viết thêm: “Bà con thật tốt với tôi quá! Đến đâu tôi cũng được mọi người ân cần giúp đỡ, cho cơm ăn nước uống tử tế, cho nghỉ ngơi trong nhà cửa đàng hoàng và cho cả tiền nong lúc tôi từ giã… Và tôi biết, dù không nhận ra tôi là ai, nhưng mọi người cũng đã lờ mờ đoán được tôi là kẻ có mối quan hệ mật thiết với đám lục lâm thảo khấu do tên Nguyễn Đình Thiệp cầm đầu, từng gây bao đau thương tang tóc ở vùng quê Sơn Cẩm Hà năm mươi năm trước…”. Lão Vịnh đọc lại mấy dòng tái bút ghi ở cuối bức thư, rồi bật khóc và gục đầu xuống bàn… Sáng hôm sau, căn phòng riêng của lão vẫn cửa đóng im lìm. Vợ con lão cứ nghĩ, đêm qua lão thức khuya nên dậy muộn. Nhưng đến trưa căn phòng lão cửa vẫn khép chặt. Cả nhà đâm ra lo lắng. Người con trai sốt ruột gõ cửa gọi. Không có tiếng ho húng hắng. Cũng chẳng có tiếng dép kéo lê trên nền nhà lẹt quẹt như mọi khi. Người con trai tái mặt, phá cửa xông vào thì thấy lão Vịnh đã chết tự bao giờ! Bên cạnh lão, có một phong thư dày cộp còn để mở, chưa ghi địa chỉ…
Vườn Cừa, mùa mưa 2009.
Nguyễn Tam Mỹ