Nghĩa tình bền vững giữa dòng đời trôi

958

(Đọc tập truyện “Láng giềng” của Trần Anh Dũng- NXB Hội Nhà văn)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sinh ra và lớn lên ở vùng đất võ Bình Định, Trần Anh Dũng ôm giấc mộng văn chương từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng cuộc sống không chiều theo ý muốn. Nó xô đẩy anh tới nhiều vùng đất nước với những bước thăng trầm. Song, với một con người giàu nghị lực và chí hướng anh cứ đi, bôn ba qua nhiều nghề kiếm sống. Và tới đâu anh cũng gặp được những người bạn tốt giúp đỡ, tuy cũng không ít lần đối phải mặt với cái xấu, cái ác.

Anh nhớ và ghi lại những điều ấy như một kỷ niệm đẹp và buồn. Đó cũng chính là “gia tài”, là nguồn tư liệu, nguồn cảm hứng rất quý giúp anh có những bài thơ, những truyện ngắn thành công được đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Nhà văn Nam Cao đã nói: “Sống đã rồi hãy viết”. Điều này đã vận đúng vào Trần Anh Dũng.

Sau tập thơ đầu tay “Dòng sông quê” (2016) anh được cử đi học lớp sáng tác của trường Viết văn Nguyễn Du do hội nhà văn Việt Nam tổ chức và dự những lớp tập huấn chuyên đề về truyện, ký của Liên hiệp Hội VHNT Cần Thơ thì những trang viết của anh càng khởi sắc hơn. Anh đã tung hoành ngòi bút của mình qua các thể loại như: thơ Đường, thơ lục bát, thơ tự do, tản văn, bút ký, truyện ngắn, tiểu luận… nhưng anh tâm đắc hơn cả vẫn là truyện ngắn. Và ở thể loại này anh có thể để ngòi bút lia nhanh cùng cảm xúc với nhiều cốt truyện mà anh đã có sẵn trong cuộc bươn chãi ở nhiều vùng đất nước. Rồi tập truyện ngắn “Láng Giềng” đã ra đời với 14 truyện chọn lọc trong số nhiều truyện anh đã đăng trên fayboock. Những truyện anh pots lên nhanh chóng được cư dân mạng nhiệt tình tán thưởng. Tôi đọc và động viên anh cứ viết những gì mình yêu thích như một mảng hồi ký của đời mình.

Đọc tập truyện “Láng Giềng” ta có cảm giác như hơi thở, như những mảnh đời của chính tác giả được gởi gắm vào các nhân vật và hình tượng nghệ thuật. Tất cả đều thấm đẫm tình đời với những nỗi đau, niềm vui của thân phận con người. Mỗi truyện đều ánh lên vẻ đẹp nhân văn cao cả. Với năng khiếu về văn chương, những truyện của anh giãi bày rất chân thực được chắp cánh bởi ngôn từ, hình ảnh và giọng điệu riêng, mà theo tôi bước đầu đã thành công. Theo mạch tự sự của mỗi truyện, người đọc có cảm giác như tác giả không cố ý làm văn chương mà chỉ thủ thỉ độc thoại nội tâm những điều như đã mặc định vào cuộc đời mình. Tôi có cảm giác anh như một nhà quay phim đang quay cận cảnh những kỷ niệm vui buồn mà con tim thôi thúc trong quá khứ, hiện tại và tương lai, và phải viết ra như phải trả một món nợ cho đời.

Phần lớn đề tài của tập truyện đều xoay quanh thân phận những con người sau chiến tranh chống Mỹ. Đó là những phu đào đãi vàng ở Tây nguyên, những người buôn thúng bán bưng nơi phố thị, những nhà báo, sinh viên, những người thợ cơ khí, sửa đồng hồ, những doanh nhân, những người làm thuê, những người đàn bà đánh ghen, những tên “sở khanh” “bụi đời” thời @ . Tất cả đều hiện lên như cuộc sống đời thường vốn có.

Nhưng nếu chỉ dừng lại tở mức độ tả thực ở mỗi truyện như những thước phim thời sự, hay những bài báo ghi chép thì người đọc dễ ngán. Anh đã biết hư cấu, xây dựng hình tượng nhân vật với những chi tiết khi thực, khi ảo trong sự phát triển của tâm lý, tính cách lồng trong cốt truyện làm người đọc không thể dừng lại mà cứ bị mạch văn lôi cuốn từ trang đầu tới trang cuối.

Truyện “Hạnh phúc ngọt ngào” (ban đầu có tên là “Bên dòng phù sa”) là một truyện tình đầy éo le, lắm ngọt ngào và cay đắng. Nhân vật Quân là cháu “đích tôn” ở với cô dượng để học nghề tại Sài Gòn. Bà cô cương quyết can ngăn tình yêu “sét đánh” giữa Quân và Trúc Ly – một cô gái xinh đẹp ở Tây Nguyên đang học Sư phạm. Họ đã giấu gia đình đi đăng ký kết hôn từ lâu. Kết cục đổ vỡ, Trúc Ly chủ động chia tay. Học nghề xong Quân về Cần Thơ và gặp Hằng – một cô giáo đẹp người đẹp nết, nên vợ nên chồng. Kết cục vợ chồng Quân gặp lại mẹ con Trúc Ly trong một chuyến du lịch tại Cần Thơ thật bất ngờ và vui vẻ. Hạnh phúc của cả hai gia đình thật ngọt ngào. Ở đây có mâu thuẫn giữa những người lớn tuổi mang nếp nghĩ cũ và những người trẻ tuổi có lối sống hiện đại. Cái tình của Quân và Trúc Ly vượt lên lễ giáo nhưng sớm đổ vỡ. Cái tình của Quân và Hằng đã chín muồi, tuy tình cảm đắm đuối nhưng có lý trí dẫn đường nên bền chặt. Kết thúc truyện là một cảnh rất nên thơ: “Từng đợt gió mát lạnh từ sông Hậu thổi vào, ngai ngái hương phù sa. Dường như ánh nắng phương Nam bỗng trở nên vàng rực rỡ trên khắp cả nẻo đường, dưới sông. Quân lái xe chở vợ con và mẹ con Trúc Ly đi tham quan một vòng khu trung tâm thành phố. Cùng ngành sư phạm với nhau, Hằng và Trúc Ly có vẻ tâm đầu ý hợp, họ nói toàn chuyện chuyên môn… Ngồi đối diện với Quân, hai người phụ nữ say sưa tám chuyện trong nhà ngoài phố. Quân rảnh rỗi với ly cà phê, anh lại có dịp trở về ký ức”.

Ở truyện “Những con thuyền giấy”, tác giả lại khắc họa một truyện tình đầy mâu thuẫn éo le đan chéo của tính hám danh, hám tiền của cô gái tự phá vỡ hạnh phúc gia đình, sống thực dụng chạy theo tiếng gọi của dục vọng – một nhân tình mà người đó lại là bạn thân của chồng mình. Và cuối cùng cô lại bị kẻ sở khanh kia “quất ngựa truy phong”. Một mối tình tay ba như phim Hàn Quốc.

Phần lớn những truyện tình được anh miêu tả sự phát triển của tâm lý nhân vật rất lô gic. Có tình thoảng qua như gió thổi, có tình nồng cháy đắm say. Đôi khi anh cũng mạnh dạn đưa chất sex vào một chút nhẹ nhàng, như truyện “Bên bờ Cổ Chiên”: “Bất chợt, cơn lốc từ ngoài vàm An Bình rượt đuổi ào ào, chúng ùa thốc vào nhà làm cánh cửa đóng sầm. Mỵ giật thót mình, nhào tới ôm lấy Nên. Lũ gió quỉ quái nhanh chóng rời đi khá lâu, nhưng hai người vẫn còn ôm ghì nhau. Không gian cù lao Hòa Ninh rơi vào yên tĩnh, chỉ còn nghe tiếng lá lao xao ngoài vườn và nhịp tim thổn thức của hai người. Nên đưa tay nhẹ nhàng vuốt lại mái tóc rối bời của Mỵ. Gương mặt trái xoan mịn màng, đôi mắt ướt nhắm nghiền, bờ môi hồng của Mỵ đang rưng rưng chờ đợi. Khuôn ngực Mỵ phập phồng, khiến cúc áo tự nhiên bung ra. Dục vọng trong con người Nên trỗi dậy. Mỵ ngất ngây trong vòng tay cơ bắp như gọng kìm của Nên”. Nhưng Nên đã dừng lại khi nhìn thấy tấm ảnh chồng của Mỵ treo phía đối diện, anh cảm thấy mình như có lỗi và buông Mỵ ra. Tác giả biết điều tiết các chi tiết, khi nắm, khi thả, khi dừng, khi tiến, tạo được sự hấp dẫn, hồi hộp, thú vị cho người đọc.

Ở một số truyện khác như: “Cây xoài hoàng” lên án chuyện ép duyên, “Con Bóp” dạy ta bài học không nên nhìn bề ngoài để đánh giá con người với cách nghĩ “một mất mười ngờ”, “Của đáng tội” đưa người đọc tới những điều thực, ảo vui và buồn với cái bàn xoay, “Sổ hộ nghèo” lại là bi kịch của những ai muốn đổi đời nhanh chóng, truyện “Bắt ghen” đề cập tới vấn đề mở cửa thị trường kinh tế và theo đó tình yêu, tâm hồn cũng mở cửa theo lối sống thực dụng, “ông ăn chả, bà ăn nem”….

Các truyện “Tủ cá viên chiên”, “Thằng Gù”, “Chuyện ở Sà Tang”, “Ốc Tiêu”, “Đất long mạch”… như những lát cắt của cuộc sống về thân phận con người giữa dòng đời đầy mưa gió với bao cảnh ngộ éo le giữa sự sống và cái chết, giữa cái thiện và cái ác, theo thuyết nhân-quả của đạo Phật. Nó đối lập nhau như lửa với nước. Và bao giờ kết thúc truyện cũng có hậu như một cổ tích giữa đời thường. Có những khi cuộc đời không lối thoát. Song, những nhân vật của anh rất đáng quý là luôn vượt lên bĩ cực để giữ cho mình tấm lòng nhân hậu, vị tha. Đó là cái nhìn rất nhân văn của tác giả đối với những kiếp người bần cùng của xã hội.

Anh thương cảm và đau nỗi đau của người phu đào đãi vàng hay em bé Ốc Tiêu ngủ quên trên xe khách. Anh lên án thói tham lam, độc ác, chua ngoa của những kẻ thừa tiền thiếu lương tâm. Qua đó, bài học giáo dục rút ra là phải thật thà, biết vượt lên nghèo khó, trong hoàn cảnh nào cũng cần phải “đói cho sạch, rách cho thơm”. Một triết lý sống đẹp, yêu đời giúp ta đứng dậy nhìn về tương lai. Đúng như Nguyễn Văn Siêu đã nói: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại đáng thờ là chuyên chú ở con người, loại không đáng thờ chỉ chuyên chú ở văn chương”. Truyện của Trần Anh Dũng dù viết về đề tài nào cũng “chuyên chú vì con người”, luôn vị nhân sinh.

Tôi muốn dừng lâu hơn một chút với truyện ngắn “Láng Giềng” – truyện được anh dùng làm tên cho tập sách. Ở đây tình làng nghĩa xóm được coi trọng. Xóm làng đang yên vui trong hòa thuận cùng nhau chia ngọt xẻ bùi thì đùng một cái từ xã lên phường, từ huyện lên quận. Việc chuyển đổi chia cắt về địa lý để lên Thành phố bỗng dưng làm cho đất trở thành “vàng”, còn phía giáp ranh bên kia vẫn là “nhà quê”, là “hai lúa”… Nhiều mâu thuẫn nảy sinh, nhiều kẻ hám danh, hám tiền sẵn sàng làm điều phi đạo nghĩa để giàu lên nhanh chóng. Nhiều nhà lên lầu, kín cổng cao tường, khinh thường xóm giềng. Đất nhà Bé Ba được lên “thành phố” làm cho ông bà chủ vênh vao. Nhà Tư Định sát nách lại là “nhà quê”. Mâu thuẫn lên đến đỉnh cao từ “chiến tranh lạnh” đối thoại sang “chiến tranh nóng” đối đầu khi vợ Tư Định và vợ Bé Ba oánh nhau phải đi cấp cứu. Mâu thuẫn được hòa giải khi Tư Định nhảy xuống sông cứu được con của Bé Ba đuối nước. Truyện viết ngắn ngọn mà tình tiết phong phú, ngôn ngữ đối thoại và tính cách và tâm lý nhân vật phát triển hợp lý. Tác giả dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và khi mâu thuẫn lên đến “đỉnh điểm”, đến “cao trào” thì được giải quyết nhanh để lại dư ba cho người đọc sẽ “cùng sáng tạo” tiếp. Phải có vốn sống và hiểu được tâm lý người dân quê mới có thể viết được những trang văn “tỏa sáng” như vậy.

Đọc tập truyện “Láng Giềng” của Trần Anh Dũng, ta thấy kiến văn và vốn sống của anh khá phong phú. Nhưng cái làm cho người đọc thích thú trong tập sách này là tự thân mỗi câu chuyện gợi cho người đọc suy ngẫm cách giải quyết vấn đề theo ngữ cảnh chứ không áp đặt người đọc chấp nhận theo ý của tác giả. Và qua những cung bậc vui, buồn, hờn, giận, xao xuyến, bâng khuâng, những giây phút xao động, tươi vui hay buồn đau, sầu não, những trăn trở, dằn vặt về nội tâm trước bao vấn đề phức tạp của cuộc sống hiện đại đều được anh diễn tả một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Tác giả đã trãi qua nhiều ngành, nhiều nghề, bàn chân đã đặt lên nhiều vùng đất nước nên vốn sống và ngôn ngữ khá phong phú. Anh dẫn dắt nhân vật, sự kiện, chi tiết, tạo “tình huống có vấn đề” rất tự nhiên như hơi thở cuộc sống đời thường, nhưng lại được chắp cánh bởi giọng điệu riêng, tạo nên lực hấp dẫn nơi người đọc. Những điều tác giả viết ra, dù chỉ là những độc thoại nội tâm, hay những sự việc bình thường đều được thể hiện bằng một giọng văn khi mềm mại khi cứng cỏi. Đặc biệt, niềm tin yêu cuộc sống và tiếng cười trong trẻo của tác giả luôn tạo cho nhân vật vượt lên đau khổ, đứng dậy mà hướng tới tương lai. Giữa những bộn bề của cuộc sống sau ngày giải phóng còn nhiều khó khăn, biết bao sự trăn trở, đối lập giữa dòng đời, nhưng ta tin rằng cái cao cả, cái thiện lương luôn chiến thắng cái xấu, cái ác. Nghĩa tình vẫn bền vững và dòng đời cứ trôi. Phù sa quê hương vẫn bồi đắp, tắm mát cho ruộng đồng tươi tốt. Đó cũng là nguồn cảm hứng vô tận, là chất liệu nuôi dưỡng những sáng tác của anh.

Nhà văn Nam Cao đã viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…” (Đời thừa). Trần Anh Dũng đang khơi những “vỉa quặng” chưa ai khơi để trình làng bằng lối văn giản dị và từ ngữ chọn lọc đậm sắc thái Nam Bộ, đã để lại trong tâm trí người đọc những những con người, những mảnh đời, những cảnh sắc thiên nhiên đầy ấn tượng ở mỗi vùng đất anh qua. Những thành công bước đầu ở tập truyện ngắn này, sẽ là tiền đề để anh tiến xa hơn trên con đường văn chương đầy lao tâm khổ tứ. Xin trận trọng giới thiệu cùng bạn đọc “đứa con tinh thần” của nhà văn Trần Anh Dũng và cũng là bà con “láng giềng” của mỗi chúng ta.

Lê Xuân