Hữu Phương
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ Ngọc Khương lời chân chất dung dị, nhưng vẫn mang những triết lý nhân sinh sâu sắc. Mọi sự vật, mọi cuộc đời, luôn có hai mặt phải trái, tốt xấu, buồn vui, đi kèm như hai nhịp thủy triều sinh đôi, lên xuống ngàn đời.
Nhà thơ Ngọc Khương trong buổi tọa đàm giới thiệu Tuyển tập thơ Ngọc Khương do Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức
Ngọc Khương cùng thế hệ với chúng tôi, một thế hệ vừa chớm tuổi vị thành niên, đã bị bom đạn vùi dập tơi bời trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc nước Việt. Nhưng số phận Ngọc Khương hẩm hiu hơn, anh còn chịu hệ lụy của cuộc chiến chia cắt hai miền Nam – Bắc dằng dặc 20 năm, khi bố mẹ di cư vào Nam lúc anh mới 2 tuổi. Trên góc độ nào đó, đó là một cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ chính trị đối lập. Bởi thế, hẳn nhiên vấn đề lý lịch cá nhân được mỗi bên xem xét cẩn trọng. Và Ngọc Khương, một cậu bé thông minh, học giỏi, hồn nhiên ở làng quê Vĩnh Phước hiền hòa bên bờ sông Gianh, vô tình thành nạn nhân…
Cái lý lịch nghe nhẹ tênh, nhưng thành tảng đá đè chẹn lên phần đời trai trẻ Ngọc Khương, khiến anh không thể vào đại học như đa phần học sinh tốt nghiệp phổ thông khóa đó. May thay, đời lại hé ra một khe nhỏ, đủ cho Ngọc Khương và những người cùng cảnh ngộ, đi lọt qua, rồi khép lại ngay tức thì. Đó là lớp trung cấp sư phạm cấp tốc mang tên 10+02 của tỉnh. Số sinh viên này, sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm, được triệu tập về đào tạo cấp tốc trong 02 tháng, để ra làm thầy giáo dạy cấp 2 (tức cấp THCS ngày nay). Làm một anh giáo làng, đời Ngọc Khương vẫn chưa yên phận, bởỉ ám ảnh hệ lụy chủ nghĩa lý lịch như tảng đá đè nặng: Đá đè ngọn cỏ xác xơ/ Bóng ma tị hiềm trùm lên giấc mơ (Cánh chim mùa xuân).
Tuyển tập thơ Ngọc Khương
Giờ nhìn lại, ta thấy vô cùng yêu mến, thậm chí cảm phục bản lĩnh Ngọc Khương những tháng năm tuổi trẻ cơ cực ấy. Có thể bản tính anh vốn hiền dịu khoan hòa, hay anh sớm nhận ra số phận không thể khác của mình, nên anh không oán trời, trách người. Như ngọn cỏ bị đá đằn, không thối chí, anh lặng thầm tìm lối bươn ra, và vươn cùng ánh sáng. Tuổi 70 nhìn lại, đời và thơ Ngọc Khương xoắn quyện, nương tựa nhau. Đời lấm láp, cam phận, đã chắt ra, rỏ nhỉ ra cho anh những mạch thơ ân nghĩa, ân tình, gan ruột. Và chính những mạch thơ ấy, nguồn thơ ấy, trở lại an ủi, nâng nhấc, cưu mang anh bước lên trong kiếp làm người nhọc nhằn…
Phải sau đất nước thống nhất 1975, Ngọc Khương mới thoát khỏi mặc cảm bị “mồ côi“, tìm được bố mẹ, mới có gia đình. Nhưng liền đấy, anh rơi vào nỗi tha hương vời vợi, khi rời làng Vĩnh Phước quê nhà, định cư cùng bố mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế đấy, đời Ngọc Khương luôn lao lư với những bi kịch, buồn vui đan cài. Phải chăng, số phận cố đày ải, thử thách không ngừng, để mạch thơ trong anh âm thầm nhuần nhị chảy?
Quả vậy, tuổi đời càng đi về phía sau, trí nhớ khôi nguyên lại quay về thời thơ ấu. Không cha không mẹ, trứng nước trong vòng tay khô gầy của bà nội, Ngọc Khương lam lũ với thân phận cáy còng: Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu/ Tay lấm láp bắt con còng làm bạn/ Chân tứa máu bởi mảnh hàu mảnh hến/ Da cháy rần trong nắng quái miền Trung (Ký ức làng tôi).
Nhà thơ Ngọc Khương
Thơ Ngọc Khương khiến người ta nắc nỏm khen, âm thầm nhớ, có lẽ là những bài thơ viết về làng quê anh, một làng cù lao bên bờ sông Gianh. Ở đó, quanh năm cồn cào sóng vỗ, nón lá tre lửa châm sém hạ, tháng tám dắt trâu trốn lũ, nghè tiến sĩ trơ đá đời nào, đền nhà quan mọt rên ngày giỗ. Đằng sau sự lam lũ đói khó, ta thấy thấp thoáng bóng làng cổ xưa với những nét vàng son một thời. Trải bao thăng trầm lịch sử, bao cuộc chiến ly loạn điêu tàn, cái làng Việt rất riêng của Ngọc Khương vẫn tươi nguyên cốt cách, hồn vía nông quê thuần hậu khói khắm, khiến ta run lên bởi sự nhân văn nhân ái bền chặt: Làng tôi một người bệnh, nháo nhác cả thôn/ Một người sinh, chật nhà than lửa/ Một người mất, trắng đồng khăn rũ/ Một người đi xa, thương lím đò ngang (Ký ức làng tôi). Trong văn chương nước Việt, có rất nhiều tác giả viết về làng mình khá thành công, nhưng “Ký ức làng tôi” của Ngọc Khương, có lẽ là một trong những bài thơ thành công nhất.
Có một minh triết là, khi xa quê người ta càng đau đáu nhớ thương quê. Với Ngọc Khương, anh còn hơn thế. Thơ anh đậm đặc ký ức máu thịt quê nhà, một giếng làng, một nhà từ đường dòng họ, con sông chảy qua làng, một bài hát về quê hương, một cơn lũ tràn qua, một chiếc cầu vĩnh cửu mới bắc qua sông quê, một vầng trăng xứ sở… cũng làm đầy lên nỗi niềm, sưng tấy nỗi nhớ của thi nhân về con đò, cây đa, bến nước, sân đình quê kiểng. Trong đó, cổng làng được anh coi như một biểu tượng hồn vía linh thiêng của làng, nơi chứng kiến bao đời thăng trầm thịnh suy, nơi cổng làng như ánh trăng vàng/ vắt qua bao kiếp nghèo sang cõi người/ Trăm năm biết mấy khóc cười. Và mỗi người làng, dẫu xa xôi chân trời góc bể, cuối đời lại muốn tìm về quê, lần cuối được chui qua cổng làng, như một sự chứng thực, một sự làm phép cho con dân của làng: Một đời xuôi ngược bôn ba/ Xế chiều lại muốn nghiêng qua cổng làng (Cổng làng)…
Trong trăm thứ bộn bề nhớ quê, tâm hồn anh, trái tim anh nhức buốt nỗi nhớ bà nội. Dẫu biết, trên đời ai cũng có một bà nội để kính để yêu suốt đời, nhưng bà nội Ngọc Khương hơn thế, bà vừa là cha vừa là mẹ, vừa là bạn bầu, và là hết thảy cái không gian tuổi thơ cũng như nửa đời trai tráng hồn nhiên và hiu hẩm của anh. Bao cuộc chiến tranh tàn khốc đi qua kiếp người, trên đầu bà mấy vòng khăn tang, lam lũ phận giun dế nơi ruộng đồng, cho đến khi rời cõi người ra đi, chỉ tấm lưng còng mang theo. Bởi thế, ngày trở lại quê nhà sau mấy chục năm tha hương, anh buốt nhói trước mộ bà nội, vẫn chưa thôi phận mưa đêm nắng chiều: Cỏ vàng nấm mộ buồn teo/ Buốt mưa đêm, rát nắng chiều nội ơi… Và thi nhân quặn lòng như thấy rỉ rắc trong ánh chiều nghiêng phiêu diêu: Nén hương quặn cháy, nghiêng chiều lệ rơi (Bà nội).
Tuổi trẻ Ngọc Khương, như thế hệ trẻ thời đó, lòng dư dật niềm say mê phấn đấu cho lý tưởng cách mạng. Trong sáng, hồn nhiên, không vương chút vụ lợi. Với một thanh niên giỏi giang, Ngọc Khương tha thiết đến cuồng dại yêu đời, yêu người, yêu lý tưởng. Nhưng đời và lý tưởng không dễ chấp nhận anh, đón nhận anh. Cả người đôi khi cũng thế. Chủ nghĩa lý lịch nghiệt ngã thành rào cản không dễ vượt qua. Bởi vậy, anh rơi vào khoảng bơ vơ lạc lõng. Và bất giác thốt lên: Bởi yêu cuồng dại/ Nên mình cô đơn? Thực ra, vì anh quá cô đơn, nên khao khát cuồng dại yêu đấy thôi!
Hẳn nhiên, trong tương quan giữa số phận và lý lịch cá nhân ấy, đã thành bi kịch chia uyên rẽ thúy nhiều đôi lứa. Ta chứng kiến một cuộc chia tay dùng dằng đầy nước mắt như thế của Ngọc Khương: Chia tay/ Sao chẳng muốn về/ Mưa không ướt áo/ Dầm dề mắt nhau? Đến đây, như có sự sắp đặt của số phận khi cuối vườn rơi một chiếc tàu cau: Tần ngần…rụng chiếc tàu cau/Em ơi/Nhặt gói/ Nỗi đau chúng mình! (Chia tay). Lạ thế, mo cau là vật thân thuộc hàng ngày với người nông quê, họ chuyên dùng mo cau gói cơm ra đồng hay đi rừng đi biển. Thế mà, thi nhân dùng để gói cuộc tình đã chết, quả là Ngọc Khương quê kiểng riêng biệt đến cả cách khâm liệm cuộc tình chia ly đau đớn nơi thôn dã của mình, một cách nhà quê không thể đáng yêu hơn…
Cuộc chiến tranh mang nặng ý thức hệ chính trị vừa qua, không chỉ nhiều lứa đôi bị chia lìa như trên, mà đa phần còn chia lìa vì sự khốc liệt của đạn lửa. Bao lứa đôi ra trận mang trong tim lời thề non hẹn biển vàng đá, nhưng Câu thề hẹn bom bửa thành trăm mảnh (Vươn chín nhịp cầu). Động từ bửa ở đây thật đắt giá, nó ám ảnh ta bởi sự tàn bạo đến phũ phàng, không thương tiếc của chiến tranh trước tình yêu đôi lứa. Và không thể khác, trên mảnh đất bị nhiều nhát cắt lịch sử chia phôi, thân phận tình yêu đôi lứa càng trắc trở đa đoan, càng có nhiều vọng phu: Đợi nhau bạc cả mái đầu/ Nỗi buồn hóa đá/ Nỗi sầu hóa mây/ Bơ vơ/ Một nhánh si gầy/ Hắt hiu một mảnh trăng chầy cuối đông (Đợi)…
Thi nhân là giống người nhạy cảm, dễ buồn vui và mang nặng ẩn ức thời cuộc. Dù đất nước thống nhất, non sông liền một dải, nhưng mỗi bước chân anh, in dấu một nỗi niềm thế sự. Quả vậy, qua cầu sông Gianh, anh lại đau như thấy ngựa hý gươm khua trận mạc thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Hay qua cầu Hiền Lương, dòng Bến Hải như nhát gươm lịch sử chém ngang đất nước, sóng rên hay thơ anh rên khi vết thương còn nhức buốt: Trăm năm còn mưng mủ/ Qua cầu/ Sóng rên (Qua cầu Hiền Lương).
Chiến tranh chết chóc chia ly đã đành, nhưng hòa bình mọi người đâu đã có ngay hạnh phúc ấm no. Thơ Ngọc Khương ngậm ngùi thương xót cho bi kịch bao phận người khốn khó. Một ông già bán kem, trời đổ lửa mà chân ông lập cập. Một em gái không tay, ngồi bán nước ngày lãi năm đồng bạc. Một người hành khất không chân thổi sáo, tiếng sáo như khóc như kêu/ mười ngón tay siết vào tiếng nấc. Một ông lão hát rong, khúc thương đau uất nghẹn hờn căm/ khúc dữ dội ào ào bão táp. Một người đạp xich lô gò lưng trong mưa tuôn gió táp, khi đến nhà mưa tạnh/ tôi quay trả tiền/ ôi thầy giáo cũ/ ngồi run trên yên (Tái tê). Một bà mẹ thăm mộ con sau cuộc chiến, ruột mộ chỉ là nắm đất. Một em nhỏ Sapa cõng em trên lưng, kiếm sống qua các đoàn khách du lịch, em thả những lời chào mời rã họng/ Thờ ơ/ bao khách thờ ơ… (Một thoáng Sapa). Thế đấy, có lẽ trong huyết quản sẵn phần đời tuổi trẻ nhiều đa đoan, khổ lụy lấm láp, nên những dòng thơ dù chân mộc ấy, Ngọc Khương vẫn kịp gieo vào người đọc nỗi đau nhân thế…
Thơ Ngọc Khương lời chân chất dung dị, nhưng vẫn mang những triết lý nhân sinh sâu sắc. Mọi sự vật, mọi cuộc đời, luôn có hai mặt phải trái, tốt xấu, buồn vui, đi kèm. Như hai nhịp thủy triều sinh đôi, lên xuống ngàn đời. Lại trải qua gần nửa đời người bầm dập đa đoan, nên thơ anh thấm đẫm sự thắc thỏm lo âu, tựa con chim trước làn cây cong: Nỗi mừng thấp thoáng nỗi lo/ Niềm vui chợt đến, thập thò niềm đau (Cõi người). Dù xã hội nào, thì đời người không phải lúc nào cũng bằng phẳng cỏ hoa: Chân đi vấp bóng mây trời/ Đường đời sụp lở, bẫy người bủa vây (Phù du). Ngày thống nhất đất nước, hàng triệu người hân hoan, anh như tỉnh giấc, thốt hỏi: Kiếp người trộn lẫn thực hư/ Hai mươi năm lẻ chạnh mưa nắng nào? (Mẹ ru ngày thống nhất).
Chưa hết, đêm trăng cùng bạn ngủ thuyền sau mấy chục năm xa cách, hàn huyên bao nỗi: Buồn vui dồn lại ba khoang thuyền đầy/ Ôm nhau giọt vắn giọt dài/ Giọt thương cho bạn, giọt cay cho đời (Đêm trăng cùng bạn ngủ thuyền). Thậm chí, khi một lứa bên trời gặp nhau chung vui, thơ anh lại thổn thức niềm đau số phận: Đứa làm sếp lớn/ Đứa sa bẫy người (Chữ tình trao nhau). Cả trong tình yêu, thơ anh cũng mang triết luận khá biện chứng: Cây qua đêm/ Lá xanh thành lá đỏ/ … Người qua thời gian/ Đầu xanh thành đầu bạc/ Nhưng, anh qua em/ Vành vạnh trăng ngà (Cây trạng nguyên).
Thơ Ngọc Khương ghi dấu khá nhiều những địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh đất nước. Qua thơ, ta thấy bước chân anh rong ruổi cùng trời cuối đất xứ sở. Nhưng, những bài thơ này đọc riêng không đến nỗi, nhưng khi dồn về đặt bên nhau, ta thấy chúng viết cùng mô tuýp, đầy ắp mỹ từ và khá nhàm nhạt. Ít bài gây được ẩn ức cho người đọc như kiểu Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan xưa…
Dẫu sao, gia tài thơ Ngọc Khương cũng nặng gánh, đủ làm ta yêu mến, cảm phục. Thơ anh không theo đuổi sự cách tân, không uốn éo màu mè, cũng không ồn ào vô lối. Trước sau, thơ anh vẫn chảy một dòng thuần phác, nhuần nhị, thấm đẫm hương quê thanh khiết…
Tuổi 70 nhìn lại, thơ và đời Ngọc Khương đã vắt trọn mình cho một kiếp yêu: Yêu em bạc tóc đã đành/ Yêu thơ rút kiệt xác mình mà yêu (Em và thơ).
Và cuối cùng, như một chúc thư, Ngọc Khương ao ước thơ mình rót một dòng ngọt mát tới muôn sau, giữa cõi đời vốn sướng khổ, thương đau lẫn lộn:
Rượu đời pha trộn buồn đau
Câu thơ ta rót ngàn sau ngọt lành…
(Em và thơ)
Đồng Hới, ngày 25 tháng 02 năm 2020
H.P