Nguyễn Đình Thi – tầm vóc nhà văn hóa kiểu mới

749

04.9.2017-09:10

 Nhà văn Nguyễn Đình Thi

 

Nguyễn Đình Thi – tầm vóc nhà văn hóa kiểu mới

 

ĐOÀN TRỌNG HUY

 

NVTPHCM- Là nhà văn – triết gia, nhà văn – nghệ sĩ, Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) còn là một định nghĩa chuẩn về nhà văn hóa chân chính, cách mạng của thời đại mới. Ông là nhà văn hóa đích thực trên cả hai phương diện lý luận và thực hành – là một văn hóa có lập ngôn và có hoạt động thực tiễn.

 

Sớm trở thành chính khách tầm cỡ quốc gia, Nguyễn Đình Thi từ 8.1945 đã đề xuất văn kiện có ý nghĩa lịch sử Một nền văn hóa mới. Thực chất đây là văn kiện được viết dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943. Đề cương là kim chỉ nam của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam và công cuộc vận động văn hóa Việt nam mới. Một nền văn hóa mới Việt Nam do Nguyễn Đình Thi chấp bút, vừa là văn kiện chính trị quan trọng, vừa là tác phẩm lý luận đầu tiên rất đặc sắc của Hội Văn hóa cứu quốc. Nó đặt ra khá đầy đủ các vấn đề cơ bản về văn hóa, giáo dục, khoa học xã hội và nghệ thuật của nước Việt Nam mới. Văn kiện đặc biệt nhấn mạnh phương châm dân tộc, khoa học mà trong đó cái hồn dân tộc như yếu tố quyết định.

 

Nguyễn Đình Thi nhanh chóng trở thành người lãnh đạo văn nghệ Việt Nam và giữ các trọng trách đứng đầu lâu năm nhất cho đến khi qua đời. Văn nghệ sĩ tôn ông là “Phó soái” bên cạnh Tố Hữu là “Thống soái”. Thời gian đương nhiệm, với chức trách lãnh đạo, Nguyễn Đình Thi còn viết một số tiểu luận về văn học, văn nghệ trong đó có tác phẩm ảnh hưởng to lớn là Nhận đường có ý nghĩa hướng dẫn và mời gọi tích cực. Nó hỗ trợ cho những chỉ thị về văn hóa, văn nghệ của Bác Hồ được nhắc tóm gọn như những danh ngôn từ những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến cho đến sau này. “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân …”, “Văn nghệ sĩ phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa”…

 

Bằng nỗ lực hoạt động một đời Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản rất đáng kể: “Một kho tàng văn hóa to lớn về các thể loại từ thơ ca đến tiểu thuyết, từ kịch đến lý luận phê bình, đấy là chưa kể đến các tác phẩm dịch thuật, tác phẩm triết học và âm nhạc”(1).

 

Tổng hợp lại là một đánh giá chính thống: “Nguyễn Đình Thi để lại cho chúng ta một di sản văn hóa đồ sộ”(2).

 

Di sản ấy đã và sẽ còn được nghiên cứu, bình phẩm, thẩm định theo những tiêu chí cụ thể của văn chương, nghệ thuật. Ở đây, chỉ xin nêu tổng quát những đóng góp về giá trị tư tưởng văn hóa của Nguyễn Đình Thi bao gồm cả tư tưởng nghệ thuật, chính trị.

 

Với tinh thần khoa học, Nguyễn Đình Thi làm nghệ thuật như một sự khám phá thế giới, đặc biệt chủ yếu nhất là thế giới tâm hồn con người. Trong văn xuôi, với tư cách phóng viên chiến tranh, nhà văn đã tìm ra được qua sự nghiệp chiến đấu của các binh chủng bộ binh (Xung kích), pháo cao xạ (Vào lửa), không quân (Mặt trận trên cao) không chỉ là chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà là những vấn đề chiến lược, chiến thuật của chiến tranh nhân dân thần kỳ Việt Nam. Bên cạnh khám phá có ý nghĩa quân sự ấy là sự phát hiện về nghĩa lý đời sống dân sự: quan hệ người và người, cán bộ và chiến sĩ, các thế hệ cầm súng. Ở bộ tiểu thuyết đồ sộ Vỡ bờ (2 tập) Nguyễn Đình Thi có tham vọng dựng một bức toàn cảnh hoành tráng về Cách mạng tháng Tám. Trong cuộc cách mạng long trời lở đất ấy là những rung chuyển xã hội và chấn động tâm hồn quyết liệt. Ta đọc được qua đó con đường đi đến cách mạng của đủ tầng lớp, hạng người xã hội, thân phận, số mệnh biết bao cuộc đời trong sự đổi thay ghê gớm. Từ đó là những biểu hiện hình thái chủ nghĩa nhân văn mới mang đạo lý truyền thống và cả những biểu hiện mới mẻ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua phong trào cách mạng quần chúng và hoạt động của chiến sĩ cách mạng. Đó là những gì bao quát nhất trên vô số hình ảnh, cảnh tượng, tình cảnh. Rất có lý khi nhận định rằng ở cả văn xuôi và thơ ca Nguyễn Đình Thi là sự khám phá trên ba chủ đề lớn: Đất nước, Cách mạng và Tình yêu. Nếu mở rộng trong sáng tác kịch ta sẽ thấy trên cơ sở cảm hứng lịch sử và tâm thức văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn đào sâu vào nhiều vỉa ý thức và tâm trạng con người với bao phức tạp, dằn vặt, trăn trở, xung đột. Từ nay nhìn xưa, lấy xưa hiểu nay, tư duy và suy nghiệm, minh chứng qua đối chứng như cách làm của một nhà khoa học – ở đây là khoa học lịch sử, mở rộng ra là khoa học xã hội.

 

Dễ nhận ra chất triết lý qua hai mảnh sáng tác nổi trội là thơ và kịch Nguyễn Đình Thi. Thấp thoáng có tư tưởng triết học của bao triết gia từ các thế kỷ nhưng rõ nhất vẫn là duy vật biện chứng của Mác với phân tích vào biện chứng tâm hồn con người. Chỉ hình ảnh trong bài thơ Nơi dựa gợi cho ta mối quan hệ, tác động qua lại của những con người, của những thế lực: “Ai biết đâu đứa bé còn chưa vững lại chính là chỗ dựa cho người đàn bà kia sống”? (người mẹ dắt con). Cũng vậy, bà cụ mà người chiến sĩ dẫn qua đường là chỗ dựa tinh thần cho con người chiến đấu.

 

Hiển nhiên, Nguyễn Đình Thi là nhà văn – triết nhân, tư duy triết lý trong chừng mực nào đấy đã đạt được là minh triết.

 

Triết học được coi là kiểu tư duy khái quát cao của phương Tây, ngược lại, minh triết là cái thông thái phương Đông. Thực ra, cả hai đều nằm trong một phạm trù của khoa Triết. Theo một quan niệm, minh triết là sự thông tuệ sâu sắc, đột khởi. Một học giả Pháp phân biệt: “Triết học thiên về sự biết, minh triết quan tâm đến sự ngộ”, cho rằng triết gia thích nói, người tư duy minh triết ít nói,thậm chí không nói. Nguyễn Đình Thi thường có cái “cõi tich mịch” trong thơ (3) như muốn vươn tới cái im lặng sâu thẳm của lòng người và vũ trụ.

 

Với thắc mắc vì sao thơ có nhiều “lặng im” và “không nói”, Nguyễn Đình Thi giải thích: “Lúc lặng im là lúc con người suy nghĩ nhiều nhất và lắng nghe tinh tế nhất” và nói rất thích một câu thơ Pháp: “Lòng nhân ái là cõi mênh mông trong đó tất cả đều im tiếng” (4). Minh triết thường được phát ngôn dưới dạng định đề, châm ngôn, trong đó chứa đựng mênh mông trí tuệ: suy xét, phán đoán, biện luận… do đó có ý kiến cho rằng minh triết có khả năng tiên tri dự báo tương lai và định nghĩa minh triết là siêu văn hóa.

 

Để minh chứng xin nêu hai thí dụ đặc sắc về năng lực dự cảm, dự đoán và dự báo của Nguyễn Đình Thi.

 

Là đại biểu Quốc hội khóa I,II,III, Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội, đến năm 1985 khi sắp bước vào Đổi mới, Nguyễn Đình Thi đã phát biểu “Chế độ nghị viện gắn liền với tranh luận báo chí. Quốc hội xã hội chủ nghĩa ít có tranh cãi, cãi ở tổ rồi báo cáo. Như thế là lớp học. Chưa tạo được thể chế riêng cho chế độ chính trị”.(5) Ý tưởng ấy mới được thực hiện ít lâu nay và trong sửa đổi hiến pháp sắp tới sẽ được hiến định. Xem thể đủ biết Nguyễn Đình Thi là một chính khách thông tuệ tiên liệu biết bao. Còn về tranh luận thơ Nguyễn Đình Thi thời 1949 thì Chế Lan Viên rồi đến thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ đã đưa thơ tự do lên ngôi, thành một chủ thể chính thống, bề thế. Lịch sử thơ ca chưa đầy ba mươi năm sau đã “bênh vực thơ tự do” và hơn thế, phát triển mạnh như dự đoán thiên tài của minh triết nghệ thuật Nguyễn Đình Thi.

 

Có một giá trị tinh thần rất đáng biểu dương ấy là ý thức phê phán, phản biện khoa học của Nguyễn Đình Thi. Nhà văn nêu quan niệm: “Cái học của tôi là học phê phán”(6). Đó là cách nhìn kiểu hoài nghi khoa học, đặt phân đề để phản biện. Với cái cũ và cả cái mới: Qua cọ xát, đào xới, lựa chọn tất cả phải được thanh lọc và nhào nặn. Nhận xét cho rằng trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi có dấu vết ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, văn hóa Nga, văn hóa Trung Quốc… là chính xác. Biết người để hiểu mình, biết mình để hiểu người là hai quá trình biện chứng qua bộ lọc trí tuệ bản thân. Có cả mà lại chẳng hẳn là ai: Rabindranath Tagore, Louis Aragon, Nazim Hikmet, Paul Eluard, Levtolstoi, Maxim Gorki, Ilya Ehrenburg, Milkhail Solokhov, Lão Xá, Lỗ Tấn…

 

Ý thức dân chủ thực chất cũng là một ứng xử rất văn hóa của nghệ sĩ mới. Ý thức ấy bắt đầu được nuôi dưỡng và phát huy từ khi tham gia cách mạng và lãnh đạo các Hội, Đoàn, tổ chức văn nghệ, văn hóa mà ở đó diễn ra thường xuyên các hội thảo, hội nghị tập thể và tín nhiệm cá nhân được kiểm chứng bằng lá phiếu. Là người nắm quyền lực lâu năm cũng một phần do cơ chế tổ chức cũ, nhưng Nguyễn Đình Thi rất ít bị ấn tượng về lạm quyền. Nguyễn Đình Thi cũng tôn trọng quyền lực, nhưng không quá đam mê mù quáng. Chính ông sớm phát hiện ra cái bi kịch quyền lực (Rừng trúc viết xong từ 1978!). Qua hoạt động sáng tác, nổi lên rất rõ một Nguyễn Đình Thi ngày càng sáng suốt trong tự nhận thức. Cuối đời, những bài thơ vừa là tâm sự vừa là suy nghiệm nhân tình thế thái, có tự bạch và phê phán, nhất là tự phê phán trong tinh thần khiêm nhường đến mức “Không nói được mình đã hiểu người/ Không dám nói mình đã biết yêu/ Không dám nói mình đã biết sống/… Mỗi bước mùa xuân đến kia dịu dàng trên cỏ non/ Cái tổ ong hồn tôi cuống quít rộn ràng… (Tóc bạc). Bài thơ Gió bay như một lời tạ lỗi cuộc đời trước khi đi xa: “Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm/ Quên cho những lời dối lừa khoác lác/ Tôi biết đã nhiều lần ác/ Và ngu dại còn nhiều lần hơn”… Qua những dòng thơ cuối đời ta cảm nhận một tấm lòng nhân ái thiết tha, khoan hòa, bao dung của một nhân cách văn hóa lớn. Tạm biệt đời bằng lời cầu xin chân thành sự tha thứ kể cả những lỗi lầm không đáng có và không có.(7)

 

Nổi bật một đời Nguyễn Đình Thi là khát vọng sáng tạo khôn cùng. Đó chính là hạt nhân tính cách của nhà văn hóa chân chính. Cũng là hồn cốt tư tưởng nghệ thuật cao đẹp.

 

Trong sáng tạo nghệ thuật, nhà văn có nhiều biểu hiện phá cách, không chịu gò bó vào một khuôn mẫu định sẵn. Thường trực là ý thức đi tìm cái sáng tạo về nội dung cũng như hình thức. Thơ là lĩnh vực bùng nổ” sớm nhất. Ở Kịch là nung nấu kiên trì cải biến từ rất lâu. Rất nhiều thí nghiệm lớn và nhỏ, trên đại thể thế giới nghệ thuật và trong từng tác phẩm, từng loại hình, thi pháp. Nguyễn Đình Thi gặp không ít trở ngại, thăng trầm. Những cái mới ban đầu thường bị phản ứng, không dễ chấp nhận. Có vở kịch sau hơn 20 năm mới biến thành đời sống trên sân khấu. Tiếp triết lý Lời người xưa,xin được thêm một châm ngôn triết luận trong trường hợp này: “Chỉ những bậc đại nhẫn mà thiện đãi thiên hạ mới đúng là biểu hiện của đại trí tuệ”. (ĐTH)(8)

 

Dễ hiểu vì sao Nguyễn Đình Thi có tinh thần đổi mới khá sớm là như vậy. Một cuộc đổi mới từ căn cốt ý tưởng, âm thầm mà quyết liệt, cuối cùng sự thắng thế đã mỉm cười với nghệ sĩ qua bao nhọc nhằn,vất vả. Ông tự nhận là lạc quan nhưng là “một người lạc quan buồn”.

 

Trong toàn bộ giá trị sáng tạo văn hóa, cái chủ yếu nhất mà Nguyễn Đình Thi tập trung suốt đời là sự tìm kiếm và thể hiện cái đẹp.

 

Suy tư cũng là khát vọng cả một đời của nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi là “ Cái đẹp cứu rỗi cuộc đời”. Đó cũng là tiêu chí cao nhất để đánh giá và định vị là nghệ sĩ trên cõi đời. Nguyễn Đình Thi quan niệm cái đẹp chân chính đồng nghĩa với mục tiêu của chủ nghĩa nhân văn mới: “Cái đẹp của văn học nghệ thuật là nó khắc họa được thân phận con người, ngòi bút của nhà văn phải chạm được và tận đáy tâm hồn của con người, làm cho sự sống, tính nhân văn, lẽ sống nhân sinh lung linh lên và như thế thì nó mang tầm nhân loại”. (9)

 

***

 

Người Việt Nam vốn khiêm nhường, kể cả về danh hiệu, Một nhà văn lớn, nhà thơ lớn, duy danh định nghĩa đã có thể gọi được là văn hào, thi hào. Lớn hơn nữa là đại văn hào, đại thi hào như Nguyễn Du. Một nhà văn hóa tài năng lớn có thể được tôn vinh là danh nhân. Đất nước có truyền thống văn hiến là có sự đóng góp của những danh nhân văn hóa.

 

Tin rằng với thẩm định công minh của thời gian lịch sử sẽ có những ứng viên sáng giá của thi đàn như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi… được tôn vinh ở hàng danh nhân văn hóa đất nước.

 

Đó chính là niềm tự hào chính đáng của dân tộc trong thời đại ánh sáng mới. Sự chậm trễ tôn vinh sẽ là thiệt thòi cho sự nghiệp văn hóa không chỉ của riêng ta trong hoàn cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

 

________________

 

(1) (2)Nhiều tác giả: Nguyễn Đình Thi Cuộc đời và sự nghiệp. Hội Nhà văn, 2004

(3)Đỗ Minh Tuấn: Cõi tịch mịch trong thơ Nguyễn Đình Thi,

in trong Nguyễn Đình Thi – Về tác gia và tác phẩm. Giáo dục, 2000

(4)Lê Thị Tâm Chính: Vĩnh biệt Nguyễn Đình Thi một cây đa của làng văn hiện đại in trong (1)

(5) (6)Tân Phong: Chim phượng bay từ núi – một cách tiếp cận tác giả và tác phẩm. Văn nghệ 17 18 – 28/4/2012

(7)Phần IV – Sách đã dẫn (1)

(8)Xem thêm Đoàn Trọng Huy: Nguyễn Đình Thi – Nhìn lại từ hôm nay, in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX. Giáo dục, 2007

(9)Hoàng Hữu Các: Cái đẹp cứu rỗi nhân loại, in trong Nguyễn Đình Thi bí mật cuộc đời. Văn học, 2008

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…