Nguyễn Thị Cẩm Thạnh – nhà văn nữ đầu tiên của Quảng Bình

467

Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh từ trần hồi 20h55 ngày 16/02/2022 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. Trong số các nữ nhà văn (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) quê Quảng Bình, bà là nhà văn nữ đầu tiên. 


Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh thời trẻ.

Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh sinh năm 1927, quê làng Lý Hòa, xã Hải Trạch (nay là xã Hải Phú, huyện Bố Trạch), vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. 14 tuổi bà đã tham gia cách mạng, hoạt động bí mật, là Bí thư Tỉnh hội Phụ nữ cứu quốc đầu tiên của Quảng Bình, sau đó là lãnh đạo Hội Phụ nữ Liên khu 4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương và Hà Nội, rồi làm biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng và Báo Văn học. Bà từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Phụ trách tuần Báo Văn Nghệ trong nhiều năm.

Song hành với công tác lãnh đạo, quản lý là việc sáng tác văn học không ngừng nghỉ, tính đến nay, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh đã xuất bản 5 cuốn tiểu thuyết và truyện vừa, 7 tập truyện ngắn và ký. Trong đó có truyện ngắn Bên ni bên tê (Giải thưởng của Hội Văn nghệ Liên khu Việt Bắc-1949), truyện ngắn Những đứa em (Giải thưởng của báo Văn học-1962), tiểu thuyết Âm vang biển sóng (Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam-1999).

Bà đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng Giải thưởng cống hiến; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc đóng góp cho phong trào phụ nữ bằng sáng tạo văn học nghệ thuật.

Tâm sự về cuộc đời hoạt động cách mạng và công việc viết văn của mình, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh tự bạch: “Tôi sớm tham gia cách mạng. Các sáng tác văn xuôi của tôi chủ yếu đi sâu vào hai mạch nguồn: viết về những vấn đề của phụ nữ và về cuộc sống của ngư dân vùng biển. Những năm chống Mỹ, tôi đã về các vùng biển chịu chung lửa đạn, tham gia trận chiến cùng bà con. Tôi đã cùng đi với chị em trên con thuyền ‘Ba đảm đang chống Mỹ’ vào lộng ra khơi…

Có thể nói rằng, tình yêu cuộc sống và lòng thành thực hăng say thể hiện tình yêu ấy đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm. Hoài bão và trí tưởng tượng cũng là yếu tố quan trọng giúp người viết có nghị lực cất cánh”. (Nhà văn Việt Nam hiện đại – Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành).

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lê Thị Đức Hạnh đã viết về nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh như sau: “Nguyễn Thị Cẩm Thạnh đã biết chọn cho mình một vùng quê, cũng là quê hương thực sự để đi sâu, ở lâu và bám sát nên có sự hiểu biết và diễn tả khá sinh động về sinh hoạt, tâm tư, tình cảm, lời ăn tiếng nói… của người dân ở vùng sông nước. Nhưng quan trọng hơn vẫn là tấm lòng của người cầm bút. Chị có những đóng góp đáng quý trong việc phản ánh và gắng thử giải quyết một số vấn đề trong đời sống phụ nữ, nhất là ở khía cạnh giải phóng họ”.

Nhà văn Bùi Hiển, trong một bài viết đã cho biết: “Có lần nhà văn Nguyễn Tuân đọc cuốn sách San hô đỏ của Nguyễn Thị Cẩm Thạnh mới tặng ông. Ông say mê đọc và hứng khởi nói với vợ: ‘Cẩm Thạnh kỳ này viết khá lắm! Tôi đọc xong sẽ đưa bà đọc’. Cẩm Thạnh giỏi về phong tục tập quán dân chài; vốn từ vựng giàu, nhiều hình ảnh…”.

Bàn về tiểu thuyết Âm vang biển sóng, nhà phê bình văn học Trần Thị Thắng viết: “Với cách viết giản dị, không có nhiều nhân vật phản diện mà phần lớn là nhân vật chính diện, nhưng tiểu thuyết Âm vang biển sóng vẫn đầy sức sống. Đây là cuốn sách in dấu ấn nhiều về tác giả, là cuốn sách ‘ruột gan’ của Nguyễn Thị Cẩm Thạnh. Nhân vật chính đã đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc trong những thập kỷ chống xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ, cho nên tính tự truyện được ‘lịch sử hóa’ cùng đất nước…


Nhà văn lão thành Nguyễn Thị Cẩm Thạnh (1927-2022)

Tuyến nhân vật chính diện được khắc họa sâu lại là phụ nữ. Họ có cá tính, có cả nét duyên dáng, vẻ đẹp khỏe mạnh, chịu gian khổ trong hoạt động cách mạng, nhất là trong bối cảnh cả gia đình đi theo cách mạng. ‘Âm vang biển sóng’ là âm vang của nhiều thế hệ đi tìm đường cứu nước; một cuốn tiểu thuyết ghi được những ấn tượng sâu sắc về hình tượng phụ nữ Việt Nam trên con đường đi theo cách mạng.”

Con người và cảnh sắc Quảng Bình đã được nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh miêu tả rõ nét qua một số nhân vật, trang viết trong tiểu thuyết cũng như trong truyện ký. Người đọc tinh nhạy có thể nhận ra những nguyên mẫu ngoài đời ở các vùng biển Lý Hòa, Bảo Ninh, Ngư Thủy…

Tiêu chí phục vụ của nhà văn là hướng đến con người và cuộc sống con người. Bạn đọc là người sẻ chia, đồng hành với người viết. Có lần nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh hạnh phúc nhận được một bức thư của một phụ nữ đề tên Nguyễn Thị Hoài Phong (Đội kiến trúc cấp nước tỉnh Thanh Hóa) viết: “Chị ơi, tập truyện ‘Những bạn gái’ của chị có những trang văn, những mẫu chuyện sao mà giống với hoàn cảnh của em. Thú thật với chị, đọc xong cuốn sách em đã khóc suốt một đêm thứ bảy và cả một ngày chủ nhật, bỏ cả ăn uống. Câu chuyện của riêng em gần 10 năm về trước lại như một cuốn phim lần lượt diễn ra trong trí óc em…”.

Trong lịch sử văn học Quảng Bình, tính từ thời điểm xuất hiện Nguyễn Thị Cẩm Thạnh trở về trước không có ai là nhà văn nữ. Với nhiều cương vị, nhiệm vụ chuyên môn khác nhau trong từng giai đoạn cũng như công việc gia đình hạn chế không ít đến việc sáng tác, vậy mà nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh đã để lại cho đời mấy nghìn trang sách có giá trị. Bà là vợ của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Xuân Sanh (quê xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh). Hai ông bà đều sớm tham gia cách mạng, theo Đảng trọn cuộc đời.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh mất năm 2020 khi tuổi gần chạm 100. Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh năm nay 95 tuổi. Thật hiếm có cặp vợ chồng nhà văn sống lâu, hạnh phúc như hai ông bà! Cùng quê hương Quảng Bình, cùng chung lý tưởng cách mạng, cùng đam mê tâm huyết với văn chương…, ông bà luôn yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ, động viên nhau. Trong một bài thơ tặng vợ, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh viết: “Vắng em, như thể thừa tay/Đường đi vẫn thấy đó đây hai mình…”

Quảng Bình thật tự hào có một cán bộ lãnh đạo phụ nữ tỉnh đầu tiên là Nguyễn Thị Cẩm Thạnh. Càng tự hào khi Nguyễn Thị Cẩm Thạnh là nhà văn nữ đầu tiên của Quảng Bình có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà!

Theo Lý Hoài Xuân/Vanvn