Thẩm Thúy Hằng – Một tuyệt thế giai nhân

1262

(Vanchuongphuongnam.vn) – Không gian nghệ thuật từ giữa thập niên 1950, khi hoạt động sân khấu cải lương và màn ảnh phim nhựa ở Sài Gòn trên đà lên ngôi, Thẩm Thúy Hằng là khuôn mặt sáng giá nhất  trong “Ngũ đại giai nhân”: Thanh Nga (1942-1978), Kim Cương (sinh 1937), Kiều Chinh (sinh 1937), Thanh Thúy xưa (sinh 1943) và Thẩm Thúy Hằng (sinh 1940). Thực ra, ngoài khả năng trình diễn ca hát tân cổ nhạc trên sân khấu, tham gia đóng tuồng, viết kịch bản và đóng phim, nhiều nữ nghệ sĩ tài hoa trong nhóm này, còn có nét đẹp riêng mỗi  người một vẻ.

Độc đáo ở nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, khán giả mộ điệu đã coi chị là một biểu tượng nhan sắc hoàn hảo, ngôi sao sáng chói nhất, chiếm ngự một cõi riêng xán lạn trên khung trời nghệ thuật đất Nam bộ và cả thế giới. Sau 1975, nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng tiếp tục gắn bó với nền nghệ thuật nước nhà, được phong thưởng là Nghệ sĩ Ưu tú và vẫn ở lại với quê hương cho đến hôm nay.

Thẩm Thúy Hằng.

Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, có tên thánh là Jeane. Là người Nam bộ nhưng Kim Phụng được sinh ra tại Hải Phòng khi cha cô là một viên chức, cùng gia đình, được chuyển ra làm việc tại thành phố hoa phượng đỏ. Sau đó một năm (1941) theo gia đình trở về miền Nam, Kim Phụng sống và lớn lên ở An Giang. Khi đang học Sơ đẳng Tiểu học tại Long Xuyên, lúc cô mới 13 tuổi thì cha qua đời. Học xong bậc Tiểu học, Kim Phụng lên Sài Gòn ở với người chị, học tiếp tại trường Huỳnh Thị Ngà, Tân Định. Dường như “Em là nhan sắc trời ban tặng/ Chớm tuổi mùa trăng đã đẹp rồi” (Ngũ Lang). Vừa sang tuổi mười lăm, lên học lớp Đệ Tứ (ngang bậc với lớp 9 bây giờ), nhan sắc còn đang độ giữa tuổi teen mà như một mùa xuân đến sớm, Kim Phụng nức tiếng là một hoa khôi lộng lẫy trong giới học sinh đất Sài thành, không ai là không biết. Hoàn tất việc học bậc Đệ Nhất cấp (Phổ thông Cơ sở hiện nay), vừa bước qua tuổi mười sáu, Kim Phụng đã âm thầm lén gia đình ghi tên tham gia cuộc thi Diễn viên Điện ảnh do hãng phim Mỹ Vân tổ chức và cô đạt Giải Nhất dễ dàng sau khi vượt xa hơn 2000 thí sinh khác ở miền Nam. Xuất phát từ gợi ý của Kim Phụng về lòng ngưỡng mộ người thầy dạy văn chương cho mình là Thẩm Thệ Hà (1923-2009), một nhà giáo – nhà thơ yêu nước đức độ tài danh đang nổi tiếng trên đô thành bút mực miền Nam lúc bấy giờ, giám đốc hãng phim Mỹ Vân đã đặt cho Kim Phụng nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng.

Được cha mẹ ban cho một nhan sắc hiếm có mà bất cứ cô gái nào cũng mơ ước, Thẩm Thúy Hằng không khác một bức danh họa chân dung sống, rạng rỡ với sắc màu thắm tươi qua nét cọ bậc thầy (master-artist) của một nghệ sĩ tài hoa.

Vóc dáng cao ráo, thể hình đầy đặn với ba số đo lý tưởng, Thẩm Thúy Hằng sở hữu khuôn mặt trái xoan điểm xuyết trên đó đôi mắt bồ câu đen láy trữ tình gác ngang trên chiếc mũi dọc dừa xinh xắn dưới đó là đôi môi mọng ước hình tim thèm gợi. Tất cả đường nét sinh động dường như xuất hiện đúng vị trí từng yem một, theo tỷ lệ vàng (nombre d’or) của hội họa trên khuôn mặt đẹp, xứng đáng là một biểu tượng nhan sắc lúc bấy giờ, Thực ra, chưa nói đến chuyên môn diễn xuất, về ngoại hình nhất là vẻ mặt, công bằng mà nhận định, Thẩm Thúy Hằng có đủ yếu tố làm người mẫu (model) khả dĩ vượt qua được cả những minh tinh màn bạc bậc nhất thế giới (first world screen star) lừng lẩy lúc bấy giờ như: Marilyn Monroe (1926-1962 – Mỹ), Elizabeth Taylor (1932-2011 – Anh), Michèle Mercier (sinh 1939 – Pháp) Claudia Cardinale (1938 – Ý), Lý Lệ Hoa (1924-2017- Hoa)…

Với lòng đam mê nghệ thuật thiên bẩm từ thuở còn bé, kết hợp với khuôn mặt và thể hình ưu điểm vượt trội, Thẩm Thúy Hằng khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật thứ bảy với vai diễn Tam Nương trong “Người đẹp Bình Dương” – một phim nhựa đen trắng của hãng phim Mỹ Vân do nghệ sĩ kháng chiến tài danh Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) làm đạo diễn, ra mắt công chúng năm 1958. Với vai diễn đầu tiên này, Thẩm Thúy Hằng tự tin, thể hiện tuyệt vời tính cách nhân vật, vụt sáng chói lên như một ngôi sao điện ảnh hàng đầu và nhanh chóng chinh phục được hầu hết khán giả khó tính lúc bấy giờ trên màn ảnh rộng Việt Nam và Đông Nam Á (Asean).

“Nguyên trinh hanh thông”: khởi đầu tốt đẹp, về sau mọi thứ được suôn sẻ, thế là Thẩm Thúy Hằng bắt đầu được các hãng phim liên tục mời đóng vai chính. Ước tính có khoảng hơn 60 phim nghệ sĩ đã tham gia với kết quả hoàn mỹ và chóng trở thành minh tinh duy nhất ký hợp đồng đóng phim với giá cao ngất ngưởng: một triệu đồng  (tương đương với 1 kg vàng SJC loại bốn số 9 hiện giờ) cho một vai diễn. Sau đó trong một vai diễn khác, Thẩm Thúy Hằng cũng đảm nhiệm thành công là vai Chức Nữ trong phim Ngưu Lang Chức Nữ, cũng của hãng phim Mỹ Vân và cũng do NSND tài hoa Năm Châu lảm đạo diễn. Ấn tượng nhất ở phim này làm khán giả không sao quên được là cảnh một nàng Chức Nữ đẹp lộng lẫy, kiêu sa, trong không gian sương khói lung linh đang bay về trời, du dương mơ màng với tiếng hát thánh thót âm vang từ những áng mây huyền ảo, thần tiên trong nhạc cảnh ‘Chức Nữ về trời’ do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác dàn dựng.

Ngày xưa ở Trung Quốc có “Tứ mỹ đồ” hay “Tứ đại mỹ nhân” (bốn người đẹp) là: Tây Thi (sinh 506 Trước CN), có vẻ đẹp Trầm ngư (làm cá chìm), Chiêu Quân (51 TCN-15 TCN), với vẻ đẹp Lạc nhạn (làm nhạn sa), Điêu Thuyền (Nhân vật hư cấu) có vẻ đẹp Bế nguyệt (khiến mặt trăng phải thẹn, nấp sau đám mây) và Dương Quý phi (719-756), với vẻ đẹp Tu hoa (khiến hoa phải xấu hổ). Lúc bấy giờ, ở Sài Gòn cũng có nhiều nữ nghệ sĩ sân khấu ca nhạc nổi tiếng xinh đẹp khác, mà khán giả đã sơ tuyển một nhóm và gọi chung là “Ngũ đại giai nhân” hoặc “Ngũ đại mỹ nhân” (năm người đẹp nhất) gồm có: Thanh Nga, Kim Cương, Kiều Chinh, Thanh Thúy xưa và Thẩm Thúy Hằng. Trong đó, trước tiên là NSƯT Thanh Nga (có tên Juliette), nữ hoàng sân khấu, một nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh, nổi tiếng về tài sắc mà khán giả cải lương một thời không bao giờ quên được giọng ca buồn thiên cổ của cô. Kế đó là NSND Kim Cương, có nét đẹp hồn nhiên pha vẻ nhí nhảnh dễ thương, vừa diễn xuất hay vừa viết vững thoại kịch (ký Hoàng Dũng). Và, trong lúc nữ minh tinh Kiều Chinh đẹp đài các kiêu sa trên màn ảnh rộng một thời thì ca sĩ Thanh Thúy xưa, từng được coi là thần tượng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) có riêng vẻ đẹp sầu mộng và giọng ca liêu trai trầm buồn, chứa đựng triền miên một nỗi u hoài, độc đáo nổi tiếng ở những bản nhạc buồn của nhạc sĩ Trúc Phương (1933-1995). Riêng NSƯT Thẩm Thúy Hằng, nhờ thinh sắc lưỡng toàn, cô như đứng vững ở vị trí đặc biệt của một minh tinh màn bạc hàng đầu, cộng thêm khả năng tham gia cải lương, viết kịch bản và diễn kịch.

Thừa thắng xông lên, tự tin ở chuyên môn nghệ thuật của mình, giống như Người đẹp Tây Đô Việt Trinh, Đả nữ Ngô Thanh Vân,… sau này, Thẩm Thúy Hằng cũng đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của hãng phim Vilifilms ở Sài Gòn. Chiều Kỷ niệm là bộ phim đầu tiên của cô ở vai trò chủ hãng phim, với đạo diễn nổi tiếng Lê Mộng Hoàng (1929-2017) cùng giàn diễn viên nổi tiếng: Năm Châu , Phùng Há , Kim Cúc, Thanh Tú, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Huy Cường, … mang đến sự thành công rực  rỡ. Tên tuổi càng rực sáng thêm, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục cho ra đời các phim: Nàng, Ngậm ngùi tất cả đều thu hoạch tốt đẹp. Trong khi tài nghệ thăng hoa thì bến tình cũng thay chủ mới. Sau năm năm cô sống với người chồng trước có được một con, do sự sắp xếp của gia đình, cuộc hôn nhân đầu (1959-1968) tan vỡ. Sau hai năm quen biết (1970), nghệ sĩ Thẩm  Thúy Hằng lập gia đình lần thứ hai với Tiến sĩ Kinh tế Tony Nguyễn Xuân Oánh, hơn cô gần 20 tuổi, từng là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước rồi Phó Thủ tướng chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Chính người chồng sau này đã giúp đỡ Thẩm Thúy Hằng lập ra hãng phim mang tên cô. Sau ngày đất nước được thống nhất, ông Nguyễn Xuân Oánh được bầu là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rồi Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau đó tiếp tục làm Cố vấn kinh tế cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ sau năm 1975, cặp đôi vợ chồng Chính khách-Nghệ sĩ nổi tiếng này vẫn ở lại với quê hương và hăng hái phục vụ nước nhà theo khả năng chuyên môn của mình cho đến hôm nay.

Nhờ tên tuổi được thế giới biết đến, nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng bắt đầu tham dự nhiều liên hoan phim ở châu Á: Moskva, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ… Dù ở đâu nơi hải ngoại, sự hiện diện của NSƯT Thẩm Thúy Hằng cũng mang ý nghĩa của một biểu tượng nghệ sĩ dân tộc tự hào mang chuông vàng đi đánh xứ người, từng đạt các giải cao quý: Nữ diễn viên xuất sắc (Đài Bắc), Ảnh hậu Á châu (Hongkong, Đài Loan, 1972-1974), Nữ diễn viên khả ái nhất (Moskva, Taskeen, Liên Xô 1982).

Thẩm Thúy Hằng là nghệ sĩ đa tài, giàu tính năng nỗ, rất ham hoạt động. Vững vàng vị trí ở nghệ thuật thứ bảy, cô hăm hỡ mạnh dạn bước chân sang lĩnh vực sân khấu, tham gia cải lương, thành lập ban kịch Thẩm Thúy Hằng. Với vai trò trưởng ban, cô tự viết kịch bản, dàn dựng sân khấu và đóng vai chính. Các vở: Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ… gặt hái thành công mỹ mãn ngoài mong đợi. Trên sân khấu cải lương Thanh Minh-Thanh Nga, dù không phải là sở trường, Thẩm Thúy Hằng vẫn thành công tốt đẹp ở vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở Bóng chim tăm cá.

Sau năm 1975, sau những ngày bình minh giải phóng, như được tiếp sức thêm bằng không khí ấm nồng của thời đại mới, NSƯT Thẩm Thúy Hằng tiếp tục hăng hái tham gia những bộ phim cách mạng như: Ngọn lửa Krong Jung, Như thế là tội ác, Hồ sơ một đám cưới, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu…Bên lĩnh vực sân khấu, ‘Người đẹp Bình Dương’ có những vai diễn khởi sắc trong những vở kịch: Cho tình yêu mai sau, Hoa sim gai trắng, Đôi bông tai,… Vai diễn sau cùng của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.

Nhìn lại chân dung của NSƯT Thẩm Thúy Hằng, ta có thể khách quan nhận định cô là biểu tượng của một nghệ sĩ “quốc sắc thiên hương” đa tài, năng nổ, viết kịch hay, diễn xuất giỏi, khá gần gũi với NSND Kim Cương về tài sắc. Ở Sài Gòn của Việt Nam một thời khói lửa, không ai có thể quên được “Ngũ đại giai nhân” trong đó có nữ hoàng sân khấu Thanh Nga tài hoa bạc mệnh.

Với “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng và “Nữ hoàng thoại kịch Kim Cương”, ngoài tài sắc được đa phần khán giả bốn phương hết lòng ngưỡng mộ, ta còn trân trọng ở nhân cách cao quý của người nghệ sĩ chân chính của dân tộc, đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật và gắn kết thủy chung cuộc đời và hạnh phúc của mình với tổ quốc quê hương.

Nguyễn Tấn Thành